Mục Lục Bài Viết
Ngành Nuôi trồng thủy sản là gì?
Thủy sản là một thuật ngữ chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Trong các loại thủy sản, thông dụng nhất là hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và khai thác các loại cá.
Nuôi trồng thủy sản là một khái niệm dùng để chỉ tất cả các hình thức nuôi trồng động thực vật thủy sinh ở các môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Đây là một lĩnh vực rất rộng và là một nghề ngành nghề đang phát triển rất mạnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long sau cây lúa ở Việt Nam.
Ngành Nuôi trồng thủy sản học gì?
Là một kỹ sư Nuôi trồng thủy sản bạn sẽ được cung cấp những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực thủy sản. Bạn sẽ có được khả năng làm việc độc lập tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo, các cơ sở có liên quan đến ngành thủy sản.
Bất cứ ngành học nào cũng phải học những kiến thức đại cương. Còn về chuyên ngành bạn sẽ được học đầy đủ những kiến thức liên quan đến ngành mình. Cụ thể:
Về nuôi bạn sẽ được học tất cả những kỹ thuật nuôi các loại cá, tôm, nhuyễn thể của cả nước ngọt, nước lợi, nước mặn. Không chỉ vậy bạn sẽ biết những làm sao để nuôi những loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như rắn ri voi, cá chình… Và còn những chú cá kiểng xinh đẹp và dễ thương nữa.
Cá rô phi đẻ trứng hay đẻ con? Bạn sẽ tìm được câu trả lời trong môn sản xuất giống. Bạn sẽ được biết cách sản xuất giống tự nhiên là như thế nào, nhân tạo ra sao. Bạn sẽ có cơ hội trở thành một “Ngư y” thủy sản.
Tại sao cá, tôm tôi nuôi lại bị bệnh? Còn người khác nuôi thì không? Bệnh của cá có giống như người hay không? Làm sao để có thể chữa khỏi bệnh cho cá? Bạn sẽ có những kiến thức trên trong môn Bệnh học Thủy Sản.
Về quản lý: bạn sẽ biết cách làm sao để nuôi cá có hiệu quả, khai thác cá tự nhiên như thế nào? Làm sao bảo vệ được đàn cá tự nhiên…
Bạn sẽ được học ngành này tại các trường trên toàn quốc như: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM; Trường ĐH Thủy sản (gồm các chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản, Quản lý môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản); Trường CĐ Bình Định; Trường ĐH Quảng Bình; Trường ĐH Tây Đô; Trường ĐH Trà Vinh; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH An Giang; Trường ĐH Đồng Tháp.
Ngành Nuôi trồng thủy sản ra trường làm gì?
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Nuôi trồng thủy sản, sinh viên có các cơ hội làm việc tại:
– Cơ sở nuôi trồng thủy sản;
– Cơ sở sản xuất, công ty dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản;
– Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản;
– Cơ quan khuyến ngư và quản lý nguồn lợi thủy sản;
– Cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng – chế biến thủy sản;
– Cơ sở nghiên cứu (Viện, Trung Tâm,…) nuôi trồng và kinh tế thủy sản
– Cơ sở đào tạo (Trường TCCN, Cao đẳng, Đại học,…) nuôi trồng thủy sản
– Các cơ quan nhà nước (xã, huyện, tỉnh, bộ và các ban ngành)
Ngành nuôi trồng thủy sản cần những tố chất gì?
Để thành công trong nghề, Bạn cần liên tục biết đổi mới phương pháp nuôi trồng của mình phù hợp với thời tiết, khí hậu, hoàn cảnh và môi trường. Sự yêu nghề là yếu tố chính quyết định thành công của bạn. Ngoài ra, bạn cần chăm chỉ, kiên trì và bền bỉ với công việc, vì quá trình nuôi trồng là một quá trình dài, đòi hỏi sự nhẫn nại và đầu tư nhiều công sức.