Fixi- Bạn đam mê chính trị, ngoại giao, hứng thú với các vấn đề toàn cầu? Hãy cân nhắc trở thành chuyên viên quan hệ quốc tế.
Mục Lục Bài Viết
Chuyên viên quan hệ quốc tế là ai?
Các chuyên viên quan hệ quốc tế nghiên cứu về ngoại giao và các vấn đề toàn cầu giữa các nước để từ đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa những hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ (IGO), tổ chức phi chính phủ (NGO), và các công ty đa quốc gia (MNC). Hỗ trợ giải quyết những vấn đề đa dạng như toàn cầu hóa và những tác động đến xã hội, bảo vệ sinh thái, phát triển kinh tế, khủng bố, an ninh nhân loại, nhân quyền và ngăn chặn tội phạm có tổ chức…
Chuyên viên quan hệ quốc tế làm gì?
Công tác của các chuyên viên quan hệ quốc tế vô cùng phong phú đa dạng. Dưới đây chỉ liệt kê ra một vài công tác tiêu biểu của các chuyên viên quan hệ quốc tế.
- Đàm phán những hiệp ước quốc tế, bảo vệ hình ảnh quốc gia trước dư luận quốc tế, truyền bá hình ảnh của quốc gia ở nước ngoài. Báo cáo tình hình ở nước ngoài về cho chính phủ trong nước. Đồng thời bảo vệ công dân và lợi ích của quốc gia ở nước ngoài;
- Tiến hành đàm phán, trao đổi với đối tác nước ngoài để thống nhất nội dung các văn bản hợp tác. Thực hiện chức năng tổ chức các Hội nghị, Hội thảo quốc tế chuyên ngành;
- Thực hiện chức năng lễ tân đón các đoàn khách quốc tế theo các quy định hiện hành của nhà nước. Phối hợp với các đơn vị trong công tác lễ tân đối với các đoàn khách quốc tế…
Chuyên viên quan hệ quốc tế làm việc ở đâu?
- Tại sứ quán hoặc các văn phòng lãnh sự hoặc các phòng đại diện thương mại của VN ở nước ngoài. Làm việc tại các đại sứ quán hoặc văn phòng lãnh sự nước ngoài tại VN;
- Làm đại diện cho các công ty, tập đoàn VN ở nước ngoài hoặc các tập đoàn, công ty nước ngoài tại VN;
- Nhân viên quan hệ cộng đồng của các công ty, tức Quan hệ công chúng (PR);
- Các phòng ban trong các trường Đại học về quan hệ quốc tế, đối ngoại hoặc hợp tác quốc tế và tại các ban quản lý các dự án quốc tế;
- Tại các tổ chức phi chính phủ: Unesco, Liên hiệp quốc…
Làm thế nào để trở thành chuyên viên quan hệ quốc tế?
Tại Việt Nam có thể học ngành Quan hệ quốc tế tại các trường đại học, như:
- Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội;
- Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện báo chí và tuyên truyền, Hà Nội;
- Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, thành phố Hồ Chí Minh;
- Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Đông Đô, Hà Nội;
- Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh;
- Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh;
- Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Để thực hiện được trọng trách nặng nề của mình, ngoài việc được đào tạo tốt, một nhà ngoại giao tài ba còn cần có những phẩm chất không thể thiếu dưới đây:
Lòng yêu nước nhiệt thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao.
Nhà ngoại giao chân chính trước hết phải có lòng yêu nước, phẩm chất chính trị vững vàng, hết lòng phục vụ đất nước, luôn luôn đặt quyền lợi của đất nước lên trên.
Trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ
Nhà ngoại giao còn phải cố gắng đạt tới trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ các nước mà mình phụ trách để có thể kết hợp hiệu quả quyền lợi của nước mình với quyền lợi của họ.
Trình độ diễn đạt chính xác, thuyết phục và có duyên
Đây là phẩm chất thiết yếu với những nhà ngoại giao tài năng. Bởi trở thành nhà ngoại giao, bạn thường phải thay mặt nước mình trình bày rõ quan điểm về một vấn đề nhất định. Nhà ngoại giao cũng luôn phải là người lịch thiệp, nhã nhặn nhất. Dù bực bội đến mấy, họ vẫn luôn cố gắng giữ được bình tĩnh, che giấu được bí mật quốc gia và ý nghĩ của mình.
Nhạy bén, tinh tế, chủ động linh hoạt
Cán bộ ngoại giao đòi hỏi phải có đầu óc nhạy bén, quan tâm tìm hiểu diễn biến tình hình, chủ động đối phó với tình huống bất ngờ. Khi trao đổi ý kiến, họ cần nắm được nội dung ý kiến của đối phương, nhanh chóng làm sáng tỏ ý thật hay những điều trình bày còn thiếu rõ ràng.
Dũng cảm
Phẩm chất này thực sự cần trong nghề ngoại giao. Trên hết, cán bộ ngoại giao phải trung thực với đất nước mình, vì quyền lợi của đất nước mà luôn nói thật quan điểm, nhận xét, kiến giải của mình trước các vấn đề quốc tế và trong nước, dù việc nói thật đó có thể bất lợi cho bản thân.
Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình từ con số 0 tròn trĩnh trước khi trở thành một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới với biệt danh “ông Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam.
Có một sự trùng hợp đặc biệt là không chỉ cùng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Phạm Bình Minh và cha ông – cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cùng là những người đại diện cho nền ngoại giao nước nhà ở những giai đoạn khó khăn của đất nước.
Ông Phan Doãn Nam – trợ lý của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã giúp việc cho Bộ trưởng từ khi ông còn là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ, cũng là người chứng kiến hầu như trọn vẹn con đường ngoại giao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch kể rằng: “Xuất thân là một người lính, từng là thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi chuyển sang công tác ở ngành Ngoại giao, nên có thể nói ông Nguyễn Cơ Thạch đã bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình từ con số 0 tròn trĩnh trước khi trở thành một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới với biệt danh “ông Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam”
Cũng theo ông Nam, ít người biết rằng ông Thạch đã bắt đầu con đường ngoại giao của mình với kinh nghiệm là một lời khuyên ngắn gọn của Bác Hồ. Dù trở thành Chánh VP Bộ Ngoại giao từ năm 1954, nhưng có lẽ năm 1956, khi lần đầu tiên ông được Bác Hồ cử “đi sứ” ở Ấn Độ với cương vị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, Nguyễn Cơ Thạch mới trở thành nhà ngoại giao thực sự.
Hiểu được tầm quan trọng trong công tác đối ngoại với Ấn Độ – đất nước mà khi đó đang là Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương nên trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đến tìm gặp Bác Hồ để xin Người lời khuyên: “Thưa Bác, tôi không có kiến thức gì về ngoại giao. Đến cách dùng dao, dĩa để ăn đồ Tây tôi cũng chưa hiểu. Bác đã từng đi nhiều nơi, bôn ba nhiều nước, Bác hãy chỉ giúp tôi xem tôi phải làm gì?”.
Khi đó, Bác Hồ chỉ động viên Nguyễn Cơ Thạch và cho ông lời khuyên duy nhất: “Chú cứ thấy người ta làm gì thì mình học theo là được”. Hành trang bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của ông chỉ có thế”.
Nhưng hoàn cảnh chúng ta ngày đó chỉ có vậy. “Tôi theo ông Nguyễn Cơ Thạch từ những ngày đầu anh Thạch sang Ấn Độ. Tất cả chúng tôi khi đó đều mới ngoài 20 tuổi, một mẩu kỹ năng về ngoại giao cũng không có. Chúng tôi phải học mọi thứ, với không ít sự cố cười ra nước mắt, mà trong đó chắc chắn ông Nguyễn Cơ Thạch là người gặp khó khăn nhiều nhất trong những cuộc tiếp xúc cấp cao”, ông Nam nhớ lại.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có một nguyên tắc: khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì, ông cũng tìm cách học mọi thứ có thể về nó. Từ chỗ không nắm rõ luật pháp quốc tế, nhưng sau một thời gian học hỏi từ sách vở đến người thật việc thật, có một chuyên gia ngành luật đã phải thốt lên: “Bây giờ Nguyễn Cơ Thạch đã trở thành luật sư thực thụ rồi”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – từng là nhân viên dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng nhớ lãnh đạo của mình là người cực kỳ ham đọc, đến mức, khi đã là Bộ trưởng, áp lực đủ đường, thay vì đợi nhân viên cấp dưới đọc sách và giới thiệu sách cho mình, ông Thạch thường chủ động tìm đọc và cung cấp cho cấp dưới những kiến thức hay mà ông tìm được qua mỗi cuốn sách.
“Tôi luôn khâm phục sự ham học của chồng mình. Khi sang Ấn Độ, ông Thạch không hề biết một từ tiếng Anh, mọi giao tiếp đều phải nhờ phiên dịch. Nhưng sau này, ông ấy đã đọc thông viết thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nga và từng không ít lần “đấu tay đôi” với các nhà báo quốc tế mà không cần đến phiên dịch. Ông sẵn sàng “bẻ” lại các nhà báo trước những câu hỏi móc máy của họ. Là người thẳng thắn, bộc trực, quyết liệt nhưng ứng xử rất nhanh nhạy trước báo giới, nhiều nhà báo quốc tế rất yêu quý ông ấy. Họ thậm chí đã nói: “Ông Thạch là con cáo hai đầu” một cách đầy thích thú” – bà Phan Thị Phúc – phu nhân cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhớ lại.
Còn ông Phan Doãn Nam thì cho biết, chính nguyên Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cũng là người rất “ngại” Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Khi Việt Nam và Mỹ đàm phán ở hội nghị Paris, ông Nguyễn Cơ Thạch vừa là người chủ trì việc khởi thảo dự thảo hiệp định, cũng là trợ lý cho ông Lê Đức Thọ, kiêm trưởng đoàn chuyên viên của Việt Nam ở Hội nghị. Bởi ông Nguyễn Cơ Thạch luôn biết cách tạo ra lợi thế cho Việt Nam trên bàn đàm phán.
Với cương vị Bộ trưởng, ông Nguyễn Cơ Thạch cũng là nhà ngoại giao chịu nhiều áp lực nhất của Việt Nam. Thời ông làm Bộ trưởng cũng được coi là giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức nhất của nền ngoại giao nước nhà: Khi đó Việt Nam vừa phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Nam với Campuchia, vừa phải chống chọi với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cấm vận của Mỹ và bị hầu hết các nước trên thế giới cô lập. Đó cũng là thời kỳ sự bế tắc trong quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác đối ngoại, PTT – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mọi quyết sách ngoại giao, mọi gánh nặng trong lĩnh vực đối ngoại đều do một tay Nguyễn Cơ Thạch đảm nhiệm.
Năm 1994, Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã nghỉ hưu. Nhưng như nhà ngoại giao Phan Doãn Nam đã nói: “Ông Thạch là người có dấu ấn rất rõ trong những mốc lịch sử quan trọng đó. Trong 11 năm làm Bộ trưởng, chính ông đã là người khởi động, đặt nền móng cho những kết quả ngoại giao vô cùng quan trong đó. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ông được coi là “Bộ trưởng giải vây” của ngoại giao Việt Nam”.
Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên số, một “thế giới phẳng” đang từng bước được hình thành và phát triển nhanh hơn. Nơi mà các dịch vụ điện tử viễn thông, công nghệ vũ trụ, sóng điện từ đã đưa loài người kết nối lại gần nhau, các quốc gia trên thế giới liên kết với nhau bằng mạng lưới thông tin dày đặc đã tạo nên tần suất quan hệ quốc tế rộng mở và không có giới hạn. Điều này đã mở ra cơ hội to lớn cho quá trình hội nhập và phát triển của các quốc gia dân tộc trên khắp thế giới, nhất là các nước đang phát triển.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế – xã hội từng bước phát triển mạnh và vững chắc hơn, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc sau 20 năm tiến hành đổi mới. Đó là động lực quan trọng góp phần giúp Việt Nam vững tin hội nhập thành công vào đời sống của cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới.
Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã có quan hệ với những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ…Đặc biệt, tình hình đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam ngày càng nhiều với các con số gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Vì vậy, đất nước đang rất cần những người có khả năng đảm nhận các vị trí công việc đối ngoại, giao thương, quan hệ quốc tế…
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: “Hiện chúng ta có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế”. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của ngành học này.