[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20160904200833if_/https://www.youtube.com/embed/gXi5wvn0_f4?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Fixi.vn – Marketing được coi là ngành nghề mới nổi và đang được các bạn sinh viên đổ xô theo đuổi. Nhưng công việc này là gì, tiềm năng ra sao, và liệu có thể trụ vững “độ hot” này đến bao giờ là những câu hỏi mà FindX4.me sẽ giúp bạn trả lời.
Mục Lục Bài Viết
1. Giới thiệu tổng quan
Marketing là việc nghiên cứu và tiếp cận thị trường, phát hiện ra các cơ hội kinh doanh và khai thác chúng một cách có hiệu quả. Cơ hội kinh doanh chính là các nhu cầu và ước muốn của khách hàng cần được thoả mãn. Marketing tìm cách trả lời cho câu hỏi: khách hàng cần gì, khi nào, ở đâu và sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho nó?… Như vậy, công việc trực tiếp của marketing không phải là bán hàng.
Chức năng chủ yếu của marketing là thu hút và gìn giữ khách hàng, đánh bại đối thủ cạnh tranh thông qua các chiến lược marketing bao gồm nhiều hoạt động kế tiếp và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, đầu ra của một marketer luôn luôn phải là doanh số.
2. Học marketing ra làm gì?
Một cách khái quát nhất, công việc của một người gọi là marketer là:
- Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường: nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động của thị trường, phân tích tác động của các yếu tố môi trường vĩ mô đến hoạt động marketing của doanh nghiệp.
- Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu và theo dõi cạnh tranh: dự báo phản ứng của các đối thủ cũng như đề xuất kế hoạch đối phó với cạnh tranh.
- Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu hành vi mua của người tiêu dùng: phân tích và dự đoán những phản ứng có thể có của người tiêu dùng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp.
- Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm xây dựng lựa chọn chiến lược marketing một cách tối ưu cho các nhóm khách hàng khác nhau.
- Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt hơn mọi thay đổi từ phía nhu cầu của khách hàng.
- Xây dựng và quản lý chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng các cấp độ nhu cầu khác nhau, các nhóm khách hàng khác nhau.
- Tham gia vào quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách giá sản phẩm của doanh nghiệp (mức giá bán, mức hay tỷ lệ chiết khấu, giá khuyến mại…).
- Thiết kế và quản lý hệ thống kênh phân phối sao cho sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
- Xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình khuếch trương, xúc tiến như quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng v.v…; đồng thời đánh giá hiệu quả của những kế hoạch và chương trình xúc tiến đó.
- Xác lập và quản lý mối quan hệ với khách hàng nhằm đảm bảo thỏa mãn khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Thực hiện việc đánh giá và kiểm tra hoạt động marketing của doanh nghiệp.
Để thực hiện thành công chiến lược marketing, các chuyên gia marketing thường vận dụng phương pháp “TARGET” (tiếng Anh có nghĩa là đối tượng, mục tiêu). “TARGET” là ký hiệu chữ đầu của những từ sau:
T: Trouver = Tìm thấy (đối tượng)
A: Argumentation = Lập luận, thuyết phục
R: Response = Đáp ứng, trả lời
G: Gestion = Quản lý
E: Evaluation = Đánh giá
T: Timing = Phân phối thời gian
Với chuyên môn marketing, có thể ban đầu bạn sẽ làm những công việc như bán hàng, tiếp xúc khách hàng hay tìm kiếm mối hàng. Đây không phải là nghiệp vụ cơ bản nhất của nghề marketing. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm trong bán hàng, tiếp xúc và tìm kiếm khách hàng, bạn sẽ có khả năng hiểu biết về hành vi của khách hàng. Qua đó, bạn sẽ có những quyết định marketing kịp thời và chính xác trong quá trình quản lý sau này.
Khi đã có kinh nghiệm và thành công với những công việc trên, bạn có thể sẽ trở thành một nhà quản lý với các công việc như: quản lý lực lương bán hàng, quản lý vùng thị trường hay quản lý phòng marketing, quản lý một chi nhánh của công ty v.v…
Là chuyên gia marketing, nhiệm vụ cơ bản của bạn là nắm bắt thông tin thị trường, tổng hợp dữ liệu về khách hàng (cả những thay đổi trong nhu cầu, ước muốn và hành vi của họ) và về cạnh tranh. Từ đó, bạn giúp ban giám đốc đưa ra các quyết định chiến lược như lựa chọn đối tượng khách hàng, xác định loại sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ cung cấp và giá cả cũng như phương thức cung ứng cho khách hàng.
Ngoài ra, bạn còn có thể hoạch định các chương trình như quảng cáo, khuyến mại v.v… để khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ đơn vị của bạn cung ứng.
3. Marketer làm việc ở đâu?
Trong các doanh nghiệp sản xuất
- Bạn có thể làm việc tại bộ phận “nghiên cứu và phát triển”. Nhiệm vụ chủ yếu của bạn là nghiên cứu nhu cầu thị trường và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. Từ những nghiên cứu mang tính hệ thống đó, bạn sẽ phải làm sao để đưa ra được sản phẩm mới hoặc, cải tiến sản phẩm hiện tại với thiết kế hoàn hảo nhất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
- Nếu bạn làm việc trong phòng vật tư với trách nhiệm đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất, bạn sẽ thực hiện “marketing mua” nhằm lựa chọn các nhà cung cấp và nguồn hàng hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu của các bộ phận sản xuất và chế biến.
- Bạn có thể làm việc trong phòng thị trường (hay phòng kinh doanh, phòng tiêu thụ), bạn sẽ phải đưa sản phẩm đến với đúng khách hàng cần nó, đúng thời gian, số lượng, chất lượng mà khách hàng yêu cầu với mức chi phí thấp nhất.
- Bạn phải làm sao thiết kế được hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu sẵn lòng bán sản phẩm của mình và trung thành với việc kinh doanh đó, đồng thời, sẵn lòng giúp bạn thu thập thông tin về thị trường, về đối thủ cạnh tranh để doanh nghiệp có thể dựa vào đó mà đưa ra các quyết định chiến lược.
- Nếu bạn thuộc phòng tài chính kế toán, bạn sẽ tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách giá thông qua việc xác định mức giá bán cho các sản phẩm, tỷ lệ chiết khấu và quyết định điều chỉnh hay thay đổi mức giá bán theo tình hình thị trường. Bạn cũng phải theo dõi các khoản thu chi và quản lý như thế nào để chi phí của bạn là thấp nhất, hiệu quả cao nhất. Bạn sẽ là người theo dõi “công nợ” của khách hàng nhằm đảm bảo đánh giá hiệu quả theo khách hàng, theo sản phẩm và theo thị trường.
Trong các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ
Những đơn vị này bao gồm các công ty thương mại, các khách sạn, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty vận tải hàng không v.v…
- Nếu bạn thuộc lĩnh vực ngân hàng, bạn phải làm sao để khách hàng đến gửi tiền nhiều hơn, với mức lãi suất thấp và ổn định. Bạn lại phải làm sao chọn được dự án hay doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả và an toàn nhất.
- Nếu bạn thuộc lĩnh vực dịch vụ, bạn làm sao để khách hàng ưa dùng dịch vụ của bạn nhất, để “không còn một chỗ trống nào trên xe của tôi trong tất cả các chuyến đi”.
Bạn phải làm thế nào để dịch vụ của bạn được khách hàng cho là hoàn hảo nhất và “xin quý khách vui lòng chờ trong giây lát, vừa mới có được bàn trống, chúng tôi đang làm vệ sinh để đón tiếp quý khách”.
- Nếu bạn là người quản lý đội ngũ bán hàng của đơn vị, bạn phải biết cách động viên, khuyến khích nhân viên bán hàng thực hiện “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, để khách hàng ra đi với một gói hàng trên tay rồi quay trở lại với nụ cười và một túi tiền khác.
Điều đó có nghĩa là bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau nhưng vẫn là nghề marketing. Đây là nghề bạn tìm ra các cơ hội kinh doanh và chiếm lĩnh những cơ hội đó bằng khả năng và nghị lực của mình.
Ngày nay, các doanh nghiệp coi marketing như một chức năng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, cho dù nhận thức về marketing còn chưa thực sự đầy đủ.
Xu hướng đầu tư cả về vốn liếng lẫn nhân sự cho lĩnh vực này hiện ngày càng tăng. Với các doanh nghiệp quốc tế hay toàn cầu, có tới 53% vị trí quản lý doanh nghiệp cấp cao được nắm giữ bởi những người thành công ở vị trí quản lý marketing.
Trong các cơ quan, tổ chức “phi lợi nhuận”
Đó là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức văn hoá – xã hội, các cơ quan chính quyền các cấp v.v…
Không chỉ được sử dụng trong doanh nghiệp, marketing còn là công cụ hữu hiệu giúp các địa phương thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ra những quyết định chiến lược như quy hoạch, đầu tư hay thay đổi chính sách cũng như cung cấp các dịch vụ hành chính đều cần đến marketing công cộng – một ứng dụng khác của marketing.
Tóm lai, với chuyên ngành marketing, bạn có thể làm việc ở bất cứ tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hiện tại, do sự phát triển của môi trường kinh tế xã hội, tất cả các ngành, các doanh nghiệp hay tổ chức đều có chỗ cho ứng cử viên chuyên ngành marketing.
4. Học nghề Marketing ở đâu?
Có một thông tin vui cho bạn: Do nhu cầu lớn của xã hội và sự phát triển của ngành nghề, công tác đào tạo marketing ngày càng được mở rộng. Hiện nay, marketing là ngành học phổ biến ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng kinh tế trong cả nước.
Bạn có thể học marketing tại Khoa Marketing của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là trường trọng điểm quốc gia về kinh tế và quản trị kinh doanh, nơi đầu tiên đưa môn marketing vào giảng dạy. Tại đây, bạn sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết cho trong công việc tương lai.
Bạn có thể theo học chuyên ngành Marketing với nhiều hình thức khác nhau: đại học chính quy, đại học tại chức, đào tạo bằng đại học thứ hai hoặc thậm chí cả thạc sĩ hay tiến sĩ.
Bạn cũng có thể lựa chọn Khoa Marketing tại các trường đại học kinh tế khác như Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học bán công Marketing v.v…
Ngoài ra, để bổ trợ những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, bạn cũng có thể theo học những khóa đào tạo ngắn hạn về marketing hoặc một công cụ cụ thể của marketing, cũng như những lĩnh vực đặc thù của nó ở một số địa chỉ như các Trung tâm Đào tạo tư vấn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh (thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Trường Đại học Bán công Marketing, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh v.v…
Du học về ngành marketing tại các nước tiên tiến cũng là một trong những xu hướng khá phổ biến của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay. Đây là một chuyên ngành được đào tạo rộng khắp nên bạn sẽ dễ dàng lựa chọn được địa chỉ học phù hợp với nguyện vọng và năng lực tài chính của mình.
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng, học viện kinh tế ở nước ngoài đều coi marketing là một trong những chuyên ngành đào tạo trọng điểm. Ngay tại AIT, một viện công nghệ của châu Á, marketing cũng được xếp vào các chuyên ngành cơ bản để đào tạo cho học viên.
Thế giới sôi động và thách thức của những chuyên gia marketing đang hấp dẫn bạn? Chúng ta hãy cùng thử phân tích xem bạn có những tố chất nào hợp với nghề marketing không nhé! Và bạn hãy luôn nhớ rằng những phẩm chất ấy có thể rèn luyện và bồi dưỡng qua thời gian cùng sự nỗ lực của bạn.
- Tính kiên trì
Bạn thấy những người làm marketing luôn sống trong môi trường sôi động và bận rộn, đầy ắp sáng tạo. Say mê kinh doanh, thích giao tiếp, khám phá, tìm hiểu, ưa thử thách, tràn trề năng lực sáng tạo, có đầu óc tổ chức…, bạn có thể đã có một vài tố chất để thành công trong nghề marketing. Nhưng những thành công tưởng trong tầm với ấy có thể bị “đánh hỏng” rất nhiều nếu bạn không có tính kiên trì.
Một nghịch lý dễ nhận thấy là những người được coi là năng động, sáng tạo, hướng ngoại… lại thường ít tính kiên trì. Họ đi nhanh, nói nhanh, làm việc nhanh và muốn cái gì cũng đến nhanh, xong nhanh.
- Tính tự tin, dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro
Là người làm marketing, bạn không thể quên tính tự tin. Phẩm chất ấy giúp chúng ta cảm thấy có động lực để làm việc, để tin vào những gì mình làm và tin rằng mình sẽ thực hiện được những gì mình đang hướng tới.
Tuy nhiên, tính tự tin trong marketing không đồng nghĩa với việc bạn độc đoán, luôn cho mình là đúng, bỏ qua những ý kiến của người khác. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy học cách lắng nghe có tự chủ, có phân tích, sàng lọc.
Bên cạnh đó, trong kinh doanh, cơ hội càng lớn thì thách thức càng nhiều. Biết chấp nhận rủi ro và có đầu óc mạo hiểm, bạn sẽ là người đi tiên phong trong nhiều ngành kinh doanh, nhiều hoạt động thị trường và thu được những kết quả to lớn.
- Sự năng động, linh hoạt và sáng tạo
Marketing luôn đòi hỏi người thực hiện nó nhìn nhận vấn đề trong một trạng thái biến đổi. Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi. Một trong những khu vực nhạy cảm nhất, biến đổi nhiều nhất là thị trường. Mỗi yếu tố xung quanh chúng ta đều thay đổi, từ thời gian, thời tiết, không gian đến con người. Sự thay đổi đó đòi hỏi những gì đáp ứng nhu cầu con người cũng thay đổi theo.
Những sản phẩm tối tân nhất mà chúng ta mua hôm nay, chỉ nửa năm sau đã có thể trở thành lạc hậu. Hôm nay, chúng ta quan tâm rất nhiều tới giá tiền nhưng ngày mai, giá cả không còn là vấn đề quan trọng nhất nữa. Do đó, người làm marketing phải luôn linh hoạt, biết cách điều chỉnh hợp lý các quyết định của mình phù hợp với sự thay đổi của thị trường trong hiện tại và tương lai.
- Khả năng giao tiếp, chuyển giao thông tin cũng như tình cảm và sự nhiệt thành
Để biết mình nên làm cái gì và làm như thế nào, chúng ta cần phải trao đổi và tiếp nhận thông tin, từ thị trường, từ khách hàng và từ các đối tác khác nhau v.v… Khả năng giao tiếp có thể coi là cơ sở quan trọng giúp bạn tiếp nhận và xử lý thông tin tốt nhất, từ đó, bạn có thể ra được các quyết định đúng đắn nhất.
Tiêu chuẩn 4S trong giao tiếp:
Smile: tươi cười
Smart: thông minh, lịch sự
Speed: mau lẹ
Sincerity: chân thành
Những kĩ năng cần có
- Kỹ năng quản lý
Để có được các quyết định marketing đúng đắn nhất, nhà quản trị marketing không thể không có kỹ năng quản lý, bao gồm: quản lý thị trường, quản lý khách hàng, quản lý thông tin, quản lý dòng sản phẩm hay thậm chí quản lý cả các thành viên trong kênh phân phối v.v…
- Kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Đó là kỹ năng đặt câu hỏi và lắng nghe ý kiến của khách hàng nhằm xác định đúng đắn nhu cầu và cơ hội bán sản phẩm. Để đảm bảo tính hiệu quả, kỹ năng này luôn cần đi kèm với khả năng tổng hợp và phân tích thông tin khách hàng cung cấp.
- Kỹ năng trình bày và thuyết phục
Đó là khả năng trình bày và giới thiệu sản phẩm một cách hấp dẫn nhất thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông khuếch trương. Và đó còn là việc làm yên lòng khách hàng, vượt qua những khước từ của khách hàng để giao dịch thành công.
- Kỹ năng xử lý thông tin hiệu quả
Thông tin luôn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình ra quyết định và ứng xử với khách hàng. Kỹ năng này giúp bạn thu thập, xử lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn thông tin đa dạng.
- Tự tấn công mình để tồn tại – Bài học của Gillette
Ngày nay, Gillette phổ biến đến mức chứng ta nhiều khi đồng nghĩa Gillette với dao cạo râu. Tức là thay vì nói dao cạo râu, chúng ta nói Gillette. Điều gì đã làm nên vị trí bá chủ ấy của Gillette?
Có rất nhiều nhân tố, nhưng quan trọng nhất là: chiến lược marketing.
Những năm 1960, Gillette đang vững vàng ở vị trí số một trên thị trường lưỡi dao cạo với hai nhãn hiệu Blue Blade và Super Blue Blade. Nhưng rồi đối thủ mới xuất hiện. Đó là hãng Wilkinson với sản phẩm cạnh tranh đáng gờm: lưỡi dao cạo với sống dao được bọc bằng một loại nhựa đặc biệt, khi cạo lại có độ võng thích hợp. Sản phẩm này lập tức gây “sốt” trên thị trường. Doanh thu của Gillette vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gillette sẽ xử lý tình huống này như thế nào? Tăng cường chất lượng của Blue Blade và Super Blue Blade, đẩy mạnh quảng cáo, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng, các đại lý phân phối, hay thậm chí, chỉ trích sản phẩm của Wilkinson?
Với con mắt marketing sáng suốt, Gillette hiểu rằng thị trường đang cần một sản phẩm mới hoàn toàn, với những cải tiến đặc biệt, tính năng ưu việt hơn. Dao cạo Trak 2 của Gillette ra đời. Đây là dao cạo hai lưỡi đầu tiên trên thế giới. Lời quảng cáo của Gillette rất đơn giản: “Hai lưỡi tốt hơn một lưỡi” và “Trak 2 tốt hơn Super Blue Blade”. Sự thay đổi này đã đem lại một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về Gillette trong con mắt người tiêu dùng. Và tất nhiên, vì hai lưỡi tốt hơn một lưỡi nên Trak 2 mới thực sự là “bá chủ” của thị trường. Gillette giữ vững vị trí dẫn đầu của mình.
Sau này, trong vòng xoáy biến đổi không ngừng của thị trường, Gillette vẫn liên tục cải tiến. Những sản phẩm mới ra đời, thay thế chính sản phẩm cũ của Gillette: dao cạo hai lưỡi điều chỉnh được mũi dao, dao cạo dùng một lần, dao cạo dùng một lần có điều chỉnh v.v…
Biết cách tự tấn công mình để hoàn thiện, Gillette đã luôn giữ vững được vị trí trên thị trường và khẳng định uy tín với người tiêu dùng.
- Không phải lúc nào cải tiến cũng tốt – Bài học của Coca Cola
Luôn luôn đổi mới, luôn luôn cải tiến sẽ làm vừa lòng hơn người tiêu dùng. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Thị trường rất rộng lớn và thực sự phức tạp, biến ảo như khối rubic vậy. Không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu khách hàng, và càng không dễ đưa ra những nguyên tắc chung cho họ. Điều quan trọng của người làm marketing không chỉ là biết được thị trường đang thực sự muốn gì mà còn là dự báo xem thị trường sẽ thực sự muốn gì. Đôi khi chỉ một dự đoán sai lầm cũng đem lại cho doanh nghiệp bài học đắt hàng triệu USD.
Nếu Gillette làm chủ thị trường lưỡi dao cạo thì Coca Cola là “ông vua” của ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát. Người ta uống CocaCola trên toàn thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là CocaCola chưa từng mắc sai lầm về chiến lược marketing.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của Pepsi, Coca Cola không ngừng phải chiến đấu để giữ vị trí “vua” trên thị trường nước giải khát. Cuối những năm 1970, Pepsi đưa ra một vũ khí lợi hại với cái tên: “Pepsi thách thức”. Hai loại nước ngọt không dán nhãn hiệu được đưa ra. Khách hàng sẽ nếm thử và lựa chọn loại mà họ ưa thích hơn. Kết quả là Pepsi đã thắng khá áp đảo Coca Cola với tỷ lệ 3:2. Tất nhiên, Pepsi luôn công bố rộng rãi kết qủa điều tra ấy trên báo chí.
Thực tế là Pepsi đã nắm được một sự chênh lệch đặc biệt giữa hai loại nước ngọt: nước Pepsi ngọt hơn Coca Cola khoảng 9%. Vì vậy, nếu chỉ nếm thử, bạn sẽ thích Pepsi hơn, đặc biệt là thanh niên.
Coca Cola phải làm gì trong trường hợp này? Một quyết định khá hợp logic được đưa ra: chiều theo ý của khách hàng. Hãng này tăng độ ngọt của nước Coc aCola trong loạt sản phẩm New Coca Cola (Coca Cola mới) và công khai điều này trên báo chí. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ngược lại mong đợi của Coca Cola. Cùng với công thức thay đổi, niềm tự hào hơn một trăm năm của Coca Cola sụp đổ theo. Công thức thay đổi nghĩa là Coca Cola không còn như ngày xưa, hay không còn “xịn” nữa.
Ba tháng sau, Coca Cola cay đắng nhận ra sai lầm của mình. Họ đã phải trả giá khá đắt cho bài học này. Nhưng thật may, Coca Cola đã kịp đưa về thứ nước Coca Cola truyền thống với cái tên: Classic Coca Cola (Coca Cola cổ điển) và dần giành lại vị thế của mình.
Lịch sử ra đời và phát triển của marketing
Từ xa xưa, trước thế kỷ XX, các thương gia người Anh, Trung Quốc v.v… đã thực hiện nhiều phương châm phản ánh hành vi marketing trong trao đổi hàng hóa như: “Hãy làm vui lòng khách hàng”, “Không để khách hàng phải thắc mắc khi mua hàng”, “Khách hàng có toàn quyền lựa chọn khi mua hàng”, “Khách hàng mua phải hàng kém phẩm chất thì đổi cho họ hàng tốt” v.v…
Nhờ những phương châm trên, tốc độ tiêu thụ hàng hóa được gia tăng, nhưng sự bế tắc trong tiêu thụ hàng hóa vẫn dần xuất hiện. Bởi thế, các thương gia đã tiến tới thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm làm trỗi dậy sự khát khao mua hàng của khách hàng như: bán hàng có quà tặng, có giải thưởng, mua nhiều hoặc mua thường xuyên được giảm giá v.v… Đó có thể coi là những manh nha đầu tiên của marketing.
Tuy nhiên, hành vi marketing chỉ thực sự xuất hiện rõ nét từ khi nền đại công nghiệp cơ khí phát triển, thúc đẩy sức sản xuất tăng nhanh và làm cho hàng hóa có chiều hướng cung vượt cầu.
Hoàn cảnh ấy đã buộc các nhà kinh doanh phải tìm những giải pháp tốt hơn để tiêu thụ hàng hóa.
Quá trình tìm kiếm các giải pháp tốt hơn để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa ấy khiến các hoạt động marketing ngày càng phát triển, và là cơ sở để hình thành một khoa học hoàn chỉnh về marketing.
Lý thuyết marketing xuất hiện trước hết ở Mỹ. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, những bài giảng đầu tiên về môn học marketing được thực hiện tại các trường đại học ở bang Michigan, Caliphornia…, sau đó lan sang các trường đại học khác ở Mỹ và dần trở thành phổ biến ở hầu khắp các nước có nền kinh tế thị trường.
Lý thuyết marketing lúc đầu cũng chỉ gắn với những vấn đề của tiêu thụ, nhưng ngày càng trở nên hoàn chỉnh. Giờ đây, lý thuyết marketing bao quát cả những vấn đề có trước khi tiêu thụ như: nghiên cứu thị trường, khách hàng, thiết kế và sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng, định giá và tổ chức hệ thống tiêu thụ v.v…
Trên thế giới, việc vận dụng marketing lúc đầu diễn ra phổ biến ở các công ty sản xuất hàng tiêu dùng đóng gói, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng lâu bền và các công ty sản xuất thiết bị công nghiệp. Sau này, trong lĩnh vực sản xuất các vật liệu như: thép, hóa chất, giấy v.v… ở những thập kỷ vừa qua, marketing được đánh giá cao bởi các ngành kinh doanh dịch vụ tiêu dùng, hàng không và ngân hàng.
Các nhóm hành nghề tự do bao gồm: các nhà luật sư, kiểm toán, bác sĩ và các kiến trúc sư v.v… là những người quan tâm đến marketing muộn màng nhất.
Ngày nay, marketing được áp dụng cả trong kinh doanh quốc tế và lĩnh vực phi thương mại.
Marketing tại Việt Nam
Marketing du nhập vào Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng thực sự được phát triển vào thời kỳ đổi mới của Việt Nam với xu hướng mở cửa của nền kinh tế, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh để giành giật khách hàng. Nhu cầu về nguồn nhân lực trong nghề marketing ngày càng tăng mạnh bởi cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Ngày trước, khi cạnh tranh chưa phát triển, các doanh nghiệp có thể bán bất kỳ cái gì bởi người tiêu dùng buộc phải mua, họ không có lựa chọn. Nhưng, kinh tế mở cửa, mọi thứ đã thay đổi. Khách hàng có nhiều quyền lực hơn trong trao đổi và các doanh nghiệp phải tìm kiếm và phục vụ khách hàng. “Khách hàng là thượng đế” là câu nói cửa miệng của hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Sự xuất hiện của nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng đang góp phần vào sự phát triển và trưởng thành của nghề marketing và đội ngũ những người làm marketing Việt Nam. Không ít người Việt Nam trẻ tuổi đã là những chuyên gia marketing tài năng, ngang tầm khu vực và thế giới. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng ý thức sâu sắc và chú trọng hơn về vai trò của marketing trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Về công tác đào tạo, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, marketing bắt đầu được đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Nhận thức tầm quan trọng của nghề này, cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực tăng nhanh khiến chuyên ngành này sau đó nhanh chóng được đưa vào đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Hàng loạt trường mở ra chuyên ngành marketing, có trường chuyên đào tạo cử nhân marketing như Trường Đại học Bán công Marketing tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Marketing là một nghề mới đầy triển vọng với nhiều công việc khác nhau, mỗi công việc chịu sự chi phối của một số quy định nhất định. Nhiều điều luật mới còn đang trong quá trình soạn thảo hoặc hoàn chỉnh.
Trên thế giới, có rất nhiều hiệp hội về marketing được lập ra để nghiên cứu và ứng dụng marketing trong nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau. Ở Mỹ có Hiệp hội Marketing Mỹ, ở Anh có Hiệp hội Marketing Anh quốc v.v… và ở Việt Nam cũng có Hiệp hội Marketing Việt Nam. Hiện cũng có các hiệp hội khác nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của Marketing như AAA (American Advertising Association) – Hiệp hội Quảng cáo của Mỹ; DMA (Direct Marketing Association) – Hiệp hội Marketing trực tiếp v.v… Tất cả các hiệp hội này đều có trang chủ trên mạng Internet. Nếu bạn quan tâm, chỉ cần gõ tên hiệp hội, bạn sẽ tiếp cận được những nguồn thông tin dồi dào nhất có liên quan tới lĩnh vực khoa học mênh mông này.
Ở Việt Nam, ngoài Hiệp hội Marketing được lãnh đạo bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành, còn có một số các tổ chức nghề nghiệp của marketing, được tổ chức bởi những người coi marketing như một công cụ không thể thiếu trong cạnh tranh như: VCCI, Cục Xúc tiến Thương mại, các Bộ, ngành như Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, ngành Ngân hàng, Bảo hiểm hay Bộ Bưu chính Viễn thông đều rất quan tâm tới marketing. Các tổ chức đều coi trọng việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của lĩnh vực này.
Với sức phát triển và hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào tương lai của marketing Việt Nam. Và bạn, thế hệ trẻ năng động, yêu thích kinh doanh tại sao lại không trở thành những chuyên gia marketing ngang tầm thế giới, đóng góp sức mình cho sự trưởng thành của marketing tại Việt Nam?