Fixi.vn – Kỹ sư môi trường đảm nhận việc vận hành các hệ thống quản lí môi trường, cũng như tiến hành các công việc thu hồi, tái chế rác thải công nghiệp, sinh hoạt. Cơ hội làm việc trong ngành này rất lớn do môi trường hiện đang là vấn đề nổi cộm được toàn cầu quan tâm.
Mục Lục Bài Viết
Kỹ sư môi trường là ai?
Ngành Môi trường được liệt vào hàng “nghề nghiệp của tương lai” với cơ hội được làm việc trong lĩnh vực khoa học mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra các kỹ sư môi trường còn được xem là những người có nhiều triển vọng học hỏi khi phần lớn đối tác của họ là người nước ngoài.
Kỹ sư môi trường sẽ là người ngăn ngừa, đưa ra các giải pháp giảm thiểu các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng như ô nhiễm nguồn nước, mưa axit, ô nhiễm không khí, khói bụi… Họ cũng là người chịu trách nhiệm thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, đưa ra các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sống với mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể nói trở thành một kỹ sư môi trường là công việc hoàn hảo dành cho những bạn yêu thích khoa học, muốn cân bằng chúng với ứng dụng đời sống cũng như ham học hỏi, năng tham gia các hoạt động xã hội và biết yêu quý thiên nhiên, yêu cuộc sống!
Kỹ sư môi trường làm gì?
Thường sẽ có 3 nhóm chuyên môn lớn cho các kỹ sư môi trường: công nghệ xử lý khí thải, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn.
Kỹ sư môi trường đảm nhận việc vận hành các hệ thống quản lí môi trường, thường xuyên cập nhật chúng trong hệ thống đo lường của công ty. Họ là người quản lý chất thải, quản lý hóa chất, đảm bảo an toàn của hóa chất nói riêng và chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngăn chặn, kiểm soát và cải tạo các hiểm họa gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và môi trường nói chung.
Ngoài ra các kỹ sư môi trường còn là người quản lý cơ sở hạ tầng liên quan đến xử lý chất thải. Họ là người hướng dẫn, đào tạo các nội quy quản lý môi trường cho mọi người. Họ cũng lo một số công việc bàn giấy khác như các giấy tờ theo dõi việc chấp hành các tiêu chuẩn môi trường của công ty, giấy tờ liên quan tới pháp luật. các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Kỹ sư môi trường có thể lo các công việc từ xử lý số liệu vi tính phức tạp tới nuôi cấy vi sinh, ráp đường ống, lắp ráp hệ thống. Một số kỹ sư còn tỏ ra khá đa-zi-năng khi tham gia vào cả những việc như tư vấn viên cho nhiều hãng, quản lý nhân sự, quản lý sản xuất…
Những ngày đầu mới đi làm việc, họ sẽ tiến hành khảo sát công trình để làm quen với thiết bị. Một thời gian sau khi được chỉ bảo kinh nghiệm từ thực tế, họ sẽ có thể học được cách thiết kế các công trình xử lí chất thải, tập thiết kế, báo giá làm hồ sơ thầu (hồ sơ ghi lại các khoản chi phí, trang thiết bị cần dùng – thường xuất hiện trong các công ty môi trường), hồ sơ nghiệm thu. Ngoài ra các kỹ sư này còn học thêm thiết kế đồ họa, tiếng Anh để có thể tự thiết kế, giao tiếp với khách hàng nước ngoài, hay tìm tòi và học hỏi thêm.
Kỹ sư môi trường làm việc ở đâu?
Kỹ sư môi trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý các hệ thống xử lý chất thải thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sản xuất và kinh doanh như: Chi cục quản lý môi trường, các trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường, Các ban quản lý các khu công nghiệp, Công ty tư vấn thiết kế, Các nhà máy xí nghiệp…và các dự án xây dựng cơ bản… Họ cũng có thể tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Công nghệ Môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, thọc chuyên nghiệp và dạy nghề.
Các công ty lớn/rất lớn cỡ trên 1000 người thường có bộ phận môi trường riêng hoặc kết hợp với bộ phận chuyên môn khác. Ví dụ Canon, Toyota có Phòng Môi trường & Cơ sở hạ tầng, hoặc có nơi gọi đây là Phòng An toàn và Môi trường (Denso Vietnam, ABB…). Ở các công ty này thường cần từ hai đến vài chục kỹ sư môi trường cùng làm việc (Canon Vietnam có đến 20 kỹ sư môi trường).
Ở những công ty nhỏ hơn (vài trăm – 1000 người), bộ phận môi trường có thể nằm trong Phòng tổng hợp dưới tên gọi Nhóm hoặc Đội Môi trường. Số lượng trong các đội này có khi chỉ cần 1 – 3 người. Một số công ty nhỏ, hoạt động lắp ráp/chế tạo đơn giản và không có nhiều ảnh hưởng đến môi trường ít khi có những kỹ sư chuyên nghiệp. Người làm việc ở đây chủ yếu là một cán bộ hành chính, sản xuất hoặc quản lý chất lượng làm quản lý môi trường kiêm nhiệm.
Công ty môi trường là một trong những lựa chọn phổ biến nhất của các kỹ sư ngành này. Đây sẽ là nơi tập hợp các kỹ sư lành nghề cũng như tuyển dụng và đào tạo những kỹ sư mới ra trường. Họ giống như những người làm dịch vụ khi nhận các đơn đặt hàng về môi trường từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác. Những doanh nghiệp, tổ chức chưa có bộ phận môi trường chuyên sâu thường xuyên phải ký hợp đồng với các công ty môi trường này. Nhiều kỹ sư trẻ sau khi ra trường, kết hợp chuyên môn và kiến thức kinh tế để khởi nghiệp bằng các công ty môi trường như trên. Bằng những ý tưởng độc đáo, họ nhanh chóng tạo ra thành công và lợi nhuận không hề nhỏ.
Ngoài ra với những cơ hội thăng tiến tốt hơn, kỹ sư môi trường có thể làm việc ở các Bộ, Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các trung tâm phân tích, quan trắc. Họ có thể trở thành các cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường, tư vấn viên, giám sát viên của các tổ chức trong và ngoài nước hoặc trở thành chuyên viên an toàn môi trường lao động và sức khỏe trong các công ty đa quốc gia…
Dù làm ở công ty tư nhân hay cơ quan nhà nước, cơ quan quốc tế, họ thường phối hợp làm việc với các chuyên gia đa lĩnh vực như công nhân xây dựng hay các kỹ sư một số ngành nghề khác. Nếu làm việc ở các công ty tư vấn môi trường, họ thường xuyên phải thực hiện các chuyến công tác xa nhà để khảo sát và thực hiện các hoạt động tư vấn, thiết kế, giám sát…
Học kỹ sư môi trường ở đâu?
Để trở thành kỹ sư môi trường, bạn cần bằng cử nhân ngành kỹ sư môi trường, hoặc ngành có liên quan như kỹ sư hóa, công nghệ môi trường, quản lý môi trường, khoa học địa lý và môi trường. Nước ta có rất nhiều trường đào tạo ngành này như trường Đại học Nông lâm TP HCM, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM, Đại học Công nghiệp Vinh, Đại học Công nghệ TP HCM, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Xây dựng, Đại học Nha Trang, Đại học Mỏ địa chất Hà Nội…
Bạn cũng có thể theo học ngành này tại các trường đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ashford University, University of Phoenix, Kaplan University, Johns Hopkins University…
– Yêu tự nhiên và đam mê nghiên cứu khoa học: Một người làm về môi trường không thể chỉ yêu môi trường trên danh nghĩa. Họ phải thực sự yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ, có mong muốn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững. Mặt khác, môi trường là ngành học liên ngành (Multi-discipline), nên theo học ngành này, bạn cần và sẽ có kiến thức cơ bản đa ngành về sinh học, hóa học, vật lý, quản trị, luật học… Sau đó, bạn sẽ đi theo lĩnh vực chuyên sâu mà mình có hứng thú và có khả năng tốt nhất như xử lý nước và chất thải, đánh giá tác động môi trường, sáng chế sản phẩm bảo vệ môi trường…
Kỹ sư môi trường trong phòng nghiên cứu
– Kỹ năng đọc hiểu, phân tích, viết báo cáo: Kỹ sư môi trường cần có kỹ đọc hiểu các văn bản có liên quan tới môi trường, từ đó có đánh giá chính xác và đưa ra giải pháp hợp lý. Họ cũng cần theo dõi tiến trình, phân tích, xử lý các kết quả thực nghiệm áp dụng kết quả thực nghiệm vào việc đánh giá lựa chọn phương án giải quyết, thường xuyên viết báo cáo gửi cấp trên. Năng lực thiết kế và tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm cũng rất được đánh giá cao do liên quan tới việc đánh giá rủi ro môi trường.
– Kỹ năng làm việc nhóm: Vì thường xuyên phối hợp với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan, kỹ sư môi trường cần có khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Mặc khác, ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực này nếu bạn không muốn trở thành một kỹ sư trì trệ với những kiến thức cũ mèm, không được cập nhật.
Nhiều kỹ sư môi trường được đánh giá cao bởi việc sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng như: thiết kế, quản lý các hệ thống cấp nước, mô phỏng các quá trình lan truyền chất… phục vụ công việc chuyên môn. Một kỹ sư đa năng sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều nhân lực cho công ty khi không cần thuê thêm các bộ phận kỹ thuật. Hơn ai hết, họ cũng là người hiểu rõ nhất thành phẩm của mình.
Trong thế kỷ vừa qua, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 0,8 độ C. Các nhà khoa học cho rằng, cần phải hạn chế mức tăng lên dưới 2 độ C trong thế kỷ này thì mới ngăn chặn được mực nước biển dâng cao và các hậu quả không mong muốn khác. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được biện pháp hiệu quả nào để “hạn nhiệt” trái đất để cứu loài người trước thảm cảnh tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai.
Ý tưởng “lấy độc trị độc” chống biến đổi khí hậu
Dùng “độc” ở đây chính là sử dụng tàn dư của ngọn lửa – tro bụi để làm nguội Trái Đất. Ý kiến này xuất phát từ một kết quả nghiên cứu hết sức thú vị – “tro bụi được sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch có thể giúp giảm nhiệt độ Trái Đất” – theo kết luận của các chuyên gia môi trường đang làm việc cho dự án “Geoengineering”.
Ý tưởng này xuất phát từ việc nghiên cứu sự phun trào núi lửa Pinatubo vào năm 1991. Qua phân tích, các nhà khoa học kết luận rằng các phân tử tro bụi từ ngọn núi này có khả năng cản trở ánh sáng Mặt Trời, làm giảm các bức xạ Mặt Trời xuống Trái Đất. Sau khoảng 2 đến 3 năm, nhiệt độ Trái Đất đã giảm 0.1 độ C nhờ tàn tro của ngọn núi lửa này cản trở ánh sáng Mặt Trời xuống Trái Đất.
Tiểu hành tinh tạo bụi chống biến đổi khí hậu trên Trái Đất
Để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học ở Scotland đã đưa ra một giải pháp mới: một chiếc máy thổi mây bụi khổng lồ trong không gian thành 1 tiểu hành tinh bao quanh Trái Đất, hoạt động như một tấm lá chắn bảo vệ Trái Đất. Ý tưởng được đưa ra sẽ đặt một tiểu hành tinh tại Lagrange L1, điểm mà lực hấp dẫn của Mặt Trời và Trái Đất triệt tiêu lẫn nhau. Vị trí này gấp 4 lần từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
Đám mây bụi không phải là giải pháp lâu dài, nhưng nó có thể bù đắp lại những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu trong một thời gian nhất định để cho phép các giải pháp lâu dài có hiệu lực. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Strathcltde tin rằng trên một tiểu hành tinh có kích thước phù hợp di chuyển ở một vị trí thích hợp sẽ thổi những đám mây bụi khổng lồ bao quanh Trái Đất.
Giải pháp hạ nhiệt Trái Đất từ cây mía
Tờ Telegraph cho hay, các nhà khoa học viện nghiên cứu Carnegie (Mỹ) đã phát hiện thấy rằng cây mía có khả năng phản chiếu tối đa ánh nắng Mặt Trời trở lại không gian. Điều này giúp giảm nhiệt độ trong không khí và nước ở quanh khu vực trồng mía. Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu của họ sẽ mở triển vọng sử dụng cây mía như một giải pháp chống lại sự ấm lên toàn cầu. Sau khi phân tích những số liệu thu được, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu Carnegie phát hiện thấy, những khu vực trồng nhiều nhiều cây mía ở Brazil có nhiệt độ không khi mát mẻ hơn so với những khu vực canh tác những loại cây khác.
Thả vôi xuống biển để hạ nhiệt Trái Đất
Để giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra (chủ yếu là CO2), ổn định nhiệt độ trái đất, một số nhà khoa học đề nghị thả vôi xuống biển ở một số vùng nhiều đá vôi, hoặc có nắng quanh năm. Ý tưởng cho vôi xuống đại dương nhằm chống lại việc khí hậu trái đất nóng lên bởi khí CO2 do con người thải ra từng được Haroon Kheshgi đưa ra vào năm 1995, nay được các nhà khoa học đưa vào nghiên cứu chi tiết.
Ý tưởng đầu tiên về việc giảm lượng khí cacbon rất đơn giản. Đó là cho vôi (canxi oxit CaO) xuống đại dương, để tạo phản ứng với khí cacbonnic nhằm tạo ra canxi bicacbonat Ca(HCO3)2 kết tủa thành đá vôi. Vùng đất thuộc đồng bằng Nullarbor, Australia có vỉa đá vôi có thể tích 10.000km3, nơi nhận được năng lượng mặt trời lên đến 20 triệu Jun/m2 là hoàn toàn lý tưởng. Như vậy có thể dùng năng lượng mặt trời để nung nóng đá vôi. Hoặc cũng có thể sử dụng khí mê tan bởi vì theo tính toán thì việc nung vôi sẽ thải ra ít khí CO2 hơn khả năng vôi hấp thụ khí này dưới biển.
Môi trường của chúng ta thật đáng lo lắng như thế nào?
[wpcc-iframe width=”900″ height=”675″ src=”https://web.archive.org/web/20191128184857if_/https://www.youtube.com/embed/xPPYFJMzFOY?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Hệ thống nước của Thăng Long trong lịch sử
Thời Lý – Trần – Lê, hệ thống sông Tô Lịch ở phía Tây, sông Kim Ngưu ở phía Nam với các phân lưu là Sông Sét, Sông Lừ là một trong những kênh thoát nước chính của kinh thành. Từ phố Hàng Than ngày nay kéo dài xuống phố Lò Đúc, các hồ lớn như Mã Cảnh, Hàng Đào, Lục Thủy, hồ nhỏ hơn như: Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Phương Liệt… thông với nhau và là nơi tích nước trong mùa mưa. Khi hồ đầy thì nước sẽ chảy ra sông Kim Ngưu hạn chế úng ngập cho thành và khu vực 36 phố phường. Tuy nhiên, vào những năm mưa lớn, nước to thì Thăng Long vẫn bị ngập úng vì nước sông hồ đều đầy dẫn đến tiêu thoát chậm.
Tới thời Nguyễn, khu vực “36 phố phường” chỉ có các rãnh thoát nước hai bên đường, nước mưa và nước thải sinh hoạt đổ vào các rãnh này. Nhưng do độ dốc giữa các phố không lớn nên nước thoát chậm, lại không được nạo vét thường xuyên làm nước ứ đọng. Mặt khác, đến đời vua Tự Đức, nhiều ao hồ khu vực này bị lấp nên nước thải và nước mưa càng khó tiêu thoát. Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, bác sĩ Hocquard đã mô tả chợ và đường ở một vài phố bắt đầu bằng tên Hàng năm 1883 như sau: “Chợ họp lấn ra giữa đường. Mỗi lần có xe ngựa của nha huyện Thọ Xương đi qua, người đi chợ tránh xe phải lội xuống rãnh thoát nước, bùn ngập trên mắt cá chân”.
Ngay sau khi chiếm trọn Hà Nội cuối năm 1883, Bonnal – công sứ đầu tiên của Hà Nội đã lên kế hoạch và bắt tay cải tạo thành phố. Năm 1885, con đường chiến lược từ khu nhượng địa Đồn Thủy vào trong thành đã hoàn thành. Hai bên đường có cống ngầm thoát nước. Tiếp đó, thành phố cho làm đường vòng quanh Hồ Gươm có các cống thoát đổ xuống hồ, con đường được khánh thành dịp Tết năm 1893.
Từ năm 1886 đến 1891, Thống sứ Bắc kỳ và Đốc lý Hà Nội đã ban hành nhiều nghị định về quản lý đô thị, an ninh trật tự, nhất là về xây dựng với các điều khoản rất chi tiết. Nghị định về quản lý xây dựng cấm không cho dân làm nhà lá, làm nhà mới phải thẳng hàng theo mốc giới đã cắm, nhà nào cũng phải có đường thoát nước sinh hoạt đổ ra cống chung dọc hai bên phố. Tính đến ngày 1-1-1897, Hà Nội mới có 3.600m cống thoát nước, nhưng đến năm 1901, thành phố đã có 19 km cống thoát nước. Cùng với hệ thống cống, chính quyền cho nâng cao cốt nền ở khu vực “36 phố phường” (cốt nền tự nhiên là 6 mét) lên 1 mét, có nơi 1,5 mét.
Có thể nói, dựa vào điều kiện tự nhiên, người xưa đã phần nào tạo ra được hệ thống xử lý nước thải và nước mưa cho một đô thị lớn như thành Thăng Long cổ. Tới khi người Pháp xuất hiện, bằng những tri thức tiên tiến hơn, người Pháp đã xây dựng nên những hệ thống thoát nước có quy mô đầu tiên ở Hà Nội. Cho tới nay, hệ thống này đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp, quy hoạch lại nhưng vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả cần thiết. Để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường cho thành phố, có lẽ trách nhiệm phụ thuộc vào chính các bạn, những kỹ sư môi trường tương lai, những người hùng lặng lẽ của cuộc sống.