Giao thông vận tải (GTVT) là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, cũng trực tiếp tạo ra giá trị và giá trị gia tăng trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Giữ cho huyết mạch giao thông của đất nước luôn thông suốt là nhiệm vụ của ngành. Có 5 loại hình GTVT cơ bản. Vận tải đường sắt, Vận tải đường bộ, Vận tải đường thuỷ, Vận tải hàng không, Vận tải bằng đường ống (đường ống vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu rời).
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Trong ngành GTVT có nhiều vị trí công việc với nghiệp vụ khác nhau và điều kiện làm việc cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, kỹ sư làm việc trong ngành này có đôi nét giống như ngành xây dựng, thường phải đi theo các công trình. Bởi vậy, điều kiện làm việc của họ khá linh hoạt, yêu cầu cao về sức khoẻ.
Ngành GTVT luôn được nhà nước chú trọng đầu tư bởi phát triển bởi đây vừa là điều kiện, vừa là nội dung cơ bản trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Ngành đang rất cần những kỹ sư, nhà quản trị, chuyên gia giỏi để đảm bảo hoạch định chiến lược, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.
MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
1.KỸ SƯ KINH TẾ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Làm thế nào để phát triển và khai thác tối đa hiệu quả kinh tế của các loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không…) là bài toán mà các kỹ sư kinh tế GTVT vận tải phải giải đáp. Tùy thuộc vào vị trí và địa chỉ công tác, chuyên môn, công việc của những kỹ sư này rất đa dạng: nghiên cứu, lập chiến lược phát triển kinh tế, tham vấn cho bộ phận lãnh đạo về sản xuất kinh doanh, lập dự án đầu tư, tham gia vào các công việc kinh doanh cụ thể. Bên cạnh các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, kỹ sư kinh tế GTVT làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT, các tổ chức trong nước và quốc tế, các dự án v.v…
2.NHÀ QUẢN TRỊ KINH DOANH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đây là vị trí công việc dành cho những bạn trẻ yêu thích quản trị kinh doanh và muốn làm việc trong lĩnh vực GTVT. Bên cạnh những kiến thức nền tảng về kinh tế xã hội và quản trị kinh doanh, vị trí này đòi hỏi những kỹ năng chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp GTVT. Công việc chính của người làm trong nghề là hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh v.v…
Nhà quản trị kinh doanh GTVT làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, ban quản trị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (các công ty xây dựng công trình giao thông, công ty vận tải hàng hóa, vận tải hành khách…), các dự án, các cơ quan tư vấnvề giao thông v.v…
3.KỸ SƯ CƠ KHÍ GIAO THÔNG
Nếu bạn yêu thích kỹ thuật, công việc chế tạo, thiết kế và thích gắn mình với máy móc, bạn có thể chọn cho mình vị trí của kỹ sư cơ khí giao thông. Công việc của bạn nghiên cứu thiết kế, chế tạo, giám sát sảnxuất, khai thác, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng v.v… các loại máy móc khác nhau được dùng trong ngành GTVT như máy xây dựng xếp dỡ, đầu máy, toa xe, các phương tiện giao thông v.v…
Nơi làm việc của kỹ sư cơ khí giao thông cũng rất phong phú: các viện nghiên cứu, các nhà máy cơ khí; các sân bay, nhà ga, bến cảng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hay các cơ sở đào tạo về GTVT, các trường dạy nghề v.v…
4. KỸ SƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Xây dựng công trình giao thông là lĩnh vực hòa quện giữa hai nền tảng thiết yếu của bất kỳ quốc gia nào: xây dựng và giao thông. Làm việc trong lĩnh vực này la2 những kỹ sư có kiến thức cơ bản về xây dựng và chuyên về các công trình giao thông. Họ có thể chuyên môn về cầu hầm, đường bộ, đường sắt, địa kỹ thuật công trình giao thông v.v… Công việc của những kỹ sư này là nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý dự án, thi công xây dựng các công trình giao thông. Thường xuyên xa nhà, đi theo công trình, công việc vất vả, nhiều áp lực về thời hạn bàn giao… là đặc điểm của nghề này. Kỹ sư xây dựng công trình giao thông làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, giao thông, các công ty xây dựng, các đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng v.v…
5. KỸ SƯ ĐIỀU KHIỂN HỌC KỸ THUẬT
Với những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực tự động hóa và điều khiển của ngành công nghiệp nói chung, của giao thông vận tải nói riêng, kỹ sư điều khiển học kỹ thuật làm nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, tư vấn, khai thác và sửa chữa các hệ thống máy móc điều khiển tự động trong lĩnh vực GTVT như hệ thống tín hiệu giao thông (đèn giao thông, biển báo tự động v.v…).
Địa chỉ làm việc của những kỹ sư này rất phong phú, bao gồm các viện nghiên cứu, thiết kế về tự động hóa và điều khiển trong GTVT, các công ty tư vấn, giám sát dự án về tự động hóa và điều khiển tín hiệu giao thông, phát triển giao thông đô thị, các công ty thông tin tín hiệu, trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông v.v…
6. KỸ SƯ QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Quy hoạch và quản lý GTVT đang là vấnđề nóng ở nước ta. Công việc của kỹ sư trong lĩnh vực này là nghiên cứu quy hoạch lập dự án, tổ chức các hoạt động điều hành, quản lý GTVT trong đô thị trên cơ sở phối hợp với quy hoạch vùng, quốc gia.
Kỹ sư quy hoạch và quản lý GTVT làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT, các viện nghiên cứu thiết kế và quy hoạch trong lĩnh vực này, các công ty tư vấn, các dự án trong và ngoài nước v.v…
7. KỸ SƯ ĐIỀU KHIỂN CÁC QUÁ TRÌNH VẬN TẢI
Làm việc trong lĩnh vực này, công việc chính của bạn là điều khiển, chỉ huy, điều hành các quá trình vận tải trên các phương tiện vận tải. Cụ thể, bạn sẽ điều độ đường sắt, điều bộ bay, điều độ taxi, chỉ huy ra vào cảng biển v.v…
Địa chỉ làm việc của bạn là các trung tâm điều độ đường sắt, sân bay, các hãng taxi, cảng biển v.v…
8. KỸ SƯ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG
“Phát triển bền vững”, “thân thiện với môi trường” là những cụm từ bạn thoáng nghe. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải: Kỹ sư kỹ thuật môi trường làm nhiệm vụ điều tra, khảo sát, đánh giá các tác động đến môi trường do hoạt động GTVT gây nên, từ đó có những tư vấn cụ thể với người có thẩm quyền (các nhà lãnh đạo, ban quản lý dự án…). Ngoài ra, họ cũng nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt vận hành, giám sát thi công các công trình về lĩnh vực môi trường.
Kỹ sư kỹ thuật môi trường làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về GTVT, các cơ quan, tổ chức về môi trường, các công ty xây dựng công trình giao thông, các dự án v.v…
Một số địa chỉ đào tạo
GTVT là một ngành lớn yêu cầu nhiều vị trí công việc khác nhau. Bởi vậy, bạn có thể đến với ngành GTVT theo nhiều chuyên ngành khác nhau như kinh tế, cơ khí, xây dựng v.v…
Nếu muốn học chính quy về ngành GTVT hay một số chuyên ngành của GTVT, bạn có thể học tại: Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Cao đẳng Giao thông vận tải, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II (ở Đà Nẵng), Trường Cao đẳng giao thông vận tải 3 (tại Tp.Hồ Chí Minh) v.v…
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
– Có thiên hướng về các môn toán học và vật lý cũng như vẽ kỹ thuật.
– Có khả năng làm việc nhóm.
– Có thể làm việc dưới áp lực lớn, cường độ cao.
– Cẩn thận, có trách nhiệm với công việc.