Fixi – Trong trí nhớ của bạn hẳn còn lưu lại hình ảnh ấu thơ bên cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung. Trò nhỏ vây quanh cô, cô dạy các em múa, hát, dạy học chữ… nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Tuy vậy thực tế nghề giáo viên mầm non có những yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều so với những tưởng tượng ấu thơ của bạn.
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan nghề giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non là nghề vốn không ít vất vả, lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm hết mực của người làm nghề. Khó khăn chồng chất nhưng trong thời đại mà ngành giáo dục đang được xem là mũi nhọn của xã hội, nghề giáo viên mầm non đang là “mảnh đất” tiềm năng mà ít người “khai phá”.
2. Giáo viên mầm non làm gì?
Nghề “nuôi dạy trẻ” là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, vừa giáo dục nhưng cũng vừa phải chăm sóc trò nhỏ. Hơn hết đây lại là nghề làm vì “tình yêu”.
Ngoài những công việc theo nghĩa vụ, điều quan trọng nhất trong ngành là tình thương, sự chăm sóc mà không sự bắt buộc, tiêu chuẩn nào có thể quy định. Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô (không tính giờ trẻ ngủ ở nhà). Cô sẽ dạy bé kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất… Các cô giáo mầm non sẽ cho bé tiếp xúc với các kiến thức này qua việc tổ chức các hoạt động nhóm, trò chơi vận động, thể dục, kể chuyện, xem phim, vẽ, ca hát… nhằm phát triển tư duy và những hiểu biết đa dạng ở trẻ.
Các kỹ năng sống cũng vô cùng được chú trọng trong thời gian này. Cô sẽ là người tạo cho trẻ các cơ hội giao tiếp, tự tin trong các hoạt động và cả tính tự lập bởi gần như một giáo viên không thể nào chăm lo tới tất cả mọi hoạt động của 20 đứa trẻ.
Ngoài “dạy”, nghề giáo viên mầm non còn yêu cầu rất nhiều công “dỗ”. Cô cho bé ăn, ngủ, giúp bé làm vệ sinh cá nhân, giải quyết tất cả các “xích mích cộng đồng” giữa trẻ với nhau… Đôi khi những đứa trẻ có thể khóc không ngừng, đôi khi chúng biếng ăn,… giáo viên mầm non chính là người “xử lý” các rắc rối này.
Một ngày của giáo viên mầm non có thể bắt đầu từ tận 6h30 -7h bởi đây là lúc phụ huynh bắt đầu đưa con tới nhà trẻ. 8h cho các bé ăn sáng, sau đó tổ chức các trò chơi, hoạt động và giải quyết hàng nghìn việc không tên giữa các bé. Giữa trưa cô cho các cháu nghỉ ngơi. Đây cũng là khoảng thời gian riêng tư hiếm hoi của các cô giáo.
Sau 17h, kết thúc một ngày làm việc ở trường, các cô lại tiếp tục với việc soạn giáo án, chuẩn bị công cụ, làm đồ chơi… Nhiều phụ huynh có thể gọi điện tới hỏi thăm cô về con mình trong lúc này. Các cô vừa phải trò chuyện, trao đổi với phụ huynh, vừa phải đưa ra những lời khuyên để có thể phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ một cách tốt nhất.
3. Giáo viên mầm non làm việc ở đâu?
Ngày nay Giáo viên mầm non có rất nhiều vị trí làm việc cho mình bởi sự nở rộ của các cơ sở mầm non công lập, dân lập, tư thục. Điều kiện cơ sở vật chất ở những môi trường này không hề giống nhau. Trường mầm non ở nông thôn sẽ không đầy đủ như các trường mầm non ở thành phố. Các cơ sở tư thục, dân lập có thể nhỏ lẻ nhưng cũng có khi được đầu tư rất quy mô nhằm cạnh tranh với các trường mầm non nhà nước. Tuy nhiên cơ sở vật chất càng tốt thì các cô càng đỡ… khổ.
Ngoài ra làm việc tại các trường mầm non trong các hệ thống giáo dục quốc tế cũng là mục tiêu được rất nhiều giáo viên trẻ, “thời thượng” hướng đến bởi chế độ đãi ngộ cao, điều kiện cơ sở vật chất hiển nhiên rất tốt… Tuy vậy để được làm việc trong các cơ sở này, tiêu chuẩn của giáo viên cũng không hề thấp khi phải có cả những chứng chỉ liên quan như ngoại ngữ, chứng chỉ chăm sóc, chứng chỉ giáo dục…
4. Học nghề giáo viên mầm non ở đâu?
Hầu hết các trường ĐH, CĐ, Trung cấp trên cả nước đều có khoa đào tạo Giáo viên mầm non: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa)…
Ngoài ra còn một số địa chỉ khác mà bạn có thể tham khảo: Cao đẳng sư phạm Trung ương, Trung cấp sư phạm Mẫu giáo –Nhà trẻ Hà Nội, Trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng, Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics,…
Trung cấp mầm non là một ngành học khá được chú ý do không yêu cầu quá cao về điểm xét tuyển. Theo đó chỉ cần là thí sinh đã học hết chương trình lớp 12 THPT, bạn đã có thể đăng ký học trung cấp với thời gian 2 năm 6 tháng. Hệ này, thí sinh ngoài việc xét tuyển các môn văn hóa còn phải tham gia môn thi năng khiếu: hát, múa, đọc diễn cảm, kể truyện – những kỹ năng không thể thiếu trong nghề mầm non sau này.
Là nghề đặc biệt khi được trực tiếp tạo nên những ảnh hưởng đầu tiên tới trẻ nhỏ – những tờ giấy trắng, những mầm non tương lai của xã hội, nghề giáo viên mầm non luôn có những yêu cầu khắt khe về phẩm chất và kỹ năng:
Quý trẻ yêu nghề
Đặc thù của nghề giáo viên mầm non đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu như của một người mẹ đối với trẻ. Giữa bao khó khăn cực nhọc của nghề, bao sự đánh giá khắt khe từ xã hội và cộng đồng, rất nhiều giáo viên vùng sâu vùng xa vẫn đang từng ngày mang chữ đến cho các bé vùng khó khăn, hàng triệu giáo viên vẫn đều đặn tới lớp mỗi ngày, vì họ yêu trẻ và yêu công việc dạy trẻ. Có người đã nói: “Giáo viên mầm non là những người chưa làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ, bởi yêu nghề nên yêu quý lớp măng non”.
Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp
Khi trẻ có những hành động quá bản năng, khả năng ngôn ngữ, giảng giải của giáo viên mầm non rất quan trọng. Mặt khác trẻ luôn tò mò và muốn tìm hiểu về mọi thứ, nếu giáo viên không có cách giải thích dễ hiểu, phù hợp, câu trả lời sẽ không thể thỏa mãn trí tò mò của con trẻ.
Kiên nhẫn và biết kiềm chế
Đối với trẻ trong giai đoạn mầm non, trẻ làm theo những gì bản thân muốn làm, chưa hình thành suy nghĩ logic là liệu việc làm đó lợi hay hại. Một người giáo viên kiên nhẫn sẽ biết cách kiềm chế trước những hành động non nớt này và có những định hướng suy nghĩ đúng đắn cho trẻ.
Phải có những kiến thức , kỹ năng, kỹ xảo cần thiết
Ngành sư phạm mầm non yêu cầu người giáo viên phải được đào tạo bài bản chuyên môn cần thiết để nuôi dạy trẻ. Các giáo viên phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đa dạng để có thể chăm sóc trẻ tốt hơn, từ kỹ năng sư phạm, chăm sóc cho tới y tế.
Thực tế ngày nay, các giáo viên mầm non đều học trong các môi trường đào tạo chuyên nghiệp và phải có trình độ ít nhất là từ trung cấp mầm non trở lên, một số giáo viên cảm thấy chưa đủ còn liên thông lên đại học để có thể làm tốt hơn công việc của mình.
Có tinh thần trách nhiệm cao
Tinh thần trách nhiệm là điều cần thiết ở bất kỳ một ngành nghề nào. Trong ngành sư phạm mầm non điều này lại càng quan trọng. Giáo dục mầm non là giai đoạn đặt nền tảng cho cả quá trình phát triển sau này của trẻ. Nếu giáo viên có tinh thần trách nhiệm không tốt, không dạy bảo trẻ chu đáo thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới trẻ sau này.
Những bạn trẻ bắt đầu vào nghề và đang chập chững với nghề, để tồn tại và trở thành một giáo viên giỏi, trước hết hãy tập làm “Mẹ”. Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà bằng chính hành động, bởi: “Càng yêu nghề bao nhiêu, càng yêu người bấy nhiêu”. Nghề giáo viên mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề, những cô giáo mầm non hôm qua, hôm nay và mai sau đã và đang tiếp bước xây dựng trang sử 70 năm đổi mới ngành giáo dục mầm non ngày càng phát triển.
Người ta vốn tưởng công việc dạy trẻ thường chỉ dành cho phái nữ, nhưng ở những huyện biên giới Mường Tè, Lai Châu, ngày ngày vẫn có hàng chục thầy giáo âm thầm, tỉ mẩn, tận tụy với công việc này. Nơi ở và công tác của các thầy là những điểm bản vùng sâu, vùng xa khó khăn về mọi mặt. Thế nhưng chưa một ai bỏ lớp, bỏ trò hay nói lời than vãn.
Ngày đầu năm, công việc quen thuộc của thầy Lường Văn Mạnh, giáo viên điểm trường Đầu Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là tới từng nhà đón trẻ đến lớp. Để có được đông đủ trẻ đến lớp trong ngày đầu tiên năm mới, thầy Mạnh đã phải có mặt ở trường trước đó 2 ngày để vệ sinh lớp học và xuống từng nhà vận động phụ huynh, “giữ chân trẻ” không cho các cháu theo cha mẹ đi nương, đi rừng.
Để có đủ nước phục vụ cho sinh hoạt cho hơn 24 cháu lớp mình, hàng ngày sau buổi lên lớp, thầy Mạnh phải xuống suối cách đó vài trăm mét gùi từng can nước. Ngoài ra, thầy còn gánh “trọng trách” lấy nước đủ cho 4 cô giáo ở điểm trường cùng sử dụng, vì thầy là phái mạnh duy nhất ở đây. Chứng kiến từng cử chỉ ân cần âu yếm khi trẻ khóc, từng động tác múa khi dạy hát, hay từng thìa cơm, miếng nước khi chăm sóc cho các cháu, mới thầm cảm phục cái tài “không thua ai” của các thầy giáo cắm bản nuôi dạy trẻ mầm non nơi đây.
Hiện nay, toàn huyện Mường Tè có 25 thầy giáo dạy mầm non ở các xã khó khăn vùng sâu, vùng xa như: Tà Tổng, Pa Ủ, Nậm Trà, Ka Lăng, Tá Pạ … Ở những nơi đó không chỉ thiếu thốn về điện nước mà trường lớp, bàn ghế cũng đa phần là tạm bợ. Đây là những địa bàn khó khăn, thiếu thốn nhất xã, nhưng cũng như các điểm trường khác, với lòng yêu nghề, mến trẻ của mình những năm qua lớp học do các thầy giáo đứng lớp có chất lượng không thua kém gì lớp học của các cô giáo. Vượt qua muôn vàn khó khăn, cầu mong các thầy luôn chân cứng đá mềm, giữ “lửa” đam mê nghề nghiệp, vì tương lai tươi sáng của con em đồng bào các dân tộc nơi đây.
Giáo dục mầm non ở Nhật Bản
Học không chỉ là trên sách vở
Để giúp trẻ có tình yêu thương với động vật, cô giáo không nói “các em phải biết yêu thương động vật”, mà cho các bé tự nuôi và chăm sóc một loại động vật gì đó như: gà, chuột lang, thỏ, rùa, thậm chí là cả giun đất… mỗi một nhóm từ 4-5 em sẽ chăm sóc một con. Tình cảm yêu thương sẽ dần hình thành qua quá trình các bé ngày ngày chơi đùa, trò chuyện, cho ăn, dọn chuồng, chăm sóc khi cho thú cưng của mình. Tương tự, để giúp trẻ hiểu rằng không nên lãng phí đồ ăn, các bé được trực tiếp trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn cây hoặc bồn hoa của trường. Các bé sẽ tự reo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, tất nhiên là vẫn dưới có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm. Qua đó, trẻ hiểu được để làm ra được một củ cải hoặc một củ khoai cho các bé ăn, các bác nông dân đã vất vả như thế nào.
Chơi… là chính
Hàng ngày các bé đến trường từ 9h sáng cho tới 2h chiều, và hầu hết thời gian của trẻ ở trường là để… chơi. Chỉ có 30 phút trước khi ra về là giờ hát tập thể và nghe cô giáo kể chuyện. Toàn bộ thời gian còn lại, các bé có thể chơi bất cứ trò gì mình thích trong khuôn viên nhà trường. Ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu… Những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo.
Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích. Các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết. Sở thích, năng khiếu, đam mê và khả năng tiềm ẩn của từng bé sẽ dần bộc lộ và phát triển. Cô giáo sẽ ghi chép lại những điều này và trao đổi với phụ huynh, từ đó giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của trẻ sau này.
Cách tiếp nhận kiến thức của trẻ không giống như người lớn. Người trưởng thành học bằng cách đọc sách, hoặc nghe người khác giảng giải lại còn trẻ em thì không học như vậy. Trẻ không khám phá thế giới bằng sách vở, mà bằng chính những điều các em trải qua.
Rèn luyện không ngừng
Đồng phục quen thuộc của trẻ em mẫu giáo Nhật là… quần sooc. Dù trời có lạnh đến mấy, thậm chí cả trong ngày tuyết rơi các bé vẫn phải mặc quần sooc. Được biết trẻ phải mặc như vậy nhằm rèn luyện sức khỏe, sức đề kháng. Theo lời của một giáo viên mầm non, trẻ em có khả năng thích nghi rất nhanh, nếu được rèn luyện đúng mức thì khi trưởng thành các bé sẽ có sức khỏe tốt, còn nếu quá nuông chiều hoặc quá chăm chút thì sau này khả năng chịu đựng của trẻ sẽ rất kém.
Dạy trẻ tự lập
Ở các trường mầm non Nhật Bản, mỗi ngày trẻ đến trường với rất nhiều… túi: Túi đựng giày, túi đựng quần áo để thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra, túi đồ ăn… Việc các cô yêu cầu trẻ sắp xếp mọi thứ vào đúng túi đồ dần dần khiến trẻ học được thói quen ngăn nắp, chu đáo. Đó có thể là một phần lý do khiến người Nhật rất có ý thức trong việc phân loại rác, bảo vệ môi trường. Đặc biệt các cô đều lưu ý phụ huynh không giúp trẻ xách đồ. Ngoài ra ở trường, tất cả các việc thay quần áo, ăn uống, dọn dẹp vệ sinh, cô đều khuyến khích trẻ tự làm.
Như việc mặc áo, lúc đầu các bé mặc rất chậm, xỏ nhầm tay, cài nhầm khuy, nhưng rồi cứ làm nhiều thì các bé dần biết cách làm, làm nhanh hơn và chính xác hơn. Hoặc đôi khi các bé đánh đổ những hạt đỗ, hạt vừng (dùng để chơi), để dọn những thứ này đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc sử dụng chổi, nên bình thường dù các bé có quét đi quét lại vài lần cũng không sạch. Sau khi các bé ra về hết, các cô giáo cũng phải dọn dẹp và sắp xếp lại lớp học một lần nữa nhưng các cô vẫn cho trẻ tự làm, không phải để dọn sạch lớp, mà để rèn thói quen sạch sẽ, tính tự giác cho trẻ.
Thời gian đầu khi trẻ mới nhập học thì công việc khá vất vả, vì trẻ chưa quen nên các cô phải thường xuyên nhắc nhở, nhưng sau một thời gian, trẻ tiến bộ lên rất nhiều.
Bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc dạy trẻ
Trẻ em ở Nhật Bản chỉ đến trường từ 9h sáng đến 2h chiều, 5 buổi 1 tuần, thời gian các bé ở bên gia đình nhiều hơn thời gian bé ở trường tới 7 lần. Chính vì vậy, bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển và định hình tính cách của trẻ. Ở trường các cô có thể dạy trẻ cố gắng tự lập, giữ gìn vệ sinh, chấp hành luật giao thông… nhưng khi về nhà nếu bố mẹ lại làm ngược lại thì tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa.
Để việc nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả nhất, các cô giáo thường xuyên có các buổi trao đổi và chia sẻ với phụ huynh về cách nuôi dạy con. Bố mẹ người Nhật cũng rất “nghe lời” cô giáo, “Về kinh tế hay kế toán thì tôi rất tự tin, nhưng về việc nuôi dạy trẻ thì tôi lại chẳng biết gì, nên tôi luôn cố gắng làm theo hướng dẫn của các cô giáo – những người có chuyên môn về việc này” – một người mẹ chia sẻ.