Ngành thuế là gì?
Ngành thuế hiểu thật đơn giản là ngành triển khai thực hiện hệ thống chính sách thuế .Thuế là khoản đóng góp bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn do pháp luật quy định. Khoản đóng góp này nhằm đảm bảo cho Nhà nước thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ngành thuế với ba chức năng chủ yếu:
– Chức năng tham mưu: nghiên cứu, tham mưu để ban hành chính sách pháp luật thuế đầy đủ và đúng đắn.
– Chức năng hành thu: tổ chức, điều hành quá trình huy động nguồn thu từ thuế vào ngân sách Nhà nước. Đây là chức năng quan trọng, thu hút đông đảo nhân lực trong ngành thuế.
– Chức năng kiểm tra, giám sát: kiểm tra, giảm sát đối tượng nộp thuế và cán bộ thuế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật thuế, các chính sách thuế.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Khi mới vào ngành thuế, bạn sẽ công tác ở các đội, trạm thuế (thuộc chi cục) hoặc các phòng (thuộc cục) và các ban (thuộc Tổng cục). Thường xuyên phải làm việc với các đối tượng nộp thuế, với sổ sách chứng từ, công việc của cán bộ thuế khá căng thẳng và vất vả, đòi hỏi sự tập trung cao.
Ở Việt Nam có 2 hệ thống cơ quan quản lý thuế trực thuộc Bộ Tài chính:
* Hệ thống cơ quan thuế: quản lý thuế nói chung, đồng thời quản lý các hình thức thuế đánh vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh… trong nước.
– Tổng cục Thuế: quản lý về thuế trên phạm vi toàn quốc
– Cục thuế: quản lý về thuế trên địa bàn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
– Chi cục thuế: quản lý về thuế trên địa bàn các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
* Hệ thống cơ quan hải quan: thực hiện các chức năng như quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu; điều tra, chống buôn lậu; đảm bảo an ninh kinh tế; tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế; trực tiếp quản lý thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các sắc thuế đánh vào hàng nhập khẩu.
Tương tự như hệ thống cơ quan thuế, hệ thống cơ quan hải quan cũng bao gồm Tổng cục Hải quan, các cục hải quan, chi cục hải quan các cửa khẩu.
Một số địa chỉ đào tạo
Học viện Tài chính là cơ sở duy nhất hiện nay được phép đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Thuế và ngành Kiểm tra Giám sát Hải quan. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành cán bộ thuế khi tốt nghiệp các trường đại học kinh tế khác như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM v.v…
MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH THUẾ
1. NHÂN VIÊN, KIỂM THU VIÊN THUẾ
Nhân viên, kiểm thu viên thuế chiếm tỉ lệ khá đông trong ngành thuế. Công việc của họ là thực hiện công tác quản lí thu thuế, chủ yếu là đối với các hộ kinh tế cá thể cấp chi cục và một số phòng ở cấp cục.
Yêu cầu về trình độ của kiểm thu viên thuế: tốt nghiệp các trường đại học hoặc cao đẳng thuộc khối ngành kinh tế.
2. CHUYÊN VIÊN, KIỂM SOÁT VIÊN THUẾ
Đảm trách công tác quản lí thuế nói chung, bao gồm quản lí thu thuế, hành chính, tổ chức cán bộ, ấn chỉ thuế, kế hoạch, dự toán, thống kê thuế, tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế. Yêu cầu về trình độ của kiểm soát viên thuế: được đào tạo từ trình độ đại học trở lên.
3. THANH TRA VIÊN THUẾ
Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lí tố tụng về thuế, giúp cho công tác tổ chức quản lí thuế đạt hiệu quả cao, hạn chế sai sót, gian lận. Công việc của thanh tra viên thường vất vả, nhiều thử thách. Họ phải đối mặt với vô vàn thủ đoạn gian lận thuế và cả những mưu đồ dụ dỗ, mua chuộc của nhiều đối tượng nộp thuế nên bản lĩnh nghề nghiệp cao, vững vàng về nghiệp vụ là yêu cầu nhất thiết với người làm công việc này.
4. TƯ VẤN THUẾ
Hệ thống thuế của một quốc gia với các sắc thuế cũng như quy định tương đối phức tạp mà không phải ai cũng hiểu thấu đáo. Là nhà tư vấn thuế, bạn sẽ nghiên cứu những trường hợp cụ thể của người cần tư vấn, từ đó đưa ra những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để họ hiểu rõ và thực hiện tốt nhất nghĩa vụ nộp thuế của mình.
5. ĐẠI LÝ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
Đây là loại hình dịch vụ mới hình thành nhưng đang phát triển khá mạnh tại Việt Nam. Đại lý làm thủ tục hải quan là một đơn vị đứng ra thay mặt người có hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu để thực hiện mọi trách nhiệm của người khai hải quan theo đúng quy định của Luật Hải quan.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
– Khách quan, trung thực nhẫn nại, tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm.
– Chính xác, cẩn thận
– Có kiến thức chung về kinh tế, kiến thức tài chính, kế toán, và kiến thức chuyên ngành về thuế.
– Khả năng sử dụng thành thạo máy tính bởi 70 % thao tác trong ngành thuế Việt Nam hiện nay đã được tin học hoá.
Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình với một câu chuyện về thuế. Qua câu chuyện này, bạn sẽ thấy thuế quan trọng đến mức nào với sự sống còn của một quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Hàng ghế số 1 sẽ đưa bạn trở về khoảng thời gian hơn bảy mươi năm trước để chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Những năm 1929 – 1933, nền kinh tế của các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất và trầm trọng nhất trong lịch sử. Nó bắt đầu nổ ra ở Mỹ (tháng 10 – 1929), sau đó nhanh chóng lan ra như một “bệnh dịch” tới tất cả các nước tư bản và kéo dài đến tận giữa năm 1933.
Năm 1933, nền kinh tế các nước phương Tây đã nhanh chóng bị giảm đi 37% so với trước khủng hoảng. Số công nhân thất nghiệp lên tới mức đỉnh điểm: 50 triệu người.
Chính lúc này, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883 – 1946) đã đưa ra lý thuyết mới, cứu cả nền kinh tế thế giới. Trong lý thuyết của mình, ông nhấn mạnh một công cụ quan trọng: đó là thuế.
Trong khi các nhà kinh tế học khác chán nản: “chẳng thể làm gì được”, “đừng can thiệp”, “nó không hoạt động gì đâu”, v.v… thì Keynes kiên trì với quan điểm mới của mình. Ông cho rằng Nhà nước cần phải can thiệp vào nền kinh tế trong đó thuế và chi tiêu ngân sách là những công cụ cơ bản để Nhà nước quản lý và điều chỉnh, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.
Cụ thể, bằng cách điều chỉnh mức chi tiêu ngân sách và thuế khóa, Nhà nước gây ảnh hưởng lên toàn thể số cầu của xã hội. (Theo Keynes, trong quan hệ với cung, số cầu không đủ gây ra nạn thất nghiệp, còn số cầu quá mức gây ra lạm phát).
Năm 1964, tổng thống Mỹ Lyndon Joshson đã làm đẹp lòng nhân dân bằng cách giảm thuế trong cả nước để tăng sức mua và tạo việc làm. Tổng thống Richard Nixon cũng không tiếc lời khen ngợi: “Lúc này, tất cả chúng ta đều đi theo Keynes”.
Qua câu chuyện nói trên, chắc hẳn bạn không khỏi ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: Thuế là gì và tại sao thuế lại có những vai trò quan trọng như vậy?
Ngay sau đây, các bạn sẽ được giải đáp phần nào các câu hỏi đó. Và bạn cũng hãy lưu ý rằng, chính sách thuế chỉ là chính sách mà thôi nếu nó không có những người triển khai thực hiện. Để thuế có thể đem lại nguồn thu nuôi sống Nhà nước và tác động điều tiết đối với nền kinh tế, cần phải có những người triển khai thực hiện nó, đó chính là ngành thuế và những người làm nghề thuế.
Những sắc thuế kỳ lạ trên thế giới
* Thuế hòa bình
Những người yêu chuộng hoà bình khắp nơi chắc cũng sẵn lòng đóng thuế này nếu như trên thế giới không còn tiếng súng và máu không còn phải chảy. Sắc thuế này hiện đang tồn tại ở Cộng hoà Ghinê – một trong những quốc gia tiến bộ ở châu Phi vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX. Mỗi năm không có chiến tranh ở đất nước này, người dân Ghinê sẵn lòng đóng thuế 70 franc Bỉ, vì đối với họ, sự yên bình là vô giá.
* Thuế râu
Để râu hay không ngày nay chắc chắn là quyền tự quyết của các đấng nam nhi. Một khuôn mặt nhẵn nhụi rất phù hợp với những anh chàng hiền lành, chỉn chu, còn bộ râu phong trần, nam tính lại là lựa chọn của các văn nghệ sĩ hay những người con trai có cá tính mạnh.
Thế nhưng nếu như bạn sống vào thời của vua Pia đệ Nhất ở nước Nga, chắc bạn sẽ phải “hi sinh” bộ râu cá tính của mình, vì để râu đồng nghĩa với đánh thuế.
Những người thuộc giới quý tộc và tiểu thương được “ưu ái” nộp 60 rúp thôi, nhưng nếu bộ râu dài ấy “trực thuộc” một thương nhân giàu có thì ông ta sẽ phải ngậm ngùi chia tay với 100 rúp của mình.
* Thuế đi vệ sinh
Vua Vespasianus là người trị vì La Mã những năm 70 sau Công nguyên đã ra một sắc thuế kỳ quặc đánh vào cả nhu cầu tối thiểu của con người.
Sắc thuế nàyđương nhiên không được nhân dân ủng hộ vì họ thấy thật phi lý và nực cười khi phải mất tiền cho việc tất nhiên này.
* Thuế bụi
Chuyện nàydiễn ra ở Acmênia. Bộ Kinh tế nước này quy định: nếu một gia đình không giữ được gọn gàng, sạch sẽ cho khoảng sân của mình thì sẽ phải trả tiền thuế bụi theo số mét vuông diện tích sân không sạch sẽ.
Vì vậy, để tránh bị phạt tiền, các gia đình thi đua cùng giữ nhà cửa sạch sẽ. Bạn nào chưa biết đến cái chổi là gì thì hãy học tập điều này nhé!
* Thuế bóng
Xuất hiện ở Venezia (Bắc Ý) từ năm 1993. Bạn thường bực mình khi nhìn những ngôi nhà có cái ban công thò ra ngoài đường quá nhiều làm mất mỹ quan đường phố, hay những cửa hàng ăn bày tràn bàn ghế ra đường.
Những vi phạm này mà xuất hiện ở Venezia thì sẽ phải nộp tiền thuế suốt ngày. Vì thuế bóng đánh vào những vật như dù hay màn của các quán cà phê, cửa hàng mà bóng của chúng che xuống tài sản tập thể là… đất đai. Nghiêm khắc như vậy nên ở đây, chuyện lấn chiếm đất công là không tưởng.
* Thuế không con
Là một trong những sắc thuế nổi tiếng nhất Liên Xô cũ, được đưa ra năm 1941 nhằm thu tiền để hỗ trợ cho những bà mẹ nhiều con, giúp họ có điều kiện nuôi dưỡng con cái nên người. Thuế này cũng từng được áp dụng ở Mông Cổ.
Tuy nhiên, hiện nay do dân số thế giới đang bùng nổ, nhất là ở những nước chậm phát triển, thuế này không còn được áp dụng nữa.
Những sắc thuế kỳ lạ khiến bạn có những giây phút thật thú vị phải không? Chúng ta sẽ kết thúc hành trình qua ngành thuế với những câu châm ngôn thật dí dỏm về thuế nhé!
· Châm ngôn về thuế
Sự khác nhau giữa tránh thuế và trốn thuế là độ dày của bức tường nhà tù.
DENIS HEALEY
Cũng như những người mẹ, thuế thường hay sai lầm nhưng rất hiếm khi quên một điều gì.
LORD BRAMWELL
Lời hứa của nhà chính trị ngày hôm qua sẽ là thuế của ngày hôm nay.
W.L. MACKENZIE KING
Đối với thuế mọi đặc quyền đều bất công.
VOLTAIR
Cái chết và thuế đều là điều không thể tránh khỏi nhưng cái chết không đến mỗi năm một lần.
KHUYẾT DANH
Luật thuế thu nhập tạo ra nhiều tội phạm hơn bất cứ đạo luật đơn lẻ nào của chính phủ.
BARRY M. GOLDWATER
Chúng ta không có, chưa bao giờ có và có lẽ không bao giờ có một hệ thống thuế “tự nguyện”.
DONALD C. ALEXANDER