Fixi.vn – Nếu bạn yêu thích sinh học, quan tâm đến sức khỏe cộng đồng hay đơn giản là trót yêu thích màu áo bờ lu trắng hãy thử sức với nghề bác sĩ.
Mục Lục Bài Viết
Bác sĩ là ai?
Y học là một môn khoa học chuyên nghiên cứu bệnh lý, cách phòng bệnh và chữa bệnh. Bác sĩ giữ vai trò chủ lực trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ngừa bệnh từ sớm, chuẩn đoán căn nguyên bệnh chứng và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ thì làm gì?
Ngành y vốn có sô lượng chuyên ngành khổng lồ, vậy hãy cân nhắc kĩ càng chuyên ngành nào phù hợp với bạn nhé!
- Bác sĩ đa khoa: Làm việc trong các bệnh viện đa khoa, các trạm y tế tổng hợp. Họ có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực y học khác nhau và đảm nhiệm vai trò khám tổng quát cho bệnh nhân. Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân mà bác sĩ đa khoa có những lời khuyên thích đáng, kê đơn thuốc, yêu cầu làm các xét nghiệm cụ thể hoặc chuyển bệnh nhân tới gặp bác sĩ chuyên khoa.
- Bác sĩ chuyên khoa: Bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn sâu về một bộ phận nào đó trong cơ thể con người như các chuyên khoa: răng, tai – mũi – họng, mắt, chấn thương chỉnh hình, da liễu, tim mạch, nội tiết… Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể chuyên về một lứa tuổi nào đấy như nhi khoa, lão khoa. Họ làm việc tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa.
- Bác sĩ ngoại khoa: Công việc chủ yếu của bác sĩ ngoại khoa là tiến hành phẫu thuật cơ thể bệnh nhân để cắt bỏ các khối u, chỉnh sửa, nối ghép các bộ phận bị thương tổn… Công việc này đòi hỏi bạn phải là người có đôi bàn tay vàng, sức khoẻ tốt và một thần kinh thép với khả năng tập trung tuyệt vời. Bác sĩ ngoại khoa cũng thường chuyên về một lĩnh vực nào đấy, như phẫu thuật não, tim, gan, thần kinh cột sống…
Bác sĩ William Jame
- Bác sĩ thú y: Là người làm công việc chẩn đoán và chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau cho các loại động vật. Ngoài ra, họ cũng tiến hành nghiên cứu và phòng chống sự lan rộng của dịch bệnh trên động vật, tránh lây truyền cho con người. Bác sỹ thú y thường làm việc trong các vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên, trong các đơn vị quản lý về y tế, môi trường… Ngoài ra, họ cũng có thể mở phòng khám của riêng mình, chuyên nhận bệnh nhân là những con “vật cưng” của các gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện bệnh viện dành cho vật nuôi.
- Bác sĩ phụ khoa: Công việc của bác sĩ phụ khoa là khám định kỳ và không định kỳ cho các sản phụ, siêu âm, xét nghiệm… để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để có tư vấn hợp lý cho sản phụ… Bác sỹ sản phụ khoa cũng là người tư vấn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động hợp lý cho sản phụ và thai nhi. Ngoài ra, bác sỹ sản phụ khoa tham gia vào các công việc về kế hoạch hoá gia đình, giúp sản phụ sinh nở…
Bác sĩ làm việc ở đâu?
Những người làm việc trong ngành y dành phần lớn thời gian của mình tại bệnh viện, phòng khám, viện nghiên cứu… Công việc thường rất vất vả và đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác và tập trung cao độ. Họ cũng phải thường xuyên trực đêm, hoặc làm việc vào ngày nghỉ. Không những thế, người làm trong ngành y thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, vi khuẩn, thậm chí với cả tử thi.
Học nghề bác sĩ ở đâu?
Là nghề đòi đòi hỏi về tính chuyên môn cao, thời gian học ngành y kéo dài tới 6 năm, chưa kể thời gian đào tạo chuyên môn. Bạn có thể theo học tại: Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y dược Huế, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược Thái Bình v.v…
Nghề y cũng như bao ngành nghề khác, yêu cầu những tố chất riêng. Muốn biết mình có thể trở thành một cán bộ giỏi trong ngành y, bạn hãy xem mình có những tố chất dưới đây không nhé?
- Lòng nhân đạo, thương người
Làm nghề y, bạn sẽ phải tiếp xúc với những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của đồng loại. Nếu bạn không có lòng thương người, bạn sẽ không bao giờ đặt được mình vào hoàn cảnh bệnh nhân, cảm nhận nỗi đau của họ để hết lòng cứu chữa. Một bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân sẽ luôn tìm cách để hỗ trợ họ nhiều nhất theo khả năng của mình.
- Sự kiên trì, nhẫn nại
Đây là đức tính thứ hai mỗi thầy thuốc buộc phải có. Ngay số năm học trong trường đại học Y cũng đã là một thử thách. Hãy hình dung là bạn sẽ phải học 6 năm đại học để có tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ, một số người xuất sắc sẽ được dự thi để học tiếp 3 năm bác sĩ nội trú, rồi chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư… Phải mất 9 đến 10 năm sau khi tốt nghiệp bạn mới có thể thực sự trở thành bác sĩ chuyên khoa có tay nghề vững chắc. Nếu không có tính kiên trì, liệu bạn có thể đi hết con đường dài đó?
Làm bác sĩ cần những tố chất gì
- Lòng can đảm
Lòng can đảm của người thầy thuốc trước hết được thể hiện ở sự chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình. Công việc hằng ngày của bạn sẽ phải tiếp xúc với máu, với các bộ phận hư tổn trên cơ thể người và cả những thi thể. Nếu bạn không chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu thì có thể bạn sẽ bối rối ngay từ giờ học giải phẫu đầu tiên trong giảng đường đại học.
- Tính cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực
Làm nghề y là phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Công việc của bạn mang tính sống còn bởi một quyết định của bạn có thể liên quan đến sự sống chết của một mạng người. Nếu bạn không cân nhắc cẩn thận, đưa ra những quyết định vội vàng hoặc không kịp thời, thiếu thận trọng, hay không trung thực thì có thể bạn sẽ phải ân hận suốt đời.
- Đôi bàn tay khéo léo
Đôi bàn tay khéo léo đặc biệt quan trọng đối với bác sĩ các khoa ngoại, sản phụ, mắt, răng hàm mặt, … Có người từng nói rằng đôi bàn tay, đó là một trong những “gia tài” quý báu nhất của bác sĩ ngoại khoa. Công việc của bạn liên quan đến những bộ phận nhỏ nhất như những mạch máu li ti trong cơ thể con người. Người bác sĩ phẫu thuật vì thế không thể mắc bất kì sai sót nào dù là nhỏ nhất.
- Sức khoẻ
Nghề nào cũng cần sức khoẻ, nhưng đối với nghề y thì sức khoẻ đặc biệt quan trọng. Khi trở thành bác sĩ, bạn có lúc phải trực 24/24 giờ, phải khám chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân hay đi công tác xuống tuyến dưới… Không có đủ sức khoẻ thì có thể bạn sẽ là… bệnh nhân tiếp theo đấy.
Làm bác sĩ là chấp nhận làm ‘sinh viên y khoa’ suốt đời
Học tập và làm việc trong ngành y đầy rẫy những vất vả và khó khăn. Ngay từ khi cánh cửa trường đại học Y mở ra thì các sinh viên đã bắt đầu việc học tập vô cùng căng thẳng. Các em phải ghi nhớ từng chi tiết nhỏ nhất trong cơ thể con người, từng cấu trúc mô, từng cơ quan nội tạng xuyên suốt thời gian hành nghề y.
Không những thế, sinh viên y khoa còn phải ghi nhớ từng loại bệnh, từng tên thuốc, loại thuốc, công dụng, cách dùng, tác dụng phụ, cách xử lý khi có mẫn cảm,… Trong suốt 6 năm tại trường đại học, buổi sáng là các lớp học thực tế trên người bệnh, cũng khám bệnh, phân tích ca bệnh với các bác sỹ đã vào nghề. Buổi chiều là lúc sinh viên lên giảng đường nghe giảng lý thuyết hoặc tìm thêm tài liệu tại thư viện. Tối là lúc các sinh viên tự học, tìm tòi nghiêm cứu thêm.
Mặc dù vất vả khổ luyện là thế nhưng ngay kể cả khi đã cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay họ cũng chưa thể tự hành nghề được vì cơ thể con người vốn là một bộ máy tinh vi phức tạp nhất, nên bệnh cảnh cũng muôn hình muôn vẻ, không ai giống ai. Cùng một bệnh nhưng giữa hai người đôi khi lại có những biểu hiện khác nhau. Cùng triệu chứng giống nhau nhưng chưa hẳn đã trùng bệnh vì chuẩn đoán chính xác một căn bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nên bác sỹ phải quan sát, thấu hiểu từ những thay đổi nhỏ nhất của người bệnh như: tính tình, màu da, màu nước tiểu hay tiếng khóc khác thường của bệnh nhi, đó cũng là một trong những yếu tố giúp cho chẩn đoán bệnh.
Ngày nay, ngoài kiến thức uyên bác của một thầy thuốc thì các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng như: chụp cắt lớp vi tính, chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm…đã giúp cho chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Nhưng máy móc vẫn phải do con người điều khiển nên dù khoa học có tiến bộ ra sao thì yếu tố quyết định vẫn là kiến thức của con người, mà điều này chỉ có được bằng sự cố gắng trong học tập và không ngừng cọ xát cùng thực tế.
Học để có tay nghề giỏi thôi chưa đủ, người bác sĩ tương lai còn phải học để có thái độ ứng xử đúng mực. Do vậy sự học đối với người làm nghề y là phải suốt đời. Thay lời kết, xin được trích dẫn lời phát biểu của một thầy thuốc, cố giáo sư, bác sĩ Phạm Biểu Tâm: “Y khoa là một nghề cao quý nếu ta muốn cao quý, cũng là một nghề thấp hèn nếu ta muốn thấp hèn. Bác sĩ là một sinh viên y khoa suốt đời. Trong khi hành nghề khó tránh khỏi đôi lúc ân hận nhưng đừng bao giờ để phải hối hận suốt đời”.
DANH NHÂN NGHỀ Y
- Hyppocrate (460 – 370 trước Công nguyên)
Hyppocrate sống vào thời kỳ văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại. Hyppocrate được thừa nhận là ông tổ của ngành y, và là người đầu tiên đặt ra nền móng việc chữa trị dựa vào biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân và diễn tiến của bệnh lý. Ông đã giúp xác lập địa vị của ngành y như một môn khoa học và khiến nó dần thoát li khỏi ảnh hưởng thần bí của tôn giáo. Ông cũng là tác giả của “Lời thề thầy thuốc” hay còn gọi là “lời thề Hyppocrate” mà mỗi sinh viên nghề thuốc đều phải tuyên thệ mãi đến ngày nay.
- Louis Pasteur (1822 – 1895)
Louis Pasteur sinh ngày 27-12-1822 tại thị trấn Dole, miền Đông nước Pháp. Công trình xuất sắc nhất trong sự nghiệp vĩ đại của Pasteur là nghiên cứu virus dại. Sau nhiều năm mày mò khảo sát, ông đã hoàn tất việc chế tạo vắc xin phòng bệnh dại năm 1881, nhờ đó đã cứu được mạng sống của biết bao người. Nhưng một điều ít người biết là đến thời điểm ấy, ông đã bị liệt nửa người và chỉ có nửa bán cầu não còn hoạt động. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn ông tiếp tục cống hiến cho ngành vi trùng học mãi đến lúc cuối đời.
· Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 – 1968)
Ông là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về bệnh lao và là người sáng lập ra Viện chống lao. Những công trình nghiên cứu của ông về lao và bệnh phổi là những cột mốc, tiêu chuẩn cho chuyên ngành lao và bệnh phổi: tiêm phòng chống lao bằng BCG…
Từ năm 1945, ông bắt đầu tham gia kháng chiến và đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch ủy ban kháng chiến đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1955, ông là thứ trưởng Bộ Y tế kiêm viện trưởng Viện chống lao Trung ương. Trong thời gian này, ông đề ra năm phương châm y tế cách mạng, đường lối tổ chức y tế và nghiên cứu y học Việt Nam.
Phạm Ngọc Thạch trở thành bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1959 và là người tổ chức mạng lưới y tế đến cơ sở, gíup công tác phòng chữa bệnh và cấp cứu trong chiến tranh.
Năm 1968, ông xung phong vào miền Nam chỉ đạo công tác y tế và hy sinh tại Tây Ninh trong đợt đi khảo sát để nắm rõ tình hình y tế về mọi mặt ở Nam bộ. Ông được chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động – Giải thưởng Hồ Chí Minh.
· GS.VS. Tôn Thất Tùng (1912 – 1982)
GS Tôn Thất Tùng là thầy thuốc đầu tiên trên thế giới đặt cơ sở cho phương pháp cắt gan khô dựa trên luận án nghiên cứu về các mạch máu trong gan. Ngày 20-9-1961, ông mổ cắt nửa gan phải cho một người bị bệnh u gan, ca mổ chỉ kéo dài 6 phút. Trong vòng một năm tiếp theo, ông đã mổ cắt gan tổng cộng 50 trường hợp, gấp mười lần số ca mổ gan trên thế giới lúc bấy giờ
Tôn Thất Tùng được bầu làm viện sĩ Viện Hàn Lâm Y học Liên Xô (cũ), viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, ủy viên Hội Phẫu thuật Lyon, ủy viên Hội phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ) và ủy viên Hội phẫu thuật Algerie. Khi còn sống, ông là đại biểu Quốc hội, anh hùng lao động và được tặng nhiều huân chương cao quý.