oFixi.vn – Nếu bình thường bạn vẫn hay được bạn bè tìm đến tâm sự, chia sẻ, xin lời khuyên, có thể bạn có tiềm năng trở thành một bác sĩ tâm lý đó.
Mục Lục Bài Viết
Bác sĩ tâm lý – Họ là ai?
Bác sĩ tâm lý là người nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý, hành vi của con người nhằm phát hiện nguyên nhân của các bất ổn tâm lý của thân chủ. Từ đó đưa ra những liệu pháp tâm lý và lời khuyên chuyên môn để xoa dịu hoặc triệt để giải quyết những khúc mắc trong lòng thân chủ.
Bác sĩ tâm lý làm gì?
Thông thường, các bác sĩ tâm lý có thể tư vấn độc lập hoặc kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu khác để phối hợp giải quyết các vấn đề tâm lý và sức khỏe của thân chủ. Đây là một quá trình đòi hỏi óc quan sát tinh tế, sự đồng cảm cùng nhiều thủ thuật chuyên môn.
- Đầu tiên, các bác sĩ tâm lý cần tiến hành đánh giá nhu cầu, năng lực, hành vi của thân chủ thông qua các biện pháp nghiệp vụ như bài kiểm tra tâm lý, trò chuyện và quan sát.
- Tiếp đến, các chương trình điều trị phù hợp từ tư vấn, cung cấp lời khuyên hay thậm chí điều trị bằng thuốc sẽ được tiến hành.
- Ngoài ra, các bác sĩ còn giúp tư vấn, đưa ra lời khuyên cho người thân hay người giám hộ của thân chủ để gia tăng tính hiệu quả của liệu pháp điều trị.
- Các bác sĩ tâm lý cũng có thể phối hợp làm việc cùng các chuyên gia đa ngành như bác sĩ, y tá, các tổ chức xã hội hay chuyên gia giáo dục hay cơ quan điều tra khi có nhu cầu.
Bác sĩ tâm lý làm việc ở đâu?
Bác sĩ tâm lý có thể làm việc tại chuyên khoa tâm thần trong bệnh viện hoặc mở phòng khám riêng. Họ cũng có thể là người tư vấn tâm lý học đường trong các trường học, trung tâm tư vấn hay trở thành giáo viên giảng dạy tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, những bác sĩ tâm lý giàu kinh nghiệm cũng luôn là đối tượng được các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và bộ phận nghiên cứu tâm lý khách hàng của nhiều công ty lớn chào đón.
Một số nghề nghiệp trong ngành Tâm lý học
- Nhà tâm lý học đường: Đây là những người làm việc tại các trường học. Họ sẽ tham gia vào việc ngăn ngừa những khó khăn thất bại trong học tập và cả đời sống tinh thần của học sinh, giúp học sinh giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống để đạt được thành tích cao hơn trong học tập.
- Nhà trị liệu tâm lý: Họ làm việc tại các bệnh viện tâm thần hoặc các bệnh viện, trung tâm trị liệu khác. Họ có trách nhiệm hỗ trợ cho nhà tâm lý học hoặc bác sỹ tâm thần. Trong một số trường hợp họ có thể làm việc độc lập, giúp cho những người có nhu cầu trị liệu tâm lý giải quyết được những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài cũng như nội tại. Với mỗi trường hợp khác nhau nhà trị liệu tâm lý sẽ áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau, chẳng hạn như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình v.v…
- Chuyên viên tham vấn: Chuyên viên tham vấn có thể làm việc tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng như 1080, 1088, 1900… hoặc các dự án phi chính phủ v.v… Công việc của họ là gặp gỡ, trò chuyện với những người có nhu cầu tư vấn về tâm lý, thường phát sinh trong các lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình,… để họ nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất.
- Nhà tâm lý học: họ làm việc tại các viện hoặc trung tâm nghiên cứu các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, công ty,…. Công việc của họ rất đa dạng, chẳng hạn như nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào việc lập kế hoạch, chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong các hoạt động quản trị kinh doanh. Hoặc họ cũng có thể tham gia vào các dự án, chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước hay các tổ chức phi chính phủ.
Học nghề bác sĩ tâm lý ở đâu?
Hiện nay đã có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành tâm lý học trong nước như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH KHXH&NV; – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Công nghệ TPHCM, Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nếu có điều kiện, hoặc bạn cũng có thể theo học ngành tâm lý học tại nhiều trường ở nhiều quốc gia trên thế giới như University of Otago, University of Auckland, University of Edinburgh, Queen’s University…
Những người có nguyện vọng trở thành bác sĩ tâm lý cần chuẩn bị cho mình những gì?
- Kiến thức: Do phải tiếp xúc với các đối tượng thân chủ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, bác sĩ tâm lý cần có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống để có cách ứng xử phù hợp. Ngoài ra, vốn kiến thức uyên bác về các vấn nạn xã hội cùng xu hướng, trào lưu đang thịnh thành cũng tạo thành hỗ trợ đáng kể cho người bác sĩ tâm lý trong công tác điều trị.
- Kỹ năng phân tích tổng hợp thông tin: Khác với những lĩnh vực y học lâm sàng vốn có thể sử dụng máy móc để xác định nguyên nhân căn bệnh, bác sĩ tâm lý cần tìm hiểu nguyên nhân “tâm bệnh” thông qua các buổi trò chuyện, quan sát hành vi của thân chủ. Do đó kỹ năng tổng hợp, phân tích những thông tin là tố chất không thể thiếu của một bác sĩ tâm lý thành công.
- Tính nhẫn nại, thân thiện: Không phải bao giờ thân chủ cũng sẵn sàng tiết lộ những nỗi bất an trong tâm can cho một người xa lạ nên các bác sĩ tâm lý cũng cần sự kiên trì bền bỉ, một con tim nhân ái nhạy cảm với cảm xúc của người đối diện, và thái độ thân thiện để giúp thân chủ dễ mở lòng trò chuyện.
Phân tích, tổng hợp thông tin chính là một trong những thế mạnh nổi trội của bác sĩ tâm lý
Lẽ hiển nhiên, ngành tâm lý học đồ sộ không thể chỉ được vun đáp trong một đêm mà phải trải qua cả quá trình phát triển lâu dài cùng đóng góp của những cá nhân vĩ đại. Hãy cùng Fixi điểm qua một vài gương mặt lừng danh trong nghề nghiệp độc đáo này nhé!
- George Herbert Mead (1863-1931)
George H. Mead là giáo sư tâm lý xã hội thuộc Đại học Chicago. Ông là một học giả có ảnh hưởng rộng lớn dù chưa bao giờ viết sách để chứng minh học thuyết của mình. Những lớp tâm lý học đầu tiên của ông khai giảng vào năm 1900. Đến những năm 1927-1930, các ý tưởng và luận thuyết của Mead đã nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ và phổ biến rộng rãi.
- Sigmund Freud (1856-1939)
Sigmund Freud là một bác sĩ về thần kinh và tâm thần người Áo, ông tổ của ngành Phân tâm học. Vì là một học giả gốc Do Thái, từ năm 1938 ông sống lưu vong để tránh chế độ phát xít Đức lùng giết trước khi qua đời tại Anh năm 1939. Freud đã đề xướng phép trị liệu phân tâm học bằng cách sử dụng các phép liên tưởng, việc giải mã ý nghĩa các giấc mơ để phân tích những tác nhân gây bệnh sâu kín nhất.
- Carl Gustav Jung (1875-1961)
Carl Gustav Jung là người cùng thời với Freud, một nhà phân tâm học tại Zurich. Lúc đầu, Jung là môn đệ trung thành của học thuyết Freud. Nhưng sau đó, ông lại chối bỏ học thuyết ấy, cho rằng đó là lý thuyết dục tính và quá mang màu sắc cá nhân. Kể từ đó, ông nỗ lực xây dựng một lý thuyết mới, gọi là “tâm lý trị liệu”.
Lịch sử ngành tâm lý học và các lý thuyết nổi tiếng.
Có nhiều ý kiến cho rằng thuật ngữ tâm lý học được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà triết học người Đức Rudolf Goeckel vào năm 1590. Đã có thời, tâm lý học được coi như môn nghiên cứu về linh hồn, và hình thức tâm lý học hiện đại ngày nay chỉ mới được khai sinh bởi Wilhelm Wundt vào năm 1879. Ông đã tách Tâm lý học ra khỏi các ngành khoa học khác, mà đặc biệt là ngành thần học để nó trở thành một môn khoa học độc lập. Ngày nay, vị trí tâm lý học và vai trò của nó đến sức khỏe và tâm thần của con người được công nhận rộng rãi với vô số học thuyết được đưa ra. Theo dòng lịch sử, chúng ta có thể điểm qua một vài học thuyết nổi tiếng:
Thuyết Hành vi: Tiếp cận và lý giải hành vi là một trong những cố gắng rất lớn của tâm lí học thế giới đầu thế kỉ XX, nhằm khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu tâm lí của người thời bấy giờ. Học thuyết này cho rằng mọi hoạt động tâm lý của con người thật chất chỉ là những phản xạ có điều kiện. Trong số những tên tuổi nổi danh ủng hộ thuyết hành vi, có thể kể đến: J.B.J.Watson (1878:1958) và B.F.Skinner (1904-1990) với thí nghiệm dùng tiếng chuông để kích thích một chú chó nhỏ nước dãi.
Thuyết Phân tâm: Ngày nay, thuật ngữ “Phân tâm học” cùng với tên tuổi của người sáng lập nó là Sigmund Freud hẳn không xa lạ với nhiều người. Trong khi những tên tuổi vĩ đại khác của khoa học tâm lý chỉ được biết đến trong giới chuyên môn thì S.Freud lại được quảng đại quần chúng biết đến. Ông thuộc về một trong số ít nhà tư tưởng đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về bản thân mình.
Thuyết phát sinh nhận thức – Jean Piaget: Cho tới cuối thế kỷ XX, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu sự phát sinh nhận thức và trí tuệ trẻ em đạt được sâu sắc và tính hệ thống bằng J.Piaget. Suốt bảy thập kỷ kiên trì và sáng tạo khoa học, ông đã góp phần không nhỏ vào việc khai sáng một lĩnh vực khoa học mới: Tâm lý học phát triển. vốn có nhiều ứng dụng trong công tác giáo dục, và được các thầy cô giáo, phụ huynh trên toàn thế giới, những người gắn bó với công tác “trồng người” ghi công.
Thuyết hoạt động: Do các nhà tâm lý học Liên Xô cùng với nhiều nhà tâm lý của Đức, Pháp, Bungari sáng lập. Tâm lý học hoạt động lấy Triết học Mác – Lênin làm cơ sở lý luận và phương pháp luận. Các nhà Tâm lý học hoạt động cho rằng, tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người. Tâm lý người có cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội, được hình thành trong hoạt động, giao tiếp và trong các mối quan hệ xã hội. Vì thế, tâm lý người mang bản chất xã hội và mang tính lịch sử, là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp.