Fixi – Tha hồ đi du lịch, đã không mất tiền lại còn được tiền. Chỉ có thể là nghề hướng dẫn viên du lịch.
Mục Lục Bài Viết
1. Hướng dẫn viên du lịch là ai?
Nếu bạn là người đam mê du lịch, thích tìm kiếm những điều mới mẻ và mong muốn lan tỏa nguồn cảm hứng khám phá này tới mọi người, hướng dẫn viên du lịch sẽ là vị trí tuyệt vời dành cho bạn.
Theo định nghĩa chung, hướng dẫn viên du lịch là người sử dụng ngôn ngữ để giới thiệu, giải thích cho du khách hiểu và thấy được vẻ đẹp, nét đặc trưng của các cảnh vật, điểm văn hóa, một điểm tham quan tổng hợp… trong các chuyến đi tại một đất nước hay một vùng miền nào đó. Họ đi theo các tour du lịch, ăn uống tại nhà hàng, nghỉ tại khách sạn nhưng lại không hề nhàn tản khi luôn phải chạy đôn chạy đáo lo lắng cho một đoàn vài chục người. Đầy thú vị và thử thách, đây được xem là một công việc luôn tạo cảm giác mới mẻ, tuy vất vả nhưng bền vững và đón đầu xu thế nghề nghiệp năng động trong tương lai.
2. Hướng dẫn viên du lịch làm gì?
Người hướng dẫn viên du lịch thường được ví là “ba đầu sáu tay” khi phải cùng lúc giải quyết rất nhiều công việc: Khi lên xe, hướng dẫn viên du lịch là người thuyết minh, giới thiệu, cung cấp thông tin về các địa danh nổi tiếng, các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử của từng vùng miền đoàn đi qua. Bước xuống xe, hướng dẫn viên du lịch là người phục vụ, lo cho khách từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Trong giờ ăn, họ chạy đôn chạy đáo như nhân viên của quán, để mắt những món ăn còn thiếu, lo lắng khách ăn có ngon miệng không. Ban đêm nếu khách kêu đau bụng, nhức đầu phải ngay lập tức chạy tới thăm nom – nhẹ thì lo thuốc, nghiêm trọng hơn phải mời bác sĩ hoặc thậm chí đưa khách đi cấp cứu.
Họ là người “chạy trước” tất cả các loại giấy thông hành, vé tham quan, visa… là người sau cùng ở lại thanh toán, kiểm soát các loại hóa đơn. Trong quá trình dẫn tour phải giúp khách hàng có được những lời khuyên du lịch, mua sắm chân thành nhất. Suốt chuyến đi, hướng dẫn viên du lịch phải lắng nghe, ghi nhận ý kiến phản ánh để vừa rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong công tác hướng dẫn và vừa phản ánh với lãnh đạo các vấn đề phát sinh liên quan đến tour tuyến của công ty.
3. Hướng dẫn viên du lịch làm việc ở đâu?
Họ làm việc tại các công ty lữ hành chuyên nghiệp, các công ty du lịch vừa và nhỏ. Vào đầu mùa du lịch, các Công ty Du lịch, Lữ hành thường tìm đến các khoa, trường đào tạo chuyên ngành để tuyển sinh viên giỏi, có thể đáp ứng yêu cầu của họ để tham gia ngay vào công việc. Nhu cầu này ngày càng gia tăng và bước đầu đã hình thành các đầu mối cung cấp dưới hình thức Công ty chuyên cung cấp Cộng tác viên.
Các hướng dẫn viên du lịch cũng có thể xin vào làm tại các Sở Văn hóa, Sở Du lịch, các công trình văn hóa, du lịch nổi tiếng hoặc đôi khi trở thành hướng dẫn viên tự do. Rất nhiều cựu hướng dẫn viên ưu tú về sau trở thành giáo sư uyên bác của các trường đại học, các nhà lãnh đạo dầy tài ba của ngành, giám đốc, phó giám đốc các công ty, thậm chí đã có người trở thành lãnh đạo của cả ngành du lịch.
Một trong những áp lực lớn nhất của nghề này là thời gian. Hướng dẫn viên ở các địa điểm địa điểm du lịch thường sẽ có thời gian thoải mái hơn so với những hướng dẫn viên đi tour. Nếu đi theo tour, họ sẽ phải vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất ít. Những dịp nghỉ lễ là thời gian nghỉ ngơi của nhiều người nhưng lại là thời kỳ bận rộn nhất của họ. Có những tour hướng dẫn viên phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để đón khách và có khi phải đi xa nhà cả tháng trời.
4. Học nghề hướng dẫn viên du lịch ở đâu?
Muốn trở thành một Hướng dẫn viên Du lịch bạn có thể thi khối D hoặc khối A1 vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp du lịch: Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Viện Đại Học Mở Hà Nội, ĐH Văn hóa HN, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Thể Thao Và Du Lịch Thanh Hóa, Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn…
Ngày nay nhiều bạn trẻ chọn cách học ngành ngoại ngữ rồi sau đó theo học các khóa nghiệp vụ du lịch khoá trong khoảng thời gian 3 tháng. Đây được xem là cách làm tiện cả đôi đường khi vừa được học ngoại ngữ bài bản, lại không phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm mà có thể tự tìm hiểu, học hỏi thêm.
Hiện tại, ngành Du lịch nước ta đang rất thiếu nguồn nhân lực, do đó sinh viên theo học ngành này đang có nhiều cơ hội nhưng với điều kiện phải biết tự trang bị cho mình kiến thức. không ngừng tìm tòi học hỏi, tích lũy vốn sống đồng thời phải chú ý rèn luyện thể chất, không ngại thử thách. Một tình trạng khá phổ biến là các hướng dẫn viên du lịch quốc tế hiện nay hầu như đều chỉ sử dụng được tiếng Anh. Bởi vậy học thêm những ngành ngôn ngữ “độc” một chút như Hàn, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha… sẽ cho bạn rất nhiều ưu thế so với các hướng dẫn viên khác.
Đây là nghề đòi hỏi nhiều nhất, rộng nhất và sâu nhất về cả kiến thức, năng lực chuyên môn và phẩm chất. Hướng dẫn viên du lịch trước hết phải là người giỏi ngoại ngữ, thông thạo kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý, ẩm thực vùng miền. Hiểu biết về cuộc sống càng tốt thì lượng thông tin mà họ có thể cung cấp cho khách du lịch càng phong phú. Các kiến thức về luật, giấy phép, hóa đơn… cũng vô cùng quan trọng. Khi làm nghề này bạn phải có những kỹ năng như:
Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình
Có rất nhiều yếu tố tạo nên một hướng dẫn viên tài ba, nhưng có thể nói giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất. Thử nghĩ xem, làm hướng dẫn viên du lịch nghĩa là bạn luôn sẵn sàng gặp gỡ, tiếp xúc và chào đón những vị khách lạ, không chỉ là khách trong nước mà còn là những con người đến từ hàng chục, thậm chí hàng trăm quốc gia khác nhau với chừng ấy nền văn hóa, phong tục tập quán.
Ngoài ra kỹ năng thuyết trình rất cần thiết bởi một trong những nhiệm vụ quan trọng của hướng dẫn viên du lịch là truyền tải thông tin đến du khách. Một giọng văn đều đều “ru ngủ” theo những nội dung đã được chuẩn bị sẵn chắc chắn sẽ chỉ khiến du khách “ngán ngẩm” mà bỏ đi.
Kỹ năng ứng biến/xử lý tình huống
Dù có lên kế hoạch chu đáo và hoàn mỹ đến đâu, thì những chặng hành trình thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ta mong đợi – nhất là đối với những hành trình du lịch khám phá hoặc du lịch mạo hiểm. Vì vậy, kỹ năng ứng biến hay có thể gọi là “phản ứng nhanh” sẽ giúp cho người hướng dẫn viên luôn làm chủ được tình thế khi có những rủi ro ngoài mong đợi xảy ra.
Ngoài ra bạn phải luôn giữ được điềm tĩnh trước mọi tình huống, dù xảy ra chuyện gì cũng cần giữ thái độ lịch thiệp với du khách bởi một người đồng hành tốt phải là người tạo các giác an toàn và thoải mái.
Kỹ năng tổ chức
Mỗi tour du lịch thường đã được lên sẵn về thời gian, điểm đến, chỗ ăn ở nghỉ… nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn cứ nhìn vào tờ kế hoạch và triển khai một cách máy móc là xong. Có thể nói, lịch trình, những điểm đến là phần cứng của hành trình, còn người hướng dẫn viên du lịch tài ba phải biết thổi hồn vào hành trình đó, phải trở thành linh hồn của những chuyến đi.
Kỹ năng ngoại ngữ
Đây được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ một hướng dẫn viên nào. Nếu muốn trở thành một hướng dẫn viên xuất sắc, bạn không thể chỉ dừng lại ở việc thành thạo các kỹ năng nghe – để hiểu, và nói – để truyền đạt, mà bạn còn phải rèn luyện cho mình cách “cảm thụ” ngoại ngữ để có thể hiểu được những gì “nằm ngoài ngôn từ”. Điều đó sẽ giúp cho việc giao tiếp của bạn với du khách trở nên dễ thấu hiểu nhau hơn, có chiều sâu hơn.
Kỹ năng quan sát
Nếu là người giỏi quan sát, giữa hàng chục khuôn mặt có thể có những nét biểu cảm khác nhau, bạn sẽ “đo” được chỉ số cảm xúc của khách đang như thế nào, từ đó sẽ giúp bạn điều chỉnh ứng xử để thay đổi cảm xúc du khách theo hướng tích cực hơn.
Ngoài ra, nếu đã quyết tâm trở thành hướng dẫn viên du lịch, các bạn cũng cần phải có sức khỏe, nhất là không được say xe bởi trong suốt chuyến đi, trong khi du khách thỏa sức thư giãn và ngắm cảnh thì bạn phải luôn giữ được tỉnh táo và truyền đạt những hiểu biết của mình về từng địa danh một cách sống động linh hoạt.
Lòng yêu thích sự say mê là yếu tố không thể thiếu trong nghề này. Thực tế dù làm bất kể ngành gì nhưng nếu không có sự yêu thích và lòng say mê thì mọi thứ có thể trở thành “địa ngục”, nhất là với những khó khăn, áp lực của nghề. Phải yêu nghề lắm, phải đam mê lắm một người mới gắn bó được với nghề hướng dẫn viên du lịch vài năm, duy trì lòng yêu nghề đó tới cả chục năm, và gắn bó trọn đời với nghề.
Trong tưởng tượng của nhiều người, hướng dẫn viên du lịch phải là người cao to, sức khỏe tốt hoặc có ngoại hình trẻ trung, ưa nhìn, học hành bài bản… Tuy vậy có một người đàn ông đã phá vỡ hết các nguyên tắc này: từ chiều cao 1,2m, tiếng Anh tự học, tới việc không qua một trường lớp hàn lâm chính thống.
Câu chuyện bắt đầu khi ông Phú mở một quán nước nhỏ tại phố Hàng Cót sau bao lần gặp đổi việc, lăn lộn mưu sinh vì chiều cao khiêm tốn của mình. Quán nước này chính là mối nhân duyên để ông Phú gặp Jim (người Canada) – người đầu tiên dạy ông học tiếng Anh. Jim hay đến quán uống nước, mua sách tặng Phú, đồng thời chỉ cho ông những kiến thức cơ bản xã hội cơ bản. Nhờ sự chỉ dẫn của Jim, ông Phú rất ham học. Về sau chính nhờ sự chăm chỉ vượt khó, ông còn được cô Nguyễn Thị Thái (ĐH Quốc gia Hà Nội) tạo điều kiện hết sức để theo học lớp tiếng Anh do cô dạy.
Ngoài giờ học trên lớp của cô Thái, những lúc rảnh rỗi hay khi quán nước vắng khách, Phú đều đem sách ra học. Ông đi dạo hồ Gươm, bắt chuyện với khách Tây để luyện nói. Sự khổ luyện ấy đã được đền đáp khi ngày càng nhiều khách nước ngoài đến với quán nước nhỏ của ông. Họ mời ông đi du lịch cùng và chú lùn đã nghiễm nhiên trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Ông Phú chia sẻ: “Nơi đầu tiên tôi đưa các bạn nước ngoài đi du lịch là Sapa (Lào Cai). Sau đó là TP HCM, Nha Trang, Việt Bắc… Đến nơi nào tôi cũng thử các món ăn đặc trưng và tìm vài món đồ nhỏ làm lưu niệm. Vì vậy, những món ăn của Việt Nam tôi gần như biết được hết. Tất cả đều nhờ vào người bạn Jim của tôi”. Sau lần đi đầu tiên, bạn bè ngoại quốc biết đến Đinh Văn Phú nhiều hơn. Người ta tò mò vì một chú lùn biết nói tiếng Anh, một chú lùn đã lên đến đỉnh Fanxifan và viết tên mình lên đó. Những lời mời làm hướng dẫn viên cho những chuyến đi dài ngày cũng tăng dần.
Ông Phú cho biết, mỗi chuyến đi ngoài việc thăm thú, được trau dồi ngoại ngữ, ông còn học thêm được nhiều điều: sự thân thiện, kiến thức, văn hóa của các nước.
Hè năm 2008, “chú lùn” Đinh Văn Phú được mời làm nhân vật chính trong chương trình truyền hình “Người đương thời” để kể về chuyến chinh phục đỉnh Fanxifan. Cũng nhờ chương trình này, Hiệp hội người lùn ở Mỹ đã biết đến chú lùn “đi khắp muôn nơi” và gửi thư mời Phú dự đại hội thường niên lần thứ 52 tại New York. Đinh Văn Phú vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được mời tham dự đại hội này.
Không phải công việc của hướng dẫn viên du lịch nào cũng như nhau. Hiện nay trên thế giới, người ta phân hướng dẫn viên du lịch thành các loại như sau:
Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp (tour guides)
Là những người hướng dẫn đoàn khách thực hiện chương trình tham quan du lịch của một hãng, công ty cụ thể nào đó.
Hướng dẫn viên du lịch tại điểm (on site guides)
Là người hướng dẫn du khách thực hiện tour trong một vài giờ ở các công trình nổi bật như toà thánh Peter ở Rome, trung tâm vũ trụ ở Florida. Ở Việt Nam những hướng dẫn viên du lịch địa phương tại Huế thường dẫn khách đến tham quan các lăng tẩm của triều Nguyễn cũng có thể xếp vào loại hướng dẫn viên du lịch này.
Hướng dẫn viên du lịch thành phố (city guides)
Là người hướng dẫn viên du lịch đoàn khách thực hiện chuyến tham quan thành phố trên phương tiện di động (thường là trên xe buýt, xe điện…). Nhiệm vụ của hướng dẫn viên du lịch loại này là chỉ cho khách những đối tượng tham quan nổi bật của thành phố và giới thiệu về chúng. Đôi khi hướng dẫn viên du lịch kiêm luôn lái xe, vừa lái xe vừa giới thiệu (asight-seeing guides).
Hướng dẫn viên du lịch cộng tác (step-on guides)
Đó thường là những giáo viên ngoại ngữ, nhà sử học, học giả, nhờ thông thạo ngoại ngữ, am hiểu kiến thức tổng hợp, nắm được tuyến điểm tham quan DL mà hãng DL, công ty lữ hành nào đó thuê họ theo hợp đồng. Đa số các loại hướng dẫn viên du lịch cộng tác này thường làm tự do hoặc theo mùa du lịch. Ví dụ đối với các giáo viên là vào các kì nghỉ đông, nghỉ hè. Hướng dẫn viên du lịch cộng tác có thể làm tất cả các chức năng như 3 loại HD trên.
Ở Venice – Ý có những hướng dẫn viên du lịch thành phố vô cùng đặc trưng. Nếu hướng dẫn viên du lịch ở các thành phố khác thường lái xe đưa khách hàng đi tham quan ngang dọc trên những tuyến đường vuông vức như ô bàn cờ thì ở Venice, các hướng dẫn viên chính là những người lái thuyền đầy lãng mạn trên các bờ kênh chằng chịt của thành phố.
Con thuyền này có tên là gondola, được làm thủ công từ 8 loại gỗ khác nhau (linh sam, sồi, anh đào, óc chó, du, gụ, thông và doan) và gồm 280 mảnh ghép lại. Lái đò gondola không thể dùng sào chống vì mực nước ở Venice rất sâu. Mái chèo của thuyền được làm từ gỗ sồi. Đáy thuyền khá hẹp, hình thể tuy mềm mại nhưng dài và nặng của gondola đòi hỏi nhiều sức lực khi người chèo thuyền phải đứng và liên tục khua mái chèo.
Những người lái đò gondola ngày nay vẫn theo truyền thống khi hầu như chỉ tuyển nam, quần đen, áo sọc xanh lơ, trắng và một chiếc mũ nhỏ trên đầu. Đôi tay vừa dẻo dai chèo lái trên những bờ kênh lãng mạn, họ vừa hát các bài dân ca Ý bằng giọng nam trầm ấm tình cảm, vừa thuyết trình về những công trình lịch sử, các điểm thu hút du lịch chính ở thành phố cổ kính này. Có thể nói chính những người lái đò gondola, một phần trong những mảnh ghép truyền thống của văn hóa sông nước Venice, đã trở thành những đại sứ du lịch, góp phần làm nên nền du lịch Venice lãng mạn, độc đáo và vô cùng hấp dẫn ngày nay.