Fixi.vn – Đã bao giờ bạn thắc mắc những tấm bản đồ từ đâu mà ra chưa? Đã bao giờ tò mò xem ai là người đã tạo nên chúng và làm thế nào để đặt cả trái đất lên một mặt phẳng giấy như vậy chưa? Đó chính là nhờ tài năng các các chuyên viên vẽ bản đồ đấy. Hãy cùng tìm hiểu về công việc thú vị này nhé.
Mục Lục Bài Viết
Chuyên viên vẽ bản đồ là ai ?
Chuyên viên vẽ bản đồ là những người áp dụng các nguyên tắc khoa học trong công việc thiết kế, và chuẩn bị các sơ đồ, biểu đồ, bản vẽ. Ngoài ra họ cũng là người thực hiện các cuộc khảo sát, đo đạc, xác định chính xác vị trí của các dải đất sát, các yếu tố tự nhiên và nhân tạo xung quanh,v.v.
Nhắc đến chuyên viên vẽ bản đồ, đa số chúng ta đều tưởng tượng tới công việc ngồi và vẽ tỉ mẩn. Tuy nhiên. trước khi đặt được bút vẽ, các chuyên viên vẽ bản đồ phải tiến hành khảo sát, đo đạc, tính toán kích thước,… Sau khi vẽ lại phải tiến hành rà soát, duyệt lại các sơ đồ. Công việc này đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn rất cao bởi nhiều khi bạn sẽ phải bất chấp thời tiết để đo địa hình hoặc ngồi hàng tiếng đồng hồ để hoàn thành bản vẽ của mình.
Số lượng công việc tuyển dụng cho ngành chuyên viên vẽ bản đồ và bản đồ địa chính ở mức trung bình. Số công việc còn khuyết phát sinh từ việc thay đổi công việc (chuyên viên thay đổi chủ lao động) dự kiến sẽ cung cấp 14.6 % vị trí tuyển dụng, so với 76.7% từ công việc chưa có người làm (chuyên viên bỏ nghề), và 8.7% từ công việc mới (tốc độ tăng trưởng của ngành chuyên viên vẽ bản đồ và bản đồ địa chính).
Chuyên viên vẽ bản đồ làm gì?
Là một chuyên viên vẽ bản đồ, bạn phải làm những công việc dưới đây:
- Thiết kế và soạn bản đồ ở dạng bản thảo bằng cách sử dụng nguồn tài liệu kỹ thuật số và đồ họa, bao gồm các bức ảnh chụp từ trên không, ảnh vệ tinh, các tài liệu khảo sát, các bản đồ, bản ghi chép, bản báo cáo và thống kê có sẵn.
- Tư vấn cho các chuyên viên vẽ bản đồ và các chuyên gia khác về các dữ liệu yêu cầu tạo ra một tấm bản đồ, xem xét các khía cạnh về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật và kinh tế; các chi tiết cần minh họa, để tên và các kỹ thuật dùng để sao chép và mô phỏng.
- Tư vấn cho các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khoa học môi trường và các nhà khoa học khác hoặc các chuyên gia khác chịu trách nhiệm về các yêu cầu kỹ thuật của các hệ thống đo đạc, lập bản đồ và các hệ thống thông tin không gian. Tiến hành nghiên cứu và phát triển hệ thống khảo sát và đo lường quan trắc, hệ thống địa chính và hệ thống thông tin về đất đai.
- Biên soạn và đánh giá các dữ liệu, hoàn thiện các bản vẽ và viết các bản báo cáo liên quan đến các vấn đề đo lường khảo sát, sử dụng và chiếm hữu đất.
Chuyên viên vẽ bản đồ làm việc ở đâu ?
Chuyên viên vẽ bản đồ và bản đồ địa chính được tuyển dụng trong một số ngành công nghiệp như
- Dịch vụ Kỹ thuật và Khoa học chuyên nghiệp;
- Hành chính và An toàn công cộng;
- Xây dựng và các dịch vụ Điện nước, Khí và Chất thải…
Làm thế nào để trở thành chuyên viên vẽ bản đồ ?
Hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo nghề này. Nếu muốn trở thành một chuyên viên vẽ bản đồ, bạn có thể học tại các trường như Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp Hồ Chí Minh, Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội… Tại những trường đại học này, các chuyên ngành bạn có thể lựa chọn như ngành Trắc địa – Địa hình – Địa chính, ngành Bản đồ – Viễn thám, khoa Địa chất, khoa Trắc địa, Quản lý đất đai, Lâm học, Lâm sinh…
Để trở thành chuyên viên vẽ bản đồ, về tố chất, bạn phải cần có một chút năng khiếu vẽ, sáng tạo và phải cực kỳ cẩn thận, chính xác và đặc biệt là niềm yêu nghề, yêu công việc. Bản đồ là thứ mô phỏng lại địa hình thu nhỏ, vì vậy, chỉ một milimet sai số trên bản đồ đã có thể lệch tới cả kilomet trên thực tế. Các thông tin địa hình, diện tích, địa chính, lãnh thổ trên bản đồ nếu bị vẽ sai sót có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ không đáng có. Trong chiến tranh, sự chính xác này gần như phải được đảm bảo tuyệt đối.
Bên cạnh những tố chất trên thì một chuyên viên vẽ bản đồ phải có những kỹ năng khi làm việc như thành thạo các phần mềm vẽ bản đồ, kỹ năng về trắc địa học, có khả năng đo đạc và khả năng tính tóan chính xác…
Quảng Bình được thế giới biết đến với Phong Nha – kỳ quan đệ nhất động kéo theo hàng triệu lượt du khách đổ về khám phá những bí ẩn của hệ thống hang động nơi đây. Đằng sau hàng trăm hang động mang vẻ đẹp huyền diệu đầy mê hoặc được khám phá lần lượt bởi người dân bản xứ và các chuyên gia hang động hoàng gia Anh, có sự đóng góp rất lớn của một người phụ nữ, bà Deb Limbert (55 tuổi) – phu nhân của người khám phá hang Sơn Đoòng Howard Limbert.
Năm 1990, Deb Limbert mới 20 tuổi đã cùng chồng đến Quảng Bình, trong đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh để khám phá Phong Nha và hệ thống hang động tại đây. Niềm đam mê hang động, sự thân thiện của người dân địa phương cùng tình yêu của Howard Limbert đã níu giữ trái tim của cô gái đến từ Vương quốc Anh. Deb đã theo sát chồng mình đi qua hơn 500 hang động ở Việt Nam và thế giới.
Howard Limbert cho biết, toàn bộ hệ thống hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng đều do bà Deb trực tiếp khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ. Bà có đủ kỹ năng của một chuyên gia hang động, nhưng điểm mạnh lớn nhất là đo đạc. “Bà ấy là người trực tiếp làm việc với các hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, CNN, các đoàn làm phim đến từ Hong Kong, Anh, Mỹ và cả tạp chí National Geographic (Mỹ), nơi chúng tôi công bố Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Bà ấy đã có hàng chục lần đi xuyên Sơn Đoòng, nhiều hơn cả tôi”, Howard nói.
“Vua hang động” Hồ Khanh cũng phải ngả mũ thán phục về sức khỏe, nghị lực và tài năng của Deb Limbert. Người tìm ra Sơn Đoòng cho rằng bà rất giỏi trong việc sử dụng các thiết bị đo đạc chuyên môn về hang động. “Không thể nào không nhắc đến công lao của Deb Limbert trong quá trình khám phá, công bố hàng trăm hang động ở Phong Nha. Từng theo chân bà ấy trong từng cuộc khám phá, tôi thấy hiếm có người phụ nữ nào giống như Deb Limbert”, Hồ Khanh chia sẻ.
Tại lễ trao Huân chương lao động hạng ba của Nhà nước cho Howard Limbert và Hồ Khanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – Nguyễn Hữu Hoài đã không quên nhắc đến công lao của bà Deb Limbert. “Trong quá trình tìm kiếm, khám phá hệ thống hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, không thể phủ nhận đóng góp của bà Deb Limbert. Chính bà ấy đã góp phần không nhỏ để Sơn Đoòng được khám phá, công bố và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trên thế giới. Đây là người phụ nữ tuyệt vời đã góp phần tạo nên sự phát triển du lịch của Phong Nha – Kẻ Bàng và của tỉnh Quảng Bình” – Ông Hòai nói.
Người Việt Nam đầu tiên vẽ tấm bản đồ Hoàng Sa, góp phần vào những chứng cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam có tên là Đỗ Bá Công Luận hoặc Đỗ Bá Công Đạo, quê ở xã Bích Triều, huyện Thanh Mai (nay là xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông sống vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.
Đầu năm 1672, niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông, ông thi đậu Giám sinh, sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều Nam. Làm quan được một thời gian, vào khoảng năm Chính Hòa (1680 – 1705), ông từ quan, giả dạng người buôn sông Lam, vượt vùng biển Thuận Quảng (nay là dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên), qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, xem xét núi sông, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương.
Chúa Trịnh Cán rất mừng, mang bản đồ cất đi. Lại trưng dụng ông soạn vẽ cho “Tứ chí lộ đồ” hay còn gọi là bộ sách Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Trong sách có ghi chép và vẽ bản đồ về Bãi Cát Vàng (tức đảo Hoàng Sa) và khẳng định đảo này thuộc về Đại Việt.
Đây là sách ghi chép và bản đồ đầu tiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Tập “Tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận Hóa có 2 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa.
Bãi Cát Vàng là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô, chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử”. Tên gọi “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, như trong Đại Nam Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
“Tứ chí Lộ đồ” là một tài liệu chính thức của quốc gia, phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông. Đây là một trong những chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường có dài 340m, rộng 10,5m, từ đường Trường Sa đến đường Lê Quang Đạo ở khu tái định cư phía Đông Xưởng 38 và 387, thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 42/2013/NQ-HĐND ngày 11-7-2013 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố Khóa VIII diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua.