Fixi.vn – Chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự xã hội chính là nhiệm vụ chính của cảnh sát. Sự cống hiến của họ rất âm thầm lặng lẽ nhưng lại không thể thay thế được, bởi vậy họ nhận được rất nhiều sự kính trọng, tin yêu của nhân dân.
Mục Lục Bài Viết
Tổng quan về nghề cảnh sát
Cảnh sát là lực lượng thuộc Công an nhân dân.
Công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có vai trò làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Để đảm bảo an ninh và sự bình yên về mọi mặt cho Tổ quốc, ngành công an được chia thành hai lực lượng chính:
+ Cảnh sát: bảo vệ và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
+ An ninh: bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân.
Một số nghề nghiệp trong lực lượng cảnh sát
- Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội: Quản lý trật tự nơi công cộng, đăng kí, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý chứng minh nhân dân, quản lý kho vũ khí, vật liệu nổ, quản lý con dấu, quản lý những người trực thuộc diện quản chế, cải tạo tại chỗ, cải tạo không giam giữ, án treo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng…
- Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (cảnh sát hình sự): Tiến hành các biện pháp trinh sát và hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật để điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội (trừ tội phạm về ma túy, tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), góp phần bảo vệ tài sản cũng như tính mạng, quyền lợi hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
- Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy: Nghiên cứu, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma tuý, từ đó phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm về ma tuý để đề xuất, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đấu tranh. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm ma tuý, tiến hành hoạt động điều tra tội phạm về ma tuý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm về ma tuý.
- Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ: Tiến hành các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn các tội phạm xâm phạm sở hữu của Nhà nước, cả các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội dưới các hình thức như: tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ Nhà nước, lừa đảo, các tội phạm về chức vụ và tội phạm kinh tế khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.
- Cảnh sát phòng cháy chữa cháy: Bảo vệ người dân khỏi giặc lửa, quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trên toàn quốc, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
- Cảnh sát quản lý và bảo vệ tư pháp: Canh gác, bảo vệ những mục tiêu quan trọng như: Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các Đại sứ quán, tổ chức tuần tra, cơ động chiến đấu kịp thời, trấn áp mọi hoạt động phá rối an ninh, trật tự; bảo vệ các phiên toà, bắt giữ, áp tải bị can, dẫn giải người làm chứng, quản lý kho vật tư và hỗ trợ công tác thi hành án…
- Cảnh sát giao thông: Tổ chức, chỉ đạo và tiến hành công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông, giáo dục, tuyên truyền cho người dân về Luật giao thông.
Nghề cảnh sát làm gì?
- Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, về bảo vệ môi trường; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật khác và kiến nghị biện pháp khắc phục; tham gia giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Quản lí hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân; quản lí con dấu; quản lí về an ninh, trật tự các nghề kinh doanh có điều kiện và dịch vụ bảo vệ; quản lí và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; quản lí vũ khí, vật liệu nổ; quản lí, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; tham gia cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật.
- Thi hành án hình sự, thi hành án không phải phạt tù, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp
- Là cơ quan điều tra các vụ án theo nguyên tắc tố tụng hình sự và bộ luật hình sự. Nếu cơ quan điều tra có vấn đề, thì cơ quan an ninh điều tra (giống như internal affairs hay IA) sẽ tiến hành điều tra cơ quan điều tra.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật
Cảnh sát làm việc ở đâu?
Do nhiệm vụ đặc thù của mình mà các chiến sĩ công an có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc: Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Công an các tỉnh (thành phố) trực thuộc trung ương, Công an các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Công an quận, huyện, phường, xã… tại các địa phương, làm việc tại các cơ sở đào tạo của ngành công an, làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học của ngành công an.
Trong ngành công an, sau khi tốt nghiệp bạn được sắp xếp công việc phù hợp chuyên ngành được đào tạo.
Học ở đâu để làm được nghề cảnh sát?
Để làm nghề cảnh sát, bạn có thể học hết nghĩa vụ quân sự và thi tuyển thẳng vào ngành. Nếu không, bạn có thể chọn thi các trường sau đây sau khi đã tốt nghiệp trung học phổ thông:
Học viện An Ninh Nhân Dân , Học viện Cảnh sát Nhân dân, Trung cấp An Ninh Nhân dân, Đại học Cảnh sát nhân dân, Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân, Đại học phòng cháy chữa cháy ….
Cần phải phấn đấu đạt các tiêu chuẩn sau:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng: tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam XHCN, gắn bó và tận tuỵ phục vụ nhân dân. Luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm, ý chí tiến công khắc phục những khó khăn, gian khổ, sẳn sàng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự của Tổ quốc.
- Phấn đấu rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND: có phẩm chất đạo đức trong sạch, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đoàn kết giúp đỡ đồng chí, đồng đội chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Có kiến thức trình độ chính trị và nghiệp vụ chuyên môn: theo quy định và năng lực hoạt động thực tiễn, có ý thức học tập phấn đấu vươn lên tận tuỵ với công việc nhạy bén và sắc bén trong công tác mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao cho.
- Có nếp sống văn hoá lành mạnh: ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiên nghiêm chỉnh điều lệnh nội vụ và quy định của lực lượng CAND, thường xuyên rèn luyện thể chất để nâng cao sức chiến đấu”.
Nghềcảnh sát cũng yêu cầu phải có kiến thức về luật pháp, chủ trương, đường lối của nước ta cũng như kiến thức văn hóa, xã hội. Do đặc tính ngành nghề, người cảnh sát phải là người có tính kỷ luật cao, kiên định, vững vàng về lập trường, tư tưởng, bình tĩnh, tự tin, luôn can đảm, chấp nhận khó khăn gian
Cần có kỹ năng gì liên quan:
- Nhanh trí, nhạy bén, khôn khéo: đây là nghề đòi hỏi cần có sự thông minh nhanh trí vì các tình huống trong đời sống có rất nhiều và không phải lúc nào cũng giống nhau, lặp lại nên việc nắm bắt và xử lý tình huống nhanh gọn là kỹ năng mà bất cứ chiến sĩ cảnh sát nào đều phải rèn luyện.
- Tinh thần đoàn kết: là sự phối hợp ăn ý giữa các cấp và đội nhóm, nhằm phát huy sức mạnh tập thể.
- Nhiệt huyết, yêu thương con người: bên cạnh sự tỉnh táo, thái độ cứng rắn trong công việc. Cảnh sát vốn dĩ là phải công tư phân minh, tuy nhiên trong một số tình huống nhạy cảm cần “hợp tình, hợp lý”.
- Luôn có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc: công việc này đòi hỏi cần có tinh thần trách nhiệm cao và là công việc cần mẫn. Lúc yên bình có thể thảnh thơi nhưng những khi có biến cố xảy ra thì có thể phải làm việc thâu đêm suốt sáng để phá chuyên án hoặc bắt cho bằng được tội phạm.
Ngày ngày đi trên đường bạn vẫn trông thấy những cô chú cảnh sát giao thông đứng chia làn cho xe chạy. Trên mặt báo, đó đây xuất hiện những câu chuyện về chuyện cảnh sát giao thông ăn hối lộ… Nhưng liệu chúng ta đã có cái nhìn đa diện về nghề cảnh sát nói chung và nghề cảnh sát giao thông nói riêng hay chưa? Hãy cùng lắng nghe tâm sự của một người trong nghề.
“Suy cho cùng, CSGT cũng là một nghề. Mà khi đã gọi là nghề thì cũng có thăng trầm, vất vả mưa nắng như bao nghề khác. Và ai đã từng trải qua mới hiểu hết những khó khăn, những mảng tối – sáng.
Lắm khi, nghiêm khắc xử phạt người vi phạm giao thông thì bị ghét, bị chửi, nhận hối lộ thì bị khinh: “Nếu cứ đúng luật mà làm, vi phạm là phạt, giữ xe thì khỏi phải nói làm gì. Đằng này ai vi phạm cũng muốn bỏ qua lỗi, gọi điện nhờ vả người thân. To thì là sếp mình, nhỏ thì anh em họ hàng rồi cả bạn bè. ví dụ đơn giản bạn của bạn hoặc bạn của cậu vi phạm, cậu gọi cho tớ chả lẽ tớ không giúp? Cũng nhiều cái khó lắm, không giúp sinh ra ghét, mày ghét cảnh sát giao thông cũng phải thôi”
Cũng có những đêm phải đuổi theo bọn đua xe, phải nhanh hơn hội đó mới bắt được. Đó là còn chưa kể, nhiều khi hội đó có vũ khí. Đi hôm về khuya, không dễ gì mà hiểu và thông cảm cho những ai làm nghề này được.”
Lược sử ngành Công an nhân dân
Trong những năm 1930 – 1945, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng cộng sản Đông Dương đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân sau này.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân ra đời ở cả ba miền: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ .Từ đó ngày 19 – 8 được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; ngày 19 – 8 hàng năm cũng là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Công an vụ, lực lượng Công an nhân dân ở cả ba miền, được thống nhất một tên gọi chung là công an.
Từ ngày thành lập đến nay, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã liên tục cùng toàn dân, toàn quân đánh thắng thù trong giặc ngoài, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Một số lực lượng cảnh sát đặc biệt:
Cảnh sát cơ động
Lực lượng này được coi là các “hiệp sĩ đường phố” vì các anh luôn có mặt trên mọi nẻo đường, cả ở những nơi, những lúc bọn tội phạm ít ngờ nhất. Nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là tổ chức, chỉ đạo và phối hợp công tác vũ trang tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ các lực lượng có chức năng liên quan nhằm trấn áp, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây bạo loạn, khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin… của bọn phản động và tội phạm khác;
Cảnh sát 113
Chỉ cần nhấn số 113 trên máy điện thoại trong những tình huống nguy hiểm, bị đe dọa, các chiến sĩ cảnh sát 113 sẽ có mặt trong thời gian ngắn nhất. Cảnh sát 113 có nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận những thông tin liên quan đến an ninh, trật tự và những yêu cầu chính đáng của nhân dân đề nghị công an giúp đỡ; kịp thời điều động lực lượng đến nơi xảy ra vụ việc, tiến hành các biện pháp ban đầu cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; bắt giữ các đối tượng phạm tội quả tang, cấp cứu người bị thương, bảo vệ hiện trường, ổn định tình hình trật tự, an toàn nơi xảy ra vụ việc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Công an.
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization – ICPO), còn gọi là Interpol
Đây là tổ chức liên chính phủ được thành lập nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các cơ quan cảnh sát quốc gia của các nước trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Tổ chức này ra đời ngày 7-9-1923 tại Viên (Áo) sau cuộc họp của đại diện cơ quan cảnh sát nhiều nước với tên gọi Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế. Đến năm 1946, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế được tái lập lại, đổi tên thành Cảnh sát quốc tế (International Police), còn gọi là Interpol.
Năm 1956, tên gọi của tổ chức một lần nữa chuyển thành Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ICPO, nhưng vẫn được quen gọi là Interpol. Tổ chức này chuyên điều tra về các loại tội phạm như in ấn và lưu hành tiền giả, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp máy bay, tàu thủy… Interpol không tham gia vào những vụ án có liên quan đến chính trị, tôn giáo, quân sự… Việt Nam là thành viên thứ 158 của tổ chức này trên tổng số 181 thành viên (tính tới năm 2005).