Ngành chứng khoán là gì?
Ngành chứng khoán hay chứng khoán là chứng chỉ dưới dạng giấy tờ hoặc bản ghi, có giá và có khả năng chuyển nhượng, xác định khoản đầu tư dài hạn, xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chứng khoán đối với tài sản hoặc vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán không phải là tài sản thực như nhà cửa đất đai mà là tài sản tài chính tồn tại dưới dạng chứng chỉ bằng giấy, những dữ liệu trong máy tính, sổ sách. Các nhà đầu tư đem của cải của mình đi mua các loại chứng khoán. Những người phát hành chứng khoán (các chính phủ, công ty..) sử dụng số tiền huy động được đầu tư mua tài sản thực như nhà xưởng, máy móc thiết bị… Thu nhập chứng khoán có được chính là lợi tức do các tải sản thực tạo ra.
Làm việc trong ngành chứng khoán là làm các công việc có liên quan đến chứng khoán. Trong ngành chứng khoán có nhiều nghề khác nhau như quản trị viên tài chính doanh nghiệp, người môi giới chứng khoán, chuyên viên thị trường, phân tích viên tài chính, quản trị viên danh mục đầu tư v.v…
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Hiện nay, hệ thống thị trường chứng khoán trên thế giới đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đến từ ứng dụng thành tựu của Công nghệ thông tin. Rất nhiều công đoạn của quá trình giao dịch đã được tự động hóa.
Làm việc trong ngành chứng khoán là bạn làm việc trong môi trường hiện đại và sôi động, cạnh tranh khốc liệt. Bạn không những có thể giúp khách hàng đầu tư đúng đắn mà còn có thể làm giàu cho chính mình.
Hiện nay, ở nước ta, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Tính tới cuối tháng 7/2006, mới có 48 công ty cổ phần được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh nhưng đã có trên 20 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, cơ hội cho những người làm việc trong ngành này là rất đáng kể.
Ngành chứng khoán cũng là lĩnh vực có thu nhập cao ở Việt Nam, thu nhập của một nhân viên môi giới chứng khoán mới bắt đầu thường là 3 triệu đồng/tháng và tăng nhanh cùng kinh nghiệm, khả năng chuyên môn.
Một số địa chỉ đào tạo
Các trường đại học đã có chuyên ngành đào tạo về chứng khoán phải kể đến là: Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Ngoại thương), Khoa Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Khoa Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng), Khoa Thị trường chứng khoán (Trường Đại học Ngân hàng Tp- Hồ Chí Minh), Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm (Học viện Tài chính).
Tuy nhiên, để có thể la làm nghề môi giới hoặc tư vấn chứng khoán tại Việt Nam, bạn còn phải thi lấy chứng chỉ sau một khoá đào tạo nghiệp vụ 3 tháng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.
Để tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về ngành chứng khoán ngay từ bây giờ, bạn có thể truy cập Internet vào các website sau:
– Website quốc tế: www.studyfinance.com, www.investopedia.com
– Website Việt Nam: www.ssc.gov.vn, www.stockmarket.vnn.vn, www.vietstock.com.vn, www.dautuchungkhoan.com, www.vcbs.com.vn, www.bsc.com.vn
MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH CHỨNG KHOÁN
Nhóm nghề đầu tiên nằm trong các cơ quan nhà nước, địa phươmg cũng như các doanh nghiệp có trách nhiệm hoạch định chiến lược liên quan đến phát hành chứng khoán.
1. QUẢN TRỊ VIÊN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận thông qua việc đầu tư mang lại. Khi đã xác định được phải đầu tư thế nào, câu hỏi tiếp theo là lấy nguồn vốn ở đâu và phối hợp chúng thế nào để có lợi nhất. Quản trị viên tài chính là người giải các bài toán này. Công việc của quản trị viên tài chính của các nước có thị trường tài chính phát triển liên quan mật thiết tới lĩnh vực chứng khoán bởi phát hành chứng khoán là nguồn vốn lớn đầy tiềm năng để tài trợ cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Nhóm nghề thứ hai là nghề trung gian chứng khoán vì chứng khoán sau khi phát hành muốn đến tay người đầu tư thường phải qua trung gian.
2. NGƯỜI MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN
Có chức năng làm trung gian mua bán cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phát sinh trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, người môi giới còn có chức năng tư vấn đầu tư cho khách hàng.
Người môi giới chứng khoán làm việc tại công ty chứng khoán, thực hiện các giao dịch cho khách hàng và hưởng hoa hồng do khách hàng trả. Họ cũng có thể là nhà môi giới độc lập, nhận lại lệnh giao dịch từ người môi giới thuộc công ty chứng khoán để thực hiện. Loại hình này phổ biến ở các thị trường lớn, khi khối lượng công việc của các công ty chứng khoán quá nhiều khiến họ không thể hoàn thành hết.
3. CHUYÊN VIÊN THỊ TRƯỜNG
Là thành viên của sở giao dịch chứng khoán, có chức năng “tạo thị trường” cho cổ phiếu của một hoặc nhiều công ty niêm yết. Họ có thể hoạt động như một người môi giới hoặc như một người kinh doanh chứng khoán cho bản thân.
Vai trò môi giới thể hiện ở việc chuyên viên thị trường nhận và thực hiện lệnh từ những người môi giới khác. Khi thị trường có nhiều lệnh mua hoặc lệnh bán chưa được đáp ứng, chuyên viên có thể bán hoặc mua chứng khoán từ dự trữ riêng của mình. Việc này làm cho nhu cầu giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường được đáp ứng nhanh và đầy đủ hơn.
4. NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH HỖ TRỢ
Hỗ trợ về mặt hành chính và kế toán cho công việc của người môi giới và chuyên viên thị trường trên sàn giao dịch. Công việc chính của nhân viên hành chính hỗ trợ là: mở và theo dõi tài khoản khách hàng; xử lý hành chính và kế toán các lệnh giao dịch do người môi giới và chuyên viên thị trường thực hiện: ghi nhận, thông báo cho khách hàng về việc thực hiện lệnh, chuyển khoản, thanh toán bù trừ; xử lý thu nhập định kỳ từ chứng khoán (lãi, cổ tức) để chúng được tính vào tài khoản của khách hàng, theo dõi, phân tích hoạt động của cả hệ thống môi giới và kiến nghị.
Nhóm nghề thứ ba là cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ đầu tư chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân không có hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về chứng khoán.
5. PHÂN TÍCH VIÊN TÀI CHÍNH
Tư vấn cho người đầu tư lựa chọn được những chứng khoán phù hợp với nguyện vọng của họ nhất. Để làm được việc đó, phân tích viên tài chính phải: nghiên cứu và phân tích nhiều nguồn thông tin về công ty phát hành chứng khoán đó cũng như so sánh công ty ấy với toàn ngành; phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng chung đến toàn bộ các chứng khoán. Ngoài ra, họ còn phải tiến hành phân tích kỹ thuật dựa vào biến động giá chứng khoán trong quá khứ để dự báo xu hướng tương lai gần.
6. QUẢN TRỊ VIÊN DANH MỤC ĐẦU TƯ
Có những người đầu tư vào nhiều chứng khoán cùng lúc (đầu tư theo danh mục) để chia nhỏ rủi ro. Việc quản lý này khá phức tạp. Muốn sinh lời cao, người đầu tư phải liên tục theo dõi và thay đổi thành phần danh mục đầu tư của mình theo biến động của thị trường. Công việc này phần nhiều các nhà đầu tư cá nhân thường ủy thác cho các quản trị viên danh mục đầu tư quản lý.
Hiện nay, nghiệp vụ phổ biến nhất của quản trị viên danh mục đầu tư là quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán, tức là nhận vốn ủy thác của nhiều người đầu tư khác nhau, dùng vốn đó để đầu tư vào chứng khoán theo danh mục, quản lý sao cho có hiệu quả nhất.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
– Có năng khiếu và yêu thích các môn khoa học tự nhiên, nhất là toán học
– Sử dụng thành thạo máy vi tính và có khả năng ứng dụng phần mềm
– Khả năng ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh): giúp bạn tiếp xúc được với các nguồn thông tin, dữ liệu bằng tiếng nước ngoài, gặp gỡ và thuyết phục được khách hàng và đối tác nước ngoài.
– Đức tính cẩn trọng, tỉ mỉ nhưng nhanh nhạy: vì diễn biến trên thị trường chứng khoán rất nhanh. Một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường nhưng quá chậm trễ sẽ tuột mất cơ hội.
– Vững vàng về tâm lý do thường xuyên phải tiếp xúc với những khoản đầu tư lớn cùng những nguy cơ rủi ro đáng kể.
– Khả năng giao tiếp tốt
– Sức khỏe tốt: ở Mỹ, số giờ làm việc trung bình trong lĩnh vực chứng khoán là 10 giờ/ngày. Vào ngày nghỉ cuối tuần, họ cũng vẫn phải cập nhật thông tin thị trường để không bị lạc hậu. Sức ép phải hoàn thành công việc đúng hạn cũng rất lớn.
Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu ngành chứng khoán với câu chuyện của hãng máy tính Apple.
Giữa những năm 1970, người ta đã sản xuất được bộ vi xử lý. Tuy nhiên, những máy tính tầm cỡ, có khả năng tận dụng triệt để được các ưu thế của bộ vi xử lý thì vẫn nằm trên giấy tờ nghiên cứu, chế tạo của các nhà khoa học và các hãng máy tính. Cần có những người đi tiên phong để tạo nên một kỷ nguyên mới của công nghệ.
Trong số những hãng đầu tiên lao vào cuộc phiêu lưu này có một doanh nghiệp được thành lập từ một ga-ra ô tô bởi Steve Jobs (21 tuổi) và Steve Wozniak (26 tuổi).
Để có tiền chế tạo máy tính, Jobs phải bán đi chiếc xe buýt mini hiệu Volkswagen của mình còn Wozniak thì bán chiếc máy tính cá nhân, gộp lại được 1350 USD.
Chiếc máy tính đầu tiên mà hai người chế tạo có những ưu điểm nổi bật so với các máy tính sản xuất thời bấy giờ: điều khiển bằng bàn phím thay vì ngắt mạch; màn hình để hiển thị thông tin thay vì hệ thống đèn hai cực.
Đơn đặt hàng đầu tiên đến từ một cửa hàng tên là Byte, mua 50 chiếc, ứng trước 5.000 USD (20% hợp đồng).
Hơn bốn năm sau ngày thành lập, với một loạt các nhãn hiệu máy tính được tung ra thị trường như Apple, Apple II, Lisa…, tháng 1 2 năm 1980, Apple được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Giá khởi điểm mỗi cổ phiếu của Apple là 22 USD. 4,6 triệu cổ phiếu mà công ty phát hành ra thị trường đã bán hết veo trong thời gian ngắn, mang về cho công ty hơn 100 triệu USD bổ sung vào nguồn vốn hiện có. Tại thời điểm năm 1980, hơn 100 triệu USD là một khoản tiền khổng lồ.
Nhờ nguồn vốn lớn huy động được mà công ty đã hoàn thành dự án hoàn thiện, chế tạo và tung ra thị trường nhãn hiệu máy tính nổi tiếng và phổ biến trên khắp thế giới đến tận ngày nay: Macintosh.
Bài học rút ra từ Apple: Một công ty để tăng trưởng phải đầu tư công nghệ, nhân lực, phát triển sản xuất… Và như vậy, họ còn luôn phải đối mặt với một bài toán tài chính không hề đơn giản: nguồn vốn. Từ khi thành lập (với số vốn ít ỏi 1350 USD thu được từ việc bán đồ dùng cá nhân của các thành viên sáng lập) đến thời điểm công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (với số vốn hàng trăm triệu USD) là cả một giai đoạn phát triển và tìm kiếm nguồn vốn phục vụ cho sự phát triển đó.
Lược sử thị trường chứng khoán
Việc trao đổi, mua bán các giấy tờ có giá (chứng khoán cũng là một loại giấy tờ có giá) có nguồn gốc ở các thành phố phía bắc nước Ý vào thời kỳ Trung cổ. Vào thời điểm đó, những thành phố này là trung tâm kinh tế và tài chính của Tây Âu. Chính ở đây, hình thức tổ chức doanh nghiệp đầu tiên, kế toán hiện đại (với bút toán kép) và đặc biệt là hối phiếu đã ra đời.
Sự ra đời của hối phiếu, một loại giấy tờ có thể chuyển nhượng được là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của các hàng hóa được giao dịch trên thị trường chứng khoán sau này.
Sang thế kỷ thứ 14, các thương nhân Ý mở rộng phạm vi buôn bán của mình lên phía bắc Tây Âu, điển hình là Bruges, một thành phố thuộc Vương quốc Bỉ, cũng là một trung tâm buôn bán lớn thời bấy giờ.
Tại đây, các thương nhân thường tụ tập tại các lữ quán để thương lượng, mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc điểm của hoạt động nàylà các thương nhân thường chỉ hay trao đổi với nhau bằng lời nói về các hợp đồng mua bán mà không có sự xuất hiệncủa hàng hóa. Ngoài ra, họ cũng trao đổi, chuyển nhượng hối phiếu với nhau.
Dần dần, hình thức trao đổi, mua bán này đã tạo thành một thị trường hoạt động thường xuyên với phép tắc và quy luật riêng. Những người chủ lữ quán hoặc quán cà phê thường giữ vai trò môi giới trong những giao dịch này.
Buổi họp đầu tiên của giai đoạn này được sử sách ghi lại diễn ra tại lữ quán của gia đình Van der Buerse (tiếng Pháp là De la Bourse – Bourse có nghĩa là nơi giao dịch chứng khoán). Trên mặt trước đỉnh của lữ quán gia đình Van der Buerse có khắc huy hiệu của dòng họ hình ba cái túi da (túi da tiếng La-tinh là bursa và tiếng Pháp là bourse). Xuất xử của từ Bourse (nơi giao dịch chứng khoán) là như vậy. Từ đó người ta hay sử dụng cụm từ “đi đến Bourse” để chỉ việc đi giao dịch, mua bán hàng hóa và hối phiếu.
Tuy nhiên, năm 1547, Bruges mất hẳn sự phồn vinh vì eo biển dẫn tàu bè vào thành phố nàybị cát lấp mất. Các giao dịch, mua bán kiểu này được tập trung vào một thành phố khác của Vương quốc Bỉ – Antwerp – nơi mà vào năm 1531, một địa điểm gặp gỡ riêng cho các thương gia đã được xây dựng và được gọi là Buerse (Bourse) với những quy tắc và giờ làm việc thực sự. Ở đây việc chuyển nhượng, trao đổi hối phiếu được hoàn thiện hơn với những nghiệp vụ mới như chiết khấu và ký hậu chuyển nhượng.
Thị trường giao dịch ở Antwerp sôi động đến nỗi mà Đại diện của Hoàng gia Anh tại thành phố này – Thomas Gresham – đã xin cho xây dựng ngay một phiên bản yhệt của thị trường này ở London và nó cũng mang tên là Buerse (Bourse). Cái tên đó tồn tại cho đến khi Nữ hoàng Anh Elizabeth cho đổi lại là Sở giao dịch chứng khoán Hoàng gia (Royal Stock Exchange).
Vào thời kỳ đầu, các trung tâm giao dịch này buôn bán chủ yếu là hàng hóa và hối phiếu. Về sau, trên thị trường Antwerp bắt đầu mua bán các trái phiếu đầu tiên do thành phố này phát hành.
Những cổ phiếu đầu tiên được phát hành bởi một công ty Hà Lan tên là Dutch East India Company vào năm 1602 tại sở giao dịch chứng khoán Amsterdam.
Hình mẫu công ty cổ phần này đã được hàng loạt các công ty khác làm theo. Giao dịch cổ phần và trái phiếu công ty trên sở giao dịch chứng khoán trở nên phổ biến từ đó. Dần dần, với sự tăng trưởng về quy mô, giao dịch chứng khoán đã tách riêng ra khỏi giao dịch hàng hóa và tiền tệ.