Fixi – “Công nghệ bảo trì của Việt Nam đang chậm hơn so với Nhật Bản ít nhất nửa thế kỷ”. Sự thật này càng khiến nghề kĩ sư bảo trì trở thành một trong những nghề áp lực và giàu tiềm năng phát triển nhất trong tương lai.
[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20160823053437if_/https://www.youtube.com/embed/V6ZU_lOG5TA?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan nghề kĩ sư bảo trì
Nghề kĩ sư bảo trì bảo đảm cho máy móc và thiết bị được hoạt động liên tục và thông suốt bằng cách sử dụng hệ thống máy tính để giám sát, bảo dưỡng định kỳ và lên kế hoạch sửa chữa. Nghề kĩ sư bảo trì đôi khi cũng tham gia vào hoạt động kiểm soát và giám sát thiết bị bên cạnh công việc bảo trì.
Kỹ thuật bảo dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả, phát triển và tiến bộ của các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến.
Kĩ sư bảo trì cũng cần phối hợp với các chuyên gia khác nhằm cải thiện cơ sở sản xuất, giảm tỷ lệ hỏng hóc, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho vấn đề sửa chữa và phát triển các chiến lược để cải thiện độ tin cậy và an toàn của doanh nghiệp sản xuất, nhân sự và các quy trình sản xuất tổng thể.
2. Nghề kỹ sư bảo trì làm gì?
Kĩ sư bảo trì là người bảo trì và sửa chữa kết cấu của các phương tiện như máy bay, máy móc trong bệnh viện, xưởng sản xuất ….
Nhiệm vụ chính của các kỹ sư:
- Theo dõi tình trạng làm việc và tham gia khắc phục các sự cố hỏng hóc của thiết bị.
- Phân tích nguyên nhân hư hỏng và sử dụng hệ thống RCFA để tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng thiết bị và đề xuất các giải pháp khắc phục.
- Xây dựng và phát triển các qui trình sửa chữa thiết bị.
- Xác định việc sử dụng các kỹ thuật bảo trì dự đoán nào.
- Phân tích các báo cáo trong hệ thống CMMS, các chỉ số KPI đánh giá hiệu quả và độ tin cậy của thiết bị và hệ thống bảo dưỡng thiết bị để sửa đổi và hoàn thiện các chương trình bảo dưỡng dự phòng.
- Lập kế hoạch và lịch bảo dưỡng phòng ngừa, sửa chữa toàn nhà.
- Phân tích các dữ liệu lưu trữ, thông số vận hành và xu hướng sử dụng thiết bị để đề xuất các phương pháp cải tiến cần thiết nhằm đạt được chi phí vòng đời thấp nhất cho tất cả các thiết bị.
- Lập kế hoạch vật tư thay thế cần thiết hàng năm.
- Thiết lập các mục tiêu hay yêu cầu về độ tin cậy cho hệ thống hay cụm thiết bị.
Tuy không phải công vịêc hot nhưng bảo trì là công việc có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nên đây là công việc lúc nào cũng có mức lương tương đối khá và những kỹ sư có trình độ và tay nghề cao luôn có mức thu nhập rất tốt dao động trung bình khỏang từ 10 – 15 triệu tùy vào từng ngành nghề.
3. Nghề kĩ sư bảo dưỡng làm việc ở đâu?
Kĩ sư bảo trì thường làm việc trong các khu vực như sau: Bệnh viện, Sản xuất, Vận chuyển, Bưu điện và Trữ kho; An toàn và Hành chính công, các Dịch vụ hỗ trợ và hành chính.
Kĩ sư bảo trì thường làm khoảng từ 37 – 40 giờ/ tuần, thời gian không cố định và có thể phải làm ngoài giờ vì những sự cố khẩn cấp.
Nghề này có thể làm trong một nhà máy sản xuất hoặc ở ngoài trời khi cần bảo trì các thiết bị tại chỗ. Họ sẽ phải mặc bộ quần áo bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.
4. Học nghề kỹ sư bảo trì ở đâu?
Trong trường đại học, có nhiều ngành có thể đào tạo ra các kỹ sư bảo trì.
Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc Gia TpHCM – Khoa Kĩ thuật cơ – điện tử
Đại học Giao thông vận tải (phía Bắc) – Khoa kỹ thuật điện – điện tử
Đại học Bách Khoa Hà Nội – Khoa kĩ thuật cơ điện tử
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các cơ sở và trung tâm đào tạo nghề có uy tín, có thể đáp ứng nhu cầu vừa học vừa làm hoặc có việc làm ngay sau học các khóa đào tạo ngắn hạn.
Tố chất
- Nhanh nhẹn, linh động
- Thích tìm tòi, ham học hỏi
- Có sức khỏe tốt
Kỹ năng liên quan
- Hiểu cơ bản về hệ thống quản lý bảo dưỡng thiết bị bằng máy tính (CMMS).
- Kỹ thuật thực hành về bảo dưỡng thiết bị
- Hiểu các khái niệm về bảo dưỡng
- Sử dụng thành thạo máy tính và các chương trình ứng dụng (Work, Excel. MS Project, AutoCad).
Nói và viết tiếng Anh lưu loát. - Kỹ năng kinh doanh – đôi khi kỹ sư bảo trì có thể chịu trách nhiệm về quản lý ngân sách, trưởng nhóm nghiên cứu và liên lạc với nhà cung cấp
- Khả năng dẫn dắt và thúc đẩy người khác, kỹ năng làm việc tập thể để hợp tác và phối hợp với những người có liên quan. Họ cũng cần khả năng đàm phán và thuyết phục người khác để công việc được tiến triển thuận lợi.
Bảo trì để sinh lợi
Đa số các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam thường để máy móc hư rồi mới tiến hành sửa chữa, rất ít doanh nghiệp biết áp dụng bảo trì bằng kỹ thuật giám định tình trạng.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP HCM phân tích: Đầu tư đúng cho công tác bảo trì sẽ mang lại những lợi ích không kém “gà đẻ trứng vàng”: tăng 15-25% thời gian chạy máy, đồng nghĩa với tăng năng suất sản xuất và doanh thu; tăng 30-35% năng suất của đội ngũ bảo trì sẽ làm giảm 10-25% chi phí sửa chữa khẩn cấp. Nếu doanh nghiệp đầu tư một đồng cho bảo trì, thiết bị máy móc thì sau một năm sẽ tiết kiệm được năm đồng cho sửa chữa. Đối với ngành nhựa, con số này lên đến hai mươi lần.
Một dây chuyền sản xuất sữa đặc có đường, có tổng thời gian ngừng máy 350 giờ mỗi năm, mỗi giờ ngừng sẽ thiệt hại 240 triệu đồng. Nếu làm tốt công tác bảo trì, máy móc hoạt động ổn định thì thời gian ngừng máy sẽ giảm xuống còn một nửa và lợi nhuận sẽ tăng thêm 42 tỷ đồng. Một công ty có 10 dây chuyền như thế, mỗi năm sẽ tăng thêm 420 tỷ đồng, con số không hề nhỏ.
Kỹ sư Lê Trung Hiếu, người có kinh nghiệm làm bảo trì gần chục năm nay với nhiều công ty liên doanh trong nước và cả tại Nhật Bản, nhận xét: “So với Nhật Bản, “công nghiệp bảo trì” ở Việt Nam chậm hơn ít nhất nửa thế kỷ”.
Ông Võ Sáng Nghiệp, cựu Chủ tịch Hội Kỹ nghệ Việt Nam tại Sài Gòn trước năm 1975, chia sẻ: “Trước năm 1975, chúng tôi đã có công ty chuyên về bảo trì với vốn hơn một triệu USD. Thế nhưng hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, máy móc thiết bị hiện đại nhiều, song ý thức về bảo trì lại không được như trước”.
Theo ông Nghiệp, một tổ chức đại diện cho những người chuyên bảo trì với quy mô câu lạc bộ như hiện nay ở TP HCM là chưa tương xứng. Ông Nghiệp “hiến kế”, muốn hoạt động bảo trì được chú trọng, nên lập một hiệp hội về bảo trì, chủ tịch hiệp hội này phải là người có ảnh hưởng rộng, uy tín cao, chẳng hạn như thứ trưởng Bộ Công thương hoặc các bộ có liên quan.
Than phiền về tình trạng hoạt động bảo trì chưa được chú trọng, tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Công ty Phần mềm Vietsoft phản ánh: “Thời gian qua, chúng tôi đã chuyển giao nhiều phần mềm quản lý thiết bị bảo trì cho doanh nghiệp. Nhưng đa phần các doanh nghiệp quan tâm trang bị lại là doanh nghiệp có vốn nước ngoài và liên doanh, chứ doanh nghiệp trong nước lại không mấy mặn mà”.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, kỹ sư Trần Hồng Đoàn, Công ty SKF Việt Nam, cho biết: Không ít doanh nghiệp lại quan tâm đến bảo trì theo kiểu định kỳ, cứ đến thời điểm là ngừng sản xuất cả nhà máy để thay thiết bị.
Trong khi đó, nhiều bộ phận còn rất tốt, chưa cần thay. Với những trường hợp này, nếu doanh nghiệp xây dựng một chính sách bảo trì từ xa, có bài bản thì không cần phải tốn của, phí công như vậy.
Tiến sĩ Huỳnh Trung Lương, Viện Công nghệ châu Á (AIT) khẳng định, ở Việt Nam, kỹ sư bảo trì còn quá thiếu và yếu. Ngoài các trường trong nước, cũng phải nghĩ đến việc đưa người đến những nước tiên tiến hơn để học hỏi.
Nữ kỹ sư bảo trì máy bay ở Đà Nẵng
Thu Trang (32 tuổi) sinh ra và lớn lên tại thành phố bên sông Hàn. Cô từng tốt nghiệp đại học hàng không tại Moscow (Nga) năm 2008 sau khi giành học bổng toàn phần cho sinh viên năm đầu tại ĐH Kỹ thuật Đà Nẵng.
Hiện Trang là kỹ sư thuộc trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Đà Nẵng của Hãng hàng không Vietjet Air. Cô cũng là nữ kỹ sư duy nhất tại Cảng vụ Hàng không Đà Nẵng và là một trong những trường hợp hiếm hoi làm công việc đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các chuyến bay tại Việt Nam.
Trang kể, cơ duyên đến với nghề sửa chữa máy bay hơi bất ngờ. Trước đó, cô chỉ nghĩ là sẽ học và làm việc trong ngành kỹ thuật sau khi đỗ đại học.
Hàng ngày, Trang được phân công kiểm tra hai chuyến bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Bất kể nắng, mưa cô luôn phải tập trung cao độ làm việc. Mỗi chuyến máy bay chỉ dừng trong 30 phút trên sân đỗ sau đó tiếp tục hành trình tới sân bay khác nên nữ kỹ sư chỉ có khoảng 15 phút để kiểm tra kỹ thuật.
Trong quá trình đó nếu phát hiện các chi tiết hỏng hóc phát sinh như lốp, hệ thống đèn, thiết bị cung cấp nguồn điện và các chi tiết bên ngoài, sẽ kịp thời sửa chữa hoặc thay thế.
Mỗi chuyến bay an toàn đòi hỏi sự cẩn thận trong khâu kiểm tra các chi tiết dù là nhỏ nhất. Cô cho biết, đây là trách nhiệm và cũng là một áp lực rất lớn đối với mình.
Theo ông Hồ Hữu Đông – Trưởng phòng Bảo dưỡng bảo trì (Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Vietjet Air Đà Nẵng) Thu Trang có trách nhiệm với công việc, nắm bắt nhanh công nghệ, nhất là đối với công việc kiểm tra bảo dưỡng mà cô được đào tạo ngắn hạn về hai dòng máy bay A320-321 do Airbus chuyển giao tại Việt Nam.
Sự hài lòng của hành khách, sự yên tâm của tổ bay khi những chú chim sắt về đích an toàn là niềm hạnh phúc khi cô quyết định theo đuổi công việc này. Thu Trang tâm sự, sẽ cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đạt được những chứng chỉ cao hơn trong công việc, để có thể sửa chữa được những chi tiết khó và đặc biệt hơn trong máy bay.