Fixi.vn – Bộ đội, lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ hòa bình, người anh hùng trong lòng mọi đứa trẻ.
Mục Lục Bài Viết
Bộ đội – Họ là ai?
Bộ đội là những người có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bộ đội chủ lực là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội địa phương được tổ chức ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, có chức năng vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn trận tự xã hội, an ninh chính trị tại địa phương.
Bộ đội làm gì?
Bộ đội sau khi được huấn luyện, phù thuộc vào khả năng cũng trình độ mà có thể trở thành:
- Sĩ quan: Là những cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên ngành quân sự, chỉ huy các đơn vị quân đội, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Quân nhân chuyên nghiệp: Là những quân nhân được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu, đảm bảo chiến đấu, xây dựng quân đội và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội.
- Công nhân viên quốc phòng: Là những công nhân viên chức nhà nước, công tác trong các đơn vị, nhà máy quân đội, đảm nhiệm một mặt chuyên môn kỹ thuật nào đó hoặc giúp việc cho người chỉ huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Hạ sĩ quan và binh sĩ: Là những quân nhân phục vụ trong các đơn vị quân đội có thời hạn theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự, được huấn luyện quân sự chu đáo, với kỷ luật nghiêm minh.
Bộ đội làm việc ở đâu?
Bộ đội là thành phần quyết định của cả lực lực vũ trang, và tham gia phục vụ ở một trong ba khu vực: Lục quân – Hải quân – Không quân.
- Lục quân: Đây là các binh chủng chiến đấu trên bộ (mặt đất), thường có số quân đông nhất, trang bị và phương tiện tác chiến đa dạng, phong phú. Lục quân được cấu thành từ các binh chủng: Bộ binh, thiết giáp, pháo binh, phòng không lục quân, công binh, thông tin, hóa học.
- Hải quân
Hải quân là lực lượng chiến đấu bảo vệ biển, đảo (trên các chiến trường sông nước). Hải quân hiện đại thường được trang bị tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân v.v…
- Phòng không – Không quân
Bộ đội phòng quan không quan là lực lượng chiến đấu bảo vệ vùng trời, được trang bị máy bay các loại để tác chiến trên không, đánh các mục tiêu mặt đất, mặt nước, làm nhiệm vụ trinh sát, đổ bộ hàng không, vận tải hàng không v.v…
- Bộ đội biên phòng
Đây là lực lượng lòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu.
Ngoài ra, bạn còn có thể học tập và rèn luyện để trở thành sĩ quan chỉ huy – tham mưu binh chủng, trinh sát, v.v hoạt động trong các lĩnh vực quân sự chuyên sâu, trở thành một bác sĩ trong màu áo lính, công nhân kỹ thuật cao của Bộ Quốc phòng. Quân đội có tất cả các ngành nghề cần thiết dành cho bạn.
Làm thế nào để trở thành bộ đội?
Để trở thành một thành viên của lực lượng quan đội vũ trang Việt Nam, đặc biệt là bộ đội. Bạn có thể:
Tham gia nghĩa vụ quân sự
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Theo quy định của bộ luật nghĩa vụ quân sự, công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, bạn có thể được tham gia các lớp đào tạo, trở thành sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ trong quân đội lâu dài.
Tham gia đào tạo ở các trường quân đội
Nếu bạn muốn theo con đường bộ đội chuyên nghiệp lâu dài bạn có thể tham gia thi tuyển vào các trường quân đội. Sau khi trúng tuyển và nhập học, bạn chính thức gia nhập vào môi trường rèn luyện, học tập để trở thành một người lính thực sự.
Một số trường đào tạo thuộc quân đội bạn có thể tham khảo như sau:
- Trường Sĩ quan Lục quân (đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành)
- Học viện Chính trị Quân sự (đào tạo sĩ quan chính trị và cán bộ chính trị trung, sư đoàn)
- Học viện Hậu cần (đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội và cấp cao hơn)
- Học viện Kỹ thuật Quân sự (đào tạo kỹ sư quân sự)
- Học viện Khoa học quân sự (đào tạo cán bộ khoa học quân sự, sĩ quan khoa học quân sự)
- Học viện Quân y (đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ đa khoa cử tuyển, bác sĩ các tuyến cơ sở ngành y tế quân đội và dược sĩ Đại học cho ngành quân y)
- Học viện Hải quân (đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc Đại học)
- Học Viện Phòng không – Không quân (đào tạo sĩ quan lái máy bay, sĩ quan chỉ huy phân đội)
- Học viện Biên phòng (đào tạo bộ đội biên phòng)
- Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường sĩ quan Tăng thiết giáp
- Các trường trung học chuyên nghiệp, sơ cấp, các trường quân sự quân khu, quân đoàn và các trường quân sự các tỉnh, thành phố đào tạo cán bộ chỉ huy cấp tiểu đội bộ binh và chuyên môn kỹ thuật v.v…
Bộ đội, người cần có các tố chất:
- Tính kỷ luật: Khi là một chiến sĩ phục vụ trong quân đội, bạn sẽ phải tuân theo kỷ luật “thép”. Đây là điều đầu tiên khó vượt qua với nhiều người khi bước chân vào nghề. Nhưng nếu bạn là người có tính kỷ luật thì bạn sẽ nhanh chóng thích ứng, trở thành người “tự do trong khuôn khổ” đấy;
- Tinh thần đoàn kết: Nếu nói đến môi trường nào có tính xây dựng cho con người tinh thần đoàn kết, vì mọi người thì chắc hẳn đó là môi trường quân đội. Trong quân đội, những người đồng nghiệp gọi nhau là “đồng chí”, “đồng đội” và tình đồng chí của họ đã được ca ngợi qua nhiều tác phẩm thi ca. Cuộc sống của bộ đội là sống với tập thể, bạn chỉ có thể hòa nhập khi bạn cảm thông với đồng đội của mình, khi bạn là một người trong số họ;
- Lạc quan: Với tinh thần ấy, dù phải đối mặt với những khó khăn, khắc nghiệt không dễ gì vượt qua, người lính vẫn có thể mỉm cười.
Chuyện nghề của một trinh sát đặc nhiệm
Biên Phòng – Hẹn mãi rồi tôi cũng gặp được Đại úy Lâm Đăng Quang, một trong những “hạt giống” quý của BĐBP Bình Thuận. Anh chính là người đại diện cho tuổi trẻ Bình Thuận tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới.
Đại úy Lâm Đăng Quang là người dân tộc Chăm. Năm 2005, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được phân công về quê hương công tác. Trước khi về Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy, BĐBP Bình Thuận, anh đã từng lăn lộn ở rất nhiều đồn BP. Vì thế, cũng thật dễ hiểu khi anh nắm tình hình địa bàn rõ như lòng bàn tay mình. Anh bảo, đặc trưng vùng miền có ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình trật tự xã hội trên địa bàn. Người dân ở Bình Thuận chủ yếu làm nghề biển, có điều kiện kinh tế khá giả. Sau mỗi chuyến đi biển về, họ thường rủ nhau đánh bạc hoặc ăn nhậu say dẫn tới gây lộn, đánh nhau. Bình Thuận còn có nhiều cảng biển, tập trung đông người lao động từ các địa phương khác tới làm thuê, làm mướn, di dịch cư liên tục. Đó là những yếu tố làm gia tăng tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Không những thế, mấy năm gần đây, tình hình tiêu thụ, sử dụng ma túy tại địa phương ven biển này có chiều hướng gia tăng. Công tác quản lý địa bàn của BĐBP Bình Thuận vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Anh Quang cho biết: “Theo số liệu thống kê, số lượng con nghiện trên toàn tỉnh khoảng hơn 1.000 đối tượng, trong đó, trên địa bàn Biên phòng quản lý có khoảng 700 đối tượng. Tại đây đã xuất hiện nhiều tụ điểm ma túy, có những chỗ hoạt động lộ liễu”.
Các đối tượng nghiện thường xuyên đi lại, tụ tập chích hút rất công khai. Còn đối tượng buôn bán ma túy tinh vi, xảo quyệt, rất khó bắt quả tang. Khi chúng tôi chốt chặn, các đối tượng nghiện dạt hết ra, nhưng khi anh em vừa rút, con nghiện lại tràn vào ngay lập tức – anh Quang kể.
Trước tính chất phức tạp và sự manh động của đối tượng buôn bán ma túy, công việc của những người lính trinh sát như anh Quang vô cùng gian khổ, nguy hiểm luôn rình rập đến từ tội phạm, kể cả những cám dỗ của cuộc sống. Dù đã phải nếm trải không ít vất vả, gian nan nhưng người trinh sát trẻ này chưa khi nào thấy nản lòng. Anh thổ lộ: “Đã làm trinh sát đấu tranh với tội phạm ma túy thì phải xác định gian khổ, làm việc bất kể nắng, mưa, ngày đêm. Mỗi năm, chúng tôi bắt giữ khoảng 10-20 vụ, chủ yếu về mua bán trái phép chất ma túy. Mỗi vụ án là một thử thách khác nhau. Có những lúc tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt nhưng rồi, với tinh thần quyết tâm và sự đồng lòng, chúng tôi đã phá án thành công”.
Thử thách mà người trinh sát trẻ này nhắc đến là vụ bắt đối tượng vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi về TP Phan Thiết. Theo tin của cơ sở, đối tượng vận chuyển đang đi trên xe buýt về TP Phan Thiết, anh Quang cùng đồng đội tổ chức đón lõng đối tượng. Được yêu cầu xuống xe để khám xét, đối tượng này cười rất tươi, bình thản nói: “Các anh bắt nhầm người rồi. Em có làm gì sai trái đâu”. Sau một hồi khám xét rất kỹ lưỡng, đội của anh vẫn không phát hiện được gì, trong khi người cung cấp tin khẳng định chắc chắn là hắn có giấu ma túy trong người. “Lúc đó, chúng tôi phân vân lắm vì vụ án này mình đã theo lâu rồi, nếu bắt không được đối tượng thì ảnh hưởng đến uy tín không chỉ cá nhân mà của cả đơn vị. Suy nghĩ hồi lâu, anh em phán đoán đối tượng chỉ có thể giấu ma túy trong chỗ kín. Chúng tôi đưa đối tượng đi siêu âm và chụp X quang mới phát hiện được hắn giấu ma túy trong hậu môn” – anh Quang kể.
Có một vụ án mà người trinh sát trẻ giàu kinh nghiệm này nhớ mãi, đó là lần đối mặt với tội phạm nhiễm HIV. Đầu tiên, đối tượng thừa nhận buôn bán ma túy nhưng sau đó lại phản cung. Anh Quang nhớ lại: “Đối tượng rất ngoan cố, tìm cách đập đầu vô tường, cố ý tự gây thương tích cho mình, anh em vừa phải thay phiên nhau canh gác, vừa đấu tranh với đối tượng tới 3 giờ đêm. Khi xong việc, chúng tôi mới nhận ra, trong lúc vật lộn với đối tượng, một số bị xây xước tay chân. Lúc này, anh em mới cảm thấy bất an trước nỗi lo bị phơi nhiễm HIV”.
Nói về chuyện nghề, anh Quang tâm sự, ngoài kỹ năng, kinh nghiệm, những người làm công việc này cần phải có lòng yêu nghề mới đem lại hiệu quả. Điều người đội trưởng này trăn trở nhất hiện nay là khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng lại mỏng, trong khi địa bàn rộng, kinh phí hoạt động rất ít.
Nhắc tới chuyện riêng, anh Quang chia sẻ với ánh mắt đầy suy tư: “Nhiều khi, tôi cũng cảm thấy áy náy với vợ con vì không có thời gian chăm lo cho gia đình. Đặc thù công việc của tôi phải thường xuyên hoạt động về đêm nhiều. Có lúc theo chuyên án, hàng tháng trời không có điều kiện về thăm nhà…”.
Bích Nguyên
Nguồn: bienphong.com.vn
Huyền thoại đặc công Hải quân Việt Nam “mình đồng da sắt”
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn đặc công 126 Hải quân nhân dân Việt Nam (Đoàn 126) lập nên kỳ tích hiếm có trong lịch sử quân sự thế giới: Chỉ trong gần 7 năm, một đơn vị cấp trung, lữ đoàn đã tiêu diệt gần 400 tàu chiến, tàu vận tải quân sự của địch.
Có những trận đánh của đơn vị đi vào huyền thoại như trận đánh chìm tàu dầu trọng tải 15.000 tấn của Mỹ năm 1969. Khi đó, hơn 70 tờ báo của nhiều nước đồng loạt đưa tin về sự kiện chấn động này. Năm 1975, các chiến sĩ Đoàn 126 Hải quân là những người nổ súng giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mỗi thành viên của sư đoàn 126 có thể mang theo 50kg trọng tải phụ, lặn sâu xuống nước 50m và không gây tiếng động trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hoặc họ có thể đào hố rồi tự ẩn mình trong cát, phủ lên những lớp ngụy trang khiến đối thủ không thể phát hiện.
Đặc công Việt Nam luôn được huấn luyện để sống sót trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thông thường, lương khô mang theo của từng người lính chỉ đủ dùng trong 3,4 ngày, số còn lại là do chính người lính tìm kiếm bằng săn bắt và hái lượm.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự nước ngoài thì lực lượng đặc công của Việt Nam không hề thua kém so với những lực lượng tinh nhuệ khác của các nước khác trong khu vực, và ở một chừng mực nào đó thì đặc công Việt Nam có nhiều điểm vượt trội hơn nhờ kinh nghiệm chiến đấu phong phú của nhiều thế hệ đi trước đã để lại…
Ngày nay, những chiến sĩ Đoàn 126 được rèn luyện với những khoa mục khắt khe nhất, vượt xa mức chịu đựng của những người bình thường để trở nên “mình đồng da sắt”, đặc biệt tinh nhuệ, đảm đương những nhiệm vụ quan trọng bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc.
Đức Hòa (tổng hợp)
Nguồn tham khảo:
http://trithucsong.com/lap-nghiep/nhung-pham-chat-can-co-khi-tro-thanh-bo-doi-c3248.html
bienphong.com.vn
Người đưa tin