Fixi.vn – Hướng con người tới cái đẹp, phát hiện và tìm ra cái đẹp, tìm ra nghệ thuật là công việc của một giáo viên mỹ thuật. Giảng dạy và truyền đạt những nguyên tắc cơ bản nhất của mỹ thuật là công việc đáng ca ngợi của một giáo viên mỹ thuật.
Mục Lục Bài Viết
Giáo viên mỹ thuật là ai?
Giáo viên dạy mỹ thuật là những người dạy cho học sinh, sinh viên, học viên những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật qua các thời đại khác nhau. Môn mỹ thuật được dạy trong các trường từ mầm non, tiểu học, cho tới các trường đại học, cao đẳng chuyên môn về mỹ thuật. Giáo viên mỹ thuật có thể giảng dạy ở rất nhiều lĩnh vực mà mình có chuyên môn như sơn, màu chì, phấn màu, v.v.
Giáo viên mỹ thuật làm gì?
Là một giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật, công việc cần làm của bạn là:
- Xây dựng, phát triển, thực hiện các chương trình đào tạo nghệ thuật theo lộ trình và theo khung giảng dạy của đơn vị mà mình công tác;
- Truyền đạt kiến thức, bài giảng cho học viên trên lớp. Bên cạnh giảng lý thuyết, giáo viên mỹ thuật cần chứng minh các kỹ thuật đó qua các tác phẩm, phác thảo, thiết kế thực tế;
- Tổ chức các buổi tham quan triển lãm, cuộc thi nghệ thuật, bảo tàng… để học viên được trải nghiệm thực tế;
- Phát hiện và đào tạo các tài năng.
Giáo viên mỹ thuật làm việc ở đâu?
Giáo viên dạy mỹ thuật có thể giảng dạy mỹ thuật tại:
- Các trường tiểu học, mầm non, đại học, cao đẳng về chuyên ngành mỹ thuật;
- Các trung tâm về mỹ thuật hoặc tại trung tâm cộng đồng, các studio nghệ thuật
Với một số khả năng khác như viết lách, người học ngành này cũng có thể làm biên tập viên cho các báo chuyên về nghệ thuật hoặc tư vấn nghệ thuật.
Làm thế nào để trở thành giáo viên mỹ thuật
Các cơ sở đào tạo giáo viên mỹ thuật tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cao đẳng Sơn La, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Đại học mỹ thuật Việt Nam, Đại học Văn Lang, Cao đẳng Sư phạm Trung ương;
- Tại miền Trung: Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật – Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang;
- Tại miền Nam: Đại học Quảng Bình, Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến học tại các trung tâm mỹ thuật như lớp học vẽ mỹ thuật MS, Trung tâm luyện thi Mỹ thuật ABC Long Biên, hoặc các lớp học do các thầy giáo mỹ thuật trong các trường đại học, cao đẳng mở ra.
Ngành Mỹ thuật cũng được đào tạo tạo nhiều trường trên thế giới như University of South Queensland, Goldsmith College, University of the Arts London, New York University, v.v.
Là một giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật, bạn cần phải có những tố chất và kỹ năng dưới đây:
Tố chất
- Tình yêu mỹ thuật: tình yêu đối với nghệ thuật, với cái đẹp và yếu tố vô cùng quan trọng. Không có điều này, liệu bạn có thể trở thành một giáo viên dạy mỹ thuật và duy trì công việc dạy trẻ này của mình?
- Khả năng truyền lửa: cũng như nhiều giáo viên khác là khả năng khơi dậy niềm yêu thích môn học ở người học nhưng do đặc thù của môn mỹ thuật cần rất nhiều trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo nên giáo viên mỹ thuật cần là người khơi nguồn cảm hứng để học viên tự do thể hiện khả năng nghệ thuật của mình.
Kỹ năng/Kiến thức
- Kỹ năng sư phạm: là giáo viên, kỹ năng truyền đạt là vô cùng quan trọng với giáo viên mỹ thuật để có thể truyền tải kiến thức cho người học.
- Kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sâu rộng về nghệ thuật: với tính chất đặc thù của nghề, ngoài kỹ năng sư phạm, giáo viên mỹ thuật cần có kiến thức sâu rộng về mỹ thuật, không thể chỉ đơn thuần dạy cho học viên những kiến thức từ sách vở hay lý thuyết.
- Kỹ năng giao tiếp: đây là kĩ năng quan trọng đối với giáo viên vì phải làm việc với nhiều học viên, nhà trường cũng như phụ huynh học sinh.
Hoàng Trầm: người thầy họa sĩ
Đúng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 này, phòng tranh của họa sĩ Hoàng Trầm – nhà giáo kỳ cựu với hơn 40 năm giảng dạy hội họa, người được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 2010 – khai mạc tại nhà triển lãm của Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM.
“Thiệt ra tôi chỉ tính bày một số ký họa, phác thảo để làm mẫu cho sinh viên, không dè thành một triển lãm tới hơn trăm bức, cả tranh sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ… vẽ trong nhiều năm. Mà đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi”. Thật khó tin khi một tác giả lớn của mỹ thuật VN, theo nghiệp vẽ từ năm 14 tuổi, tới nay khi đã quá bát tuần thượng thọ mới có được một triển lãm tranh cho riêng mình. Những bậc tôn sư của nhiều thế hệ họa sĩ trong Nam ngoài Bắc, tác giả của gần chục tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chẳng để tâm đến sự chậm trễ, muộn màng như thế. Mà cũng chậm trễ, muộn màng tương tự là danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân chỉ đến với ông sau khi đã nghỉ hưu, rời bục giảng từ… hơn 20 năm trước! Họa sĩ Hoàng Trầm chỉ cười thật hiền lành, thoáng chút hóm hỉnh trong ánh mắt như bản tính cố hữu của ông.
Vì sao nhà giáo nhân dân Hoàng Trầm từ đầu chỉ có ý định bày ký họa, phác thảo trong triển lãm tôn vinh sự nghiệp sáng tác và giảng dạy dài lâu của ông? Đơn giản là vầy: “Sinh viên bây giờ ít chịu ký họa quá, đi thực tế các em đã có máy chụp hình làm thay rồi. Tụi tôi hồi xưa vẽ bất kỳ gì cũng phải ký họa, phác thảo trước thật kỹ lưỡng”.
Những ký họa của Hoàng Trầm không chỉ làm cái nền vững chắc cho tác phẩm mà còn là “nhân chứng cảm động, chân thực của một thời gian khó” (nhà nghiên cứu Nguyễn Quân) – thời của hai cuộc kháng chiến đã qua khi ông là một chiến sĩ ở tuyến đầu. Đó là những ký họa chân dung các mẹ chiến sĩ, mẹ liệt sĩ, nữ du kích, nữ giao liên Nam bộ, cô công nhân mỏ than Hòn Gai, người lái đò đưa bộ đội vượt sông dưới mưa bom Mỹ, những nữ dân quân Ngư Thủy với trận địa pháo đã thành huyền thoại chiến trường cùng rất nhiều chân dung người lính ở mặt trận, đối tượng gần như xuyên suốt trong tác phẩm của Hoàng Trầm.
Từ sau ngày nghỉ hưu, Hoàng Trầm chuyên tâm cho sáng tác. Cũng thật khó tin khi ông vẫn làm việc đều đặn. Đến nhà ông bao giờ cũng thấy có tác phẩm mới. Bức sơn mài Phong cảnh Hạ Long mới hoàn thành ghép bốn tấm, kích thước 1,2 x 2,4m, được ông thực hiện trong nhiều tháng trời. Chỉ hình dung một lão trượng 82 tuổi chăm chỉ và nhẫn nại với bao công phu cho tác phẩm khổ lớn như vậy đã kính nể! Kỹ thuật điêu luyện, già dặn càng tôn vinh cái tình của tác giả phả vào tranh.
Xem tranh ông, đặc biệt là tranh sơn mài – chất liệu được Hoàng Trầm ưa nhất, vẽ nhiều nhất – dễ nhận ra chất Nam bộ giản dị mà đậm đà, rõ nét nhất so với nhiều tác giả cùng thời. Có thể nói ông đã tạo được một phong cách sơn mài của riêng mình, “chất Hoàng Trầm” không lẫn vào đâu được.
Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo, nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
– Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
– Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.
Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất. Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
– Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết – những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.