Công nghệ sinh học(CNSH) đã và đang ngày càng tỏ ra thực sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các quốc gia phát triển luôn ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch mang tính ứng dụng cao. CNSH được xem là cánh tay đắc lực trong lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao và các nước phát triển trên thế giới đã và đang ứng dụng hiệu quả như Mỹ, Nhật, Thái Lan,…Ngành này không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn là ngành học của sức khỏe, khoa học thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Công nghệ sinh học là gì?
Công nghệ sinh học (CNSH) là sự ứng dụng các nguyên lý, quá trình sinh học, thông qua hệ thống sống và những quá trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ lợi ích của con người.
Như vậy có thể thấy CNSH là một lĩnh vực rất rộng: sử dụng vi sinh vật để sản xuất rượu, kháng sinh, phụ gia thực phẩm v.v…từ đường hay nhiều nguồn nguyên liệu ban đầu rẻ tiền khác, nuôi cấy các tế bào, mô và từ đó tạo ra các cây, con… đều được xem là CNSH.
Các giai đoạn chính trong sự phát triển của CNSH
* CNSH truyền thống: chế biến các thực phẩm dân dã đã có từ lâu đời như tương, chao, nước mắm … theo phương pháp truyền thống; xử lí đất đai, phân bón để phục vụ nông nghiệp …
* CNSH cận đại: có sử dụng công nghệ trong quá trình chế biến sản phẩm như việc sử dụng các nồi lên men công nghiệp để sản xuất ở quy mô lớn các sản phẩm sinh hạt như mì chính, acid amin, acid hữu cơ, chất kháng sinh, vitamin, enzym …
* CNSH hiện đại: Công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ enzym và protein, công nghệ vi sinh vật, công nghệ lên men, công nghệ môi trường..
Ngày nay thường nói đến CNSH hiện đại, với việc áp dụng công nghệ ADN tái tổ hợp mà thực chất là công nghệ cho phép tạo ra thay đổi xác định về hệ gen (hệ gen tái tổ hợp giữa gen cơ thể chủ và một hoặc một số gen quan tâm từ các nguồn khác), nhờ đó thay đổi đặc tính của sinh vật như năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, không còn mang bệnh, kháng lại được sâu bệnh, chịu được các stress v.v…
Phân nhóm CNSH
Theo cách phổ biến, người ta chia CNSH thành 4 nhóm:
– Công nghệ vi sinh (trung tâm là việc sử dụng các chủng vi sinh vật trong các quá trình công nghệ).
– Công nghệ tế bào (xem tế bào là đối tượng trung tâm của công nghệ)
– Công nghệ gen (liên quan đến vấn đề chuyển gen, cải biến gen từ đó làm thay đổi những tính trạng của sinh vật được chuyển gen)
– Công nghệ protein-enzyme (tạo ra các protein và enzyme mong muốn do những hiệu quả, tính đặc hiệu vượt trội của chúng trong nhiều lĩnh vực).
Ngoài ra, cũng có xu hướng phân nhóm CNSH thành: CNSH vi sinh, CNSH nông nghiệp, CNSH động vật, CNSH thủy sản, CNSH thực phẩm, CNSH môi trường, CNSH y học, CNSH hình sự (nghĩa là tùy vào việc nghiên cứu và áp dụng của chúng trong lĩnh vực nào).
Một số địa chỉ đào tạo
Hiện nay đã có nhiều trường đào tạo ngành CNSH: Trường ĐHKHTN (thuộc ĐHQGHN), Trường ĐHKHTN (thuộc ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần thơ, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và một vài trường đại học khác.
Cơ hội nghề nghiệp
Có rất nhiều cơ hội dành cho các cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành CNSH, bao gồm cả các công ty nước ngoài chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân chuyên môn.
– Làm việc tại các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học
– Làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau: y tế, dược phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường…
– Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông, lâm, ngư, y dược, khoa học hình sự, công nghiệp nhẹ; tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y dược
– Đảm nhận các công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về sinh học, sinh học thực nghiệm và công nghệ sinh học ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện, các công ty sản xuất dược, giống cây trồng vật nuôi, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu.
Một số trường đào tạo ngành:
- ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội
- ĐH Bách khoa Hà Nội
- ĐH Lâm nghiệp
- ĐH Nông nghiệp Hà Nội
- ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia Tp.HCM
- ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM
- ĐH Văn Lang
- ĐH Tây Nguyên
- ĐH Bách Khoa- ĐH Đà Nẵng….
Để có thể học tốt hoặc đi sâu vào nghiên cứ ngành này trước tiên đòi hỏi bạn:
– Cần có niềm đam mê khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ sinh học,
– Thứ hai, bạn cần học tốt các môn tự nhiên, nhất là Sinh học, Hóa học và Vật lí. Những kiến thức vững chắc về các môn này sẽ là nền tảng tốt để bạn tiếp thu các kiến thức chuyên sâu của ngành Công nghệ sinh học.
– Bên cạnh đó, tư duy logic, tính cẩn thận, tỉ mỉ, coi trọng sự chính xác luôn là những tố chất quan trọng cho những bạn muốn gắn bó lâu dài với ngành Công nghệ sinh học. Do phải làm việc nhiều trong phòng thí nghiệm, tham gia vào quy trình công nghệ sản xuất, chết biến với những chi tiết nhỏ li ti hay những quá trình nghiêm ngặt, vì thế nếu không cẩn thận trong từng chi tiết, quá trình đó thì khó hoàn thành được.
– Ngoài ra, để làm việc tốt trong nền kinh tế hiện đại ngày nay bắt buộc các bạn theo học ngành này phải có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng mềm khác như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian hiệu quả,…