Fixi.vn – Nghề giáo viên âm nhạc – lối ra cho những ai yêu âm nhạc, tránh trốn showbiz thị phi!
Mục Lục Bài Viết
Giáo viên âm nhạc là ai?
Giáo viên âm nhạc là người truyền thụ hệ thống kiến thức âm nhạc, hình thành và phát triển kỹ năng và thái độ cần thiết trong lĩnh vực âm nhạc cho học sinh để học sinh nhận thức và lĩnh hội chúng, qua đó thực hiện được mục đích giáo dục âm nhạc.
Đối với nghệ thuật, nhất là âm nhạc, sự sáng tạo của mỗi cá nhân đóng vai trò cực kì quan trọng. Học sinh Trung học cơ sở đang trong thời kì phát triển nhanh về thể chất và tâm – sinh lí, các em có nhiều suy nghĩ và ước mơ về cuộc sống. Đây là giai đoạn rất thích hợp để phát huy sự sáng tạo của học sinh trong quá trình học âm nhạc.
Nghề giáo viên âm nhạc làm gì?
Công việc của nghề này là quản lý, tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức học âm nhạc của học sinh, giúp học sinh tìm tòi và khám phá tri thức, qua đó thực hiện có hiệu quả chức năng học của bản thân, điều này được thể hiện cụ thể như sau:
- Đề ra mục đích, yêu cầu nhận thức của việc học âm nhạc cho học sinh, từ đó vạch ra kế hoạch dạy học, giáo dục âm nhạc và các hoạt động;
- Dạy học trò những nguyên tắc thanh nhạc cơ bản, dạy hát, sử dụng một số nhạc cụ như đàn piano, trống, v.v;
- Tổ chức các hoạt động âm nhạc, các câu lạc bộ âm nhạc cho những học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc;
- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, qua đó để có những biện pháp điều chỉnh, sửa chữa kịp thời những thiếu sót của các em cũng như trong công tác giảng dạy môn âm nhạc;
- Thường xuyên trau dồi kiến thức âm nhạc cũng như khả năng thanh nhạc của bản thân.
Giáo viên âm nhạc làm việc ở đâu?
Giáo viên âm nhạc có thể làm việc tại:
- Hệ thống các cấp học từ mầm non lên đại học;
- Các trung âm giảng dạy âm nhạc;
- Mở lớp dạy thêm tại nhà hoặc dạy kèm theo hình thức gia sư.
Ngoài ra, người giáo viên âm nhạc có thể làm thêm các nghề tay trái như những đi hát các show, chương trình âm nhạc, các phòng trà, quán cà phê. Thường những công việc này là bán thời gian, giáo viên âm nhạc có thể làm sau giờ lên lớp.
Làm thế nào để trở thành giáo viên âm nhạc?
Các cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Học viện Âm Nhạc Quốc Gia, Trường Đại học văn hóa – nghệ thuật quân đội (miền bắc), Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc;
- Tại miền Trung: Học viện Âm Nhạc Huế, Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai;
- Tại miền Nam: Trường Đại học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, bạn cũng có thể theo học chuyên ngành sư phạm âm nhạc tại các trường đại học, cao đẳng khác trên thế giới như Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây – Trung Quốc.
Tố chất
- Nhẫn nại, kiên trì với học sinh: Âm nhạc là môn học nghệ thuật vì vậy không phải bất kì học sinh nào cũng có thể cảm thụ và học tốt được. Người giáo viên cần sự kiên trì và nhẫn nại để giúp các em hiểu âm nhạc và hoàn thành bài tập.
- Sáng tạo: Người giáo viên âm nhạc cần sáng tạo để thay đổi những phương pháp dạy học nhàm chán và quen thuộc, kích thích sự sáng tạo ở học sinh cũng như tạo bầu không khí năng động cho lớp học.
- Yêu học sinh: Người làm nghề giáo cần cái tâm để hiểu học sinh từ đó mới có phương pháp dạy hiệu quả. Để làm được điều đó, người giáo viên cần yêu học sinh, yêu nghề để tạo động lực trong công việc trồng người.
Kỹ năng/Kiến thức
- Kiến thức chuyên sâu về âm nhạc cũng như có khả năng chơi các nhạc cụ một cách thành thạo;
- Khả năng truyền đạt tốt trên cả hai phương diện nói và viết: Là một người giáo viên nói chung cần phải có khả năng truyền đạt để học sinh có thể dễ dang hiểu được những kiến thức mà bạn muốn truyền tải.
Vũ Công Hào là người khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc (hệ chính quy) Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM về lĩnh vực âm nhạc.
Những học trò đầu tiên của thầy Hào là các em khiếm thị sống tại mái ấm Thiên Ân và mái ấm Nhật Hồng (quận Bình Thạnh). Đối với các em ở mái ấm, Hào vừa là một người thầy vừa là một thần tượng đúng nghĩa. Biết phương pháp giảng dạy của mình còn mới nên lúc nào Hào cũng từ tốn, ân cần sửa từng lỗi nhỏ cho học trò của mình.
Nguyễn Xuân Dưng (sống tại mái ấm Nhật Hồng, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Thầy Hào là giáo viên khiếm thị đầu tiên dạy tụi em học nhạc theo phương pháp giảng dạy cho người sáng. Ban đầu khó theo lắm nhưng thầy Hào nói phải cố gắng”.
Tuy không thể tương tác qua ánh mắt nhưng họ luôn nhìn thấy nhau, cảm nhận được nhau qua niềm đam mê âm nhạc.
Thầy Phùng Đăng Quang, Trưởng khoa Âm nhạc, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Khi Hào nhận học bổng khuyến học của trường, tôi vỗ vai Hào và nói: “Em hãy tự hào về thành quả em đạt được! bởi đó là nỗ lực của chính Hào chứ không phải đặc ân mà nhà trường dành cho một người khiếm thị”.
Vũ Công Hào cũng chia sẻ những mong muốn ấp ủ của bản thân “Tôi muốn được học bài bản và sau này sẽ biên soạn một giáo trình nhạc lý cho người khiếm thị theo phương pháp giảng dạy cho người sáng. Có như thế, sau này công việc giảng dạy âm nhạc mới rộng cửa hơn với người khiếm thị”.
Lịch sử và Âm nhạc tưởng chừng là hai môn học không liên quan gì đến nhau nhưng với tình yêu nghề và sự sáng tạo của người làm nghề giáo, hai môn học này lại được kết hợp với nhau một cách hài hòa và hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Huệ công tác tại trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang đã nghĩ ra phương pháp giúp học sinh ôn tập các bài học lịch sử Việt Nam từ những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 bằng những bài hát như “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân…
Cô Huệ chia sẻ, dạy lịch sử phải tạo cho các em tinh thần thoải mái, không áp lực thì các em mới yêu thích. Vì vậy, để tạo hứng thú cho học sinh, nhiều giáo viên trong trường đã lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử hay ca dao, tục ngữ, hò vè, tổ chức trò chơi ô chữ để củng cố kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin với các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ, v.v.
Em Nguyễn Bích Xuân, học sinh lớp 12A12, nói ngay: “Giờ học lịch sử của cô Huệ lúc nào cũng sinh động và hào hứng. Từ khi cô đưa âm nhạc vào dạy lịch sử, chúng em yêu thích môn học và học cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Trước mỗi bài học, cô đều yêu cầu chúng em tìm những bài hát phù hợp nội dung, ý nghĩa của bài học. Nhờ đó, chúng em biết và thuộc được rất nhiều bài hát cách mạng, càng tự hào về lịch sử của dân tộc, thêm yêu đất nước Việt Nam”.
Khi còn học ở đại học sư phạm Vinh, cô Huệ đã luôn ấp ủ ước mơ sử dụng âm nhạc vào dạy học lịch sử Việt Nam. Hơn 10 năm giảng dạy tại trường THPT Lý Tự Trọng, cô đã dần dần thực hiện được ước mơ của mình. Với kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, cô đã mạnh dạn làm một đĩa gồm các bài hát theo thứ tự các bài học lịch sử Việt Nam lớp 12.
Vừa qua, cô Nguyễn Thị Huệ đã đạt giải A trong Hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh năm học 2013-2014. Sự hứng thú, yêu thích của học sinh đối với giờ học lịch sử của cô Huệ đã cho thấy âm nhạc là con đường gần nhất để đến với tâm hồn con người.
Nguồn tham khảo:
http://work.chron.com/job-description-general-music-teacher-17842.html
http://ppe.htu.edu.vn/dao-tao/nguoi-thay-voi-qua-trinh-day-hoc-am-nhac.html
http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150802/nguoi-thay-nhac-cua-tre-khiem-thi/786927.html
http://news.zing.vn/Day-lich-su-thong-qua-am-nhac-post411579.html