Fixi.vn – “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập.” – Hồ Chí Minh.
Mục Lục Bài Viết
Giáo viên thể dục là ai?
Giáo dục thể dục có nhiệm vụ tổ chức các trò chơi và các thách thức nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất ở trẻ em và người lớn trẻ tuổi từ mẫu giáo đến trung học. Mục tiêu của họ là phát triển kỹ năng vận động và phát triển thể chất ở trẻ em, đưa ra các bài tập thể dục thích hợp và thói quen ăn uống ở trẻ vị thành niên. Giáo viên thể dục phải điều chỉnh chương trình giảng dạy của mình để thích ứng với trẻ khuyết tật hoặc có khả năng thể chất khác nhau. Một số giáo viên thể dục cũng huấn luyện các đội thể thao.
Giáo viên thể dục làm gì?
Công việc chi tiết của giáo viên thể dục bao gồm:
- Phân bố thời gian sử dụng sân bãi : sân chơi bóng rổ, hồ bơi, sân vận động;
- Phân chia các tiết dạy thể dục thể thao cho các cấp lớp khác nhau theo chương trình giảng dạy của Sở giáo dục;
- Đa dạng hóa các hoạt động xen kẽ giữa những môn thể thao đồng đội và cá nhân;
- Đảm bảo quy định về an toàn.
Giáo viên thể dục làm việc ở đâu?
Sau khi được đào tạo tại các trường đại học thì giáo viên thể dục có thể làm giáo viên tại:
- Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học và cao đẳng;
- Các trung tâm thể dục thể thao.
Làm thế nào để trở thành giáo viên thể dục?
Thông thường bạn cần phải hoàn thành một văn bằng về giáo dục thể chất ở một trường cao đẳng hoặc đại học trong vòng 4 năm. Bạn cũng cần phải trải qua các khóa học về Tập thể dục Sinh lý học, Y tế và các lớp học thể hình, khóa học hoạt động như thể dục nhịp điệu, bóng rổ, tennis, bóng đá, các môn thể thao chơi theo đội hoặc cá nhân. Bạn cũng phải tham gia các khóa học về phương pháp dạy môn thể dục tùy theo độ tuổi và chương trình giảng dạy.
Các cơ sở đào tạo chính quy tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Đại học Sư phạm Hà Nội;
- Tại miền Nam: Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Tố chất
- Là người kiên trì, ham học hỏi;
- Thân thiện, nhiệt huyết, đam mê công việc;
- Có sức khỏe tốt, có khả năng chịu đựng sự ảnh hưởng của thời tiết.
Kỹ năng/Kiến thức
- Có kĩ năng, hiểu biết cơ bản về thể dục thể thao cũng như tác động của nó đến sức khỏe con người;
- Hiểu về kĩ thuật, nội dung, ý nghĩa của từng môn thể thao và có kĩ thuật rèn luyện phù hợp;
- Phương pháp sư phạm: họ phải có khả năng truyền đạt rõ ràng ý kiến cá nhân, không chỉ cho học sinh và giáo viên mà còn cho phụ huynh. Giáo viên thể dục thể thao thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giữ được sự hứng thú của học viên;
- Tinh thần thể thao: cũng giống như tên gọi, họ hiển nhiên là cần đảm bảo một điều kiện thể chất tốt để có thể thực hiện các ví dụ chính xác nhất cho các học sinh.
Giờ hội giảng môn Thể dục thi Giáo viên dạy giỏi cấp quận của thầy giáo Nguyễn Chí Công
Thầy Nguyễn Chí Công là một trong những giáo viên đã đạt kết quả cao trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường vừa qua và tiếp tục dự thi giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2014 – 2015.
Giờ học bắt đầu, bạn lớp trưởng nhanh chóng cho lớp mình tập trung, chỉnh đốn hàng ngũ và báo cáo sĩ số lớp cho thầy Công. Sau đó cả lớp xếp thành một vòng tròn để tập bài thể dục khởi động. Thầy Công chú ý nhắc nhở các con tập các động tác thật nhuần nhuyễn, chú ý vào từng chi tiết nhỏ, không những tập đúng, tập đều mà còn phải tập đẹp, động tác đưa ra phải dứt khoát.
Với mỗi động tác, thầy Công đều thực hiện mẫu cho cả lớp cùng xem, chỉ ra những điểm cần lưu ý để học sinh thực hành cho đúng. Đồng thời thầy cũng hướng dẫn các con nhận biết một số sai sót thường mắc phải trong lúc tập, qua đó giúp các con tìm ra cách sửa để các động tác được hoàn thiện và bài tập đem lại hiệu quả cao nhất.
Sau khi các con đều đã nắm vững phần lý thuyết, thầy Công chia lớp làm 3 nhóm. Mỗi nhóm sẽ xếp thành một hàng dọc và đứng ở ba vị trí khác nhau trong phòng tập rồi cử ra một bạn đại diện để hô cho cả nhóm cùng thực hiện động tác. Kết thúc phần tập này, từng nhóm sẽ xếp thành hàng dọc và tập lại một lần nữa trước cả lớp để thầy Công đưa ra nhận xét, đánh giá cuối cùng.
Thời gian còn lại của tiết học được dành cho một trò chơi mà các bạn học sinh lớp 4A1 đều rất háo hức tham gia, đó là trò chơi Nhảy lò cò tiếp sức. Khi một bạn đang nhảy thì các thành viên còn lại đều hô vang Cố lên và cổ vũ rất nhiệt tình cho bạn mình. Đội giành chiến thắng nhảy lên reo hò trong niềm hân hoan vui sướng của tất cả các thành viên trong đội.
Bàn đa năng giúp môn thể dục hết “chay”
Hệ thống bàn đa năng do thầy Phạm Đình Yên (hiện công tác tại Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sáng tạo, và thầy Nguyễn Hải Bằng (Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu) ứng dụng minh họa, đã biến những giờ học thể dục “chay”, khô khan trở thành những tiết học lý thú của cả thầy và trò. Sản phẩm khá đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích trong việc dạy và học.
Chiếc bàn bao gồm 7 thiết bị riêng lẻ, mỗi thiết bị đều có công dụng riêng khi áp dụng vào từng bài giảng, chỉ cần vài thao tác nhanh gọn, đơn giản đã có thể ghép thành một chiếc bàn hoàn chỉnh.
Chiếc bàn đa năng có thể thành chiếc bàn ngồi của giáo viên, bàn đích của trò chơi ném bóng trúng đích, hòm chứa dụng cụ thể thao. Chiếc bàn với chân đế hình hộp rỗng khi lật ngược lại có thể làm bàn đích phục vụ môn “ném bóng trúng đích” ở các khối lớp 2, 3. Khi không sử dụng cho việc học, các chân đế có thể dùng để chứa các dụng cụ học bộ môn thể dục hoặc là chiếc ghế đẩu nhỏ dành cho giáo viên ngồi quan sát, đánh giá học sinh thực hiện các bài tập thể dục.
Cũng với chân đế đó, lắp thêm một thanh trụ tròn và gắn chiếc bảng con bên trên đã hình thành một chiếc bảng giảng dạy môn học. Với thiết kế theo nguyên lý ứng dụng lực từ, có thể đính các tranh minh họa bài thể dục phát triển mà thường phải “xếp xó” trong phòng dụng cụ học tập vì khó mà trưng dụng trong giờ học thể dục ngoài trời. Khi tháo mặt bàn ra, chỉ còn lại chân đế và thanh sào làm trụ kết hợp một dây kéo bán tự động treo và điều chỉnh độ cao tuỳ ý các vật dụng như quả bóng sẽ giúp các em học sinh thực hiện bài thể dục bật xa chạm vật.
Học sinh vừa học, vừa “mục sở thị” những điều thầy cô giảng. Cách ứng dụng linh hoạt, trực quan như thế khiến cho các em học sinh đều mê học môn thể dục.
Dù dành được nhiều sự thích thú của cả thầy, trò trong việc dạy và học, cũng như nhìn nhận rõ những lợi ích từ sản phẩm mang lại, song hiện tại sản phẩm chiếc bàn đa năng chưa được phổ biến rộng rãi trong các trường. Trao đổi với Đất Việt, thầy Yên cho biết sản phẩm của thầy hiện đang được tiến hành làm hồ sơ để đăng ký sở hữu trí tuệ, xin cấp bằng độc quyền sáng chế. Thầy cũng đang liên hệ với bộ giáo dục thể chất, để nâng cấp và đưa sản phẩm đến các trường học như những thiết bị giáo dục khác.
Nguồn tham khảo:
http://study.com/articles/Physical_Education_Teacher_Job_Description_and_Requirement_for_Becoming_a_Physical_Ed_Teacher.html
http://hanoistar.edu.vn/content/gio-hoi-giang-mon-duc-thi-giao-vien-day-gioi-cap-quan-cua-thay-giao-nguyen-chi-cong
http://www.tin247.com/ban_da_nang_giup_mon_the_duc_het_chay-12-22482635.html