Mục Lục Bài Viết
Nghề kỹ sư dân dụng là gì ?
Khi nghĩ về những kỹ sư dân dụng nổi tiếng thế giới, chúng ta thường nghĩ về Joseph Bazalgette, kỹ sư vĩ đại đã cứu sống Luân Đôn khỏi dịch tả bằng việc xây dựng hệ thống cống rãnh mới. Ngày nay, chúng ta thường liên hệ ngành kĩ sư dân dụng với những công trình kì vĩ nhất thế giới như Nhà hát Opera Sydney, Cầu Cổng Vàng, Vạn lí Trường thành… Nhưng công việc của ngành kĩ sư dân dụng còn là bảo dưỡng và đáp ứng cơ sở hạ tầng mà chúng ta sử dụng hàng ngày như đường xá, đường sắt, cầu, hệ thống cung cấp nước, chống lũ lụt… Các kĩ sư dân dụng phải đảm bảo các hệ thống cơ sở hạ tầng này hoạt động hiệu quả và đáp ứng được những thách thức như gia tăng dân số, thay đổi khí hậu hay thiên tai.
Các kỹ sư dân dụng thiết kế, xây dựng, giám sát, vận hành và bảo trì những dự án và hệ thống công trình xây dựng lớn bao gồm đường xá, các tòa nhà, sân bay, đường hầm, cầu cống, hệ thống cung cấp nước và xử lí chất thải. Nhiều kỹ sư dân dụng làm việc trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, nghiên cứu và giáo dục.
Công việc của kỹ sư dân dụng gắn liền với việc thiết kế, giám sát thi công công trình
Các kỹ sư dân dụng làm việc với nhiều dự án khác nhau, vì vậy họ thường chuyên môn sâu một trong những lĩnh vực sau:
Kỹ sư xây dựng quản lí các dự án xây dựng. Thông thường họ chịu trách nhiệm về thiết kế và tính an toàn của những kiến trúc trong quá trình xây dựng.
Kỹ sư địa chất làm các công việc để đảm bảo rằng các nền móng thì vững chắc. Họ tập trung nghiên cứu mối tương tác giữa các công trình được xây dựng bởi các kĩ sư xây dựng dân dụng với đất và đá, hệ thống nước ngầm, giải quyết các vấn đề về địa chất như sạt lở đất, xói mòn đất, động đất…
Kỹ sư kiến trúc thiết kế và đánh giá các công trình xây dựng lớn như các tòa nhà, các cầu, đập giữ nước; đảm bảo tinh vững chắc và lâu bền của chúng.
Kỹ sư giao thông lên kế hoạch, thiết kế, vận hành và bảo dưỡng những hệ thống giao thông hàng ngày như đường xá, đường cao tốc, sân bay, cảng biển…
Kỹ sư kiến trúc đánh giá và thiết kế, đảm bảo việc xây dựng những công trình vững chắc và lâu bền thế này
Phân chia theo vai trò thì trong mỗi chuyên ngành đều có hai loại công việc: các chuyên gia tư vấn tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và thường dành nhiều thời gian trong văn phòng hoặc làm việc với các khách hàng; các nhà thầu giám sát việc thi công xây dựng và thường ở ngoài công trường. Cả hai môi trường làm việc đều đầy thách thức, và các kĩ sư dân dụng đều phải là những người sáng tạo, có tư duy logic, có khả năng giải quyết vấn đề và kĩ năng làm việc nhóm tốt.
Kỹ sư dân dụng làm gì?
Những kỹ sư dân dụng làm những công việc điển hình sau:
Phân tích những báo cáo khảo sát, bản đồ và những dữ liệu để lên kế hoạch cho dự án.
Điều tra các địa điểm để chọn nơi xây dựng phù hợp nhất cho các công trình được đề xuất.
Cân nhắc chi phí xây dựng, những quy định của chính phủ, những nguy hiểm tiềm năng về môi trường và các yếu tố khác trong quá trình hoạch định kế hoạch và phân tích rủi ro.
Đưa ra những thiết kế và tài liệu chi tiết cho việc thực thi những dự án xây dựng dân dụng.
Biên soạn và nộp các giấy tờ xin phép đến các đại lí địa phương và quốc gia để chứng thực rằng những dự án đó tuân thủ những quy định khác nhau.
Thực hiện và giám sát việc kiểm tra đất để quyết định xem nền móng đã đủ vững chắc chưa.
Kiếm tra những chất liệu xây dựng để sử dụng cho những dự án nhất định.
Cung cấp những ước tính chi phí của chất liệu, thiết bị và nhân lực lao động để quyết định tính khả thi về kinh tế của một dự án.
Sử dụng các phần mềm thiết kế để lên kế hoạch và thiết kế các hệ thống giao thông, hệ thống vệ sinh, các công trình phù hợp với tiêu chuẩn của ngành công nghiệp và chính phủ.
Quản lí việc phân phối nguyên liệu, máy móc, thiết bị cần thiết cho xây dựng và giám sát nguồn lao động thi công.
Trình bày kết quả của những vấn đề như đề xuất giá thầu, tác động của môi trường, mô tả các công trình.
Quản lí việc sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế cơ sở vật chất công cộng và tư nhân.
Nghiên cứu và tư vấn những giải pháp xây dựng tốt nhất theo nhu cầu và ngân sách của khách hàng.
Công việc của kỹ sư dân dụng gắn liền với những bản vẽ và công trường
Kỹ sư dân dụng làm việc ở đâu?
Công việc của nghề xây dựng có thể chia thành ba nhóm: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng. Ngoài công trường – nơi triển khai thi công sản phẩm xây dựng bao gồm: các vị trí như kỹ sư thi công hướng dẫn thực hiện toàn bộ hay một số loại công việc như đọc hiểu bản vẽ thiết kế; tính toán khối lượng phải làm; lập bản vẽ chi tiết…Trong công xưởng: kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, Công việc văn phòng: chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kỹ thuật, kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các Công ty kiểm toán xây dựng,…
Kỹ sư dân dụng làm việc trong văn phòng
Ở công trường, việc làm việc ngoài giờ và làm theo ca có thể bao gồm cả các buổi tối và cuối tuần. Bạn cũng có thể phải đi xa, đến một môi trường có thể không thuận lợi, xa xôi hẻo lánh. Bạn có thể phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết và làm việc với những thiết bị nguy hiểm. Một vài công việc yêu cầu bạn phải làm việc ở nơi có độ cao và bạn cần mặc quần áo bảo hộ. Ở cấp cao, các kĩ sư dân dụng phải làm việc với nhiều dự án và đồng nghĩa với việc phải ra công trường nhiều hơn.
Kỹ sư dân dụng làm việc ngoài công trường
Các kỹ sư dân dụng Việt Nam có thể làm việc trong các tổ chức:
Làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương về các lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi và công nghiệp.
Làm kỹ thuật, quản lý, điều hành, giám sát và chỉ đạo thi công tại các Tông Công ty, đơn vị xây dựng.
Tư vấn, thiết kế, thẩm định tại các công ty thiết kế, các viện nghiên cứu, các cơ quan thẩm định về lĩnh vực xây dựng.
Làm các cán bộ giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, trung học và đào tạo nghề.
Nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế sản xuất tại các Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực xây dựng.
Làm việc tại các mỏ, khai thác khoáng sản và các đơn vị khác có liên quan.
Học nghề Kỹ sư dân dụng ở đâu?
Ngành này được đào tạo ở rất nhiều trường như: Trường Đại học Xây dựng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi, Học viện Hậu cần, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh,Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Ngô Quyền, Trường Đại học dân lập Phương Đông, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng…
Đại học Xây dựng- Nơi đào tạo những kĩ sư dân dụng tương lai
Các sinh viên chuyên ngành Kỹ sư dân dụng ngoài việc được trang bị các kiến thức chung về kỹ thuật xây dựng, thì còn được học những kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Cơ sở thiết kế, cấu tạo công trình ngầm – Cơ học đá – Cơ học công trình ngầm – Vật liệu xây dựng – Kết cấu công trình – Xây dựng công trình ngầm, mỏ – Xây dựng giếng đứng – Xây dựng công trình ngầm mỏ tiết diện lớn – Quy hoạch Xây dựng các công trình trên mặt đất – Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp – Xây dựng công trình ngầm mỏ bằng phương pháp đặc biệt – Nguyên lý thiết kế công trình ngầm – Bảo vệ môi trường và An toàn lao động – Tin học ứng dụng – Ngoại ngữ chuyên ngành… để sau khi ra trường sinh viên ngành này có khả năng khảo sát, quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý các công trình mỏ… Hầu hết các môn học liên quan đến kĩ thuật, toán học, vật lí nên đòi hỏi sự tính toán chính xác, khá khô khan và phải vận dụng đầu óc liên tục, thường xuyên phải suy nghĩ sáng tạo để làm dự án.
Tố chất và kĩ năng cần thiết để trở thành kĩ sư dân dụng
Kĩ năng đưa ra quyết định: Các kĩ sư dân dụng phải cân bằng nhiều yếu tố khách quan và thường là mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn quyết định tính khả thi của một dự án dựa trên chi phí tài chính và các vấn đề an toàn. Những nhà quy hoạch đô thị và vùng miến thường tìm đến những kĩ sư dân dụng để xin tư vấn về các vấn đề này. Vì vậy họ cần có tư duy phản biện sắc bén, biết sử dụng các lập luận và lí lẽ để xác định được các điểm mạnh, điểm yếu của các giải pháp khác nhau và đi đến lựa chọn sáng suốt.
Kĩ năng lãnh đạo: Những kĩ sư xây dựng giữ vai trò cao nhất và xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án hay nghiên cứu.Vì vậy họ phải có khả năng chỉ đạo những người khảo sát, những quản lí xây dựng, những người phụ trách kĩ thuật và những người khác để thực hiện kế hoạch của mình.
Kĩ năng toán học: Các kĩ sư dân dụng áp dụng các nguyên tắc tính toán, nguyên tắc hình học và các thủ thuật nâng cao khác trong toán học để phân tích, thiết kế và giải quyết các khó khăn trong công việc của họ. Các thiết kế công trình của các kĩ sư dân dụng cần một sự tính toán chuẩn xác để đảm bảo các tiêu chuẩn thẩm mĩ và an toàn.
Kĩ năng tổ chức: Chỉ những kĩ sư dân dụng có giấy phép mới có thể kí các tài liệu thiết kế cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Các kĩ sư dân dụng cấp thiết phải có khả năng quản lí và giám sát công việc tại điểm xây dựng khi dự án diễn ra nhằm đảm bảo tuân thủ theo các tài liệu thiết kế. Các kĩ sư dân dụng cũng cần kĩ năng tổ chức, phân công công việc, quản lí thời gian để phối hợp đội thi công, lên lịch trình làm việc sao cho công việc đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Kĩ năng giải quyết vấn đề: Các kĩ sư dân dụng phụ trách chính tổng thể và chỉ đạo việc lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và thực hiện những dự án và nghiên cứu có nhiều mặt khác nhau với nhiều biến đổi bất ngờ mà đòi hỏi khả năng đánh giá và giải quyết các vấn đề phức tạp. Các kĩ sư dân dụng cần có sự linh hoạt, nhanh nhạy, tư duy phản biện, đầu óc phân tích đánh giá để giải quyết kịp thời các vấn đề bất ngờ, khẩn cấp trong quá trình thi công.
Kĩ năng viết: Các kĩ sư dân dụng phải giao tiếp với các chuyên gia khác như các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và vùng miền nên họ phải có khả năng viết báo cáo một cách rõ ràng để những người không có kiến thức chuyên môn ngành kĩ sư cũng có thể theo dõi được.
Joseph Bazalgette, kỹ sư trưởng của Hội đồng quản trị các công trình tại thủ đô London chịu trách nhiệm cho việc đại trùng tu hệ thống thoát nước ở London từ năm 1858 đến năm 1865. Vào mùa hè năm 1858, London đã bị bao bọc bởi một đám mây mùi hôi ô nhiễm vô hình, mà còn được biết đến như là “Mùi hôi thối khủng khiếp của London”.
Chính vì vậy, Quốc hội đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề cần có một hệ thống thoát nước hiện đại cho thành phố vào thời điểm hiện tại vì môi trường nước trong các khu dân cư của thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong vòng bảy năm, Joseph Bazalgette đã thiết kế và xây dựng một hệ thống chặn cống phức tạp và những trạm bơm để đổ chất thải của thành phố vào sông Thames, ở khoảng cách rất xa lưu vực sông trong thành phố.
Từ đó, chất thải chỉ phải mất một quãng di chuyển ngắn để ra biển, không còn là mối đe dọa đến nguồn cung cấp nước uống cho các khu dân cư. Hơn 140 năm sau, hệ thống thoát nước vẫn còn trong tình trạng sử dụng tốt và được coi là một thành tựu xây dựng đáng kinh ngạc ngay cả theo tiêu chuẩn hiện đại.
Hệ thống thoát nước ngầm ở London
Hệ thống thoát nước ngầm ở London là một phần của hệ thống cơ sở hạ tầng về nước phục vụ cho London. Hệ thống hiện đại này đã được xây dựng trong suốt khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 nhưng có vẻ như hệ thống này vẫn được chính quyền London đầu tư mở rộng và tăng thêm nhiều nguồn đầu tư cho công trình.
Một số thành tựu vĩ đại trong ngành kĩ sư dân dụng
Tháp Burj Khalifa: Tòa tháp Burj Khalifa là công trình nổi tiếng bậc nhất tại Dubai. Đây hiện là tòa tháp cao nhất thế giới với chiều cao ước tính khoảng 828m, được khai trương ngày 4/1/2010. Đến Dubai, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp lung linh của tòa nhà khi đêm xuống, đó thực sự là một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo.
Tháp Burj Khalifa
Tòa tháp trị giá 1,69 tỷ USD này được khởi công vào tháng 9 năm 2004 và vừa được khánh thành vào ngày 4 tháng 1 năm 2010. Tổng thể của toà nhà gồm có 3 khối được sắp xếp xung quanh một lõi trung tâm. Do toà tháp được xây dựng trên nền sa mạc bằng phẳng, những phần thụt vào được bố trí tại từng khối và hướng lên theo thiết kế hình xoắn ốc của toà nhà, giúp giảm đi mặt tiết diện của toà tháp khi nó vươn cao lên bầu trời.
Kiến trúc của Buji Khalifa là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của đạo Hồi và tính phức tạp trong kiến trúc hiện đại để hình thành nên một công trình đứng vững bền lâu trong vùng khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Thiết kế độc đáo này không chỉ giúp giảm tác động của sức gió lên toà nhà mà còn đem đến cho những người sinh sống và làm việc trong toà nhà có được một tầm nhìn đáng kinh ngạc đến những khu vực xung quanh.
Nó hiện là công trình cao nhất thế giới với chiều cao 828 m và 162 tầng, số tầng nhiều hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào trên thế giới hiện nay. Buji Khalifa đã trở thành một biểu tượng mới của thế giới Ả rập, không phải chỉ bởi vì nó làm tăng thêm nét hiện đại của Dubai mà còn tượng trưng cho tầm nhìn rộng, tính quyết đoán, sự cách tân và những thành tựu đáng khâm phục của con người. Bằng cách sắp xếp những khả năng và huy động nguồn nhân lực của mình, Dubai đã thành công trong việc xây dựng một kỳ quan kiến trúc hiện đại và áp dụng vào đó những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới.
Cầu cạn Millau Viaduct: Millau Viaduct là cây cầu cạn dây văng bắc qua thung của sông Tarn gần Millau phía nam nước Pháp. Đây là cây cầu cao nhất thế giới, với đỉnh cao nhất của một cột là 343 m. Nó được xây dựng bắc qua vùng thung lũng của sông Tarn, thuộc miền Nam nước Pháp. Cầu bao gồm 8 nhịp bằng thép và được chống đỡ bởi 7 trụ tháp bằng bê tông với tổng chiều dài 2.460 m. Chi phí xây dựng công trình xấp xỉ 400 triệu euro, được khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 10 năm 2001 và chính thức khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2004. Vào năm 2006, cầu cạn Millau Viaduct đã đạt được giải thưởng công trình kiến trúc tiêu biểu do Hiệp hội quốc tế về cầu và kết cấu công trình (IABSE) trao tặng.
Cầu cạn Millau Viaduct
Đường hầm qua eo biển Manche
Đường hầm qua eo biển Manche
Công trình này là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,45 km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp, 9,3km ngầm bên phía Anh và 37,9km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với sự hợp tác của 2 quốc gia Anh và Pháp.
Đường hầm qua eo biển Manche đã làm toại nguyện giấc mơ hàng thế kỷ của người Châu Âu về việc nối liền Vương quốc Anh với phần còn lại của châu lục này. Không chỉ là một đường hầm, nó còn là sự kết hợp tuyệt vời của hệ thống kết cấu vững chắc và máy móc rất đồ sộ dưới lòng đại dương, biến tham vọng ngoài sức tưởng tượng của loài người thành sự thật. Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm (thành đường hầm dày 1,5 m) là những con tàu điện hai tầng lớn nhất trên thế giới, có chiều ngang thân tàu tới 4,2m với tốc độ lên tới 300km/h.
Hệ thống xe bảo dưỡng và phương tiện cấp cứu tận dụng đường hầm thứ ba nằm giữa hai đường hầm lớn. Những chiếc pittong khổng lồ liên tục đóng và mở làm lưu thông không khí và khí thải sinh ra từ đầu tầu. Hệ thống đường ống dài gần 500 km chứa nước lạnh chạy dọc theo lan can đường hầm giữa giúp hạ nhiệt sức nóng tạo ra từ sự cọ sát không khí bên trong đường hầm. Công trình được xem như là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.