Fixi.vn – Không nằm trong top những nghề “hot” nhưng biên tập viên vẫn luôn thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Những bạn yêu viết lách hãy thử tìm hiểu nghề này xem nhé!
Mục Lục Bài Viết
Biên tập viên là ai?
Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM) : “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”.
Một cách chính xác, biên tập viên không phải là một nghề mà là một vị trí công việc, xuất hiện trong các lĩnh vực như Báo chí, Truyền hình, Xuất bản… Đây thường là vị trí yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của người làm bởi những người biên tập chính là người nâng cao chất lượng, đảm bảo tính chính xác của các bản thảo văn học, bài viết của phóng viên hoặc chỉnh sửa kịch bản cho các chương trình truyền hình.
Biên tập viên làm gì?
Có lẽ sẽ rất nhiều người muốn biết nhiệm vụ thực sự của một biên tập viên trong toàn soạn là gì? Nếu câu hỏi này được đặt cho một người bình thường thì có thể câu trả lời chỉ là sửa lỗi các bài viết. Nhưng nếu đặt câu hỏi này với một biên tập viên thực sự thì câu trả lời sẽ khác: từ nghe ngóng họp bàn về tin tức, chỉ định đề tài, làm việc với phóng viên, cho tới sửa bài và chỉ dẫn dàn trang….
- Đối với lĩnh vực Báo chí, khi một phóng viên đi viết bài về, việc đầu tiên họ làm chính là giao bài cho biên tập viên, người sẽ kiểm tra thông tin, đọc lại, góp ý về cách viết và sửa chữa bài viết. Ngoài các lỗi về diễn đạt thông thường, bài viết có thể gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như thông tin bị xuyên tạc, bịa đặt một cách cố tình (hoặc vô tình). Biên tập viên sẽ là người bảo vệ uy tín của toàn soạn và các phóng viên bằng việc kiểm định các thông tin này trước khi chúng được xuất bản. Vì kinh nghiệm và kỹ năng uyên bác, họ cũng tham gia vào công việc định hướng nội dung cho cả tòa soạn. Nói cách khác, vai trò của họ trong tòa soạn chính là tạo ra sản phẩm có chất lượng và diện mạo tốt nhất tới tay người đọc;
- Trong lĩnh vực Truyền hình, các biên tập viên thực chất chính là các phóng viên truyền hình. Không “nhàn nhã” như hình ảnh chỉ ngồi đọc tin lúc lên hình, trước đó họ là người lên ý tưởng, tìm kiếm nguồn tin, lấy tin, biên tập thành bản tin, đọc tin và đảm bảo công việc ghi hình để bản tin của mình luôn “đáng xem” nhất. Họ phải luôn sáng tạo trong việc dẫn dắt, khai thác vấn đề, lựa chọn và khai thác nhân vật phỏng vấn phù hợp, cũng như ứng biến với muôn vàn tình huống có thể xảy ra khi bắt đầu ghi hình;
- Trong lĩnh vực Xuất bản, một biên tập viên đã từng viết như sau về nghề của mình: “Đây nhé, bạn có thể phải cùng với tác giả thiết kế nên cấu trúc cuốn sách, một bộ xương sống để tác giả đắp da đắp thịt vào. Khi tác giả đã có một nội dung tàm tạm, bạn xem xét tổng thể và có thể đề nghị tác giả thêm chỗ này bớt chỗ kia. Sau đó bạn soi từng dòng từng chữ một cách tỉnh táo xem tác giả viết đã đúng chưa (đúng sự thực, đúng nhân vật, đúng tình cảm, đúng tình huống, đúng chính tả,…), và viết đã hay chưa. Nếu cuốn sách có ảnh hoặc cần ảnh, bạn sẽ phải lục lọi các nơi tìm kiếm, hoặc chọn trong hàng lô lốc ảnh tác giả gửi để chọn những tấm đẹp nhất, phù hợp nhất, và bạn phải quyết định đặt ảnh vào những phần nội dung nào để đạt hiệu quả minh họa tốt nhất. Bạn sẽ nghĩ về tên sách, có rất nhiều cái tên không hay, và bạn nhất định phải đổi v.v…”.
Kỳ thực đây mới chỉ là một đoạn ngắn trong phần mô tả công việc của một biên tập viên sách. Để nói về nghề này, có thể tóm gọn, đây là người chăm lo từ A-Zcho một cuốn sách để nó có thể được xuất bản, tái bản.
Biên tập viên làm việc ở đâu?
- Làm việc tại các toà soạn báo, đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản
Chiếm số lượng đông đảo và phong phú nhất vẫn là những biên tập viên hoạt động trong các toà soạn báo in, đài phát thanh, đài truyền hình và toà soạn báo Internet. Trong từng toà soạn, đài truyền hình, tùy thuộc vào mục đích, tôn chỉ, đối tượng khán giả, độc giả mà biên tập viên được phân công cụ thể về các ban, tiểu ban như ban Nội chính, Khoa học – Giáo dục, Văn hoá- Xã hội, Kinh tế, Quốc tế…
- Làm việc trong lĩnh vực chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí
Trong lĩnh vực này, tuỳ vào khả năng, điều kiện và kinh nghiệm công tác, bạn có thể làm việc tại:
– Vụ báo chí (Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương).
– Cục báo chí (Bộ Văn hoá- Thông tin)
– Các sở văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố…
- Làm việc trong các phòng Thông tin – Báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị- xã hội, các công ty truyền thông, các doanh nghiệp…
– Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo báo chí ở các trường đại học, viện nghiên cứu có ngành báo chí.
– Làm việc trong các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí các Đại sự quán trong và ngoài nước.
Làm thế nào để trở thành biên tập viên?
Thường thấy ở Việt Nam không ai dạy nghề này cho chuyên nghiệp. Dạy viết báo có trường có lớp, dạy biên tập thì không; hoặc nếu có cũng chỉ qua loa, sơ sài. Thông thường, lãnh đạo các tờ báo sẽ chọn một số phóng viên, những nhà báo hành nghề lâu năm, viết lách tốt và đề nghị họ trở thành biên tập viên. Tổng thư ký hoặc thư ký tòa soạn sẽ chỉ dẫn thêm cho họ một số quy định về biên tập rồi dạy nghề cho họ.
Tuy nhiên, bạn có thể học nghề viết ở những địa chỉ sau:
- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn- ĐH Quốc gia Hà Nội;
- ĐH KHXH & NV- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh;
- Đại học văn hóa Hà Nội
- ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh;
- Học viện Báo chí – Tuyên truyền : Ngành Báo chí – Truyền thông;
- Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM: ngành biên tập truyền hình.
Khách quan
Người biên tập viên phải có một cái nhìn khách quan. Khi chỉnh sửa hay đánh giá một bài viết, một phóng sự, họ phải nhìn nhận từ mọi khía cạnh của vấn đề, không thể chủ quan mà đánh giá một cách phiến diện bài viết của các phóng viên, cộng tác viên. Trách nhiệm của một biên tập viên là phải đặt chất lượng từng bài viết, từng trang viết lên hàng đầu.
Cẩn thận
Cẩn thận là một trong những tố chất rất quan trọng đối với một biên tập viên. Tức là cần phải thận trọng trong từng bước đi từ việc trình bày, chọn bài, dẫn dắt, chọn ảnh, tít, tiêu đề, soát chính tả… Yêu cầu đặt ra đối với một tờ báo, một cuốn sách, hay một bản tin là các công việc trên cần phải ăn khớp và hòa hợp với nhau, phải đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và đặc biệt phải phù hợp với phong cách và phương châm chung của đơn vị xuất bản. Vì vậy người biên tập cần phải thật cẩn thận trong việc biên tập, tránh những sai sót không đáng có chỉ vì lý do thiếu cẩn thận.
Thông minh, nhạy bén và có vốn hiểu biết sâu rộng
Đây là một tố chất mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có. Và đối với nghề viết thì nó càng quan trọng hơn. Một người biên tập phải thật tinh tế để biến tác phẩm từ tốt trở nên tốt hơn và tiến tới tốt nhất. Họ cũng cần một nền tảng kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống để khi tiến hành biên tập có thể phát hiện ra được lỗi sai, và biết được cái hay cái dở của bài viết.
Riêng đối với Biên tập viên Truyền hình, sẽ có nhiều yếu tố cần phải xem xét khác như giọng nói, ngoại hình, sự ứng biến, v.v…
Về kỹ năng, để trở thành Biên tập viên, dù làm ở mảng Báo chí, Truyền hình hay Xuất bản, trình độ viết của bạn phải đạt tới hàng “thượng thừa”. Khi viết phải đảm bảo các yêu cầu logic, mạch lạc nhưng sáng tạo, hấp dẫn. Các kỹ năng báo chí như bắt tin, truyền tin phải được sử dụng vô cùng linh hoạt.
Biên tập viên – Những người bảo vệ sự thực
Xét về chức năng và nhiệm vụ thì xem ra biên tập viên chính là cái “phin-tơ” (filter) cuối cùng trong cả dây chuyền, và nếu nó thủng một lỗ thì… ôi thôi rồi. Phóng viên sai thì còn có biên tập viên xem lại, còn biên tập viên mà sai (hoặc không nhìn ra lỗi của phóng viên) thì… báo đóng cửa. Vậy nên người ta gọi biên tập viên chúng ta là những người bảo vệ sự thực.
Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Hội đồng chấm Giải Báo chí Pulitzer rút lại giải phóng sự trao cho Janet Cooke, phóng viên 26 tuổi của tờ Washington Post, khi bài báo đăng trên trang nhất của cô, “Thế giới của Jimmy,” về một kẻ nghiện heroin mới lên 8 tuổi, bị phát hiện là bài hư cấu. Vụ bê bối “đạo văn” gần đây của phóng viên New York Times Jayson Blair làm người ta nhớ lại câu chuyện này. Và giờ đây, The New York Times đang phải tích cực kiếm tìm các biện pháp “bảo vệ” nhằm không để lọt những tin như vậy lên trang báo.
Giúp đỡ các biên tập viên thực hiện tốt trách nhiệm “bảo vệ sự thực” của họ là một nỗ lực bền bỉ của William G. Connolly, biên tập viên cao cấp của tờ Times cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 2001. Kể từ khi vụ giả mạo của Janet Cooke bị phát giác, Connolly thường lấy bài “Thế giới của Jimmy” làm ví dụ khi nói chuyện trong seminar mà ông gọi là “Cách giúp các biên tập viên tránh thảm họa”.
Bằng cách chỉ ra những điểm không nhất quán và những tình huống có vẻ không thật trong bài báo của Cooke, Connolly không chỉ giúp các biên tập viên “tỉnh táo” hơn để nhìn ra những chi tiết đáng ngờ mà còn khiến họ luôn phải đặt câu hỏi — bởi ông tin rằng đó là quyền và nghĩa vụ của những biên tập viên. Theo quan điểm của Connolly, “bất kỳ biên tập viên có trách nhiệm nào, khi vấp phải những câu hỏi mà bài báo ‘Thế giới của Jimmy” đặt ra, thì cũng đều dừng lại để suy nghĩ.”
Bài báo “đình đám” của Janet Cooke
Tuy nhiên, ngay cả những biên tập viên cần mẫn và tinh tế cũng có lúc bị lừa nếu phóng viên quá tinh quái. Tháng 4/2004, tờ The Daily Star ở Oneonta, New York, đã đăng một bài trên trang nhất để rồi sau đó phải cáo lỗi độc giả vì “không hoàn toàn chính xác”. Bài báo kể về một sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Hartwick đã trải qua thời kỳ nghỉ xuân ở Trại Fort Drum chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Bátđa.
Biên tập viên của tờ báo, Sam Pollak, đã thận trọng yêu cầu người viết phải tìm thêm một nguồn tin nữa, nhưng rốt cục, như lời ông viết khi cáo lỗi độc giả, “chúng tôi đã bị lừa.” Sinh viên nọ hoàn toàn dựng chuyện và tự giả giọng nguồn tin thứ hai. Pollak thừa nhận lỗi là ở biên tập, nhưng quả là “móng tay nhọn lại gặp… bấm móng tay.”
Cũng có những trường hợp liên quan tới các vấn đề địa phương, sắc tộc, tôn giáo, mà hậu quả là một bài viết được coi là bình thường trong cộng đồng này lại bị coi là sự xúc phạm ghê gớm trong cộng đồng khác. Điều này đòi hỏi biên tập viên phải là những người “biết tuốt” để luôn tránh những sai phạm của phóng viên xem ra đúng là sứ mạng bất khả thi, nhưng rõ ràng một biên tập viên giỏi phải là người luôn cảnh giác trước mọi vấn đề.
Những công việc hằng ngày của BTV thực thụ ngoài việc sửa lỗi các bài viết được nhà báo Ngọc Trân liệt kê với hàng loạt “núi” công việc: từ nghe ngóng, họp bàn về tin tức, tìm và chỉ định đề tài, làm việc với phóng viên đến sửa bài, chỉ dẫn dàn trang… Thật ra, họ còn phải làm nhiều hơn thế nữa: Tập trung suy nghĩ một cách sáng tạo cho việc xây dựng đề cương tuyên tuyền hàng tuần, tháng, vào những ngày lễ lớn, cả năm rồi khi Xuân về, Tết đến. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi càng tâm đắc khi nhà báo Ngọc Trân dẫn dắt chúng ta “giải mã” thấu đáo mối quan hệ “không đội trời chung” vẫn được xem là muôn thuở giữa phóng viên và BTV.
Biên tập viên và phóng viên có mối quan hệ gắn bó với nhau
Người biên tập có tài luôn nhận biết bài nào đủ tiêu chuẩn hoặc bài nào không. Khi sửa bài, họ phải đoan chắc rằng: ý đồ của người viết không bị xem nhẹ, giọng văn không bị mất đi và bạn đọc sẽ hài lòng với bài được đăng báo. Nhà báo Ngọc Trân vẫn lưu ý những tiêu chuẩn về biên tập: Bài phải rõ ràng và dễ hiểu đối với độc giả. Nếu bài chưa đáp ứng hai tiêu chuẩn này thì không nên để xuất bản. Vì nếu một phương tiện truyền thông không thể cung cấp sản phẩm hoàn hảo, độc giả sẽ mất tin tưởng, rồi dần dần bỏ đi – nếu sự việc cứ tiếp diễn.
Tuy nhiên, làm được như thế quả thật là điều không dễ dàng: người biên tập cần có sự cộng tác của người viết. Bởi thế, việc cộng tác giữa người biên tập và người viết cũng rất quan trọng, không nên xem nhẹ. Lý tưởng nhất là người biên tập và người viết luôn xem nhau như đối tác hay bạn bè. Tiếc rằng, thực tế lại không được như vậy: BTV hay than phiền người viết không cẩn thận, còn người viết lại ta thán BTV “phá hỏng” bài báo của mình. Trong khi, lẽ ra đôi bên đều cần đến nhau để tạo ra một sản phẩm tốt hơn.
Thật ra, còn nhiều vấn đề khác nữa rất bổ ích cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, khám phá về nghề biên tập đầy nhọc nhằn mà trong phạm vi bài báo này không đủ dung lượng để chúng tôi chuyển tải hết được. Mong độc giả hãy cùng chúng tôi đón nhận tập sách với tất cả niềm tin yêu để một lần nữa khám phá “nghề bí ẩn” nói trên!
Nguồn tham khảo:
https://www.facebook.com/Dctv.daotaonghesi/posts/955575354476819
http://baotayninh.vnweblogs.com/post/1306/8739