Ngành Kinh tế và Quản lý là gì ?
Tồn tại song song với nhóm ngành quản trị kinh doanh là nhóm ngành kinh tế và quản lý. Đây là nơi thi thố tài năng của những chuyên gia phân tích kinh tế, những nhà hoạch định chiến lược vĩ mô.
· Công việc và điều kiện làm việc của chuyên viên ngành kinh tế và quản lý
* Ở các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế (từ trung ương đến địa phương), chuyên viên kinh tế và quản lý thực hiện một số công việc chủ yếu như:
– Hoạch định phát triển kinh tế: lập, thiết kế và thẩm định các chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, kế hoạch phát triển, chính sách phát triển, dự án phát triển và chương trình phát triển của toàn bộ nền kinh tế, vùng (địa phương) v.v…
– Dự báo phát triển kinh tế: sử dụng các phương pháp, công cụ hỗ trợ đưa ra các kết quả dự báo về định lượng, định tính, hay xu thế phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
– Phân tích kinh tế: mô tả, tổng hợp, so sánh đối chiếu tình hình kinh tế, chiến lược và chính sách kinh tế, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống, tổ chức các quan hệ quốc tế cả trong quá khứ và hiện tại, từ đó đưa ra các đánh giá và nhận định xác đáng phục vụ cho việc ra quyết định trong thời kỳ tiếp theo, hoặc kịp thời điều chỉnh một số chính sách hiện hành nếu cần.
– Tổ chức và điều phối các hoạt động kinh tế: thiết kế mới hoặc hoàn thiện các hệ thống đã có như: hệ thống ra quyết định quản lý, hệ thống thông tin quản lý, chế độ thống kê báo cáo, phương án phối kết hợp giữa các cơ quan tổ chức (liên Bộ, liên ngành, liên vùng) và vận hành hệ thống này hoạt động.
– Kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động kinh tế: sử dụng các luật, công cụ, phương pháp để theo dõi sự vận động của các hoạt động kinh tế cũng như sự vận hành của hệ thống tổ chức kinh tế. Qua đó kịp thời phát hiện những khâu vướng mắc tìm nguyên nhân và kịp thời có phương án, giải pháp khắc phục.
– Nghiên cứu, tham mưu, cố vấn hay tư vấn về chính sách kinh tế, phương án tổ chức hệ thống kinh tế và hệ thống quản kinh tế theo yêu cầu trong phạm vi thẩm quyền cho phép.
* Ở các doanh nghiệp, chuyên viên ngành kinh tế và quản lý thực hiện một số công việc chủ yếu như:
– Hoạch định phát triển doanh nghiệp: tiến hành lập, thiết kế và thẩm định các hình thức hoạch định chủ yếu thường dùng trong doanh nghiệp như: chiến lược kinh doanh, chính sách kinh doanh, dự án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, chương trình kinh doanh của doanh nghiệp.
– Phân tích và dự báo phát triển: sử dụng các công cụ, phương pháp để phân tích môi trường bên ngoài, bên trong, môi trường cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội, thách thức điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp và xu thế phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.
– Tổ chức kinh doanh và tổ chức quản lý kinh doanh: thiết kế mới hoặc hoàn thiện hệ thống sản xuất kinh doanh đã có, xây dựng mới hoặc kiện toàn cơ cấu tổ chức quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện chế độ làm việc trong doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ phân công và hợp tác trong hệ thống tổ chức, tổ chức hệ thống thông tin một cách khoa học và hiện đại, lựa chọn, sắp xếp và bố trí cán bộ vào các khâu của hệ thống quản lý.
– Điều hành, kiểm soát và giám sát hoạt động kinh tế của doanh nghiệp: sử dụng các phương pháp, phương tiện, công cụ quản lý để vận hành hệ thống tổ chức kinh doanh đã hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu kinh doanh, nhanh chóng phát hiện những khâu yếu để kịp thời khắc phục.
– Chẩn đoán doanh nghiệp: sử dụng các công cụ, phương pháp để phân tích, thẩm định thực trạng kinh doanh và tài chính hiện hành của doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, dự kiến sự biến động về giá cổ phiếu của doanh nghiệp trong tương lai.
Một số thông tin đào tạo
Ngành này được đào tạo tại các trường đại học kinh tế trong cả nước như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh v.v…
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
– Tư duy kinh tế, nhạy cảm với các vấn đề kinh tế, đầu óc chiến lược
– Khả năng phân tích, giải quyết vấn đề bằng phương pháp tư duy logic
– Khả năng tổ chức
– Khả năng diễn đạt
– Thích tìm tòi, nghiên cứu
Ngồi vào hàng ghế này, bạn được phục vụ nước và khăn giấy. Rất có thể công ty sản xuất khăn giấy thơm chỉ xem sản phẩm đó là giấy lau, nhưng biết đâu bạn – người tiêu dùng lại xem nó như một cách thức chăm sóc sức khỏe, một vật trang trí, một vật cứu chữa vết thương tức thì hay một vật để sử dụng trong vẽ tranh.
Những tính năng sử dụng mới cho các sản phẩm sẽ tạo ra thị trường mới. Điều này cho thấy, nếu mở rộng nhận thức của bạn và quan sát mọi thứ với đôi mắt mới, thành công sẽ đến với bạn. Hãy cùng chiêm nghiệm những câu chuyện của Hàng ghế số 1, bạn sẽ thấy điều kì diệu khi bạn hiểu lý thuyết kinh tế và biết đổi mới tư duy.
· Giải đúng bài toán kinh tế bằng lý thuyết chi phí cơ hội
Giả sử bạn có một cửa hàng với diện tích 30m2 ở phố Hàng Đào ngay trung tâm Hà Nội. Nếu bạn giữ cửa hàng đó để tự mình kinh doanh hàng may mặc, dốc hết công sức và thời gian đi lấy hàng, đứng bán hàng, mỗi năm bạn thu được 200 triệu đồng tiền lãi. Ngược lại, nếu cho thuê cửa hàng này thì mỗi năm người thuê sẽ phải trả cho bạn 250 triệu đồng. Như vậy, so với việc bạn tự kinh doanh, số tiền lãi nhờ cho thuê lớn hơn 50 triệu đồng (đó là chưa kể trong thời gian đó bạn có thể đi làm, viết sách, báo hoặc nghiên cứu đầu tư chứng khoán… để kiếm thêm một khoản thu nhập nữa). Phần thu nhập tăng thêm này chính là chi phí cơ hội.
Tư tưởng cơ bản của lý thuyết chi phí cơ hội chỉ rõ trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, nếu bạn thực hiện và hưởng lợi từ hoạt động này, thì sẽ bỏ qua cơ hội thực hiện và hưởng lợi từ hoạt động khác. Còn nếu biết tận dụng cơ hội, khéo tính toán, biết cách tổ chức làm ăn thì sẽ “một vốn bốn lời”, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
· Chưa có ô tô 100% Việt Nam – Rất dễ hiểu!
Bạn luôn mơ ước về những chiếc ô tô 100% Việt Nam, của chính người Việt Nam làm ra để dành cho người Việt Nam? Nhưng các nhà kinh tế học lại chỉ ra rằng tại thời điểm hiện nay, việc chưa có ô tô 100% Việt Nam lại là điều cực kỳ dễ hiểu.
Hoàn toàn không dễ dàng cho các nước mới phát triển như Việt Nam khi phải đầu tư sản xuất máy móc thiết bị đòi hỏi công nghệ cao như ô tô. Phải nhập khẩu nhiều yếu tố đầu vào, lại thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý, nên giá thành sản phẩm có thể đắt gấp đôi so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở các nước công nghiệp phát triển.
Ngược lại, nếu sản xuất rau, trồng bắp cải xanh chẳng hạn, giá thành sản xuất một ki lo gram bắp cải xanh tại Pháp lại đắt gấp hai mươi lần so với bắp cải được sản xuất tại Việt Nam. Lợi thế so sánh đó làm nẩy sinh nhu cầu trao đổi sản phẩm giữa các quốc gia để phát huy lợi thế của từng nước.
Đây chính là nền tảng của sự phát triển ngoại thương. Sau này, David Ricardo, nhà kinh tế học người Anh ở thế kỷ XIX, đã đúc kết và phát triển lợi thế này thành học thuyết lợi thế so sánh.
· Đổi mới tư duy kinh tế – Việt Nam đang đi trên con đường dẫn đến thành công
Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, lắm nắng, nhiều mưa, đất đai màu mỡ, rất phù hợp để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng trong một thời gian dài vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hàng năm cả nước vẫn phải tiếp nhận hoặc nhập khẩu lương thực để thực hiện cân đối lương thực cho các nhu cầu trong toàn quốc.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đặc biệt là đổi mới kinh tế, nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng đã có những khởi sắc, và gần đây là tăng trưởng ổn định với tốc độ cao mà nhiều nước trên thế giới ví đó là “một con hổ mới của Châu Á”.
Sau gần 20 năm, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, không chỉ đảm bảo đủ lương thực cho người dân mà còn xuất khẩu gạo mỗi năm trên dưới bốn triệu tấn. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản khác đạt kim ngạch xuất khẩu khá cao như cao su, cà phê, chè, hoa quả đóng hộp, thuỷ sản v.v…
Thành công đó là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc vận dụng học thuyết kinh tế học thị trường vào đổi mới nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Một số cơ quan nghiên cứu kinh tế
VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG
68 Phan Đình Phùng, Q. Ba Đình, Hà Nội
VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
28 đường Lê Quý Đôn, P.7, Q. 3, Tp. Hồ Chí Minh
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HÀ NỘI
15B Tông Đản, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP
30C Bà Triệu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
VIỆN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI
176 Thái Hà, Q. Đống Đa, Hà Nội