Công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin là một ngành nghề rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề khác nhau của xã hội. Vì thế, thật khó đưa ra một định nghĩa đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, bạn có thể tạm hiểu:
Công nghệ thông tin là một ngành sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính, bao gồm phần cứng, phần mềm, để cung cấp một giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Công nghệ công tin phục vụ cho ai?
Chỉ cần bạn bật chiếc máy vi tính cá nhân của mình lên hay tải một bản nhạc mới về điện thoại di động, vậy là bạn đang tiếp cận với Công nghệ thông tin. Ngày nay, hầu như ngành nghề, lĩnh vực hay hoạt động nào trong xã hội hiện đại cũng cần tới sự góp mặt của Công nghệ thông tin.
Vì vậy, một người trong ngành Công nghệ thông tin có thể làm việc cho bất kỳ công ty, tổ chức hay cá nhân nào cần đến giải pháp Công nghệ thông tin.
Giải pháp Công nghệ thông tin rất đa dạng. Đó có thể là một phần mềm quản lý nhân viên trong cơ quan, tổ chức, một website dạy học qua mạng, một hệ thống máy tính phục vụ cho nhu cầu tính cước, một phần mềm trên các thiết bị di động, hoặc những chương trình giải trí trên Internet…
Bởi sự đa dạng ấy, đối tượng phục vụ của Công nghệ thông tin ngày càng phong phú, từ một cá nhân muốn có chiếc máy vi tính, một công ty muốn xây dựng Website giới thiệu sản phẩm cho tới một quốc gia muốn xây dựng chính phủ điện tử hay cả thị trường rộng lớn trên toàn thế giới.
Bước chân vào ngành CNTT bạn sẽ làm gì?
Những người làm việc trong ngành Công nghệ thông tin có thể chia thành nhiều lĩnh vực như chuyên về phần mềm hay phần cứng, thiết kế hay quản trị mạng… Đây là ngành rộng lớn, ngay người nghiệp dư cũng hoàn toàn có thể bước vào. Tuy vậy, công việc của người làm Công nghệ thông tin chuyên nghiệp thường nằm ở một trong những mảng chủ yếu sau:
Lập trình:
Hiện nay, lập trình viên là một nghề đang phát triển mạnh tại nước ta. Công việc chính của lập trình viên là sử dụng những công cụ và ngôn ngữ lập trình để phân tích, thiết kế và tạo ra những phần mềm, website, trò chơi cung cấp cho thị trường.
Chế tạo, lắp ráp và sửa chữa phần cứng:
Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng chế tạo, sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý,..
Thiết kế giải pháp thích hợp:
Để thiết kế giải pháp tích hợp đòi hỏi phải am hiểu cả về phần cứng và phần mềm. Những chuyên gia Công nghệ thông tin này có khả năng thiết kế ra các giải pháp trọn gói cho một công ty, tổ chức cả về phần cứng lẫn phần mềm dựa trên yêu cầu cụ thể.
Hiện tại, khi ranh giới giữa phần cứng và phần mềm đã được thu hẹp, giải pháp tích hợp là một trong những đòi hỏi thường thấy đối với ngành Công nghệ thông tin.
Quản trị hệ thống và an ninh mạng:
Ngày nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức đều có hệ thống máy vi tính và có thể kết nối mạng. Nhưng người quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ đảm bảo cho hệ thống luôn vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thống gặp sự cố và đảm bảo hệ thống không bị virus tấn công, hacker ăn cắp dữ liệu, duy trì tính an toàn, bảo mật của toàn hệ thống.
Bạn có thể học Công nghệ thông tin ở đâu?
Nếu bạn muốn theo học ngành CNTT, có rất nhiều địa chỉ để bạn lựa chọn:
– Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) v.v…
– Các trung tâm nổi tiếng chuyên đào tạo về mạng như HanoiCTT, SaigonCTT, Công ty IPMAC, Trung tâm tin học Trí Việt (VnPro), Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh v.v…
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:
· Thông minh và có óc sáng tạo
Công nghệ thông tin là một ngành tập trung được những bộ óc vĩ đại của nhân loại. Nếu bạn là người thông minh và có óc sáng tạo, bạn sẽ dễ dàng thành công hơn trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Với trí tuệ của mình, bạn có thể phân tích vấn đề sáng sủa và gãy gọn, tối ưu hóa một giải thuật, hay tìm ra giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí và độ phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả của công việc.
· Khả năng làm việc dưới áp lực lớn
Nếu bạn là người ghét sức ép công việc, hãy cẩn trọng khi chọn Công nghệ thông tin. Công việc của người làm trong ngành Công nghệ thông tin rất thú vị nhưng cũng đầy vất vả và căng thẳng. Nó đặc biệt đòi hỏi ở bạn khả năng làm việc dưới áp lực công việc lớn, thời gian gắt gao.
Đây là một nghề mà bạn luôn phải vận dụng đầu óc để giải quyết các vấn đề. Có khi bạn phải ngồi làm việc liên tục bên máy vi tính từ 10 – 12 giờ/ngày để hoàn thành công việc.
· Kiên trì, nhẫn nại
Kiên trì là phẩm chất đáng quý cần có trong ngành Công nghệ thông tin. Làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin luôn phải đối mặt với những bài toán hóc búa, từ một rắc rối nhỏ trên linh kiện, một lỗi trong dòng lệnh khi lập trình đến một giải thuật chưa tối ưu khi phân tích bài toán. Tính kiên trì, nhẫn nại sẽ giúp bạn giải quyết tốt những khúc mắc của vấn đề để gặt hái thành công trong công việc.
Nhẫn nại trong Công nghệ thông tin còn có nghĩa là bạn không dễ dàng bỏ cuộc mặc cho những thất bại vừa qua. Một danh nhân ngành Công nghệ thông tin trong bài giảng của mình tại một học viện đã đúc kết kinh nghiệm thành công của mình là coi thất bại của hôm qua là cơ hội của hôm nay. Thất bại đến càng sớm, bạn tiến bộ càng nhanh.
· Tính chính xác trong công việc
Bạn còn nhớ sự cố Y2K đã làm điên đầu các chuyên gia Công nghệ thông tin trên toàn thế giới? Tất cả đều xuất phát từ sự không hợp lý khi chỉ chọn 2 chữ số để biểu diễn số năm thay vì 4 chữ số.
Khoa học luôn đòi hỏi tính chính xác và Công nghệ thông tin tất nhiên không phải là ngoại lệ. Chỉ cần bất cẩn trong một dòng mã lệnh lập trình, phân tích một vấn đề không hợp lý hay một sơ suất nhỏ trong chế tạo, lắp ráp thiết bị cũng có thể làm cho một ứng dụng, một chương trình hay cả một hệ thống, một công ty sụp đổ.
Đảm bảo tính chính xác trong công việc sẽ giúp bạn giảm nhẹ gánh nặng công việc của cả tập thể và tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng.
· Ham học hỏi, trau dồi kiến thức
Ngày nay, Công nghệ thông tin đang liên tục phát triển và biến đổi từng giờ, từng phút. Theo định luật Moore nổi tiếng, cứ sau 18 tháng, mật độ chíp của bộ vi xử lý sẽ được tăng gấp đôi (tương ứng với năng lực xử lý của máy tính cũng tăng gấp đôi). Chỉ xét trên phương diện đó thôi, những kiến thức hôm nay có thể ngay ngày mai đã trở thành lỗi thời. Nếu bạn không liên tục trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, bạn sẽ bị tụt hậu so với thế giới.
Luôn tìm hiểu, học hỏi những cái mới sẽ giúp bạn bắt kịp tiến bộ khoa học công nghệ và đạt được thành công trong ngành Công nghệ thông tin.
· Khả năng làm việc theo nhóm (team-work)
Công nghệ thông tin là một ngành đặc biệt đề cao khả năng làm việc theo nhóm (team-work). Làm việc theo nhóm không những giúp bạn giảm bớt gánh nặng và độ phức tạp của công việc mà hơn thế, còn giúp bạn hoàn thành công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Khi đó các thành viên trong nhóm có thể bổ khuyết được cho nhau, mỗi cá nhân hạn chế được những nhược điểm của bản thân và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình.
· Trình độ ngoại ngữ
Như bạn vẫn biết đấy, Công nghệ thông tin và mạng Internet mang tính toàn cầu. Để trở thành chuyên gia Công nghệ thông tin giỏi, bạn phải khá thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.
Có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ giúp bạn cập nhật được những kiến thức mới nhất, những công nghệ hiện đại nhất từ các cuốn sách điện tử và kho tàng Internet.
Và quan trọng nhất là:
· Niềm đam mê Công nghệ thông tin
Dưới áp lực căng thẳng của công việc và tính cạnh tranh gay gắt, nếu không có niềm đam mê, bạn có thể ngã gục trong nghề đầy thử thách này. Còn nếu bạn chẳng ngại ngần gì khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết một phần mềm, hoàn thiện một giải pháp, và càng không ngại ngần khi phải thực hiện lại cả công trình mà bạn đã đổ sức vào đó hàng tháng trời, thì thành công đang chờ đón bạn.