Fixi – Bạn thích sự hào nhoáng của phim trường và ánh đèn sân khấu? Thần tượng của bạn là Tom Cruise hay Angelina Jolie? Vậy, bạn nghĩ sao về công việc diễn viên?
Mục Lục Bài Viết
Diễn viên điện ảnh là ai?
Hiểu một cách đơn giản, diễn viên điện ảnh là người hóa thân vào nhân vật và thể hiện nhân vật trong một bộ phim. Nói cách khác, bằng toàn bộ cơ thể, giọng nói, dáng điệu, cử chỉ, trí tuệ và tâm hồn mình, họ biến những “con người” trên giấy trong các kịch bản phim thành những con người thực sự, sống động trên màn ảnh.
Diễn viên điện ảnh không phải là sự bắt chước mà là lao động sáng tạo để toát lên bản chất của nhân vật, chuyển tải được nội tâm của nhân vật bằng chính diễn xuất của người diễn viên.
Tùy theo tiêu chí mà có nhiều cách phân loại diễn viên. Chẳng hạn, dựa vào tính chất chính hay phụ của nghề nghiệp này trong sự nghiệp của người diễn viên, bạn có thể phân ra thành diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên nghiệp dư. Dựa vào chức năng, có thể chia diễn viên điện ảnh thành các nhóm: diễn viên, diễn viên đóng thế, diễn viên lồng tiếng. (Sự phân loại trên chỉ mang tính tương đối và trong cuốn cẩm nang nhỏ này, chúng tôi chủ yếu muốn giới thiệu tới bạn công việc của nhóm thứ nhất và cũng là nhóm quan trọng nhất: diễn viên).
- Diễn viên
Diễn viên là người đảm nhận một hoặc một số vai diễn trong bộ phim. Họ là người sẽ tìm hiểu kịch bản, chuẩn bị, luyện tập và diễn xuất.
Vấn đề lớn nhất của người diễn viên là diễn xuất. Khi diễn xuất, họ không thể hiện con người, tính cách, hành động của bản thân mình. Điều họ biểu hiện chính là con người, tính cách, hành động của nhân vật trong mỗi bộ phim.
Các nhà phê bình điện ảnh thường nói đến vai trò chủ thể bộ phim của đạo diễn hay nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối với công chúng, diễn viên mới là chủ thể, trung tâm của mỗi bộ phim. Lý do đầu tiên kéo họ đến rạp là bộ phim có diễn viên họ yêu thích, kế đến là đề tài của phim và đạo diễn chỉ là lý do thứ ba.
- Diễn viên đóng thế (Cascadeur)
Dù tài năng đến đâu, không phải lúc nào người diễn viên cũng có thể tự tin một mình hoàn thành vai diễn. Chẳng hạn như khi nhân vật phải thể hiện một màn trình diễn võ thuật cực kỳ đẹp mắt, một vũ điệu hoàn hảo, một cảnh lướt ván… hay trong những pha mạo hiểm.
Đây là lúc cần tới những diễn viên đóng thế. Yêu cầu đầu tiên đối với diễn viên đóng thế là phải có hình dáng tương tự nhân vật anh/cô ta đóng thế. Thứ hai là họ phải có khả năng diễn xuất. Họ phải nhập tâm vào nhân vật và giữ đúng tâm lý, hành động của nhân vật gốc. Các cảnh cần đến diễn viên đóng thế thường là các pha nguy hiểm nên diễn viên đóng thế hầu hết là vận động viên thể thao hay võ thuật. Ở nước ta, dù thể loại phim hành động chưa mấy phát triển, đời sống của diễn viên đóng thế thường bấp bênh, nhưng vẫn có những con người xả thân vì nghệ thuật như nữ võ sư Thu Vân, võ sư Lữ Đức Long v.v…
- Diễn viên lồng tiếng
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, người ta thường sử dụng kỹ thuật thu âm đồng bộ để đảm bảo tính chính xác và độ chân thật. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phim truyện vẫn phải sử dụng kỹ thuật lồng tiếng. Ngoài ra, một số phim tiếng nước ngoài và phim hoạt hình cũng cần tới lồng tiếng. Diễn viên lồng tiếng là người tái hiện lời thoại của nhân vật. Đây là công việc thuộc phần hậu kỳ của mỗi bộ phim, song đóng vai trò không nhỏ tới sự thành công hay thất bại của phim.
Công việc của diễn viên lồng tiếng phải đáp ứng hai yêu cầu: Tiếng phải khớp với khẩu hình và truyền cảm. Để làm được điều này, ngoài giọng nói truyền cảm, người diễn viên lồng tiếng cũng phải có quá trình nhập tâm nghiên cứu các sắc thái tâm lý của nhân vật. Diễn viên lồng tiếng phải giữ đúng cung bậc, mức độ tình cảm, ngay cả khi diễn viên lồng tiếng cho chính mình. Công việc lồng tiếng cũng là giai đoạn để sửa chữa những lỗi sai về thoại của diễn viên trên trường quay.
Ngay cả những siêu sao cũng sẵn sàng trở thành diễn viên lồng tiếng. Trong loạt phim hoạt hình Shrek được yêu thích trên toàn thế giới, Cameron Diaz lồng tiếng công chúa Fiona, Eddie Murphy lồng tiếng chú lừa còn Julie Andrews lồng tiếng hoàng hậu…
Diễn viên điện ảnh làm gì?
Điện ảnh chính là nghệ thuật tái hiện những câu chuyện của cuộc sống bằng âm thanh và hình ảnh. Cuộc sống vốn phong phú vô tận. Do đó, không thể kể hết những gì diễn viên điện ảnh sẽ làm. Công việc của diễn viên điện ảnh ở các lĩnh vực: diễn viên, diễn viên đóng thế, diễn viên lồng tiếng sẽ khác nhau. Đây là một ngành rộng lớn, người nghiệp dư cũng có thể bước vào. Tuy nhiên, có những công việc cụ thể bạn sẽ làm khi đảm nhận một vai diễn.
- Trải qua vòng tuyển chọn (Casting)
Casting là thuật ngữ vay mượn từ tiếng Anh để tả quá trình chọn lọc các ứng cử viên để chọn diễn viên cho một vai diễn. Tại những trung tâm điện ảnh lớn, các nhà sản xuất và đạo diễn thường mất một thời gian rất dài để lựa chọn diễn viên. Họ nhận được hàng ngàn lá thư tự giới thiệu và những cuộn băng biểu diễn. Ở Việt Nam, cuộc cạnh tranh không gay gắt bằng. Tuy nhiên, sự tuyển chọn là công việc đương nhiên bạn phải trải qua. Quá trình chọn lọc có thể căn cứ vào những vai bạn đã đóng, khả năng bạn cảm nhận nhân vật (qua phân tích vai diễn, diễn thử…)
- Đọc kịch bản
Không phải tất cả những lời mời hợp tác đều đưa đến một vai diễn phù hợp với bạn. Có những vai diễn bạn cảm thấy không đủ sức diễn tả, có những vai diễn bạn không đồng ý với tác giả về cách nhân vật ứng xử và hành động…
Đọc kịch bản là khâu quan trọng để bạn có những quyết định sáng suốt. Nếu bạn cảm thấy có thể đảm nhận vai diễn, tất cả sẽ bắt đầu.
- Chuẩn bị cho vai diễn
Đây là giai đoạn quan trọng nhất khi bạn nhận một vai diễn. Quá trình chuẩn bị cho vai diễn còn gọi là quá trình nhập thân.
Phút giây biểu diễn của người diễn viên có thể mang nhiều yếu tố xuất thần, thăng hoa. Tuy nhiên, đây không phải là sự xuất thần, thăng hoa mang tính ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình lao động, tìm hiểu, nghiên cứu lâu dài của người diễn viên với nhân vật mình sẽ thể hiện.
Đây cũng là thời gian sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại. Dù mọi việc có thuận lợi tới mức bạn sẽ đảm nhận vai diễn viên múa trong khi đó chính là nghề nghiệp trước đây của bạn thì bạn vẫn phải luyện tập… Công việc luyện tập diễn ra ở đâu có thể do bạn hoặc đạo diễn quyết định. Bạn sẽ học từ những thứ giản đơn như lái xe, cưỡi ngựa, bắn súng… cho đến những thứ phức tạp như nhập vai một kẻ mộng du, một người điên hay mẫu người đa nhân cách, đối lập giữa hành động bên ngoài với bản chất bên trong…
Công việc cụ thể:
Lập lý lịch cho nhân vật. Điều này giúp bạn hiểu tâm lý nhân vật và động cơ các hành động mình sẽ diễn.
Chuẩn bị tâm lý và phong thái.
Thực hành thoại.
Học cách phối hợp với bạn diễn và làm việc ăn ý với những thành viên trong đoàn làm phim.
- Diễn xuất
Sau bao ngày chuẩn bị, đây là lúc mọi thành viên trong đoàn làm phim đều chờ đợi. Bạn sẽ thực hiện vai diễn của mình. Là một diễn viên chuyên nghiệp, lúc này bạn không xuất hiện trước ống kính bằng bản thân bạn. Người đứng trước ống kính là con người trong kịch bản mà bạn hóa thân vào.
Một cảnh quay bắt đầu và kết thúc bằng hai khẩu lệnh: “Máy” và “Cắt”, đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc một cú quay. Những trục trặc có thể diễn ra như thời tiết thay đổi, máy quay hỏng hóc, diễn viên quên thoại, đạo cụ sai vị trí v.v… Áp lực, căng thẳng, thất bại,… tất cả sẽ có. Vấn đề là bạn sẽ vượt qua những cảm xúc ấy để diễn như thế nào? Điều quan trọng nhất của diễn viên lúc này là khả năng tập trung cao độ khi làm việc trong một môi trường phân tán, giữ đúng tâm lý và thể trạng của nhân vật trong các cảnh quay.
Các đạo diễn luôn đánh giá cao những diễn viên không chỉ hoàn tất vai diễn của mình mà còn có khả năng hỗ trợ đạo diễn trong việc thiết kế bối cảnh, phục trang.
- Giới thiệu phim với báo giới và công chúng
Ở các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển, khi mỗi bộ phim sắp ra mắt khán giả, đạo diễn và diễn viên chính sẽ tham gia những cuộc họp báo. Tại đây, họ sẽ đưa ra những thông tin hấp dẫn về quá trình làm phim, những gì họ trải qua và những gì đáng để khán giả chờ đợi.
Các cuộc họp báo cũng có thể diễn ra sau khi phim được trình chiếu. Báo giới và khán giả sẽ vô cùng chú ý đến bạn. Cách trả lời và hành xử của bạn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thành công của bộ phim cũng như hình ảnh của bạn trong mắt công chúng.
Tại Việt Nam, việc tổ chức họp báo và giới thiệu phim đã trở nên khá quen thuộc, đặc biệt khi các đơn vị tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực phim ảnh với những công cụ và chiêu thức quảng cáo mạnh.
Diễn viên điện ảnh làm việc ở đâu?
Các diễn viên chuyên nghiệp thường làm việc ở các hãng phim (do đặc thù ở Việt Nam, diễn viên kịch tham gia đóng phim rất nhiều nên một bộ phận không nhỏ các diễn viên điện ảnh công tác tại các đoàn kịch, đoàn nghệ thuật). Về đại thể, ở Việt Nam, bạn sẽ làm việc ở: Các hãng phim Nhà nước, Các hãng phim tư nhân, Các nhà hát, đoàn nghệ thuật.
Các hãng phim Nhà nước là các hãng phim hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các diễn viên thuộc các hãng phim Nhà nước thuộc biên chế của cơ quan. Bạn có thể tìm một vị trí tại các cơ quan: Hãng phim truyện Việt nam, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyền hình Tp. Hồ Chí Minh v.v…
Hãng phim tư nhân là hãng phim do một cá nhân đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm quản lý, kinh doanh. Cho đến nay, ở Việt Nam có khoảng trên dưới 40 hãng phim tư nhân. Đến tháng 3 năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh có 33 hãng phim tư nhân đang hoạt động. Một số hãng phim bước đầu thu được kết quả như: hãng Phước Sang, hãng Thiên Ngân, hãng Việt Phim….
Diễn viên tác nghiệp chính tại đâu?
Điều đó phụ thuộc phần lớn vào nội dung kịch bản cũng như sự lựa chọn của đạo diễn và nhà sản xuất. Đó có thể là:
- Phim trường
Phim trường (hay còn gọi là studio) là trường quay, nơi dùng để xây tạo bối cảnh giả cho bộ phim. Phim trường là không gian rộng lớn hội đủ các yếu tố chuyên dụng cho điện ảnh.
Trên thế giới có rất nhiều những phim trường rộng lớn. Ở đó, những nhà sản xuất phim có thể sử dụng nhiều kỹ xảo cũng như kỹ thuật quay hiện đại nhất: dùng đường ray, cần trục để di chuyển máy quay.
Tại Việt Nam, hiện đã có một số phim trường, một số khác đang được xây dựng. Có thể chia trường quay ra hai loại: Trường quay nội dùng để quay nội cảnh và trường quay ngoại: dùng để quay ngoại cảnh.
Điện ảnh sơ khai gần với sân khấu nên các nhà làm phim thường chỉ quay nội cảnh, sử dụng trường quay nội. Ngày nay, cùng với kỹ thuật tối tân, không gian phim được mở rộng một cách đáng kể. Các trường quay ngoại được sử dụng nhiều hơn.
- Hiện trường
Bạn sẽ làm việc ở hiện trường để có những cảnh quay ngoại lấy bối cảnh thực. Hiện trường có thể ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay vùng biển, trong nước hay nước ngoài…
- Xưởng phim
Xưởng phim là nơi xử lý hậu kỳ của phim từ các khâu âm thanh, kỹ xảo hình ảnh v,v… Có hai cách để khớp hình ảnh với âm thanh: thu âm trực tiếp hoặc lồng tiếng. Bạn sẽ làm việc ở xưởng phim nếu bạn là diễn viên lồng tiếng hay bạn tự lồng tiếng cho vai diễn của mình.
Học nghề ở đâu
Có rất nhiều cách thức và địa chỉ để bạn lựa chọn nếu muốn theo học ngành này. Việc bạn được lựa chọn để vào vai hay không phụ thuộc vào quá trình casting của đạo diễn. Có nhiều đạo diễn muốn lựa chọn những diễn viên chưa qua đào tạo hay chưa từng đóng phim. Có những đạo diễn lại đánh giá cao tính chuyên nghiệp của những diễn viên được đào tạo qua trường lớp. Điều này nói rằng, bạn có rất nhiều con đường để trở thành diễn viên điện ảnh. Thực tế cho thấy, nhiều ngôi sao màn bạc đã bước sang từ sân khấu ca nhạc hay sàn catwalk và họ rất thành công. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, quá trình học hỏi để trở thành một diễn viên chuyên nghiệp diễn ra lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời.
Hiện nay, bạn có thể thi vào ngành đào tạo diễn viên sân khấu – điện ảnh khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, , Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh… Đây là những nơi đã đào tạo các diễn viên nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam như NSND Trà Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSƯT Trần Lực, NSƯT Trần Đức…
Bạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội từ các cuộc thi như Triển vọng điện ảnh do Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.
Một con đường khác để trở thành diễn viên điện ảnh chính là từ người mẫu, ca sỹ. Từ kinh nghiệm được tích lũy trong nghề người mẫu hay ca sỹ, bạn cũng có thể bước sang lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về điện ảnh và nghề diễn viên điện ảnh, bạn có thể tham gia các buổi giao lưu trực tuyến với những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam hoặc thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và các website.
Nếu có điều kiện đi du học, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Hầu như ở nước nào cũng có những trường đại học hay các trung tâm đào tạo diễn viên và rất nhiều cuộc tuyển lựa diễn viên cho các vai diễn. Các nước có nền điện ảnh lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh nhất những gì đang diễn ra trong thế giới sôi động của điện ảnh. Bạn cũng có thể du học tại Ấn Độ (Bollywood) hay Nhật Bản – những nơi luôn có sự đầu tư cho việc phát triển nền điện ảnh.
Hãy tự học cách trở thành diễn viên điện ảnh từ hôm nay
Với gần một thế kỷ tồn tại, ngành điện ảnh thế giới đã tạo dựng một khối lượng phim khồng lồ. Đó chính là kho tàng vô tận cho bạn tham khảo để biết những người diễn viên đã làm gì. Nếu bạn muốn trở thành diễn viên điện ảnh, hãy tìm đọc kịch bản của các bộ phim nổi tiếng. Sau đó, xem phim và so sánh giữa những gì trong kịch bản với những gì bạn tưởng tượng và những gì diễn viên thể hiện trong phim. Bạn có thể thấy cách diễn xuất và xử lý vai diễn của họ.
Một cách rất gần với bạn, hãy tham gia diễn các vở kịch trên lớp, ở địa phương, hãy tham gia các cuộc thảo luận, các cuộc thi hùng biện… Tất cả nhằm giúp bạn có thể nói trước đám đông và chuẩn bị những bước đầu tiên cho khả năng diễn xuất.
Nếu bạn có khả năng đọc tiếng Anh/ Pháp, bạn có thể tìm trên mạng Internet nguồn tài liệu phong phú nói về những câu chuyện xung quanh một bộ phim. Sự chia sẻ kinh nghiệm của các diễn viên bậc thầy sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề diễn viên điện ảnh.
- Khả năng diễn xuất
Bản chất công việc của người diễn viên điện ảnh chính là hóa thân vào vai diễn và tái hiện nhân vật đó. Quá trình đó sẽ diễn ra trong suốt cuộc đời người diễn viên. Do đó, khả năng diễn xuất chính là yếu tố đầu tiên giúp bạn thành công.
Với khả năng diễn xuất của mình, bạn có thể biến những ý tưởng, những con người trên kịch bản thành nhân vật sống động. Khả năng diễn xuất cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể đảm đương các vai diễn thuộc nhiều kiểu nhân vật, nhiều loại tính cách, ở nhiều độ tuổi…
- Khả năng nắm bắt các ý tưởng và óc tưởng tượng
Nếu bạn là người cảm thấy chật vật khi nắm bắt ý tưởng của người khác, hãy cân nhắc khi chọn nghề diễn viên điện ảnh. Để có một vai diễn, bạn phải làm công việc của một người đọc ý tưởng của nhà biên kịch và đạo diễn. Sau đó, bạn sẽ tưởng tượng nhân vật đó và thể hiện những hành động, cử chỉ, trạng thái xúc cảm của nhân vật bằng chính bản thân mình.
- Sức khỏe tốt, khả năng làm việc dưới áp lực lớn
Hầu như chúng ta chỉ biết đến những ánh hào quang bao phủ quanh những siêu sao điện ảnh. Một cuộc sống xa hoa, các bữa tiệc, những giải thưởng lớn, những chuyến du lịch… Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì thuộc về cuộc sống của người diễn viên điện ảnh. Công việc của người diễn viên điện ảnh thực sự thú vị nhưng cũng đầy áp lực.
Đã bao giờ bạn tưởng tượng mình sẽ giảm 10 cân trong vòng 15 ngày? Đã bao giờ bạn tưởng tượng sẽ phải cắt toàn bộ mái tóc để đảm nhận vai sư cô hay bệnh nhân? Khi cơ thể đã mệt nhoài và đầy vết bầm tím sau một ngày luyện tập, bạn có thể nhảy xuống nước ở nhiệt độ 110C giữa mùa đông? Bạn có thể diễn suốt đêm, một ngày chỉ ngủ có bốn tiếng, và làm việc như vậy trong mấy tháng liền. Những chuyện ấy được coi là rất bình thường trong cuộc sống của người diễn viên.
- Tính kiên trì, nhẫn nại
Đây là một công việc mà bạn phải có thừa nhẫn nại. Để có vài phút lên hình, nhiều khi cả đoàn làm phim đã phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng lao động cật lực trong những điều kiện khắc nghiệt. Diễn viên có thể phải diễn đi diễn lại một cảnh đến lần thứ mười lăm, mà không dám chắc liệu cảnh đó có được chấp nhận hay không. Chỉ một trục trặc nhỏ về ánh sáng, âm thanh, trang phục hay bối cảnh có thể phá hỏng cả một đoạn phim đã dày công dàn dựng.
Nhẫn nại trong nghề diễn viên điện ảnh còn có nghĩa là bạn dám vượt qua chính bản thân mình trong những vai diễn trước đó. Mỗi thành công bạn có được vừa là lợi thế vừa là một thử thách. Những vai diễn trước đó tạo ra trong chính bạn một quán tính nghề nghiệp, đồng thời tạo ra trong khán giả ấn tượng về bản thân bạn. Làm mới chính mình không phải là một công việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, thời gian và bản lĩnh.
- Khả năng phối hợp trong công việc
Công việc của bạn gắn bó mật thiết với tất cả các thành viên trong đoàn làm phim. Một sai sót của một người sẽ làm đình trệ tất cả công việc của những người còn lại. Do đó, nghề diễn viên đòi hỏi ở bạn tinh thần tập thể và khả năng phối hợp với những cá nhân khác.
Mặt khác, quá trình diễn xuất yêu cầu bạn phải kết hợp ăn ý với bạn diễn. Điều này cũng liên quan đến khả năng nắm bắt các ý tưởng của người khác ở trên. Hơn bất kì công việc nào khác, nghề diễn viên không phải là một công việc yêu cầu từng người làm việc một cách độc lập và riêng rẽ. Sự thành công của bạn không chỉ phụ thuộc vào bản thân bạn mà còn tùy thuộc vào sự hợp tác giữa bạn và những thành viên khác của đoàn làm phim.
- Không ngừng hoàn thiện bản thân
Khả năng diễn xuất như một năng khiếu trời cho là điểm khởi đầu thuận lợi khi bước vào nghề diễn viên điện ảnh. Tuy nhiên, để tồn tại và thành đạt trong bản thân nghề này, bạn phải không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Các vai diễn liên tục thay đổi, bắt buộc bạn phải có vốn sống phong phú. Bạn sẽ tìm những động lực mới để phát triển tâm hồn và kiến thức. Bạn sẽ học hội họa để có óc thẩm mỹ và kiến thức về bố cục tạo hình, học nhạc lý để biết sự hài hòa của giai điệu, học khiêu vũ để rèn luyện các cơ và có động tác uyển chuyển, thoải mái.
Bạn có thể sẽ đóng vai một người nông dân hay một danh nhân, một võ sĩ quyền Anh vạm vỡ hay một bệnh nhân thập tử nhất sinh, một tên cướp hay một nhân vật gấp đôi số tuổi bạn… Tất cả những điều đó đều có thể diễn ra và đòi hỏi bạn nâng cao năng lực cũng như khả năng thích nghi. Không thể vào vai một vũ nữ nếu không lỡ bước chân đến sàn tập và sân khấu, không thể vào vai một nhân vật lịch sử nếu không tìm hiểu những trang phục, thói quen, dáng điệu, cách cư xử của nhân vật cũng như những điều kiện lịch sử xã hội thời nhân vật đó sống…
Tham gia một khóa học vũ đạo, diễn kịch, một khóa học lái xe hay học võ thuật, thậm chí một khóa học ngoại ngữ tại nước ngoài là điều cần thiết đối với một diễn viên điện ảnh. Luôn học hỏi, hoàn thiện bản thân sẽ giúp bạn xử lý tốt vai diễn cũng như mở rộng khả năng diễn xuất sang nhiều loại nhân vật. Điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội thể hiện bản thân.
- Niềm đam mê nghề diễn viên điện ảnh
Nghề diễn viên điện ảnh là công việc rất vất vả, luôn phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía: đạo diễn, giám đốc sản xuất, công chúng, giới báo chí… và cả những thành công, thất bại của chính bạn. Rất nhiều áp lực, rất nhiều sự cạnh tranh, cả sự cám dỗ, tất cả những điều này đòi hỏi bạn niềm đam mê điện ảnh. Nếu bạn không ngại ngần luyện tập cả tháng trời cho vai diễn, không ngại ngần với những chuyến đi thực tế gian nan, không ngại ngần học những kĩ năng mới để diễn xuất, thì điện ảnh là con đường dành cho bạn.
“Vịt con xấu xí” đã chinh phục Hollywood như thế nào? Vẻ bề ngoài có phải là yếu tố quyết định cho thành công của một diễn viên điện ảnh? Ruth Elizabeth Davis (thường được biết đến với cái tên Bette Davis) sẽ giúp bạn tìm câu trả lời.
Bette Davis được mệnh danh là đệ nhất phu nhân của màn ảnh Mỹ. Tên tuổi của bà gắn liền với những phẩm chất vàng mà bất cứ người diễn viên điện ảnh thực thụ nào cũng coi như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa thành công.
Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình qua thế giới của diễn viên điện ảnh với câu chuyện đầy ý nghĩa về “vịt con xấu xí” đã trở thành thiên nga lộng lẫy như thế nào.
Năm 1930, B.Davis đến Hollywood, hầu như tay trắng, không có gì ngoài ước mơ cháy bỏng được trở thành diễn viên điện ảnh. Cô gái trán dô, mắt quá to, miệng nhỏ, ngực mảnh, không chút gợi cảm, suýt bị ông giám đốc hãng MGM từ chối. Tuy nhiên, chính cái ngoại hình không lợi thế ấy đã ẩn chứa trong nó quyết tâm không dễ bị đánh bại, một nỗ lực và tài năng xuất sắc. Chấp nhận thay đổi vẻ bên ngoài, lao động hết sức mình cho những vai diễn có được, B. Davis đã dần bước đến thành công.
Năm 1935, năm năm kể từ khi đặt chân đến kinh đô điện ảnh, Bette Davis được đề cử giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai Joyce Helth trong phim Dangerous. Vượt qua những ngôi sao lừng lẫy như Elizabeth Bergner, Katharine Hepburn, Bette Davis đã đạt giải Oscar năm 1935. Giải thưởng này chính là vương miện đánh dấu thời điểm “Vịt con xấu xí” đã chính thức trở thành thiên nga, tỏa sáng trong thế giới điện ảnh.
Khi chiếc vương miện đã đội lên đầu, B. Davis đã không từ bỏ nó suốt nhiều thập kỷ. Đây là một kỷ lục hiếm hoi ở kinh đô điện ảnh đầy rẫy ngôi sao.
Một nữ diễn viên điện ảnh đạt đến đỉnh cao danh vọng và tài chính trong một ngành công nghiệp vốn dành cho những người đàn ông. Năm 1977, Bette Davis là người phụ nữ đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học nghệ thuật điện ảnh Mỹ trao giải Thành tựu trọn đời. Bette Davis cũng là người đặt ra những tiêu chuẩn mới cho nữ diễn viên, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ trong một nền công nghiệp do đàn ông thống trị và đã tạo nên hình ảnh mới của người phụ nữ trên màn ảnh.
Điều gì đã đưa một cô gái nghèo khó, không nhan sắc trở thành siêu sao điện ảnh suốt sáu thập niên? Có ba yếu tố: nỗi ám ảnh thường trực phải thành công, ma lực của cái nhìn và một niềm tin kiên định: không có gì là không thể.
- Sự khác nhau giữa diễn viên điện ảnh và diễn viên sân khấu
Ở nước ta, bạn thường thấy một diễn viên có thể diễn trong các bộ phim và vẫn đứng trên sàn diễn sân khấu đỏ đèn mỗi tối. Diễn viên điện ảnh và diễn viên sân khấu cùng phải có đam mê sáng tạo năng khiếu diễn xuất và sự nhạy cảm. Tuy nhiên, có sự khác biệt khá rõ rệt giữa hai nghề nghiệp này.
Diễn viên sân khấu diễn theo trình tự thời gian và theo sự tiến triển của các trạng thái tâm lý. Họ trực tiếp giao lưu với công chúng và dễ dàng tìm ra sự cộng hưởng.
Trong khi đó, do không thể phá đi xây lại bối cảnh, diễn viên điện ảnh có thể phải diễn trên cùng một bối cảnh nhiều trường đoạn, tình huống khác nhau, không theo trình tự thời gian nào cả. Trong một khoảng thời gian ngắn, họ phải diễn tả niềm hạnh phúc, nỗi đau đớn, sự hận thù, diễn tả nhân vật lúc họ trẻ hay già, lúc khỏe mạnh hay ốm yếu… Tức là, trên cùng một bối cảnh, họ phải diễn rất nhiều trạng thái tâm lý, rất nhiều tình tiết và biểu hiện nhân vật ở nhiều độ tuổi.
So với diễn viên sân khấu, lời thoại của diễn viên điện ảnh ngắn hơn nhưng áp lực của người diễn viên rất lớn: làm sao giữ đúng trạng thái tâm lý cũng như thể lực của nhân vật.
Mặt khác, người diễn viên điện ảnh phải tuân thủ những quy ước kỹ thuật: Giữ đúng cự ly với máy, với bạn diễn, với ánh sáng; Phải diễn xuất dưới thời tiết khắc nghiệt hay sức nóng của đèn; Phải tập trung vào vai diễn, tránh bị phân tán trước các hành động diễn ra nơi trường quay. Trong khi đó, các sự cố kỹ thuật, sự chậm trễ, sự thiếu đồng bộ,… đều có thể làm chậm tiến độ của bộ phim.
- Lược sử điện ảnh thế giới
Khoảng năm 1550, Leonardo da Vinci (1452-1519) phác họa ra hình ảnh đầu tiên cũng nhiều phát minh của những nhà khoa học sau đó. Vào ngày 28 tháng 12 năm 1895, điện ảnh ra đời. Louis Lumiére và Auguste Lumiére đã thực hiện buổi chiếu phim đầu tiên tại Paris. Buổi chiếu bao gồm những băng phim ngắn, mỗi băng dài 1 phút do anh em nhà Lumiére tự quay với những nội dung đơn giản: Bữa ăn của em bé (Repas de bebe), Bức tường đổ, Buổi tan tầm ở nhà máy Lumier tại Lyon (La sorrtle de l‘usine Lumier à Lyon) v.v…
Anh em nhà Lumiére đã được nhận bằng sáng chế phát minh ra máy quay phim và chiếu phim hoàn chỉnh. Họ cũng là những người xây dựng rạp chiếu phim đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, điện ảnh vẫn chưa được coi là một nghệ thuật thực sự. Đến lúc này, người xem vẫn coi điện ảnh như một hình thức nhiếp ảnh hay một sự bắt chước thô thiển sân khấu. Máy quay phim được đặt cố định tại một điểm để thu hình và người xem nhìn lên màn ảnh không khác gì khán giả trong nhà hát nhìn lên sân khấu. Thậm chí điện ảnh lúc đó không thể bằng sân khấu bởi diễn viên không giao lưu trực tiếp với khán giả.
Đạo diễn Mỹ Griffith đã tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử điện ảnh thế giới với bộ phim Intolerence (tạm dịch là Không khoan dung) ra mắt công chúng vào năm 1916.
Bộ phim câm kể về bốn câu chuyện riêng biệt nhưng song song biểu trưng cho sự khoan dung của loài người trong bốn giai đoạn của lịch sử thế giới. Phim trải rộng trên khoảng thời gian 2.500 năm, từ thời kỳ Babylon (năm 539 trước công nguyên) tới nước Mỹ hiện đại.
Lần đầu tiên, khán giả được chứng kiến khả năng tái hiện một không gian vô cùng rộng lớn của điện ảnh, điều mà sân khấu không bao giờ có được. Với nhiều máy quay, cả máy quay được cột vào khinh khí cầu, Griffith đã quay toàn cảnh Babylon rộng lớn. Bộ phim đánh dấu sự lựa chọn chiều sâu và ý nghĩa của sự miêu tả thông qua việc sử dụng máy quay. Đó không đơn thuần là sự khai thác kĩ thuật tạo hình mà là bước tiến của con người trong nhận thức tái hiện thiên nhiên và đời sống.
Thời kì phim câm kéo dài cho đến đầu những năm hai mươi của thế kỷ XX. Việc thử nghiệm phim âm thanh vấp phải rất nhiều trở ngại. Người ta lo ngại rằng điện ảnh sẽ trở thành thứ sân khấu nhàm chán và tẻ nhạt. Việc có âm thanh sẽ ngăn cản chuyện xuất khẩu phim ra nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ. Một số diễn viên nổi tiếng đã phải ra đi khi thời kì phim câm kết thúc, đơn giản chỉ vì họ không biết tiếng Anh hoặc giọng của họ không chuẩn.
Ngày nay, đến lượt khán giả hiện đại không thể tưởng tượng nổi một bộ phim lại không có âm thanh. Và nghệ thuật phim câm hiện nay cũng được một số đạo diễn khai thác theo một hướng mới, thường nhằm truyền tải những thông điệp sâu sắc về cuộc sống.
Sau khởi đầu, điện ảnh bước vào thời kỳ hưng thịnh với sự xuất hiện các trào lưu: Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, Chủ nghĩa ấn tượng Pháp, Montage Xô Viết và phim Hollywood v.v…
Sự ra đời của điện ảnh gắn với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Hơn một thế kỉ qua, sức phát triển vũ bão của điện ảnh đã khiến con người phải kinh ngạc. Hơn tất cả những loại hình nghệ thuật truyền thống, điện ảnh có sức tác động, ảnh hưởng đến công chúng và chính bản thân nó đã tăng cường khả năng tác động đến xã hội của nghệ thuật.