Fixi.vn – Bạn yêu thích nghiên cứu khoa học? Bạn muốn giúp đỡ người nông dân bớt lam lũ, bấp bênh? Vậy nghề kĩ sư nông nghiệp là một con đường lý tưởng dành cho bạn.
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan về kĩ sư nông nghiệp
Chinh phục khoa học và trực tiếp đưa những thành quả đó vào cuộc sống, vào từng vụ mùa, vào từng bữa ăn hàng ngày của mọi người – đó là niềm kiêu hãnh của người kỹ sư nông nghiệp. Không chỉ là bạn của riêng nhà nông, kĩ sư nông nghiệp còn góp phần đảm bảo cho nhu cầu cơ bản mà vô cùng quan trọng trong cuộc sống của tất cả mọi người – lương thực, thực phẩm. Một ý tưởng đột phá trong nghề, một nghiên cứu ứng dụng hoàn hảo cho khí hậu Việt Nam có thể đem đến tương lai khởi sắc cho người nông dân, sự phát triển thêm bền vững của nền nông nghiệp đất nước.
Nếu trở thành kĩ sư nông nghiệp, bạn có 2 lựa chọn: Kĩ sư trồng trọt và Kĩ sư chăn nuôi.
Kỹ sư trồng trọt sẽ nghiên cứu về các loại cây trồng và cuộc sống toàn diện của chúng: từ các yếu tố dinh dưỡng như ánh sáng, nước, nhiệt độ và dưỡng chất… cho đến những đe dọa từ cỏ dại, bệnh, côn trùng…
Kỹ sư chăn nuôi lại hướng đến đối tượng quan tâm khác: đó là các loài vật nuôi gia súc, gia cầm… – tìm ra cách chăm sóc, chăn nuôi hàng ngày và cách phối giống sao cho hiệu quả nhất, đem lại năng suất cao nhất.
Là một kĩ sư nông nghiệp, bạn làm việc song song giữa hai nơi phòng thí nghiệm và ruộng đồng hoặc trang trại. Bạn là người nghiên cứu, thử nghiệm, thiết kế các mô hình, xây dựng các phương pháp khoa học và cũng chính bạn đồng hành cùng người nông dân trong thực tế sản xuất.
2. Học kĩ sư nông nghiệp ra làm gì?
Là một kĩ sư nông nghiệp, bạn cần phải làm những công việc sau đây:
- Chăm sóc cây trồng, vật nuôi thường xuyên.
- Kiểm tra chất lượng chăm sóc, điều điện sống của chúng hàng ngày, đảm bảo môi trường nuôi dưỡng đạt tiêu chuẩn tốt nhất.
- Giao phối, lai giống cho cây trồng, vật nuôi, cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đảm bảo năng suất.
- Nắm bắt, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, áp dụng vào các giống cây, các giống vật nuôi để đem lại năng suất, lợi nhuận tốt.
- Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tìm ra các phương pháp tối ưu cho trồng trọt và chăn nuôi (lai tạo giống, chế tạo phân bón, thức ăn, xây dựng mô hình các điều kiện lý tưởng…)
- Gặp gỡ, tư vấn cho bà con nông dân các kiến thức về chăm bón cây trồng, chăn nuôi gia cầm, gia súc.
- Chỉ đạo, triển khai các dự án nông nghiệp, phổ biến cho người dân tạo việc làm, cải thiện năng suất, chất lượng…
3. Kỹ sư nông nghiệp làm việc ở đâu?
Nếu trở thành kỹ sư ngành nông học, bạn có thể làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, Viện nghiên cứu về nông nghiệp, Viện sinh học nhiệt đới, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm Khuyến nông, Chi cục hay Trạm Bảo vệ Thực vật, các Trung tâm Giống cây trồng, các nông trường, nông trại, trang trại, các công ty nhà nước hay các liên doanh hoặc tư nhân trong kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo (trung học, cao đẳng, đại học nông nghiệp) hoặc học tiếp các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông học rất lớn từ các công ty (như Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam, Công ty Cây Xanh TP.HCM…), các xí nghiệp hoặc các thương nghiệp hỗn hợp hay các công ty có vốn nước ngoài (như Bayer Agritech Saigon…) hoặc các trang trại ở miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên v.v…
Là một nhà khoa học về nông nghiệp, hàng ngày bạn tiếp xúc rất nhiều với các loại cây trồng, các loài vật nuôi bởi nhiệm vụ của bạn là chăm sóc chúng, theo dõi “sức khỏe” để chữa bệnh kịp thời cho chúng. Ngoài làm việc trong phòng thí nghiệm ra thì đồng ruộng, các trang trại chăn nuôi cũng chính là nơi làm việc thường xuyên của bạn.
4. Nơi đào tạo kỹ sư nông nghiệp
Ở trong nước các bạn có thể theo học nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp ở các trường: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), Đại học Hải Phòng, Đại học Nông lâm (Đại học Huế), Đại học Nông lâm Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ…
Ngoài ra bạn có thể cân nhắc với các cơ hội du học tại một số nước trên thế giới mạnh về Nông nghiệp:
- Úc: Úc là 1 trong những nền giáo dục bậc nhất thế giới có thế mạnh về đào tạo ngành Nông nghiệp. Kể từ năm 1993 tới nay, thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc, Úc đã giúp Việt Nam thực hiện trên 100 dự án với ngân sách tài trợ lên tới khoảng 30 triệu đô với 3 hình thức viện trợ chính: ACIAR, Aus AID và các quỹ học bổng. Cán bộ, sinh viên Việt Nam được gởi sang Úc để học hỏi hoặc tham gia những khóa tu nghiệp ngắn hạn, dài hạn, tham dự các hội nghị quốc tế… Một số trường mạnh về ngành Nông nghiệp tại Úc: ĐH Melbourne, ĐH Queensland, ĐH LaTrobe, ĐH Western Sydney…
- Mỹ: Mức lương trung bình hàng năm của các kỹ sư nông nghiệp là 71.090$/ tháng (số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ – BLS năm 2010). Việc làm của các kỹ sư nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 9 % từ năm 2010 đến năm 2020. Một số trường Đại học uy tín và có cấp học bổng ngành này tại Mỹ: Oregon State University, Florida A&M; University, Iowa State University, Kansas State University College of Agriculture, Oklahoma State University, Texas A&M; University… Ngoài ra Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hàng năm có nhiều chương trình học bổng bậc học Tiến sĩ dành cho các nước đang phát triển như: học bổng Foreign Agricultural Service, học bổng Borlaug I. Theo đó, các ứng viên đủ tiêu chuẩn sẽ được đài thọ chi phí học tập, ăn ở, vé máy bay và các phụ cấp khác theo quy định…
Để trở thành một nhà kỹ sư nông nghiệp bạn cần phải có những tố chất và kỹ năng cần thiết như:
- Khả năng phân tích thông tin, sáng tạo và thực hiện thí nghiệm, khả năng giải quyết vấn đề.
- Lối tư duy tích cực, sáng tạo, linh hoạt, tinh tế.
- Nhanh nhạy với các thành tựu khoa học mới.
- Kỹ năng quản lý, điều phối dự án nông nghiệp, mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
- Khả năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục.
Bên cạnh đó, trình độ kiến thức về khoa học chuyên ngành, chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan như môi trường học, sinh thái, công nghệ sinh học, sinh ký thực vật, khoa học thảm cỏ, quản lý dịch bệnh, di truyền học, chọn tạo giống cây trồng, sinh học phân tử, dinh dưỡng, bệnh cây, toán học và xây dựng mô hình, phát triển quốc tế… là rất cần thiết.
Bất kể trong nghề nào niềm yêu nghề cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Đặc biệt, là một kỹ sư nông nghiệp, bạn còn phải ham học hỏi, luôn tò mò khám phá những điều mới mẻ, thú vị từ thiên nhiên. Bạn thích chăm sóc cây trồng, vật nuôi và muốn nghiên cứu tạo ra những phương pháp mang lại hiệu quả nuôi trồng lớn nhất, giúp những người nông dân tăng hiệu quả kinh tế.
Nhà bác học Lương Định Của
Năm 1937, Lương Định Của đỗ tú tài toàn phần tại Sài Gòn, sau đó sang Hồng Kông học đại học y khoa và tiếng Anh. Năm 1943, ông sang Nhật, thi vào khoa sinh vật thực nghiệm Trường Đại học Kyushyu. Năm 1946, ông tiếp tục lên Kyoto, một thành phố lớn của Nhật theo học ngành nông nghiệp, khoa di truyền học tế bào, tại đây ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học khoa di truyền chọn giống.
Vào những năm 1960, một giống lúa cây thấp, bông to được ông đưa vào đồng ruộng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của người dân, góp phần tăng sản lượng hàng triệu tấn lương thực. Lương Định Của trở thành “ông tổ” của giống lúa Nông nghiệp 1 đó, giống lúa lai tạo thành công đầu tiên tại nước ta.
Là một giáo sư có tài, lương cao, có cuộc sống sung túc tại nước ngoài nhưng ông vẫn kiên quyết cùng gia đình trở về tổ quốc sau mười năm học tập, tu nghiệp và làm việc xa quê. Ông được bố trí công tác tại Viện Khảo cứu nông lâm, sau đó là Trường Đại học nông nghiệp, Viện Cây lương thực và thực phẩm. Ông là người người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam và cũng đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc.
Bạn có biết rằng Kỹ sư nông nghiệp cũng là người kiêm luôn vai trò của một nhà môi trường học khi họ nghiên cứu các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi bảo vệ môi trường. Phương pháp túi ủ Biogas là một ví dụ điển hình.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và giữ vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên tăng trưởng chăn nuôi sẽ kéo theo những vấn đề về môi trường. Chất thải từ gia súc có mùi hôi, thối, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, gây nên các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa… ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ cho vật nuôi mà còn cả con người. Một trong những biện pháp kỹ thuật phổ biến nhất để xử lý và quản lý chất thải từ gia súc là hệ thống Biogas.
Biogas hay còn gọi là khí sinh học, khí đầm lầy, là một hỗn hợp khí có thể cháy được và khi cháy tỏa ra một nhiệt lượng cao, nó được sinh ra từ sự phân hủy yếm khí các chất thải hữu cơ. Do vậy chúng ta có thể chế tạo được một hệ thống để làm phân hủy phân chuồng, phân bắc và các loại phân hữu cơ khác nhằm thu khí Biogas để sử dụng cho đun nấu gia đình.
Làm Biogas là một phương pháp xử lý chất thải hiện đại, ít tốn kém lại cho hiệu quả cao. Xây dựng hệ thống Biogas còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường. Phương pháp này có thể bảo vệ được môi trường sinh thái, cải thiện môi trường thông qua việc cố định chất thải, diệt một số mầm bệnh ở chất thải đầu ra, không gây mùi hôi thối, tạo mối thân thiện giữa hộ chăn nuôi và hộ không chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, gia súc gia cầm ít bị nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra sử dụng gas để đun nấu sẽ không còn khói bụi, hạn chế nóng nực, hạn chế các bệnh về mắt và hô hấp cho người sử dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống thải Biogas còn gia tăng cho người chăn nuôi lợi ích về kinh tế. Chất thải đầu ra là một nguồn phân giàu dinh dưỡng, có giá trị, được dùng để bón cây, nuôi cá…Theo nghiên cứu, nếu bón phân này sẽ hạn chế được một số sâu bệnh, cỏ dại… Vì vậy, giúp tiết kiệm thêm chi phí thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Biogas tạo nguồn năng lượng tại chỗ cho bà con nông thôn, cung cấp gas thay cho củi, rơm rạ, dầu hoặc điện, tiết kiệm thời gian tìm kiếm chất đốt. Việc sử dụng bếp ga lại sạch sẽ, thuận tiện, mang lại hiệu suất khá cao.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý thải này cũng có những điểm hạn chế nhất định bởi nó chỉ phù hợp cho những hộ chăn nuôi với số lượng nhỏ, hơn nữa lại rất dễ hư hỏng do sự phá hoại của chuột, gia súc, gia cầm. Tuổi thọ của túi cũng còn tùy thuộc vào thời gian lão hóa của nguyên liệu làm túi.