Fixi.vn

Fixi.vn

Nghề Ngành Du lịch là nghề gì? Làm gì? Học ở đâu?

Tháng Mười Một 19, 2022 by fixi

TỔNG QUAN

Du lịch là gì?

Nói một cách đơn giản, du lịch là hoạt động của con người đi ra khỏi nơi sống và làm việc thường xuyên của mình, đến những nơi khác với mục đích nhất định như tham quan, tìm hiểu, nghỉ ngơi, chữa bệnh, vui chơi giải trí, tôn giáo – tâm linh mà không nhằm mục đích kiếm tiền.

 

·        Vậy còn nghề du lịch?

Thời xa xưa, hoạt động du lịch không được tổ chức thành dịch vụ như vận chuyển, ăn, ở, hướng dẫn tham quan, nghiên cứu v.v… Khách du lịch phải tự tổ chức chuyến đi, mang theo nhiều hành lý, tư trang, đồ ăn. Chưa có các nhà hoạt động du lịch chuyên nghiệp với những dịch vụ đa dạng, phong phú như ngày nay, càng chưa thể có việc tổ chức các chương trình du lịch để giới thiệu, bán và thực hiện các chương trình ấy.

Du lich là hoạt động của con người đi ra khỏi nơi sống và làm việc thường xuyên của mình, đến những nơi khác với mục đích nhất định như: tham quan, tìm hiểu, nghỉ ngơi, chữa bệnh, vui chơi giải trí, tôn giáo – tâm linh mà không nhằm mục đích kiếm tiền. Làm du lịch có thể hiểu là việc xây dựng, tiếp thị, quảng bá, bán và thực hiện các chương trình du lịch (đã bán) cùng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đi kèm.

  • Trong ngành du lịch, bạn sẽ làm gì?

Tùy đặc điểm công việc mà các vị trí khác nhau trong ngành du lịch có những điều kiện làm việc rất khác nhau. Chẳng hạn người quản lý và điều hành du lịch thường làm việc tại văn phòng, bên chiếc máy vi tính và điện thoại, kết nối các mối quan hệ, lên mô hình và điều phối nhân viên dưới quyền sao cho đảm bảo phục vụ các tour du lịch tốt nhất cho khách hàng. Trong khi đó, phần lớn thời gian của hướng dẫn viên du lịch là trên những chuyến đi v.v… Bạn thường nghe nói du lịch là một nghề thú vị vì được đi đây đi đó, được biết nhiều điều, được thưởng thức nhiều món ăn lạ, giao tiếp với nhiều người, tìm hiểu nhiều phong tục, tập quán khác nhau nhưng ở phía sau những điểm hấp dẫn ấy là công việc chuyên môn không dễ dàng, không nhàn hạ.

Phần lớn những người làm việc trong ngành du lịch có thể tìm thấy vị trí của mình ở các tổng công ty du lịch với nhiều chi nhánh, công ty con, các công ty, trung tâm du lịch, trung tâm lữ hành.

Những năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. Theo dự kiến, đến năm 2010, ngành du lịch nước ta phấn đấu đón khoảng 6 triệu du khách quốc tế, 25 triệu du khách trong nước. Những khu du lịch sinh thái, du lịch văn hoá đang mọc lên khắp nơi, làm thay đổi bộ mặt và đời sống của nhiều địa phương. Với sự phát triển ấy, ngành này đang rất cần một đội ngũ nhân lực mạnh.

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH DU LỊCH

QUẢN LÝ DU LỊCH

Công việc này đòi hỏi năng lực quản lý giỏi và sự hiểu biết sâu sắc về du lịch. Với các nhà quản lý doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch, ngoài kiến thức chung về du lịch và quản lý, họ còn cần kiến thức chuyên môn về từng lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo những bộ phận, nhân viên dưới quyền.

Nhà quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các hồ sơ, báo cáo, đề án v.v… Tuy nhiên, anh ta cũng thường xuyên phải đi gặp đối tác, tham dự hội thảo, tới các quốc gia hoặc địa phương khác để tham quan, học hỏi, tham gia các chương trình quảng bá du lịch. Người quản lý du lịch thường có quan hệ rộng, đòi hỏi là người am hiểu và có kỹ năng giao tiếp rất tốt.

NGƯỜI ĐIỀU HÀNH DU LỊCH

Công việc chính là phân công công việc cho các hưởng dẫn viên du lịch; nhận thông tin từ các chương trình du lịch để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết những phát sinh, yêu cầu của khách do hướng dẫn viên báo về nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của khách về chương trình du lịch của đơn vị mình v.v…

Công việc của người điều hành du lịch diễn ra chủ yếu trong văn phòng điều hành tiện nghi và thoải mát, nhưng họ phải chịu áp lực công việc khá nặng nề với nhiều việc ở nhiều nơi báo về cùng lúc, đặc biệt trong các mùa du lịch cao điểm.

HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Công việc chính là thực hiện việc đón tiếp khách; tổ chức hoạt động du lịch theo chương trình công ty đã bán cho khách; giới thiệu hoặc liên hệ người giới thiệu tại mỗi điểm du lịch, giới thiệu các dịch vụ du lịch cho khách tại điểm du lịch; tổ chức việc ăn, nghỉ, đi lại v.v… cho khách theo chương trình du lịch đã định; đảm bảo về sự an toàn và thoải mái của khách trong chương trình du lịch; trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm v.v…

Hướng dẫn viên du lịch không cần cao lớn hay xinh đẹp đặc biệt (chỉ cần tránh các khuyết tật về hình thể, giọng nói). Quan trọng nhất là họ cần có kiến thức, năng lực chuyên môn vững vàng, khả năng ứng xử, giao tiếp, sự dẻo dai và tâm lý ổn định.

Các hướng dẫn viên du lịch làm việc trong các công ty du lịch, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành hoặc các đơn vị quản lý và khai thác tài nguyên du lịch, các ban quản lý di tích hay danh thắng, vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên. Cũng có hướng dẫn viên làm việc trong những cơ quan hoặc doanh nghiệp khác nhưng có thể hướng dẫn viên du lịch và được mời làm cộng tác viên du lịch.

NHÂN VIÊN LỄ TÂN

Công việc của nhân viên lễ tân chủ yếu ở các khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, các làng du lịch, các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, các trang trại du lịch dịch vụ v.v.. Nhân viên lễ tân cần biết hơn ít nhất một ngoại ngữ, phải nghe, hiểu đúng thông tin của khách, đồng thời trả lời cho khách hiểu những thông tin về giá cả, thanh toán, loại dịch vụ một cách chính xác, rõ ràng.

Công việc chính của họ là thận điện thoại, trả lời các thông tin về dịch vụ của cơ sở mình, xếp lịch đặt phòng cho khách; đón tiếp khách; giới thiệu dịch vụ du lịch của cơ sở mình; nhận thông tin yêu cầu ăn, ở của khách; kiểm tra các dịch vụ có thể đáp ứng được yêu cầu của khách đặt ra không; giúp khách trong các công việc điện thoại, chỉ dẫn thông tin, nhận và trả đồ ký gửi, thanh toán v.v…

NHÂN VIÊN MARKETING DU LỊCH

Đây là những người làm công tác nghiên cứu thị trường du lịch, tìm ra những gì khách cần, những gì đã có và cần có. Trên cơ sở nghiên cứu của mình, họ tư vấn cho các chương trình du lịch của đơn vị mình (giá cả, địa điểm, khách hàng mục tiêu v.v…). Ngoài ra, họ cũng tiến hành những nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các chương trình để quảng bá, khuếch trương các sản phẩm du lịch với từng loại chất lượng, giá cả…

Nhân viên marketing du lịch thường xuyên làm việc, giao dịch với khách hàng, các đối tác cũng như các cơ sở du lịch, các điểm du lịch. Công việc này đòi hỏi bạn phải đi lại nhiều.

CÔNG VIỆC PHỤC VỤ BÀN, BAR, BUỒNG, BẾP

Nhìn vào bàn tiệc trong các nhà hàng, khách sạn, chúng ta thấy được không chỉ sự sang trọng, chuẩn mực của việc bài trí, sắp xếp trình tự phục vụ, sự khéo léo, hấp dẫn khách mà còn thể hiện cả chiều sâu văn hoá, mục đích của bữa tiệc. Đó là kết quả công việc của các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhiệm.

Bên cạnh đó là công việc phục vụ buồng, phòng. Các buồng phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế có những đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ sự sạch sẽ, thoáng mát đến cách sắp đặt, bài trí hợp lý, có thẩm mỹ. Không chỉ vậy, họ còn phải kịp thời, nhanh chóng và tận tình hướng dẫn, đưa khách lên buồng, phòng.

Ngoài ra, trong ngành này còn có nhiều công việc đa dạng như chăm sóc khách hàng, thông tin du lịch, xây dựng chương trình du lịch, bán hàng lưu niệm, chăm sóc sức khỏe, tổ chức vui chơi giải trí, giáo dục môi trường du lịch, bảo trì, nghiên cứu về du lịch, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch v.v…

Học ngành du lịch ở đâu?

Những điều thú vị và cả thử thách của ngành du lịch đang hấp dẫn bạn? Và bạn đã tự nhận thấy mình cũng hợp với nghề này? Giờ chúng ta sẽ điểm qua về các cơ sở đào đạo du lịch nhé!

Với nhu cầu rộng rãi về nhân lực trong ngành du lịch, hiện trên cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo du lịch với bậc học, mục tiêu, chương trình và thời gian khác nhau.

* Trường đại học:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Du lịch học,

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Du lịch và Khách sạn

Trường Đại học Thương mại, Khoa Quản trị Kinh doanh Khách sạn – Nhà hàng;

Trường Đại học Văn hoá, Khoa Văn hoá Du lịch;

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Khoa Quản trị Kinh doanh, Ngành Quản trị Kinh doanh Du lịch;

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Ngành Quản trị Kinh doanh Du lịch;

Trường Đại học Đà Lạt, Khoa Du lịch.

Trường Đại học Dân lập Đông Đô, Khoa Du lịch;

Trường Đại học Dân lập Phương Đông, Khoa Quản trị kinh doanh, Ngành Quản trị Du lịch,

Viện Đại học Mở, Khoa Du lịch;

Trường Đại học Dân lập Hải Phòng,  Ngành Du lịch;

Trường Đại học Dân lập Duy Tân, Khoa Quản trị Kinh doanh Du lịch;

Trường Đại học Văn Lang, Khoa Du lịch;

Trường Đại học Văn hiến, Khoa Du lịch;

Trường Đại học Hùng Vương, Khoa Du lịch;

Có một thông tin vui cho bạn: ngoài hệ chính quy, hầu hết các trường đại học công lập có khoa du lịch hay quản trị kinh doanh du lịch đều mở lớp đào tạo đại học hệ tại chức về du lịch tại trường hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo địa phương trong cả nước.

* Trường cao đẳng:

Trong số các trường cao đẳng đào tạo du lịch ở nước ta hiện nay, có uy tín nhất là Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (đào tạo hầu hết các nghề trong ngành du lịch) và Trường Cao đẳng Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh (đào tạo về văn hoá du lịch). Ngoài ra, nhiều trường đại học dân lập có ngành du lịch cũng mở thêm hệ cao đẳng. Điều này tạo cho bạn sự lựa chọn phong phú và đa dạng hơn.

* Trường trung học chuyên nghiệp:

Các trường trung học chuyên nghiệp tập trung đào tạo lao động lành nghề, với thời gian đào tạo ngắn (khoảng 2 năm). Những nghề mà các trường này thường đào tạo là điều hành, hướng dẫn, lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp và marketing du lịch… Do nhu cầu xã hội về lao động này khá lớn nên khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của bạn tương đối cao.

Hiện nay, hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp có đào tạo về du lịch có thể chia thành hai loại:

1. Hệ thống các trường của ngành du lịch trực thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam

Những trường này thường được đầu tư khá tốt với mục đích đào tạo chuyên sâu về các nghề cơ bản của du lịch. Cả nước hiện có ba trường trung học thuộc dạng này đặt tại Vũng Tàu, Huế và Hải Phòng.

Riêng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội do tiền thân là Trường Trung học Du lịch Hà Nội nên vẫn duy trì loại hình đào tạo trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn có Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quản lý.

2. Hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp không do ngành du lịch trực tiếp quản lý

Các trường này được phân bố ở nhiều địa phương trong khắp cả nước. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đào tạo về du lịch mà thường chỉ có ở các trường trung học kinh tế, kỹ thuật và thương mại.

Bên cạnh những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, hiện nay có rất nhiều trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp cũng mở các khoá đào tạo về các nghề cơ bản của du lịch.

Nếu bạn có điều kiện du học, cơ hội của bạn càng rộng mở. Nhiều quốc gia đào tạo du lịch ở hầu hết các bậc học, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý du lịch, khách sạn, nhà hàng và du lịch sinh thái v.v…

Những nước có truyền thống về đào tạo du lịch và thường tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam là Bỉ, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Ôxtrâylia, Trung Quốc, Xingapo, Thái Lan, Malaixia…

Bạn sẽ làm việc ở đâu?

Với những người trẻ tuổi có năng lực và điều kiện, sau khi được đào tạo, có thể tự mình thành lập các công ty du lịch, trở thành nhà tổ chức, quản lý du lịch. Tất nhiên, đó chỉ là số ít, dù trong thực tế đã có những nhà quản lý du lịch trẻ tuổi được biết đến trên thương trường. Phần lớn trong các bạn sẽ tìm thấy vị trí của mình ở các tổng công ty du lịch, các công ty, trung tâm du lịch, trung tâm lữ hành. Tại những doanh nghiệp này có tất cả các công việc trong ngành du lịch. Một số tổng công ty, công ty du lịch lớn còn có cả các cơ sở dịch vụ du lịch, các đơn vị thành viên như các công ty con, các chi nhánh du lịch, các đại lý du lịch lữ hành, các văn phòng đại diện tại các địa phương, thậm chí ở nước ngoài. Các cơ sở này đang rất cần những người làm du lịch đa tài và năng động đấy.

Các doanh nghiệp du lịch lớn ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến:

Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, Công ty Du lịch Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng, Công ty Du lịch Quảng Ninh, Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Du lịch dịch vụ Dầu khí Việt Nam v.v…

Công việc của nhân viên lễ tân chủ yếu ở các khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, các làng du lịch, các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, các trang trại du lịch dịch vụ v.v…

Cũng trong các cơ sở lưu trú du lịch này, công việc phục vụ bàn, ban, buồng, bếp, bán hàng… cần nhiều người có năng lực, tay nghề cao và lòng tận tụy. Cơ sở càng lớn, hiện đại, chất lượng càng cao thì đội ngũ nhân viên lễ tân và phục vụ càng đông đảo, chuyên nghiệp. Nhân viên an ninh, nhân viên bảo trì, nhân viên kinh doanh trong các khách sạn, nhà hàng cũng rất cần thiết với thu nhập đáng kể.

Trong các công việc thuộc ngành du lịch, nghề hướng dẫn du lịch có địa chỉ làm việc phong phú nhất. Họ có thể công tác tại các công ty du lịch lớn nhỏ, trung tâm lữ hành, khách sạn hay các cơ sở dịch vụ du lịch có bộ phận bán và thực hiện các chương trình du lịch. Họ còn có mặt trong các đơn vị quản lý, khai thác tài nguyên du lịch với tư cách là hướng dẫn viên du lịch địa phương, hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Hiện nay, có cả một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trong các ban quản lý di tích và danh thắng, ban quản lý vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên. Sao bạn lại không có mặt trong số họ nhỉ? Ngoài ra, còn có những người làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch như Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở Du lịch Thương mại hay Sở Thương mại Du lịch các tỉnh. Một số người công tác trong các cơ sở nghiên cứu, thông tin, xúc tiến du lịch. Có những người sau khi học tập rèn luyện tốt được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ sở đào tạo về du lịch.

Làm du lịch không phải chỉ ở thành thị. Du lịch sinh thái và du lịch văn hoá là định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ở thung lũng xa xôi hay núi rừng hoang vu, làng quê xa hay hải đảo, những dự án phát triển du lịch đã và đang từng bước được thực hiện. Đó sẽ là những khu du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch xanh. Nơi ấy không hề buồn tẻ, hoang vắng mà vẫn bảo tồn được các giá tri tài nguyên lâu bền, sẽ có sức vẫy gọi khách gần xa. Đội ngũ người làm du lịch nơi đây càng có tương lai rực rỡ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của giao thông, có nơi nào trên đất nước là xa xôi với người làm du lịch nữa? Biết đâu bạn còn có mặt ở nước ngoài trong vị thế nhân viên văn phòng đại diện của công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đi du lịch nước ngoài, đến những châu lục, quốc gia xa tít tắp…

Nhiều lắm những cơ hội lập nghiệp cho bạn. Lòng say mê, yêu nghề, yêu người, ham học hỏi… sẽ giúp bạn phát triển trong lĩnh vực được ví như ngành công nghiệp “không khói” này.

TỐ CHẤT

Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:

Bạn có duyên nghề:

Bạn yêu thích nghề du lịch nhưng lại ngại ngần rằng trong ngành du lịch, người ta ưa thấy những cô gái đẹp, những chàng trai dễ nhìn?

Vậy bạn nên biết rằng, trong du lịch, người ta cần người có “duyên nghề” nhiều hơn là người đẹp. Tác phong linh hoạt, sống động, vẻ mặt tươi tắn, thân thiện, ánh mắt biểu cảm, thái độ giúp đỡ, quan tâm, kiến thức vững vàng, ứng xử thông minh, khéo léo… sẽ khiến áp lực về một vẻ ngoài không được tự tin của bạn trở thành… chuyện nhỏ. Như vậy bạn không nên quan niệm rằng du lịch chỉ dành cho những người xinh đẹp.

Ngoài ra, như bạn đã biết rồi đấy, có rất nhiều công việc trong ngành du lịch. Nhân viên lễ tân và hướng dẫn viên đòi hỏi ngoại hình nhiều hơn cả, còn nhiều công việc khác không đặt yêu cầu cao.

Nếu một ngày trên khu phố cổ Hà Nội, bạn thấy một cô hướng dẫn viên đeo thẻ rất tự tin, dù bạn ngầm thấy cô ấy còn “thua xa” bạn về mặt hình thức, dẫn theo một đoàn khách nước ngoài, thì bạn sẽ thầm tiếc vì đã nghĩ mình không thể làm đúng công việc cô ấy đang làm.

– Nhạy cảm, tâm lý, quan tâm đến mọi người, biết lắng nghe

Bạn là người nhạy cảm?

Người nhạy cảm thường rất quan tâm đến những người xung quanh, hay đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và chia sẻ nỗi buồn, nhân lên niềm vui, để nắm bắt ý nghĩ và tình cảm của người khác, ứng xử một cách “tâm lý”, biết lắng nghe nhiều hơn, và biết im lặng khi cần thiết…

Một người làm trong ngành du lịch, thường xuyên phải tiếp xúc với khách mà thiếu nhạy cảm sẽ rất dễ “vô duyên” trong giao tiếp, ứng xử, thiếu linh hoạt trong công việc nên kém hiệu quả, không “lấy” được tình cảm của khách, càng không thể hướng họ đến với sự hài lòng một cách tự nhiên.

 Bạn là nguời lợi ngôn, khả năng giao tiếp tốt, truyền đạt hiệu quả

Từ lợi ngôn dành cho những người “mau mồm mau miệng”, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, tự nhiên trong hành văn, “nói dễ nghe”, “nói lọt lỗ tai”, “nói đến kiến trong lỗ cũng bò ra”… Đây không hoàn toàn là năng khiếu có tính chất bẩm sinh. Bởi vì ngoài chất giọng tốt, khả năng tư duy nhanh, sáng thì những gì bạn thể hiện ra thành ngôn từ còn mang đậm dấu ấn xã hội. Điều này nghĩa là bạn có thể học tập, rèn luyện kỹ năng “nói”.

Bạn phải học cách nói sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người nghe một cách tự nhiên, truyền cảm dù là sử dụng ngôn ngữ nào.

Hãy học cách phân tích được rõ ràng vấn đề tìm được nguyên nhân hay nhân tố cơ bản của vấn đề, thuyết minh được phương án giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhất. Còn gì đáng nể hơn nếu khách hàng nhất loạt nghe theo ý kiến của ta, khi mà trước đó, có 30 khách thì đến 29 ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, chỉ “lợi ngôn” thì chưa đủ, cẩn thận, kẻo bạn là hình ảnh trong câu nói “chỉ được cái khéo mồm” đấy.

Bạn là người “biết tuốt”?

Nghề du lịch trong rất nhiều nội dung công việc đòi hỏi sự hiểu rộng, biết nhiều, nhất là khi bạn trở thành người quản lý hay hướng dẫn viên du lịch. Vì vậy, quan tâm sâu cũng sẽ rất cần, nhưng bạn nên quan tâm rộng trước tiên. Tức là bạn cần có một “phông” kiến thức rộng rãi và phong phú. Bạn cần am hiểu về lịch sử, địa lý, con người, phong tục tập quán của từng địa phương. Có như vậy bạn mới giới thiệu hết được những nét hay, đẹp đặc sắc của từng vùng, miền, danh thắng với khách du lịch.

 Hiểu biết nhiều khiến bạn dễ chủ quan rằng mình đã “biết tuốt”, nên phải thận trọng, bởi “lời nói ra không lấy lại được”. Hãy luôn rèn luyện khả năng “lắng nghe”, đồng thời không ngừng trau dồi tri thức.

 Bạn là người hài hước?

Trong những việc hệ trọng như chọn bạn đời cả hai giới đều coi tính hài hước, sự lạc quan là một trong những tiêu chí để đảm bảo hạnh phúc lứa đôi. Vậy, trong “nghề du lịch”, đặc biệt là những công việc tiếp xúc với khách hàng, giao tiếp công chúng, lẽ nào lại thiếu “óc hài hước”?

Hài hước giúp bạn rút ngắn khoảng cách xa lạ giữa bạn và khách, giúp bạn có một hình ảnh dễ mến và thân thiện trong con mắt của mọi người, giúp chính bạn tự tin hơn khi tác nghiệp và phủ lấp cả những khiếm khuyết về ứng xử, giao tiếp hay lỗi kiến thức:..

 Tuy vậy, đó cũng là con dao hai lưỡi. Lạm dụng sự “hài hước” trong công việc và ứng xử xã giao có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng khách, vô tình xúc phạm khách hay biểu hiện quá trớn. Ngược lại, bạn cũng không còn được tôn trọng nữa.

 Bạn là người kiên nhẫn?

Nhiều người không ưa sự nhàm chán trong công việc nên tìm đến với du lịch. Sau những ấn tượng ban đầu, họ chợt nhận ra một sự nhàm chán khác xuất hiện. Đó là sự lặp lại của quy trình, tổ chức thực hiện “tua”, tuyến điểm, các quy định lễ nghi… Nên bạn sẽ khó trụ lại nghề nếu không có sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là bạn phải biết tự làm mới bản thân và công việc của mình.

 Bạn là người khoẻ mạnh và không say tàu xe?

 

Những người làm trong ngành du lịch thường cố gắng rèn luyện và giữ điều độ để cơ thể luôn ở trạng thái khoẻ mạnh nhất có thể. Và hơn ai hết, họ hiểu mình sẽ mệt mỏi như thế nào khi thiếu sức bền, chứ không phải là sức mạnh của đô vật, khi tác nghiệp dài ngày. Họ rất có ý thức giữ gìn, không phung phí sức khoẻ. Một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra, mùi xăng tàu xe không còn là nỗi ám ảnh của bạn nữa. Xin bạn hãy coi đây là lời khuyên của chính những người đã từng trong tình trạng như bạn, và bây giờ, đang vững chãi đứng thuyết minh hàng giờ đồng hồ liên tục trong những chuyến lữ hành.

 Bạn là người độc lập?

Nếu bạn là khách trong một chuyến du lịch, quan sát hướng dẫn viên, bạn sẽ khâm phục họ vì khả năng làm việc độc lập, đặc biệt trong những tình huống khó khăn. Họ không những lo cho mình, mà cả đoàn khách, và nhiều vấn đề khác. Ngoài những giao dịch cần thiết, phần nhiều thời gian, hướng dẫn viên phải làm việc và quyết định độc lập. Vì thế, nếu bạn đã chọn du lịch, hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ và làm việc tự chủ ngay từ bây giờ.

 Để rèn luyện tính độc lập, từ bây giờ, bạn hãy thử là xem mình sẽ giải quyết một vấn đề như thế nào nếu chỉ có một mình, ngay cả khi bạn không làm việc đó một mình. Nếu có điều kiện, thử cố gắng giải quyết công việc độc lập bạn sẽ khám phá được nhiều điều về bàn thản mình.

 Bạn là người yêu nghề?

 Bởi chỉ thực sự lòng yêu nghề mới giúp ta vượt qua tất cả, phải không bạn?

CHUYỆN NGHỀ

BẠN CÓ BIẾT

* Có lần qua một địa phương nào đó, bạn gặp một khu đồi núi hoang vu lau sậy, sỏi đá chơ vơ hay thung lũng ẩm ướt lắm muỗi nhiều ruồi… Mấy năm sau có dịp trở lại, bạn thấy nào ao hồ, vườn hoa, nhà hàng, biệt thự, sân chơi… và phải mua vé vào cửa khá đắt. Bằng con mắt của mình, bạn hãy thử lựa chọn và lên kế hoạch biến những nơi hoang vu thành điểm hay khu du lịch hấp dẫn xem sao! Biết đâu chính bạn sẽ trở thành một trong những chủ nhân chính thức của các khu du lịch, điểm du lịch đó trong tương lai.

Bạn hãy đến khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Hạ Long – Quảng Ninh), nơi diễn ra nhiều sự kiện nổi bật trong mấy năm qua… Ở đó có các biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, có bể bơi hiện đại, nhà hát mái con sò, công viên nhạc nước, hệ thống nhà hàng cung đình sang trọng, rạp xiếc bãi biển thơ mộng với đảo nổi rập rờn, tàu lượn trên vịnh và máy bay trên không… Ấy vậy mà chỉ ít năm trước, Tuần Châu chỉ là một đảo nhỏ với vài chục nhà dân sống trong nghèo khổ và cách trở đất liền. Du lịch đem lại nhiều thay đổi kỳ diệu, lớn lao đến thế đấy. Và để có sự thay đổi ấy, cần rất nhiều người làm du lịch vừa giỏi giang, năng động, vừa có lòng say mê nghề nghiệp và tầm nhìn xa nữa.

 

* Những món ăn làng quê Việt Nam xưa cũ lại được khách du lịch ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn như bún riêu cua, canh ốc hến, bánh đúc chấm tương, măng ớt, rau xào. Bạn đừng ngạc nhiên khi một bữa tiệc lớn cho khách quốc tế lại có ngô nướng, sắn luộc, cà bung… và những món tráng miệng lại là ổi, cóc, nước vối hay nước chè xanh.

KHÁM PHÁ
 
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Bài Viết Liên Quan

Ngành Hàng không học ở đâu? Cơ hội việc làm ra sao?
Nghề người mẫu là nghề gì? Làm gì? Học ở đâu?
Nghề Thư Ký Y Khoa là nghề gì? Làm gì? Học ở đâu?

Danh Mục: Ngành Nghề

Previous Post: « Nghề Kỹ sư chăn nuôi là nghề gì? Làm gì? Học ở đâu?
Next Post: Nghề Ngành công nghệ thực phẩm là nghề gì? Làm gì? Học ở đâu? »

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế TP.HCM – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Kon Tum – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đằng kinh tế đối ngoại – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ TP.HCM – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ TP.HCM – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Giao thông Vận tải III – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Điện lực TP.HCM – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc – Thông tin tuyển sinh chi tiết

Chuyên mục

  • Ngành Học
  • Ngành Nghề
  • Nơi Đào Tạo
  • Tổng Hợp

Theo Dõi MXH

  • Email
  • Facebook
  • Instagram
  • Phone
  • TikTok
  • YouTube

Quảng Cáo

Footer

Bài viết mới

  • Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế TP.HCM – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – Thông tin tuyển sinh chi tiết
  • Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Kon Tum – Thông tin tuyển sinh chi tiết

Chuyên mục

  • Ngành Học
  • Ngành Nghề
  • Nơi Đào Tạo
  • Tổng Hợp

Fixi.vn – Kênh Hướng Nghiệp Chất Lượng Cao

Fixi là tổ chức chuyên hỗ trợ học sinh cấp 3 hướng nghiệp thông qua hoạt động tư vấn, website thông tin, tập huấn và nghiên cứu

  • 15A, Ngõ 136, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
  • Website: fixi.vn

Copyright © 2023 · Fixi.vn