Fixi.vn – Đa số mọi người biết đến chuyên viên pháp y thông qua các bộ phim hình sự nhưng chắc hẳn ít người có thể hình dung được công việc của một chuyên viên thực thụ ra sao. Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé !
[wpcc-iframe width=”900″ height=”675″ src=”https://web.archive.org/web/20161105011439if_/https://www.youtube.com/embed/bHaet7OhQL4?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Mục Lục Bài Viết
Chuyên viên pháp y là ai?
Các chuyên viên pháp y hay bác sĩ pháp y là những người làm các công tác đặc trưng của chuyên ngành khám nghiệm pháp y… Nhưng ngoài mổ xác, giám định xác chết, họ còn công tác trong nhiều chuyên ngành như y học phân tử, giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe… nhằm bắt kẻ phạm tội phải có trách nhiệm với hành vi của mình, và người vô tội được minh oan, bồi thường thỏa đáng.
Chuyên viên pháp y làm gì?
Ở Việt Nam, các chuyên viên pháp y thường khó có thể đảm nhiệm riêng biệt một nghiệp vụ như trong các bộ phim nước ngoài mà nhiều người phải kiêm nhiệm nhiều khâu từ chụp ảnh, giám định hiện trường, mổ tử thi, đến phân tích các bằng chứng thu được trong phòng thí nghiệm. Chuyên viên pháp y cũng giúp các chuyên gia điều tra, thẩm phán, luật sư, bồi thẩm đoàn trong việc đưa ra bằng chứng kết tội hay minh oan trong các vụ án.
Công việc cụ thể của chuyên viên pháp y bao gồm:
- Thu thập bằng chứng và phân tích các mẫu thu được trong phòng thí nghiệm.
- Chụp ảnh hiện trường, nạn nhân, hung khí,… từ nhiều góc độ khác nhau để các công tố viên, chuyên viên điều tra có thể hình dung chính xác hiện trường;
- Bảo vệ toàn vẹn các bằng chứng– Tóm tắt và viết báo cáo về các kết luận của mình bằng văn bản, trong đó cho thấy cách thức kiểm tra các mẫu và cách các bằng chứng này liên quan tới vụ việc;
- Mổ tử thi để xác định nguyên nhân tử vong. Do điều kiện đặc thù của Việt Nam nên việc mổ tử thi nhiều lúc sẽ được tiến hành tại hiện trường. Họ cũng có thể giám định thương tích trong các vụ tai nạn.
Chuyên viên pháp y làm việc ở đâu?
Chuyên viên pháp y làm việc tại Viện pháp y, Hiệp hội pháp y, các cơ quan của lực lượng cảnh sát hoặc các cơ quan của nhà nước có liên quan tới giám định pháp y, điều tra phá án.
Làm thế nào để trở thành chuyên viên pháp y?
Ở nước ta hiện nay còn nhiều mặc cảm và kì thị với ngành pháp y, và các trường đại học cũng không có khoa đào tạo riêng cho ngành này. Tuy vậy, pháp y cũng là một môn được đào tạo trong một số các ngành học trong các trường dại học y. Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Huế, Đại học Y dược Hải Phòng, Viện pháp y Quốc gia, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược TPHCM,…
Chỉ sau khi tốt nghiệp đại học, những bạn trẻ tâm huyết với nghề pháp y mới có thể đăng ký theo nghề nghiệp đặc thù này khi liên hệ với các viện pháp y tại các thành phố lên trên toàn quốc.
Tố chất phù hợp và kỹ năng liên quan
- Chú ý đến tiểu tiết: Khi thu thập chứng cứ tại hiện trường, chuyên viên pháp y luôn phải chú ý tới tiểu tiết, từng chi tiết nhỏ có thể mang lại những chứng cứ rất hữu ích cho việc điều tra.
- Cẩn thận, chính xác: Làm việc với những chứng cứ thu thập được từ hiện trường, điều quan trọng là chuyên viên pháp y luôn phải đảm bảo sự chuẩn xác của mẫu, không để các yếu tố tác động làm thay đổi, dẫn tới kết quả phân tích sai. Điều này đòi hỏi tính chính xác và cẩn thận cao;
- Không ngại gian khổvà kì thị: Do đặc thù công việc luôn phải có mặt mỗi khi vụ án xảy ra, thậm chí phải tiến hành mổ tử thi nên các chỉ các chuyên viên pháp y cực kì tâm huyết với nghề, không sợ gian khổ mới có thể gắn bó lâu dài với công việc thiêng liêng mà thầm lặng này. Ngoài ra, do quan điểm của người Á Đông nên nghề nghiệp cao quý này cũng gánh phải không ít kỳ thị. Đó là những trở ngại đặc thù mà những bạn trẻ muốn theo đuổi ngành pháp y cần cân nhắc.
“Trong hình dung của không ít người, chúng tôi chỉ là chuyên gia mổ tử thi, nhưng có ai biết rằng, còn có bao công việc mà người đời ít biết đến…” TS.BS.Vũ Dương – Viện trưởng Viện y học tư pháp Trung ương giúp chúng tôi hiểu về công việc thầm lặng của các bác sĩ pháp y qua lời kể ngắn gọn này.
Từ một vụ án…
5 giờ sáng, cơ quan điều tra thông báo xảy ra vụ án cướp của, giết người, đốt nhà phi tang nhân chứng, vật chứng tại thị xã. Tôi được yêu cầu giám định cho một nữ nạn nhân chết cháy và một nam thanh niên người đầy bùn đất, đứt khí quản, ngực và đầu bị chém nhiều nhát. Kết quả giám định người chết cho thấy thanh quản, phổi không bị ám khói, nạn nhân bị giết chết trước khi đốt nhà.
Nạn nhân Khải của vụ án được cấp cứu trong phòng điều trị cách ly với bên ngoài vì cơ quan công an lo ngại bọn cướp biết nhân chứng còn sống, chúng sẽ tìm mọi cách giết anh để bịt đầu mối. Tôi là bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho Khải. Ngày ngày, công an vào hỏi cung. Lần nào cũng vậy, mồ hôi trên ngực người bệnh túa ra đọng thành giọt. Đây không phải là tâm lý bình thường của một nạn nhân. Tôi đã giải thích điều này với các anh công an nhưng mọi người chưa tin. Trong phòng bệnh, tôi tỉ tê trò chuyện với Khải, hướng dẫn anh ta lấy tay chèn cổ họng để có thể hút được cà phê và thuốc lá. Xong một chầu thuốc, tôi nói cơ quan công an đã phát hiện ra những chi tiết không bình thường của vụ án. Khải nên khai thật để hưởng sự khoan hồng. Mặt Khải tái xám. Anh ta kể, một lần mình ốm, cô Ba đã cạo gió giúp. Cách cạo gió của cô Ba là người giúp việc trong nhà làm Khải trỗi dậy ham muốn tình dục. Họ đã nhiều lần sống với nhau như vợ chồng. Khi Khải đi hỏi vợ cũng là lúc cô Ba có bầu. Cô ta nằng nặc đòi cậu chủ cưới nếu không sẽ tự tử. Và kết quả là vụ án mạng bi thảm do chính Khải gây nên”. Đó là một trong hàng nghìn trường hợp tiến sĩ, bác sĩ Vũ Dương đã giám định.
Đến con đường vào nghề và những gian truân
Khi viết bài này, tôi chợt nhớ câu nói: “Nghề nghiệp chọn tôi”. Có lần, tôi trò chuyện với bác sĩ Đặng Văn Quế, Phó phòng tổng hợp Bệnh viện Việt Đức, người gắn bó với ngành y pháp từ 36 năm nay. Ông cho biết, mình vào nghề một phần vì say mê những giờ giảng của giáo sư Tôn Thất Tùng. Thầy Tùng có nói với ông, vào y pháp là chọn con đường vất vả, nhưng nên làm những gì mà đất nước cần. Tôi hỏi: “Tại sao bác sĩ lại lạc quan và yêu nghề như vậy, trong khi các bác sĩ trẻ gần như bần cùng bất đắc dĩ mới vào khoa này?”. “Mỗi một cái chết mang một câu trả lời. Chúng tôi thấy hạnh phúc vì có thể mang tiếng nói của người đã khuất gửi tới người đang sống”.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Dương khẽ cười: “Đôi khi một số đồng nghiệp gọi chúng tôi là bác sĩ mổ không cần dùng thuốc tê. Chưa có thống kê nào cả, song sau 20 năm trong nghề tôi thấy, phần lớn bác sĩ pháp y bị người yêu hoặc vợ bỏ. Lương thấp, phụ cấp ít đã đành một nhẽ. Song những ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng. Nhiều lần phải khám nghiệm cho những tử thi bị chết cháy hoặc trôi sông đã thối rữa, tử khí thấm vào người, tắm 2-3 lần rồi vẫn thấy ám mùi tử khí. Và cũng từ đó, những người giám định không dám ăn những món ăn gợi nhớ đến hình ảnh ấy. Nhiều anh sau khi khám nghiệm cho một trường hợp bị hiếp dâm, về nhà 3-4 tháng nằm cạnh vợ như một người bạn. Đau xót nhất là phải giám định cho các cháu bé bị giết hại. Không ai nỡ đặt dao rạch lên cơ thể các cháu. Ngoài áp lực tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Khi giám định chỉ có thể làm hài lòng một bên. Bên gây hại muốn bác sĩ pháp y xác định thương tổn nhẹ hơn để mình tránh được tù tội. Còn bên bị hại thì ngược lại. Nhưng tôi tin khi xã hội càng hiện đại, pháp luật càng chi li thì càng cần tới ngành pháp y. Bây giờ các bác sĩ pháp y trẻ xin chuyển ngành dữ lắm. Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với các bạn ấy điều này: Làm nghề gì cũng phải có tâm và có tầm”.
Vâng! Nếu không yêu nghề làm sao gần 900 bác sĩ pháp y có thể làm được khối lượng công việc khổng lồ. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 57/64 tỉnh, thành phố, tính đến hết ngày 7/11/2004, các giám định viên của ngành y tế đã giám định được 34.007 trường hợp, trong đó giám định thương tích là 21.772 trường hợp, giám định tử thi là 11.635 trường hợp. Chúng tôi xin mượn lời của bác sĩ Nguyễn Đức Nhự – Viện y học tư pháp Trung ương để kết thúc bài viết nhỏ này: “Sau những nhọc nhằn của nghề nghiệp là niềm hạnh phúc mình đã góp một phần sức lực nhỏ bé để làm cho cuộc sống công bằng hơn”.
(Theo Ykhoa.net)
Trích đoạn: Chế độ khám nghiệm pháp y thời Lê
Tác giả: Trần Thị Kim Anh
Nguồn: baotangnhanhoc.org
Ở thời Lê, việc ban hành Bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Thánh Tông cùng hàng loạt các văn bản, sắc, lệnh, điều lệ… của vua chúa khiến cho pháp luật của thời kì này trở nên khá hệ thống và hoàn chỉnh. Đồng thời nhấn mạnh công tác khám nghiệm, xác lập chế độ khám nghiệm pháp y tương ứng, bắt buộc.
Về những tài liệu pháp y thời kỳ này, ban đầu người ta chủ yếu dựa trên một số bộ sách nổi tiếng của Trung Quốc như Tẩy oan lục đời Tống hay Vô oan lục đời Minh… do các quan lại Trung Quốc đưa sang trước đó hoặc do người Việt đặt mua tại Trung Quốc. Sau này qua thực tiễn xét xử, qua thực tế khám nghiệm, do những quy định của pháp luật và yêu cầu của tình hình thực tiễn đương thời, đồng thời dựa trên các tài liệu của Trung Quốc, người ta đã biên soạn ra những tài liệu khám nghiệm pháp y phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hơn.
Luật lệ thời Lê cũng qui định, khi xảy ra án mạng khổ chủ phải trình báo ngay cho Xã trưởng biết và Xã trưởng có trách nhiệm đến ngay hiện trường để khám xét lập biên bản. Việc khám nghiệm hiện trường là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, mà trên thực tế, chữ nghĩa của các vị Xã trưởng chẳng được bao lăm. Do đó đặt ra các bài ca Nôm dễ đọc dễ thuộc đối với các Xã trưởng là cần thiết. Những bài ca Nôm trình này về cách khám nghiệm khá dễ hiểu, tỷ mỉ, rõ ràng. Chẳng hạn khi khám nghiệm thi thể chết đuối, để phân biệt được nạn nhân tự tử hay bị đánh chết rồi mới ném xuống nước, tác giả viết:
Này đoạn nịch tử(1) kể ra:
Thực hư ắt phải hòa tra cho tường.
Dẫu cho đến nỗi đã trương
Nước trong chẳng có thường thường chảy ra
Khẩu tý thủy huyết chẳng pha(2)
Ấy là đả tử trầm hà mới xong…
Đó là trường hợp nạn nhân đã chết rồi mới ném xuống nước. Còn ở trường hợp tự tử thì:
Phép nghiệm chẳng lọ đôi co
Lấy muốn cùng dấm cùng tro trộn vào
Gối đầu lên khí cao cao
Lấy ba quan quí để vào tễ trung(3)
Nhất giây cửu khiếu lưu thông
Thủy huyết trên dưới ròng ròng chảy ra
Ấy là hẳn thực trầm hà…
Còn với thi thể chết do thắt cổ:
Thực như ải tử(4) nói ra
Cổ sưng tay chắp ngã ba hung(5) này
Tay thời mỗi ngón mỗi ngay
Chân xuông đuột đuột chỉ ngay đón đầu.
Ngón chân cái chỉ nơi đâu.
Đào lên thấy máu ấy hầu thực nay.
Nhược bằng mắt chẳng lồi rày.
Chân tay chẳng chỉ ắt rày là gian.
Tuy ngày nay, tất cả những kiến thức này đã trở nên giản đơn và lạc hậu. Song đối với xã hội đương thời đó thực sự là những tiến bộ đáng ghi nhận.
Chú thích:
- Nịch tử: chết đuối.
- Nước có lẫn máu chảy ra từ mồm miệng.
- Để hỗn hợp dấm muối tro chừng bằng 3 đồng tiền vào giữa rốn.
- Ải tử: chết do treo cổ.
- Ngã ba hung: chỗ xương mỏ ác.