Fixi.vn – Ngày nay, ngành thiết kế nội thất đang được khá nhiều người quan tâm bởi mức sống và yêu cầu của xã hội ngày một cao. Một ngôi nhà không chỉ đơn thuần có chức năng che nắng che mưa mà còn là một tác phẩm nghệ thuật của các nhà thiết kế.
Mục Lục Bài Viết
Ngành thiết kế nội thất là gì?
Ngành thiết kế nội thất là bạn đồng hành thân thiết và cũng là trợ thủ đắc lực của ngành kiến trúc. Một công trình kiến trúc dù có quy mô hoành tráng, hình khối độc đáo và kiểu dáng hiện đại mà người thiết kế nội thất không biết sáng tạo nên một không gian tiện dụng, hài hòa về mặt thẩm mỹ bên trong thì cũng sẽ trở thành một công trình tầm thường.
- Không chỉ trong phạm vi kiến trúc
Bước vào thế kỷ XXI, ngành thiết kế nội thất không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi kiến trúc. Mọi không gian có nhu cầu sinh động, đẹp đẽ, thoải mái đều có thể cần đến tài năng của các nhà trang trí nội thất. Đã có nhiều tàu du lịch được thiết kế các phòng ốc với đầy đủ phương tiện vui chơi sinh hoạt phục vụ cho các chuyến đi chơi thư giãn dài ngày trên biển. Ở lĩnh vực này thì kiến trúc sư công trình đành bó tay, nhưng các “khách sạn nổi” đó không thể thiếu được tài năng của các nhà trang trí nội thất nếu muốn tạo một không gian sinh hoạt giải trí thoải mái cho du khách.
Ở lĩnh vực giao thông đường sắt cũng vậy, dần dần các toa tàu hỏa cũ kỹ, bụi bặm, nóng bức sẽ biến mất, thay thế bằng các toa tàu tiện nghi, thoải mái được chăm chút bằng bàn tay của các ngành thiết kế nội thất, phục vụ yêu cầu ngày càng cao và phong phú của con người.
2. Ngành thiết kế nội thất làm gì?
- Khảo sát hiện trạng
Ngành thiết kế nội thất là phần tiếp nối của kiến trúc công trình. Bởi vậy, việc đo đạc, khảo sát hiện trạng kiến trúc là phần không thể thiếu trong bước khởi động công việc của bạn. Ngay cả đối với công trình mới xây và có bản vẽ thiết kế từ kiến trúc sư công trình, công việc khảo sát đo đạc hiện trạng lại cũng vẫn rất cần thiết, vì có thể đã có một số thay đổi trong quá trình thi công.
- Nghiên cứu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng sử dụng
Một phòng ngủ cho người lớn, từ kích thước trang thiết bị, màu sắc cho đến phong cách… phải khác phòng ngủ trẻ em. Không gian nội thất để cho một em trai hiếu động, cũng phải khác với một bé gái nhẹ nhàng. Đặc biệt, khi bạn thiết kế nội thất cho một nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm v.v…, đối tượng mà bạn cần nghiên cứu không chỉ là người đặt hàng bạn mà còn là những khách hàng trong tương lai của nơi đó – những người mà bạn không thể gặp gỡ hay trực tiếp hỏi han. Lúc này, hiểu biết về xã hội, tâm lý, óc phán đoán của người thiết kế trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của ngành thiết kế nội thất. Tất nhiên, chính khách hàng cũng giúp đỡ bạn bằng các tư vấn cho bạn đối tượng khách mà họ muốn hướng tới là ai, có đặc điểm gì, họ muốn phong cách cửa hàng như thế nào v.v… Ngành thiết kế nội thất cần chú ý đến thông tin khách hàng và phải tìm cách có được những thông tin đó.
- Thiết kế công năng sử dụng
Nội thất không chỉ để nhìn ngắm, mà trước hết phải tiện lợi cho việc sử dụng. Trước khi đi vào giai đoạn tìm ý tưởng hay phong cách thẩm mỹ, nhà thiết kế phải bố trí trang thiết bị công năng (bàn, ghế, giường, tủ …) trên mặt bằng.
Thường thì các kiến trúc sư công trình, trong giai đoạn sơ phác, cũng đã vạch ra một số phương hướng thông qua mặt bằng bố trí bàn ghế. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý và nhà thiết kế nội thất vẫn là người chủ đạo trong công việc bố trí trang thiết bị này.
- Tìm phong cách chủ đạo
Có thể nói phong cách thiết kế là nhân tố chính tác động đến cảm nhận của mọi người khi bước vào không gian nội thất. Đôi khi các nhà thiết kế không cần tìm ý tưởng chủ đề của riêng mình, mà đưa ra các phong cách tiêu biểu như Avant-Garde hay Scadivania …Đi theo một trong số những khuynh hướng này, bạn đã có sẵn một số gợi ý về mặt chi tiết, màu sắc… Từ đó, dựa vào tư duy sáng tạo của mình, bạn sẽ điều chỉnh, phối kết hợp các yếu tố đó lại để đạt được yêu cầu sử dụng.
- Thiết kế màu sắc, vật liệu
Ở giai đoạn này, nhà thiết kế dựa vào ý tưởng chủ đạo và phong cách nội thất, từ đó lựa chọn màu sắc chủ đạo, vật liệu hoàn thiện, ốp lát cho các thành phần cố định. Các kiến thức về bố cục tạo hình, về thẩm mỹ, phối màu sẽ phát huy tác dụng ở giai đoạn này.
Ngoài ra nhà thiết kế phải thông hiểu nhiều chủng loại vật liệu hoàn thiện như sơn, verni, vải bọc, gạch ốp… Bạn phải am tường từ tính năng sử dụng cho đến kỹ thuật thi công lắp đặt và cả giá thành, để chọn lựa vật liệu phù hợp với phong cách và có giá tương ứng với “ngân sách” cho phép của công trình.
Các công ty thiết kế nội thất thường tổ chức một thư viện vật liệu, được tập hợp và cập nhật thường xuyên từ các nhà cung cấp khiến mảng việc này của nhà thiết kế nội thất có phần dễ dàng hơn.
- Thiết kế, lựa chọn trang thiết bị
Công việc thiết kế và bố trí bàn, ghế, tủ… không chỉ phục vụ cho công năng sử dụng mà còn là yếu tố quan trọng để tạo ra phong cách kiến trúc. Bạn có thể chọn lựa các mẫu bàn ghế từ catalog có sẵn do các nhà sản xuất cung cấp nếu phù hợp. Tuy nhiên, đối với một thiết kế nội thất cao cấp, khó có thể tìm được đầy đủ các loại bàn ghế trên thị trường vừa “hợp gu” nhau và hài hòa với ý đồ trang trí của bạn.
Vì thế nhà thiết kế nội thất có khi phải kiêm luôn vai trò thiết kế bàn ghế. Các công ty thiết kế nội thất chuyên nghiệp thường có một bộ phận thiết kế bàn ghế, kết hợp với các xưởng sản xuất để đưa vào công trình các sản phẩm thống nhất về phong cách thẩm mỹ và ý đồ thiết kế.
- Các yếu tố trang trí
Tranh ảnh và hoa là những yếu tố được sử dụng nhiều nhất để tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian nội thất.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mọi thứ mà bạn gặp chung quanh mình đều có thể là một yếu tố trang trí, tô điểm thêm nét duyên dáng cho thiết kế của bạn. Điều quan trọng là nhà thiết kế phải sử dụng khả năng sáng tạo và kiến thức thẩm mỹ của mình, tìm đúng vị trí, kết hợp hài hòa với các thành phần khác, tận dụng các thủ pháp ánh sáng để có thể biến những vật thể tưởng như tầm thường thành nét chấm phá thú vị.
Ngay cả trong khi trang trí, bạn vẫn luôn phải lưu ý rằng mục tiêu chính của không gian nội thất vẫn là công năng sử dụng. Có những khi nhà thiết kế tham lam đưa vào quá nhiều chi tiết trang trí, cuối cùng biến không gian nội thất thành một phòng triển lãm rườm rà, làm mất đi sự thoải mái, thuận tiện cho người sử dụng.
- Thiết kế ánh sáng
Đây là lúc chọn lựa các chủng loại đèn cho công trình và cũng là lúc thể hiện rõ nét thẩm cảm tinh tế của nhà thiết kế. Bạn không chỉ chọn kiểu dáng mà còn cân nhắc đến tính năng kỹ thuật như độ sáng, độ tập trung của góc chiếu… đồng thời quyết định vị trí đặt các nguồn sáng.
Với ba loại nguồn sáng: tự nhiên, nhân tạo và trang trí, nhà thiết kế sẽ phối kết thành nhiều tổ hợp ánh sáng khác nhau để thích hợp với nhiều thời điểm sử dụng trong ngày và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của người sử dụng.
Thiết kế ánh sáng là một kỹ thuật rất tinh tế và nhạy cảm vì ánh sáng sẽ tác động đến màu sắc và bề mặt vật liệu. Cùng một không gian nội thất, khi thay đổi cách chiếu sáng sẽ tạo nên những “không khí” khác hẳn nhau.
Một căn phòng thiết kế thành công sẽ có nhiều biến hóa về ánh sáng: chan hòa ánh sáng tự nhiên và buổi sáng, rực rỡ và sang trọng khi cần tổ chức tiếp khách, lung linh và nhẹ nhàng khi chủ nhân muốn nghe nhạc thư giãn…
- Giám sát thi công
Cũng như kiến trúc sư thiết kế công trình, người thiết kế nội thất cũng phải theo dõi quá trình thi công một cách thường xuyên.
Giới kiến trúc sư công trình thường nói đùa “dân thiết kế nội thất ngồi mát ăn bát vàng”, vì quá trình giám sát thi công luôn diễn ra khi công trình đã hoàn thành cơ bản, ở trong không gian được che chắn, không phải dầm mưa giãi nắng, lội bùn sình như giám sát công trình xây dựng ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, việc giám sát nội thất cũng không đơn giản. Bạn phải chọn lựa, kiểm tra hàng trăm loại vật liệu hoàn thiện để đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn thiết kế và phối hợp hài hòa với nhau. Bạn cũng cần phải giám sát kỹ thuật thi công để đảm bảo các chi tiết trang trí được thực hiện đúng với ý đồ thiết kế của mình.
Ngành trang trí nội thất làm việc ở đâu?
Do nhu cầu xã hội phát triển, ngày càng nhiều các công ty thiết kế nội thất ra đời, và nhu cầu tuyển dụng nhà thiết kế nội thất rất cao. Một số công ty hay văn phòng kiến trúc công trình cũng có bộ phận thiết kế nội thất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hoạt động như một nhà thiết kế độc lập. Tại Mỹ, cứ mười nhà thiết kế nội thất thì có ba người làm việc độc lập.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp, làm việc trong các công ty thiết kế chuyên nghiệp sẽ có một số thuận lợi cơ bản cho bạn. Bạn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những công trình quy mô lớn, vì chủ nhân của các công trình quan trọng ít khi dám giao việc cho các nhà thiết kế đơn lẻ.
Ở các công ty chuyên nghiệp, bạn còn có sự hỗ trợ của các cộng sự, học tập được kinh nghiệm từ những người đi trước và các họa viên sẽ giúp bạn thể hiện ý tưởng của mình nhanh hơn. Ngoài ra các hệ thống thư viện tài liệu, trang thiết bị… của các công ty thiết kế cũng tạo thuận lợi cho bạn trong việc tiếp cận và ứng dụng vật liệu và kỹ thuật mới.
Ngành thiết kế nội thất học ở đâu?
- Học tập trong nước
Nếu muốn học trong nước, bạn có thể tham khảo các địa chỉ đào tạo sau:
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (khoa Kiến trúc – Quy hoạch)…
- Du học tại nước ngoài
Nếu bạn muốn học tập ở nước ngoài, bạn có thể tham khảo tất cả các trường đại học kiến trúc. Các trường này đều có chương trình đào tạo ngành thiết kế nội thất (Interior design course) hoặc các trường dạy thiết kế…
- Interior Architecture andool thuộc Academy of Art University design sch (San Francisco – Mỹ)
- Harrington College of Design (Có chi nhánh và chương trình đào tạo ở các nước Pháp, Mỹ, Anh, Italia, Canada…)
- American Institute of Interior Design
- Interior Design School thuộc London Arts Schools (Luân Đôn – Anh)
- UK Art School: Edinburgh College và Scotland Interior Design Schools (Anh)
- College of Applied Arts (Paris, Nantes, Strasbourg – Pháp)
- Harcum College (Paris – Pháp)
- Accademia Italiana Florence thuộc Florence Design Accademy (Italia)
- Scula Politecnica di Design (Italia)
- Design Institute Australia (Sydney – Australia)
- Escuela de Arte en Espana (Madrid, Barcelona – Tây Ban Nha)
- Interior Design Course thuộc School of Design and Technology (Fachhichschule Wiesbaden – CHLB Đức)
- Singapore Design School (Singapore)
- Interior Design College Course thuộc Design School India (New Delhi, Mumbai, Kolkata, Bangalore… – Ấn Độ)
Để làm trong ngành thiết kế nội thất cần có những tố chất sau:
Kiến thức về mỹ thuật, hội họa
- Đầu tiên bạn cần phải có năng khiếu cũng như kỹ năng về hội họa và nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm của bạn là không gian ba chiều, nên bạn cần trang bị các kiến thức về bố cục, phong cách thẩm mỹ, về màu sắc thậm chí còn nhiều hơn các họa sĩ.
Khả năng sáng tạo
- Là một nghề nghiệp thuộc nhóm nghệ thuật ứng dụng, thiết kế nội thất đòi hỏi bạn một yếu tố quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của mỹ thuật: khả năng sáng tạo. Bước chân vào nghề nghiệp này cũng có nghĩa là bạn sẽ phải đối diện với việc luôn đổi mới chính mình, luôn tư duy sáng tạo.
Kiến thức về xây dựng, kỹ thuật
- Thiết kế nội thất còn là một ngành khoa học kỹ thuật, vì thế các kiến thức liên quan đến kỹ thuật, công nghệ xây dựng cũng là những yêu cầu không thể thiếu, từ điện, nước, kết cấu đến tính năng kỹ thuật của vật liệu xây dựng… Bởi vậy bạn không thể chỉ “lãng mạn trên mây” mà còn phải rất quan tâm tới các yếu tố kỹ thuật và giỏi tính toán.
Kiến thức văn hóa, xã hội
- Thiết kế nội thất là công đoạn cuối cùng để đưa tác phẩm kiến trúc tới người sử dụng, vì thế bạn cần phải trang bị cho mình các kiến thức để có thể hiểu được tâm lý và nhu cầu người sử dụng. Mọi kiến thức văn hóa, xã hội đều ít nhiều ảnh hưởng đến tác phẩm thiết kế nội thất của bạn.
Khả năng giao tiếp, phối hợp
- Họa sĩ có thể làm việc một mình và hoàn thành tác phẩm của họ mà không cần sự hợp tác của người khác. Ngành thiết kế nội thất thì khác hoàn toàn – bạn phải làm việc với kiến trúc sư công trình, các kỹ sư chuyên ngành, các nhà cung cấp vật liệu và ngay cả công nhân thi công hay sản xuất… Vì vậy kỹ năng làm việc cộng tác, giao tiếp và phối hợp với nhiều ngành nghề khác để công việc được triển khai nhịp nhàng, đúng tiến độ và chất lượng cũng cần được bạn rèn luyện.
Tinh thần học hỏi
- Công nghệ xây dựng và vật liệu hoàn thiện mới luôn được tạo ra để đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao. Khả năng tiếp cận và tự cập nhật kiến thức về tính năng của các loại vật liệu, kỹ thuật xây dựng và trang thiết bị mới là cần thiết để bản thiết kế của bạn không bị lạc hậu với thời đại. Nó đòi hỏi bạn phải có tinh thần học hỏi, biết sử dụng các công cụ hỗ trợ để học tập như ngoại ngữ, Internet…
- Bạn nhận ra mình có đam mê không hề nhỏ cho ngành thiết kế nội thất và phân vân không biết làm thế nào để thành công trên con đường sự nghiệp? Hãy cùng đọc những câu chuyện của các nhà thiết kế nổi tiếng tài năng, từ khi còn “chân ướt chân ráo” bước vào nghề để học hỏi từ họ nhé
-
Nate Berkus
-
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Burkus thực tập ngay cho nhà thiết kế thời trang Dominique Aurientis ở Paris và sau đó là cho chuỗi cửa hàng Sotheby’s đồ cổ ở Chicago. Ở tuổi 24, sau khi lấy bằng đại học ngành tiếng pháp và xã hội học ở Chicago, Berkus quyết định sáng lập ra một doanh nghiệp thiết kế của riêng mình, sử dụng những kinh nghiệm về ngành thiết kế nội thất đã tích lũy được. Sau này, Berkus gặt hái được vô số giải thưởng về thiết kế và cũng trở thành khách mời quen thuộc trong chương trình truyền hình nổi tiếng nước Mỹ The Oprah Winfrey Show.
Vicente Wolf
Sinh ra tại Cuba trong một gia đình có truyền thống kinh doanh xây dựng, Wolf đã chuyển đến New York năm 18 tuổi khi chưa tốt nghiệp cấp 3. Trong quãng thời gian đầu của sự nghiệp, ông đã làm rất nhiều công việc khác nhau: quảng cáo, người mẫu, diễn viên… Cho đến khi ông gặp nhà thiết kế Bob Patino, Wolf mới nhận thấy ông thực sự bị cuốn hút vào ngành thiết kế nội thất và quyết định theo đuổi một cách nghiêm túc. Công việc đầu tiên của ông trong ngành là làm việc tại một showroom trưng bày giấy dán tường và đồ khảm trai. Ông đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhặt như quét sàn hay gấp những mẫu giấy…Tên ông đã lọt vào danh sách 10 nhà thiết kế nội thất có ảnh hưởng nhất nước Mỹ của tạp chí Beautiful House.
Tham khảo từ
http://www.architecturaldigest.com/story/vicente-wolf-early-career-design-projects
Một số phong cách trang trí nội thất tiêu biểu
Các phong cách trước thế kỷ XX thường có đặc tính chung là thiếu chi tiết, gờ chỉ, vòm cuốn, trang trí chạm trổ cầu kỳ, và hầu hết được thực hiện thủ công.
Còn những nhà thiết kế nội thất kế kỷ XX, họ đã tạo ra những cuộc cách mạng như thế nào?
- Art Nouveau (Nghệ thuật mới) (1890 – 1910)
Xuất hiện đầu tiên ở Bỉ, trong công trình kiến trúc và nội thất của Vỉctor Horta và Henri van de Velde. Bước vào không gian mang phong cách Art Nouveau, các đường ngang, đường thẳng dường như biến mất, chúng được hòa lẫn vào trong một tổ hợp các đường cong không đối xứng và các bề mặt nhấp nhô. Cầu thang với chi tiết uốn lượn chau chuốt và tỉ mỉ mô phỏng hình dáng nhánh dây leo, dường như biến không gian nội thất thành một quần thể điêu khắc tinh tế và tráng lệ.
- Glassgow (1890 – 1910)
Phong cách này được đặt theo tên của nhà thiết kế người Scotland Charles Rennie Mackintosh. Cộng sự gần gũi của Mackintosh là Margaret McDonald (sau này trở thành vợ ông). Qua nhiều đồ án thiết kế chung, hai người đã khai sinh ra phong cách này.
Sự kết hợp các yếu tố trang trí giữa các hình thức nghiêm ngặt với xúc cảm của ý tưởng, giữa âm với dương, giữa nam với nữ của hai nhà thiết kế này đã tạo nên một phong cách mang ảnh hưởng của quá khứ nhưng lại chuyển hóa thành những tác phẩm thuần khiết độc đáo.
Glassgow được nhận diện bằng các đường nét hình học mạnh mẽ, và sự tương phản đậm nét giữa sáng và tối. Không gian nội thất trong phong cách này đơn giản một cách có chú ý, và có thể mang một ít hơi hướng nữ tính, màu sắc chủ đạo thường chỉ có đen và trắng. Hình dáng phòng không mang đặc trưng riêng, nhưng được kết nối liền mạch với nhau bằng sự sắp xếp bố trí bàn ghế tủ kệ. Glassgow được xem như tín hiệu cho các phong cách hiện đại.
- Avant-garde (Tiên phong) (1903 – 1932)
Bước sang thế kỷ XX, thời kỳ này được xem như sự mở đầu của các phong cách hiện đại trong ngành thiết kế nội thất. Ranh giới giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng bắt đầu được xóa bỏ.
Nền tảng then chốt là các nhà thiết kế đã hiểu ra rằng công nghiệp hóa sẽ làm thay đổi toàn diện quy trình thiết kế.
Nhiều nhóm thiết kế đã thay đổi quan niệm để phù hợp với thời đại mới, trong đó tiêu biểu nhất là Wiener Werkstatte. Wiener Werkstatte với khuynh hướng phủ nhận các thiết kế cầu kỳ như Art Nouveau đã chú trọng đến công năng. Họ thường sử dụng đường nét thẳng, và các cấu kiện mang nhiều kiểu dáng thuần hình học và đơn giản vào thiết kế các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong xưởng sản xuất của mình.
Không gian nội thất của Avant-Garde được xác định bằng đường nét ngang – dọc rõ ràng. Với xu hướng từ bỏ các chi tiết đơn lẻ và cầu kỳ, để tạo sự sang trọng và hoành tráng, phong cách này sử dụng những vật liệu đắt tiền như cẩm thạch, ván sàn bằng gỗ quý, vải nhung…
Không gian nội thất được nhấn mạnh với các màu đen, trắng, đỏ, vàng tươi, xanh đậm. Chi tiết đáng chú ý nhất của trường phái này là thiết kế các vật dụng kim loại như chén bát, lọ hoa, đèn bàn…, chủ yếu sử dụng bạc – chất liệu rẻ tiền và bền hơn vàng có điểm xuyết một số hoa văn, để đưa vào tác phẩm của mình.
- Art Deco (1920 – 1940)
Art Deco được phát triển đầu tiên ở Paris (Pháp), là một trường phái phản ứng lại sự lạm dụng phong cách Art Nouveau trong ngành thiết kế.
Với tiền đề từ phong cách Glassgow, và được truyền cảm hứng từ hình dáng lập thể của phong cách Avant-Garde, Art Deco kết hợp các chi tiết mô phỏng phong cách của Ai Cập cổ đại, châu Phi.
Gần như mọi bề mặt trong không gian nội thất Art Deco đều được trang trí, tường thường bọc vải hay dán giấy chất liệu mịn màng, gấm và nhung được sử dụng để bọc bàn ghế. Sàn gỗ màu đậm được đánh bóng và tô điểm thêm bằng các tấm thảm có màu sắc mạnh mẽ và các hoa văn tỉ lệ lớn.
Hoa văn của vải bọc hoặc giấy dán tường được cách điệu từ các chi tiết thiên nhiên hay từ các đường cong lả lướt, cho ta liên tưởng đến các đường nét tranh trừu tượng. Các đường nét trang trí tạo nên các chi tiết có hiệu ứng ba chiều cũng thường được áp dụng cho các bức vách.
Màu sắc mạnh mẽ như nâu, tím, đen được phối kết rất bất ngờ tạo nên hiệu quả kịch tính, cùng với kiểu dáng độc đáo của bàn ghế, đèn… đóng góp thêm cho không khí sang trọng của phong cách này.
- Mid – century Modern (1945 – 1965)
Phong cách nội thất Midcentury Modern tươi mát, sáng sủa và thân thiện, phản ánh cảm giác lạc quan của thời hậu chiến. Không gian nội thất mở do Frank Lloyd Wright khai sinh, và Ludwig Mies van der Rohe làm thăng hoa, là dấu ấn mạnh mẽ của phong cách tiêu biểu của ngành thiết kế nội thất thời điểm đó.
Ngôn ngữ cơ bản của Midcentury Morden là đơn giản, thẳng thớm, dễ xây dựng, và tường thường được sơn trắng, dù đôi khi được tô điểm thêm bằng các mảng gỗ ấm áp. Các loại gờ chỉ trang trí được sử dụng hạn chế.
Các bức vách ngăn chỉ chia không gian sinh hoạt một cách tương đối chứ không tạo cảm giác cách biệt. Sử dụng kính lùa, và màu sắc rất thiên nhiên để xóa nhòa ranh giới giữa nội và ngoại thất. Bếp được nối kết với phòng ăn và không gian sinh hoạt.
Bàn ghế được bố trí tự do, thoải mái, không lệ thuộc vào tính đối xứng. Thiết kế bàn ghế cũng từ bỏ các chi tiết truyền thống cầu kỳ để đạt phong cách đơn giản và hiện đại bằng vật liệu và công nghệ mới.
- Scandinavia (1950 – 1970)
Gần như cùng thời với thiết kế nghiêng về sử dụng thép – kính của Midcentury Modern ở Mỹ, một phong cách thiết kế hiện đại khác mang khuynh hướng nhân văn cũng đã ra đời ở khu vực Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch…).
Phong cách Scandinavian chú trọng việc đưa một cách tối đa thiên nhiên, ánh sáng vào trong nội thất, gần như chỉ sử dụng vật liệu tự nhiên. Trang trí nội thất cực kỳ đơn giản, mọi loại gờ chỉ và các chi tiết vòm cong của phong cách truyền thống đều bị loại bỏ.
Tường thường được sơn trắng hoặc ốp gỗ màu nhạt, cửa sổ được mở rộng tối đa để đón ánh sáng và khung cảnh từ ngoại thất. Sàn dùng gỗ nhạt màu, và được liên kết thành những mảng dài thay cho cách đan chéo truyền thống.
Đối với bàn ghế, các nhà thiết kế Scandinavian chú trọng đến công năng sử dụng và sự thoải mái hơn là chạy theo thời trang, họ cũng kết nối hài hòa giữa hai khuynh hướng sản xuất kết hợp một số cấu kiện làm thủ công với các cấu kiện sản xuất hàng loạt bằng máy móc, vải bọc cũng đơn giản không hoa văn. Bàn ghế của phong cách này, một thời gian dài đã có một chỗ đứng quan trọng trong các căn hộ chung cư cũng như nhà ngoại ô ở Mỹ.
Đến nay, phong cách Scandinavian được IKEA – một công ty Thụy Điển, chuyển hóa thành phương pháp sản xuất bàn ghế rất kinh tế, và vẫn đang chiếm thị phần khá lớn trong lĩnh vực bàn ghế giá rẻ.
- Italian Modern (1965 – 1980)
Sau thế chiến thứ hai, với nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế vươn lên từ những tàn phá của chiến tranh, và khôi phục hình ảnh đất nước, các nhà thiết kế của Italia phải nỗ lực sử dụng nguồn tài nguyên tối thiểu và đã đạt được hai lĩnh vực – thiết kế bàn ghế và đèn chiếu sáng.
Ở lĩnh vực bàn ghế, đưa ý tưởng sáng tạo vào các loại chất liệu và công nghệ sản xuất mới, các nhà thiết kế đã tạo nên vô số tuyệt tác, độc đáo về kiểu dáng, bàn ghế có thể gấp lại hay xếp chồng lên nhau, có thể mở rộng hay thu nhỏ, có thể đúc hàng loạt từ nhựa tổng hợp, có thể thổi phồng lên được…
Công nghệ đèn chiếu sáng cũng không kém đặc sắc, kích thước bóng đèn nhỏ hẳn, nhưng độ sáng thì tăng tối đa, với nhiều kiểu dáng độc đáo và hiện đại, làm cho đèn không chỉ là vật dụng phục vụ chức năng chiếu sáng, mà thực sự là những tác phẩm nghệ thuật.
Đáng chú ý nhất là các tác phẩm này mang phong cách rất thông minh và hóm hỉnh, màu sắc thường rực rỡ chói lọi, chứ không mang dáng vẻ trịnh trọng.
Nội thất Italian Morden có thể không tiện dụng và chi tiết không được chăm chút, dường như mục tiêu là muốn đập vào mắt người ta bằng các vật thể (bàn, ghế, đèn…) trưng bày trong đó hơn là sự thoải mái.
- Post Modernism (Hậu hiện đại) (1970 – 1990)
Được báo hiệu từ những phá cách của phong cách Italian Modern, Robert Venturi được xem như người mở đầu cho trường phái thiết kế và trang trí Post Modernism.
Ông quan niệm kiến trúc sư hiện đại cần tiếp thu có sáng tạo kiến trúc cổ điển để đưa vào kiến trúc mới như là sự liên kết giữa quá khứ và hiện đại. Phong cách này trộn lẫn ảnh hưởng của phong cách cổ điển, phong trào Pop Art, và một phần của văn hóa hippy.
Pop Art là một xu hướng nghệ thuật thị giác phát triển vào giữa thập niên 1950 ở Anh và cuối thập niên 1950 ở Mỹ. Thuật ngữ Pop Art được cho là do nhà phê bình nghệ thuật người Anh Lawrence Alloway đặt ra trong một tiểu luận có tựa đề Arts and the Mass Media (tạm dịch là Nghệ thuật và Các phương tiện truyền thông đại chúng). Bản thân Lawrence cũng là một người hoạt động tích cực để bảo vệ cho Pop Art.
Pop Art là một trào lưu lớn của thế kỷ XX. Đặc trưng bởi đề tài và những kỹ thuật được lấy từ văn hóa đại chúng như quảng cáo, tranh truyện…, Pop Art cũng như nhạc Pop, luôn hướng tới công chúng rộng rãi.
- Pop: xuất phát từ Popular (đại chúng).
Các nhà thiết kế lấy các chi tiết cột, gờ chỉ, vòm cuốn… của phong cách cổ điển, cách điệu một cách hóm hỉnh (đôi khi kỳ quái đến mức vô lý) để gắn vào kiến trúc nội thất công trình.
Nội thất phong cách Post Modernism sử dụng nhiều chi tiết cổ điển quen thuộc, nhưng được vẽ lại như kiểu biếm họa, như muốn diễn tả sự ngưỡng mộ các giá trị của quá khứ, chứ không cần chú trọng đến độ chuẩn xác của chi tiết.
Bàn ghế cũng được thiết kế với kiểu dáng đầy sáng tạo theo khuynh hướng khiêu khích và giễu cợt, như được thiết kế cho bắt mắt chứ không chú trọng nhiều đến công năng sử dụng.