Fixi – Họa sĩ dường như là mỹ danh quá quen thuộc đối với tất cả chúng ta, và mỹ thuật là dường như là hình thái phát triển song song và tự nhiên nhất với lịch sử phát triển của con người. Trở thành họa sĩ, bạn có thể sẽ phải vượt qua rất nhiều định kiến xa lạ, song với một tâm hồn tự do, đừng ngại ngần!
Mục Lục Bài Viết
Họa sĩ là ai?
Họa sĩ là những người sáng tác ra các tác phẩm hội họa, giúp công chúng cảm nhận được bằng thị giác tư tưởng nghệ thuật, tình cảm, tâm huyết của mình qua các tác phẩm. Một cách đơn giản, họa sĩ phải là những người có kỹ năng hội họa nhất định cùng sự sáng tạo, cái tôi cá nhân thể hiện qua từng bức vẽ.
Ở Việt Nam, khái niệm họa sĩ thường bị mặc định là những người mơ mộng và bấp bênh. Tuy vậy, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, họa sĩ là một trong những nghề “hái” ra tiền nhiều nhất. Tỷ lệ kiếm được việc làm của các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật trên thế giới là 87,4%, mức lương trung bình vào khoảng 30.000 USD/tháng. Vậy nên nếu bạn thực sự đam mê nghề cầm cọ và tin vào sự khác biệt của bản thân thì hãy yên tâm về nghề của mình nhé.
Họa sĩ làm gì?
Họa sĩ là những người sáng tác ra các tác phẩm hội họa, giúp công chúng cảm nhận được bằng thị giác tư tưởng nghệ thuật, tình cảm, tâm huyết của mình qua các tác phẩm. Một cách đơn giản, họa sĩ phải là những người có kỹ năng hội họa nhất định cùng sự sáng tạo, cái tôi cá nhân thể hiện qua từng bức vẽ.
Bước đầu tiên trong quá trình sáng tác của họa sĩ là tìm kiếm ý tưởng. Họa sĩ có thể bắt đầu với việc tìm ra những thứ mình thích và không thích, phác thảo những ý tưởng đầu tiên, mọi lúc mọi nơi trong một quyển sổ nhỏ và sau đó gọt giũa chúng thành những tuyệt tác công phu.
Bạn đồng hành của các họa sĩ còn có các loại màu vẽ, cọ vẽ, nền, bàn vẽ, giá vẽ,… Một số chất liệu màu thường được sử dụng như sơn dầu, sơn mài, màu nước, bột màu hoặc thậm chí là… máu. Chất liệu nền cũng vô cùng đa dạng như giấy in (thường là giấy Canson), giấy dó, vải, lụa, gỗ, thủy tinh, sứ… Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khái niệm họa sĩ còn được mở rộng ra như những “người thiết kế” – họ sử dụng máy tính cùng nhiều phần mềm đồ họa khác nhau để tạo ra tác phẩm.
Sau khi hoàn thành các tác phẩm, để đưa tranh của mình ra trước công chúng, một số họa sĩ có thâm niên lâu năm thường tự tổ chức các triển lãm cá nhân. Một số trẻ hơn có thể tham gia vào các triển lãm chung. Các họa sĩ cũng thường gửi tranh của mình cho một số phòng tranh (gallery) uy tín, hoặc đăng lên website cá nhân để quảng bá và bán tranh của mình.
Họa sĩ làm việc ở đâu?
Họa sĩ sẽ sáng tác và làm việc trong những xưởng vẽ của riêng mình. Tuy nhiên cùng với sự sáng tạo không biên giới của nghệ thuật, trên thực tế các họa sĩ có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu.
Ngoài vẽ tranh tự do, các họa sĩ còn có thể:
- Tham gia vẽ tranh cho các phòng tranh, studio, các xưởng trưng bày nghệ thuật nhằm mục đích bán tranh thương mại. Tuy vậy đừng quá ghét bỏ cụm từ “thương mại”. Hầu hết các tác phẩm trong các phòng tranh này sẽ trở thành tranh nội thất để trang trí hoặc theo mục đích phong thủy;
- Làm việc trong môi trường giáo dục để luôn được vẽ theo đúng nghĩa. Giáo viên mỹ thuật tại các trường học, các trung tâm dạy mỹ thuật sẽ là những lựa chọn không tồi;
- Làm việc tại các nhà xuất bản, các công ty in ấn, công ty truyền thông hoặc bất kỳ nơi nào cần đến ấn phẩm hình ảnh.
Làm thế nào để trở thành họa sĩ?
Ngoài tự học và trở thành một họa sĩ nghiệp dư, nếu muốn trở thành một họa sĩ bài bản, bạn có thể đăng ký dự thi vào khối H của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Khối H bao gồm các môn thi như Văn, vẽ trang trí màu và vẽ minh họa. Trước khi dự thi, bạn có thể tham gia vào các lớp học của những giáo viên chuyên dạy vẽ ôn thi khối H, không chỉ mang đến cho bạn những hiểu biết đầu tiên về hội họa mà còn giúp bạn xác định xem đây có thực sự là đam mê của mình không.
Các cơ sở đào tạo mỹ thuật tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Kiến trúc, ĐH Công nghiệp Mỹ thuật Á Châu, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, ĐH Sư phạm Hà Nội;
- Tại miền Nam: ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.
Riêng ngành họa sĩ truyện tranh gần như chỉ có một nơi đào tạo chính thức là chuyên ngành sáng tác của trường ĐHDL Hồng Bàng (TP.HCM)
Bên cạnh đó còn một số trung tâm dạy vẽ do các nhóm họa sĩ có chuyên môn cùng thành lập. Các lớp học này thường dạy vẽ dành cho trẻ em, những người mới bắt đầu, thí sinh khối H hoặc vẽ truyện tranh. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như mythuatdoa.vn, lophocve.vn, topartvn.com, vitaminart.org, hanhart.vn, Mỹ thuật Bụi, v.v.
Tố chất
- Khác với suy nghĩ của nhiều người, khối lượng chất xám mà người nghệ sĩ đầu tư vào tác phẩm của mình không hề nhỏ. Điều đặc biệt nhất cần giữ gìn ở người họa sĩ chính là sự sáng tạo: Sáng tạo trong đường nét, kỹ thuật, hiệu ứng hình ảnh, và cả sự sáng tạo con mắt nhìn nhận cuộc sống.
- Năng khiếu vẽ bẩm sinh với các họa sĩ cũng vô cùng quan trọng. Một chút khéo léo, trí tưởng tượng, khả năng hình ảnh, khả năng không gian tốt sẽ là những tiềm năng đáng kể trong nghề này. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự sở hữu những năng khiếu trên thì cũng không cần quá lo ngại. Vẽ đẹp là thứ có thể học, quan trọng là đam mê bạn dành cho môn nghệ thuật này đến đâu;
- Họa sĩ là những người vô cùng nhạy cảm và có khả năng tự học, kiên trì rèn luyện liên tục;
- Nếu đã chọn con đường hội họa, bạn nhất định phải giữ cho mình lòng đam mê, tính nhẫn nại, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Bạn có thể tự hỏi phải mất bao lâu mới thành công trong nghề này. Câu trả lời nằm ở chính bản thân và sự nỗ lực của bạn. Đôi khi hãy học cách cân bằng giữa “nghệ thuật” và “cuộc sống”. Đừng mang quá nhiều nỗi bi quan, sự thiếu kiểm soát cực đoan vào các tác phẩm. Tuy vậy cũng đừng vội vì lý do kinh tế mà từ bỏ niềm đam mê vốn có của mình.
Nhắc tới lịch sử nền hội họa, không thể không kể tới Leonardo da Vinci – thiên tài toàn năng của nước Ý. Bằng kỹ thuật điêu luyện và tài năng kiệt xuất, Leonardo đã để lại cho nền văn minh thế giới nhiều tác phẩm vô cùng độc đáo, nổi tiếng nhất trong số này phải kể tới bức họa Mona Lisa. Đây được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng, được chăm sóc kỹ lưỡng, đồn đoán và thần thoại hóa nhiều nhất trong lịch sử.
Các nhà nghiên cứu đã phải đau đầu trước sự bí ẩn trong nụ cười của Mona Lisa từ rất nhiều năm nay. Nếu nhìn riêng đôi mắt, bạn sẽ thấy ánh lên rất nhiều ý vui, ý lạc quan, yêu đời. Nhưng nhìn thấp xuống khoé miệng, đôi môi, ta lại thấy nàng nghiêm nghị đến kỳ lạ, khuôn miệng thấy rõ sự hồi hộp, lo lắng qua nụ cười nhếch môi. Khuôn mặt nàng đang cười hay đang nghiêm nghị, đấy là bí ẩn mà không ai dám khẳng định.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác nhau trong cách cảm nhận vẻ mặt của Mona Lisa vốn phụ thuộc vào tâm lý người xem tranh. Bên cạnh đó, bí mật còn nằm ở kỹ thuật di mờ mà Leonardo đã sử dụng: Bằng cách chồng nhiều lớp màu rất mịn lên nhau, Leonardo đã tạo ra những chấm màu chuyển động, gây rối loạn thị giác người xem. Kỹ thuật đặc biệt này của ông rất khó bắt chước, bởi vậy dù đã 500 năm trôi qua nhưng chưa ai có thể sao chép lại y nguyên nụ cười này.
Ngoài ra còn vô vàn những bí ẩn khác xung quanh bức tranh: Có người cho rằng nhân vật trong tranh là Lisa del Giocondo, vợ một nhà buôn vải. Bằng các nghiên cứu trắc hình qua hình dáng bàn tay, tổn thương ở mắt trái, tư thế đứng,… họ kết luận có thể Mona Lisa mắc bệnh tim, hen suyễn và đang mang thai… Tuy vậy khi chồng gương mặt của Leonardo lên bức tranh, sự trùng khít tới kỳ lạ khiến không ít người tin rằng Leonardo chỉ đang tự họa lại mình trong một phiên bản khác.
Những hình ảnh mặt khỉ, mặt trâu, đầu sư tử… ẩn trong nền phong cảnh phía sau Mona Lisa cũng tạo nên vẻ huyền bí không kém cho bức tranh. Thậm chí một nghiên cứu chi tiết hơn còn tìm thấy những chữ viết tắt của họa sĩ trong con mắt bên phải. Những chữ này được gọi là “mật mã Da Vinchi”. Chúng là gì, chúng có ý nghĩa như thế nào, hay tại sao Mona Lisa không có lông mày… những bí ẩn này vẫn đang được nhân loại tiếp tục nghiên cứu.
Tạm gác lại câu chuyện về những danh họa toàn năng bên những tác phẩm hàn lâm, ngay bên cạnh ta vẫn có những họa sĩ đang lặng thầm cống hiến, góp những tác phẩm của mình vào rất nhiều hoạt động cộng đồng. Tiêu biểu trong số này có thể kể tới nhóm Đại Việt Cổ Phong. Khởi nguồn của nhóm bắt đầu từ diễn đàn daivietcophong.com – nơi mọi người cùng nhau thảo luận, chia sẻ những thông tin về đề tài lịch sử văn hóa Việt Nam. Hoạt động chính của nhóm là thiết kế, vẽ tranh minh họa trang phục, kiến trúc của người Việt trong các thời kỳ lịch sử.
Sau một thời gian hoạt động, cộng đồng Đại Việt Cổ Phong đã phát triển mạnh mẽ tại cả trên diễn đàn, web deviantart, fanpage và hội nhóm Facebook. Nhóm là nơi các thành viên chia sẻ các tác phẩm tranh phục dựng và tranh nghệ thuật (tranh dã sử). Các nhóm tranh thường được chia thành trang phục cổ truyền qua các thời đại, đồ trang sức, các loại hoa văn, tranh mô tả các hoạt động, phong tục, tập quán…
Không chỉ trực tiếp giúp mọi người có những hình dung chi tiết và tiếp cận dễ dàng hơn với văn hóa Việt Nam, Đại Việt Cổ Phong còn liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức khác nhằm chung tay gây dựng lại hình ảnh văn minh cổ xưa. Nổi tiếng trong số này có thể kể tới cuộc thi Thế giới Ước mơ – cuộc thi dành cho những tác phẩm truyện tranh có đề tài dã sử, lịch sử, đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố minh họa chuẩn mực và thuần Việt Cổ. Ai nói rằng những họa sĩ thì luôn “trên mây”? Ai nói rằng họa sĩ thì không có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng chứ?