Fixi.vn – Nếu bạn là một người yêu thích trẻ con, có tính kiên nhẫn và vui vẻ, hãy thử xem xét đến việc làm nghề bảo mẫu chuyên nghiệp nhé.
Mục Lục Bài Viết
Bảo mẫu là ai?
Nghề Bảo mẫu cũng là một nghề nghiệp đã được xã hội công nhận. Họ (thường là nữ và tuổi còn khá trẻ) và sẽ là người chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non tới cấp một, hoặc phục vụ tại cá gia đình có nhu cầu, nhất là những lúc cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình không có mặt.
Nghề bảo mẫu làm gì?
Họ phải chăm lo từng ly từng tý cho các em nhỏ, đảm bảo cho các em luôn an toàn và trao đổi với phụ huynh nếu trẻ có biểu hiện bất thường. Mặt khác lương và phụ cấp của nghề này tương đối thấp so với mặt bằng chung. Nếu phục vụ trong các cơ sở giáo dục mầm non, một ngày của họ bắt đầu từ 6h30 sáng. Họ phải có mặt tại trường trước khi học sinh đến lớp để quét dọn, lau chùi. Khi học sinh vào lớp, bảo mẫu tiếp tục lo giặt giũ khăn mặt, mền gối, chuẩn bị bàn ăn cho các em rồi lại phải đảm bảo các em dùng hết bữa ăn, dọn dẹp chén dĩa và cho các em đi ngủ. Mãi đến lúc đó, bảo mẫu mới có cơ hội nghỉ ngơi. Đến buổi chiều, bảo mẫu phải đánh thức các em rồi dọn dẹp chỗ ngủ, chuẩn bị phần ăn xế… Khi phục vụ trong các gia đình, bảo mẫu cũng phải săn sóc toàn diện cho mọi nhu cầu của trẻ từ ăn uống tắm gội, chơi đùa và vệ sinh kèm theo việc giúp trẻ hình thành những kĩ năng cơ bản như tập đi, tập nói… Bảo mẫu cho các em trong tuổi đi học có khi còn phải giúp trẻ làm bài tập, đưa trẻ đến các hoạt động ngoại khóa sau giờ học, hay đi chơi.
Bảo mẫu làm việc ở đâu?
Nghề bảo mẫu có thể làm việc tại các gia đình, các trường mầm non công lập ở huyện, tỉnh – thành phố hoặc các trường mầm non tư thục ở Hà Nội như: mầm non Koolkid, Sóc nâu, Tây Úc, Hoa Sữa…
Trong thập kỷ qua, giáo dục mầm non được thừa nhận rộng rãi là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Điều này giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các chương trình giáo dục mầm non và do đó nó cũng làm gia tăng nhu cầu về người chăm sóc trẻ. Theo ước tính, nhu cầu về giáo viên cho các trường mầm non dự kiến sẽ tăng 14% từ 2012 đến 2022. Ấy là chưa kể đến nhu cầu ngày càng bức thiết của các bậc phụ huynh bận rộn muốn tìm kiếm những bảo mẫu chuyên nghiệp để chăm sóc con cái khi suốt ngày bị công việc quấn thân.
Học nghề bảo mẫu ở đâu?
Ở các trường mầm non, nghề bảo mẫu hay giáo viên mầm non phải đáp ứng yêu cầu về giáo dục và đào tạo, tuỳ theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, làm việc tại một số gia đình chỉ cần biết một chút kinh nghiệm về việc chăm sóc trẻ em và cẩn thận là được.
Ở Việt Nam, một số trường đào tạo như: Đại học Hồng Đức, Đại học sư phạm Hà Nội, Cao đẳng sư phạm Hà Nội…
Muốn trở thành một bảo mẫu, bạn cần có những tố chất sau:
- Kỹ năng giao tiếp. Bảo mẫu phải có khả năng trao đổi hữu hiệu với phụ huynh của trẻ để đảm bảo trẻ được chăn sóc tốt và có không gian phát triển phù hợp. Đồng thời, người bảo mẫu còn phải biết cách nói sao cho trẻ nghe lời hay trả lời những thắc mắc của trẻ.
- Kỹ năng ra quyết định. Phán đoán tốt là cần thiết cho người chăm sóc trẻ để họ có thể đối phó với trường hợp khẩn cấp hoặc tình huống khó khăn.
- Lòng yêu trẻ và sự kiên nhẫn. Khi làm việc với trẻ em, người bảo mẫu có thể gặp phải các tình huống dở khóc dở cười, bị các bậc phụ huynh hiểu lầm hay gặp phải những đứa trẻ ngỗ nghịch. Vì vậy người bảo mẫu rất cần một tấm lòng bao dung, yêu trẻ và tính nhẫn nại để có thể vượt qua những tình huống khó khăn.
- Sức chịu đựng bền bỉ. Do tính chất nặng nề của công việc và bản tính hiếu động của trẻ, Người bảo mẫu cũng cần có sức khỏe tốt nếu muốn trụ vững với nghề.
Ở Việt Nam hiện nay, đây là một nghề ngày càng trở nên phổ biến và có nhu cầu cao, nhất là tại các thành phố lớn. Do số lượng trẻ em vẫn đang tăng, và cuộc sống ngày càng chất lượng hơn cũng như trở nên bận rộn hơn. Nghề bảo mẫu tại gia đình của trẻ hiện đang được cải thiện về điều kiện làm việc, lương bổng và thù lao. Mức lương chung của nghề này tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013-2014 là khoảng 3 triệu đồng đến 8 triệu đồng một tháng, bằng hoặc hơn một số công nhân, viên chức.
Một ngày cuối tháng năm, trong vai trò của một nhiếp ảnh gia tình nguyện, bên cạnh việc ghi lại được những khoảnh khắc hồn nhiên, đáng yêu của các cháu bé, tôi bất ngờ khám phá ra và hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của các cô giáo làm nghề nuôi dạy trẻ.
Tôi có mặt tại trường mầm non Hoa Mai (Cầu Giấy – Hà Nội) từ sáng sớm, lúc chưa đến 7h. Tôi ngạc nhiên khi các cô giáo của trường đã đến được một lúc rồi và đang tất bật dọn dẹp đồ đạc, lau chùi phòng học, giặt giũ khăn lau, đi lấy nước uống… để chuẩn bị đón các cháu vào lớp.
Được biết, ở các trường mầm non công lập, mỗi lớp có đến khoảng bảy mươi cháu nhưng chỉ có ba cô giáo phụ trách. Con số ấy khiến tôi tò mò không hiểu các cô sẽ xoay sở ra sao với bảy mươi cô cậu bé nghịch ngợm trong suốt cả một ngày.
8h sáng, các cháu như đàn “ong vỡ tổ” ùa xuống sân trường tập thể dục, nhưng chỉ sau ít phút, dưới sự quản lý của các cô, khi nhạc thể dục nổi lên là các cháu đã xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị thực hiện những động tác thể dục dưới sự hướng dẫn của các cô.
Khi quay trở lại lớp học, đọc thời khóa biểu hằng ngày trên tường, tôi thật sự “choáng váng” với khối lượng công việc khổng lồ mà các cô đảm nhiệm hằng ngày. Các cô vừa đóng vai trò bảo mẫu, chăm lo các cháu từng bữa ăn, chơi cùng các cháu, dạy các cháu học, lại vừa phải rửa bát, lau chùi, dọn dẹp… Những ngày mất điện, các cô còn chia nhau ra quạt cho các cháu.
Cô Phương (chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn D1) chia sẻ, dù khối lượng công việc hằng ngày lớn, nhưng các cô vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, hội chợ… ngay tại trong lớp học hoặc dưới sân trường.
Cô vừa chuẩn bị đồ ăn vừa tươi cười trò chuyện về các hoạt động của lớp với một sự chân thành. Niềm vui rạng rỡ ánh lên trong đôi mắt cô khi nói đến sự ngộ nghĩnh, ngây thơ và đáng yêu của các cháu. Giọng cô đầy cảm xúc trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt chia phần ăn trưa thành 72 suất đều nhau, vừa hết đồ ăn cũng là lúc cô sắp xong suất cuối cùng. Tôi tò mò hỏi: “Làm thế nào mà cô chia đều thế?” Cô nói: “Chúng em chia nhiều quá quen tay thôi anh ạ!”.
Trong việc chọn lựa nghề, đôi khi sở thích cá nhân không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế cũng là một trong những yếu tố đầu tiên phải tính đến bởi nếu kinh tế eo hẹp sẽ không cho phép cá nhân theo đuổi những ngành nghề dù hợp sở thích nhưng chi phí phải bỏ ra quá cao.
“Làm gì khi trẻ không nghe lời?”, “Làm sao để trẻ nhanh biết tên cô?”, “Làm sao để trẻ chịu ăn đúng bữa?”… Những “bí quyết” tưởng chừng ai cũng biết được lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cô nuôi dạy trẻ – do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức vào chủ nhật hằng tuần – đem ra bàn bạc, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.
Đối với nghề nuôi dạy trẻ, kiến thức lớn nhất chính là kinh nghiệm “lăn lộn” với nghề. Chính vì vậy, các cô bảo mẫu ở đủ mọi lứa tuổi, có người đã chăm trẻ được cả chục năm, có người mới chập chững vào nghề, tìm đến lớp học này để hệ thống hóa những kiến thức nuôi dạy trẻ và cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề.
Kinh nghiệm 10 năm vẫn đi học.
Họ đến lớp để học từ những kiến thức chăm trẻ đơn giản nhất. Mọi tình huống đều được đặt trong trường hợp bạn phải phụ trách một lớp học 20-30 bé, trong đó một nửa là lười ăn và hay nhè. Rồi những tình huống trẻ bị ốm, ứng xử với phụ huynh khó tính, giải quyết một vụ… đánh nhau tập thể trong lớp học. Chị Uyên – cô bảo mẫu ở Bình Tân lớn tuổi nhất lớp học, đã có hơn mười năm trong nghề – chia sẻ những kinh nghiệm “thương đau” khi bị trẻ “tấn công” bằng các ngón đòn cào, cấu, cắn.
Cô bảo mẫu người Nghệ An tên Linh cho rằng: “Nếu trong lớp có hai cô, phải tạo cho trẻ thói quen yêu quý hai cô đều nhau, tránh tình trạng trẻ chỉ quý một cô, nếu cô kia cho ăn thì không chịu”. Những tiết học xoay quanh chuyện vệ sinh cho trẻ, làm cho trẻ thích thú với bữa ăn, gạt bỏ thói xấu của trẻ… với không khí sôi nổi khiến các cô bảo mẫu thường ngày chỉ loay hoay cho ăn, dọn rửa… cũng trở nên hoạt bát, cởi mở đối với những chủ đề mà cô nào cũng quan tâm.