Mục Lục Bài Viết
Kỹ thuật trắc địa – bản đồ là gì?
Ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ bao gồm Khoa học và công nghệ về việc thu thập, phân tích và biểu diễn các thông tin không gian (dựa trên Trái đất). Nó bao gồm những ứng dụng thú vị như định vị vệ tinh, viễn thám, trắc địa, địa chính và hệ thông tin địa lý. Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ là một trong những ngành khoa học thông tin phát triển nhanh nhất ở Việt Nam và khắp thế giới.
Kỹ thuật trắc địa – bản đồ học gì?
Sinh viên theo ngành này được đào tạo kiến thức chung về xây dựng, về trắc địa, có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Trắc địa trong xây dựng công trình, chuyên sâu về địa chính và đo đạc địa chính. Kỹ sư Trắc địa xây dựng – Địa chính ra trường có khả năng thực hiện được các công việc sau:
– Tổ chức và thực hiện công tác trắc địa, trắc địa xây dựng, địa chính.
– Lập đề cương kinh tế – kỹ thuật công tác trắc địa, trắc địa xây dựng các dạng công trình, đo đạc địa chính.
– Trực tiếp chủ trì và thực hiện công tác trắc địa xây dựng các dạng công trình khác nhau trong các giai đoạn, bao gồm: khảo sát xây dựng, thiết kế, tổ chức công trường xây dựng và chỉ đạo thi công, nghiệm thu và sử dụng công trình.
– Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực trắc địa, trắc địa công trình.
Kỹ thuật trắc địa – bản đồ làm gì?
Kỹ sư chuyên ngành Trắc địa xây dựng – Địa chính sau khi tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng có thể làm việc tại các vị trí:
– Cán bộ thuộc phòng kỹ thuật, phòng khảo sát địa hình,… của các công ty xây dựng; các công ty tư vấn, thiết kế công trình; các công ty khảo sát địa hình;
– Nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo;
– Các cơ quan nhà nước về quản lý đất đai – địa chính: như Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng địa chính – nhà đất quận huyện, xã phường; các công ty đo đạc địa chính;…
Kỹ thuật trắc địa – bản đồ cần tố chất gì?
- Kĩ năng giao tiếp: Các nhân viên trắc địa không làm việc một mình mà thường làm việc theo nhóm, là thành viên của một nhóm khảo sát hoặc một nhóm xây dựng, phải trao đổi thông tin, hợp tác với nhiều người, từ các nhân viên trắc địa khác đến các nhà thầu, chủ đầu tư, kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng, người ở hữu đất… nên kĩ năng giao tiếp, tương tác tốt là rất cần thiết để đảm bảo chất lượng công việc. Nhân viên trắc địa cần cung cấp các chỉ dẫn rõ ràng cho các đồng đội. Họ cũng phải nhận chỉ dẫn, yêu cầu từ các kiến trúc sư, người quản lí xây dựng, giải thích tiến độ công việc cho các nhà quy hoạch, lí giải các vấn đề phân chia đất, các thay đổi ranh giới đất cho các luật sư trong các vụ kiện về đất đai,… Nếu không có kĩ năng giao tiếp tốt thì các nhân viên trắc địa không thể truyền tải thông tin rõ ràng để đảm bảo những người tham gia dự án đều hiểu thông tin và thực hiện kế hoạch, giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Chú ý đến tiểu tiết: Các nhân viên trắc địa phải làm việc với độ chuẩn xác cao bởi bản chất liên quan tới pháp luật của các thông tin họ cung cấp. Việc đo đạc, khảo sát, phân tích phải chính xác đến từng milimet, không thể qua loa đại khái, nếu không chú ý đến tiểu tiết, tỉ mỉ, cẩn thận thì dễ dẫn đến sai sót, gây hậu quả về sau như sự không bền vững của công trình khi những biến đổi địa chất làm công trình dịch chuyển, sự tranh chấp đất đai, vi phạm lãnh thổ…
- Thể lực tốt: Các nhân viên trắc địa thường xuyên phải làm việc ngoài trời, nhất là những nơi có địa hình gồ ghề, trên độ cao, đối mặt với mưa nắng, thậm chí phải đi bộ nhiều, di chuyển nhiều, có những khi phải đi đến các tỉnh xa. Yêu cầu công việc không chỉ cần đến suy nghĩ trí lực mà còn phải dùng nhiều năng lượng thể lực như vậy đòi hỏi các nhân viên trắc địa phải có sức khỏe tốt, sức bền, dẻo dai, nhanh nhẹn.
- Kĩ năng giải quyết vấn đề: Các nhân viên trắc địa thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề bất ngờ do địa hình, địa chất thay đổi liên tục bởi sự chuyển động của Trái Đất và các mảng kiến tạo. Ví dụ, nhân viên trắc địa phải chỉ ra sự khác biệt giữa ranh giới đất đai trong các tài liệu và tình trạng hiện tại. Nếu có sự khác biệt so với các năm trước, các nhân viên trắc địa phải lí giải được tại sao các ranh giới đó đã được thiết lập lại. Vì vậy, các nhân viên trắc địa cần khả năng tư duy phản biện, kĩ năng phân tích đánh giá nhạy bén, linh hoạt để giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Khả năng kĩ thuật: Trắc địa là một ngành luôn phát triển không ngừng, liên tục có những đổi mới trong công nghệ, máy móc, phương pháp thu thập và phân tích số liệu giúp công việc của các nhân viên trắc địa dễ dàng hơn. Các nhân viên trắc địa phải sử dụng các công nghệ phức tạp, các phần mềm, chương trình máy tính nâng cao để phân tích số liệu, các máy móc như máy thủy bình, máy kinh vĩ, máy toàn đạc…, các thiết bị GPS để thu thập các dữ liệu, số liệu đo đạc. Vì vậy, nhân viên trắc địa cần có kiến thức chuyên môn kĩ thuật vững và học hỏi không ngừng để sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện này trong công việc và cải tiến, sáng tạo ra các công nghệ tiên tiến hơn.