Fixi – William Arthur Ward từng mô tả về nghề giáo viên như sau: “Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Đây có phải là những thế mạnh của bạn?
Mục Lục Bài Viết
Giáo viên là ai?
Người ta trông mong thầy dạy cho con mình thực sự làm người: Dạy lễ nghĩa, ăn nói, cư xử, dạy cách từ một góc đã biết suy ra các góc còn chưa biết như “người thầy của muôn đời” là Khổng Tử từng nói đến. Cho nên đi học không chỉ là học chữ, mà còn là “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Ngày nay, ngành sư phạm đã phát triển thành một hệ thống quy mô và có tổ chức chặt chẽ. Ở một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ôtxtrâylia… giáo dục là một “ngành công nghiệp” lớn, mang lại nhiều lợi nhuận và tạo ra khối lượng lớn công ăn việc làm cho xã hội.
Còn tại Việt Nam, ngành sư phạm đang chuyển mình trong những cải tiến không ngừng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn sức khoẻ trí tuệ cộng đồng.
Giáo viên làm gì?
Khi bạn chọn làm việc trong ngành sư phạm, tùy thuộc vào trình độ, năng lực và sở thích, bạn có thể trở thành:
- Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
- Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;
- Giáo viên trung học chuyên nghiệp;
- Giảng viên đại học, cao đẳng;
- Giáo viên dạy nghề.
Giáo viên làm việc ở đâu?
Giáo viên có thể làm việc tại:
- Hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, Đại học trong cả nước;
- Các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các địa phương trong cả nước;
- Các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục.
Làm thế nào để trở thành giáo viên?
Với ngành sư phạm, bạn có thể tìm học hầu như ở bất cứ tỉnh, thành phố nào. Dưới đây là một vài địa chỉ để bạn tham khảo.
Các cơ sở đào tạo sư phạm tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Đại học Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng nhạc họa Trung ương, Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương TP. HCM, Đại học Tây Bắc, Đại học Sư phạm Hải Phòng;
- Tại miền Trung: Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Đà Nẵng;
Tại miền Nam: Đại học Sư phạm tp. HCM, Đại học Cần Thơ.
Tố chất
- Hơn bất cứ một công việc nào khác, với nghề sư phạm, phải giàu tình yêu thương con người thì mới có thể yêu nghề. Điều này càng quan trọng hơn khi đối tượng bạn hướng tới chủ yếu là lớp người trẻ tuổi, cách bạn đôi khi một vài thế hệ với một lối quan niệm khác và suy nghĩ khác;
- Thầy giáo chân chính phải là người thích dạy, thích giúp người khác hiểu biết, thích giáo dục lớp người trẻ tuổi hơn. Niềm say mê cần thiết trong bất cứ nghề nghiệp nào, lại càng cần trong sư phạm;
Kỹ năng/Kiến thức
- Biết cách truyền đạt: Trong nghề sư phạm, bạn còn phải quan tâm tới cả vấn đề “thanh sắc” nữa. Vì cũng có một đôi chút giống nhau nào đó giữa một người thầy giáo và một diễn viên: cả hai, đều phải chinh phục đám đông bằng toàn bộ con người mình, từ giọng nói, ánh mắt đến cử chỉ, điệu bộ, v.v;
Ngoài lĩnh vực chuyên sâu, nghề giáo còn đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, vốn văn hóa sâu rộng và nhất là sự học hỏi không ngừng nghỉ, bởi bạn là người được xã hội giao trọng trách truyền đạt tri thức, đào tạo con người.
Câu chuyện nghề giáo
Đón bạn ở đây là người thầy vĩ đại bậc nhất trong những người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta: thầy Chu Văn An.
Nếu bạn từng vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hẳn bạn đã thấy gian thờ Chu Văn An. Suốt mấy chục năm, thầy Chu Văn An đã dạy dỗ học trò tại “trường đại học đầu tiên của nước ta” này.
Đỗ cao trong kỳ thi nhưng Chu Văn An không ra làm quan mà mở trường dạy học. Học trò của thầy có đủ mọi tầng lớp trong xã hội: từ hoàng tử, quý tộc đến những trẻ nghèo. Dân gian vẫn truyền nhau nhiều câu chuyện về Chu Văn An và những môn sinh. Có những chuyện đã thành bài học về đạo thầy trò, lại có chuyện đã được dệt thành huyền thoại như câu chuyện về người học trò con trai của thủy thần.
Truyện kể rằng danh tiếng của Chu Văn An vang xa tới mức hai con của thủy thần cũng tới xin theo học. Ngày tháng trôi qua, hai người ấy được thầy dạy cho “cái chữ” và “đạo làm người”. Rồi đến một năm trời hạn hán kéo dài, nhân dân lầm than. Theo nguyện vọng tha thiết của thầy Chu, người học trò con trai thủy thần đã hóa phép vẩy mực làm mưa, dù biết rằng mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Đất đai và vạn vật đang bị ánh mặt trời thiêu đốt gặp cơn mưa lập tức hồi sinh. Chỉ có điều nước mưa đen như mực, để lại vết tích là Đầm Mực.
Câu chuyện cảm động ấy vẫn được kể từ đời này qua đời khác như một truyền thuyết bất diệt về lòng yêu thương nhân dân và về sức cảm hóa kỳ diệu của người thầy. Đâu dễ có nghề nào, ngoài nghề giáo, có thể làm nên sức lay động thiêng liêng đến cả thần linh như thế?
Một ngày của nhà giáo
Hãy thử tưởng tượng bạn đã là một nhà giáo. Hành trình trong ngày của bạn sẽ thế nào? Một ngày bình thường bắt đầu vào lúc 6 giờ 30 phút sáng. Buổi sáng khởi động với một tách trà thơm làm sảng khoái tinh thần. Hôm nay bạn có tiết một.
Không giống các cơ quan khác, trường học bắt đầu làm việc sớm hơn, từ khoảng 7 giờ 15 phút hoặc 7 giờ 30 phút, tùy theo từng trường. Điều này từ thời đi học, bạn đã quá quen thuộc rồi. Nhưng khi bạn là thầy (cô) giáo thì lại khác. Bạn không thể đi muộn hay hổn hển chạy đến lớp.
Tất nhiên, không phải hôm nào bạn cũng có tiết một và có thể “ngủ nướng” thêm chút xíu mà chẳng bị ai kêu ca. Dù sao, lúc bước vào lớp thì bạn cũng đã phải hoàn toàn chỉn chu, nhịp thở trở lại đều đặn, sẵn sàng làm người hướng dẫn và đồng hành với học sinh vào một miền đất mới của trí tuệ và cảm xúc.
(Lần đầu tiên bạn bước lên bục giảng, trước mấy chục cặp mắt chăm chú và chờ đợi, giây phút ấy sẽ run rẩy và thiêng liêng đến mức nào).
Và như thế, buổi học này có lẽ phải tính từ hôm trước, khi bạn ngồi một mình trước ngọn đèn, với trang giáo án. Bạn lặng lẽ hình dung trước tiết dạy, dự kiến trước tình huống, cảm nhận trước sự thích thú hay chán ngán của học sinh, nhấm nháp trước hương vị ngọt ngào và cay đắng có thể đến với mình trong tiết giảng.
Dĩ nhiên, thực tế của mỗi buổi dạy diễn ra không hoàn toàn giống bạn tưởng tượng đâu. Nhưng đó lại là một thích thú khác của nghề, sự thích thú được làm nên từ những bất ngờ ngoài dự liệu. Mà ai dám quả quyết những bất ngờ như thế sẽ không làm cho người thầy giáo tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, để nâng cao trình độ “ứng phó” và sáng tạo?
Nếu vậy, không khéo còn phải tính ngày làm việc của bạn bắt đầu từ trước nữa. Vì để có bài soạn thì điều quá hiển nhiên là phải soạn bài, một quá trình thật khó nhọc mà cũng thật vui.
Bạn đừng vội nghĩ đó chỉ là công việc làm một cái đề cương, với một chuỗi gạch đầu dòng, tóm tắt những nội dung kiến thức bạn sẽ đem ra giảng dạy học trò. Soạn một bài giảng, cũng tựa như thiết kế những chặng đường, hay những nhịp cầu để đưa hiểu biết của học sinh tới những bến bờ mới mẻ.
Bạn sẽ đặt lần lượt từng câu hỏi như thế nào? Sẽ dẫn dắt bài giảng dần dần ra sao?
Thầy giáo có thể không phải là người khám phá ra kiến thức nhưng nhất nhất phải là người sáng tạo ra con đường đi tới kiến thức, sáng tạo ra cách tốt nhất nhằm giúp trẻ em tự chiếm lĩnh kiến thức. Đây chính là địa hạt riêng của người thầy. Ở đó, khó khăn nhiều nhưng hứng thú, có thể nói, là vô tận.
Cuối tiết học, có thể bạn dành ít thời gian trả bài kiểm tra 15 phút tuần trước và nhận xét vắn tắt. Phần trả bài ấy lại là kết quả bạn thức cả đêm hôm kia để chấm bài.
Đây mới thực là thử thách lớn nhất đối với sự tinh tường và nhẫn nại của nghề sư phạm. Thật khó chịu khi ai đó ép chúng ta phải xem 3 lần một bộ phim dù hay hoặc nghe 5 lần liên tục một bài hát dù ta yêu thích. Vậy mà bạn có thể phải đối diện với không chỉ là 3 hay 5, mà là gấp mười lần hơn thế những bài làm na ná nhau, những bài làm mà phần lớn không phải là xuất sắc.
Nhưng chính lúc đó, hiện lên trên trang giấy không phải là những dòng chữ vô tri, vô cảm mà là gương mặt, cặp mắt trong trẻo của những đứa trẻ thân thương. Chấm bài sẽ chỉ đem lại hứng thú khi nó được coi là một sự săn sóc, một sự chăm chút, vỗ về, uốn nắn, cả quở trách nũa, theo cách riêng của người thầy.
Tiếng trống báo hết tiết. Bạn hối hả bước ra khỏi lớp, chuẩn bị cho một tiết dạy mới.
Hôm nay là thứ tư, tiết bốn và năm họp hội đồng. Hết tiết ba, học trò nô nức đổ ào ra khỏi trường còn các thầy cô ngồi lại họp. Có rất nhiều vấn đề phải giải quyết như bàn về đổi mới phương pháp dạy và học, giúp đỡ những học sinh cá biệt, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới…
Tan họp, bạn ở lại trường cùng vài giáo viên khác. Chiều nay bạn có 3 tiết dạy. Dù sao, hôm nay cũng là ngày căng thẳng nhất trong tuần. Hoàn thành xong tiết dạy cuối cùng vào buổi chiều, bạn nán lại trò chuyện với một em học sinh đang gặp nhiều chuyện phức tạp trong lớp.
Sau khi chăm chú lắng nghe cậu học trò giải thích cặn kẽ, bạn vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, nhắc nhở. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi vấn đề được tháo gỡ, bạn trở về nhà, cảm giác thong thả và sảng khoái. Một ngày dài vất vả nhưng thú vị.
Nhưng hành trình một ngày của nhà giáo không chỉ có vậy đâu.
Những buổi cắm trại, những chuyến tham quan, những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao… Làm sao biết được những công việc như vậy chiếm bao nhiêu thời gian trong cuộc sống của người thầy?
Bởi thế, hành trình trong ngày của người thầy luôn là hành trình của sự truyền dạy kiến thức, của tình yêu thương vô hạn.