Fixi.vn – Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nghề đạo diễn, tuỳ theo góc độ nhìn nhận về nghề này: từ quan điểm của những người trong nghề, theo cách nói của những nhà lý luận hoặc chỉ đơn thuần theo góc độ khán giả…
Mục Lục Bài Viết
1. Đạo diễn là ai?
Trong phạm vi rộng của từ này, có thể hiểu: Nghề đạo diễn là nghề làm ra một tác phẩm dựa trên những chất liệu có sẵn là: kịch bản, diễn viên, tư liệu thực tế, hiệu ứng kĩ thuật v.v… Tác phẩm của họ có thể bộ phim, vở kịch, vở múa, chương trình truyền hình, buổi biểu diễn ngoài trời, v.v Tất cả đều có đặc điểm chung là: người đạo diễn chính là người chỉ đạo diễn xuất, kiểm soát chung mọi việc, từ khâu đầu đến khâu cuối để tất cả diễn ra hài hoà, đồng điệu, nhịp nhàng theo đúng ý đồ nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhắc đến “đạo diễn”, người ta hay nghĩ nhiều đến đạo diễn phim truyện. Bởi họ chiếm số lượng đông đảo, có tầm ảnh hưởng rộng cũng như có vai trò lớn trong giới đạo diễn. Bài viết dưới đây cũng sẽ tập trung mô tả nghề đạo diễn phim truyện.
2. Đạo diễn làm gì?
Công việc chung của nghề đạo diễn:
Lựa chọn kịch bản: Đạo diễn có thể chọn một kịch bản có sẵn, hoặc làm việc với một nhà biên kịch khác để cùng tạo ra một kịch bản ưng ý, cũng có thể tự viết kịch bản. Đây là chất liệu cơ sở đầu tiên để đạo diễn tạo ra sản phẩm của mình.
Làm việc với nhà sản xuất, quay phim, đạo cụ, phục trang…: Đạo diễn có thể chủ động liên hệ với nhà sản xuất để làm bộ phim mình hằng ấp ủ hoặc được mời để làm một bộ phim theo đơn đặt hàng của nhà sản xuất. Đây là khâu giải quyết vấn đề kinh phí cho bộ phim.
Tuyển diễn viên: Đạo diễn trực tiếp tuyển lựa các diễn viên cho phim của mình qua các buổi casting. Có thể là một ngôi sao điện ảnh, cũng có thể là một người mới chưa ai biết đến. Hơn ai hết, làm nghề đạo diễn biết rõ ai sẽ thích hợp nhất với từng nhân vật trong phim.
Chỉ đạo làm phim: Đây là khâu quan trọng nhất. Với kịch bản, diễn viên, trường quay, đạo cụ cùng đoàn làm phim đông đảo, đạo diễn sẽ chỉ đạo dàn dựng, diễn xuất từng cảnh quay sao cho đạt được ý đồ nghệ thuật cao nhất. Mọi bộ phận đều phải tuân theo sự chỉ đạo của đạo diễn.
Hướng dẫn diễn viên hiểu hơn về động cơ, tình cảm, trạng thái… của nhân vật, thúc đẩy, khuyến khích họ diễn xuất tốt hơn – đôi khi bằng những lởi khuyên, động viên nhẹ nhàng, khi khác lại bằng những tiếng quát tháo – bất cứ thứ gì miễn là công việc “chạy” tốt.
Biên tập hậu kì: Sau khi đã làm việc với toàn bộ đoàn làm phim ở trường quay, đạo diễn cùng với người kĩ thuật dựng phim và biên tập phim sẽ ngồi lại cùng nhau để hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng: tráng phim, chỉnh sửa, sắp xếp lại các cảnh, điều chỉnh màu sắc hình nét, thực hiện các khâu hiệu ứng, kỹ xảo…
Nghề đạo diễn có khá nhiều mảnh đất “dụng võ”. Tuỳ theo sở thích, năng khiếu cũng như “trường phái” tinh thần của bạn, bạn có thể trở thành đạo diễn của nhiều thể loại phim khác nhau như: đạo diễn phim truyện, đạo diễn phim tài liệu, đạo diễn phim hoạt hình, đạo diễn phim truyền hình, đạo diễn sân khấu, đạo diễn chương trình truyền hình, đạo diễn phim quảng cáo…
3. Phân loại đạo diễn
Đạo diễn phim truyền hình
Công việc của một đạo diễn phim truyền hình có phần đơn giản hơn của đạo diễn phim truyện do sự giản tiện về máy móc, quay phim, điều kiện ánh sáng, trường quay…
Tuy nhiên, xét về góc độ tâm sức và đầu tư chất xám, để làm một tác phẩm phim truyền hình thật sự hay, không hẳn làm đạo diễn phim truyền hình đã dễ hơn làm đạo diễn phim truyện nhựa. Nó cũng đòi hỏi người làm nghề đạo diễn phải đào sâu suy nghĩ về cách thể hiện độc đáo, hấp dẫn đông đảo người xem.
Cuộc sống xung quanh bạn, mối quan hệ của chính bạn với gia đình, bạn bè, xã hội, những hiện tượng phổ biến trong xã hội… Tất cả đều có thể trở thành đề tài cho bộ phim truyền hình của bạn. Những bộ phim truyền hình Việt Nam có đề tài thân thuộc và gần gũi như: 12A và 4H, Những người sống quanh tôi, Mẹ chồng tôi, Phía trước là bầu trời, Hoa cỏ may, Đất và người, Người vác tù và hàng tổng, Ban mai xanh… là những phim được nhiều người yêu thích.
Đạo diễn phim tài liệu
Đạo diễn phim tài liệu cần một tư duy khách quan và khoa học. Công việc của họ là ghi lại một cách trung thực nhất những mặt khác nhau của cuộc sống tự nhiên và xã hội…
Nguyên liệu làm phim của đạo diễn phim tài liệu là thực tế, hành trình của họ là hành trình khám phá, sản phẩm của họ là những góc nhìn độc đáo và chân thực về cuộc sống. Người đạo diễn phim tài liệu không chỉ là một đạo diễn làm phim đơn thuần, mà còn mang phẩm chất của một nhà khoa học với tư duy sắc bén, cách tổ chức hợp lý, nhìn nhận vấn đề thấu suốt.
Nguyên tắc cơ bản nhất của phim tài liệu là nhìn một cách sâu sắc vào cuộc sống xung quanh, tìm thấy ở hàng nghìn hiện tượng điều khẳng định, tôn nổi cho ý nghĩa nghệ thuật… Nếu như nhìn thấy cái gì đó thú vị trên đường, nhất định phải quay, không bao giờ được nghĩ rằng còn nhìn thấy như vậy nhiều lần, còn kịp quay nó. Vì vậy, nên sẵn sàng máy quay. Nó không thể ở trong hộp, mà phải luôn ở bên mình, trong tay.
Đạo diễn phim hoạt hình
Trên thực tế, hoạ sĩ phim hoạt hình thường kiêm luôn vai trò của đạo diễn. Họ không chỉ là người tạo ra mô hình nhân vật mà còn là người thổi hồn cho nhân vật. Các nhà sản xuất thường chỉ đảm nhiệm các khâu kỹ thuật và chiến dịch quảng cáo cho đầu ra.
Thế giới của những đạo diễn phim hoạt hình tương đối khác so với các đạo diễn phim truyện hay phim tài liệu, bởi hầu hết mọi thứ trong phim đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, đạo diễn phim vẫn phải nghiên cứu thực tế, lấy cơ sở cho bộ phim của mình. Có những đạo diễn đã mất cả năm trời chỉ để hoàn thành một thước phim hoạt hình dài 5 phút.
Đạo diễn sân khấu
Công việc đạo diễn này có đặc thù riêng về thời gian, địa điểm và quy mô so với các đạo diễn khác. Đạo diễn sân khấu làm việc với các diễn viên trên những sân khấu nhỏ trong các nhà hát, sàn diễn, sàn múa… Mọi ý tưởng được chuyển tải chủ yếu qua cử chỉ, động tác, gương mặt, giọng nói, trang phục của diễn viên. Sẽ có rất ít đạo cụ hỗ trợ.
Đạo diễn sân khấu không có nhiều công cụ để thực hiện các cảnh theo ý muốn vì không gian diễn ra vở diễn của họ hạn chế trong khung sân khấu. Nhưng đó lại chính là điều kiện tuyệt vời để đạo diễn gieo mầm và thăng hoa khả năng tư duy ước lệ của mình.
Đạo diễn chương trình truyền hình, phim quảng cáo
Mỗi chương trình truyền hình bạn xem hàng ngày đều có tổng đạo diễn. Công việc của người đạo diễn chương trình truyền hình hơi khác so với đạo diễn phim thông thường. Họ chủ yếu làm chương trình theo những cấu trúc đã xác định rõ thay vì để cho trí tưởng tượng tung hoành như trong phim hư cấu. Tuy nhiên, họ vẫn cần phải phát huy tính sáng tạo cao để mỗi chương trình có thêm nhiều điểm hấp dẫn khán giả. Sự hấp dẫn đó đến từ việc thực hiện tốt từng khâu nhỏ: người dẫn chương trình, phần phỏng vấn khán giả, thực hiện các phóng sự nhỏ xen kẽ, kĩ thuật trường quay, ánh sáng, âm thanh, khách mời…
Người đạo diễn chương trình truyền hình phải bao quát đầy đủ các bộ phận cấu thành nên cả chương trình, có sự dàn xếp sắp đặt về nhân vật, câu chuyện… nhưng hạn chế tối đa tính hư cấu, mà nghiêng về tính tả thực hơn. Nghề này có liên quan mật thiết đến nghề báo. Trên thực tế, có rất nhiều đạo diễn chương trình truyền hình là nhà báo, hoặc làm công việc gần gũi với báo chí.
Để có những chương trình truyền hình bạn thường xem, người đạo diễn đã phải chuẩn bị trước đó hàng tháng trời. Họ có thể ghi hình trong mỗi đợt (vài ngày đến một tuần) số lượng chương trình đủ dùng cho cả tháng hoặc nhiều hơn thế.
Ngoài ra, cũng có những đạo diễn làm các phim/ đoạn quảng cáo. Đặc trưng cơ bản của công việc này là đặc biệt chú trọng đến hình ảnh, âm thanh ấn tượng. Những đoạn phim đó thường rất ngắn (10 – 30 giây), nên yêu cầu về hình ảnh và âm thanh là rất cao, sao cho nó có thể ghi dấu ấn mạnh nhất vào giác quan và trí nhớ của người xem. Nó phải mang tính khác lạ, nhịp điệu nhanh, hình ảnh sắc nét, âm thanh cuốn hút. Hiện nay, nhiều đạo diễn phim truyện và phim truyền hình vẫn thường tham gia làm phim quảng cáo để tạo nguồn thu, lấy đó làm điều kiện để nuôi dưỡng sự nghiệp điện ảnh của mình.
4. Đạo diễn làm việc ở đâu?
Nghề đạo diễn là một nghề hết sức tự do. Bạn có thể làm việc trong những hãng phim lớn như: Xưởng phim truyện l, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim tài liệu Trung ương, Hãng phim hoạt hình Trung ương, Hãng phim Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Trung ương, Đài Truyền hình địa phương… Hiện nay, có nhiều hãng phim tư nhân được thành lập, mở ra cơ hội thử tài lớn cho các đạo diễn: Hãng phim Phước Sang, Hãng phim Thiên Ngân, Hãng phim Lasta, Hãng phim Ánh Việt…
Khi đã vào nghềđạo diễn, để tạo ra tác phẩm, đạo diễn sẽ:
- Làm việc trong trường quay
Trường quay có thể là nơi đạo diễn gắn bó hàng tháng ròng, tạo ra đủ cảnh hỉ, nộ, ái, ố trong bộ phim của mình. Tuy nhiên, không có nhiều trường quay trên thế giới có thể đáp ứng được nhu cầu bối cảnh. Kinh đô điện ảnh thế giới Hoollywood là nơi có tập trung những trường quay lớn như Universal, Paramount Pictures, 20th Century Fox, DreamWorks… với công nghệ hiện đại.
Cảnh con tàu Titanic lênh đênh trên đại dương trong bộ phim nổi tiếng Titanic, rồi thảm hoạ xảy ra với hàng trăm con người… hoàn toàn được dàn dựng trong trường quay. Sự chìm nổi của con tàu chỉ nằm trong phạm vi trường quay, không hề có đại dương khủng khiếp nào.
Riêng với các đạo diễn chương trình truyền hình, trường quay thường nhỏ hơn với vài trăm ghế ngồi và bục sân khấu cho nhân vật và người dẫn chương trình. Trong không gian đó, đạo diễn chương trình truyền hình phải dàn dựng sao cho mọi thứ thật nhất quán. Với những chương trình trực tiếp, không có cơ hội làm lại. Mỗi sự “lệch pha” giữa các khâu với nhau đều có thể khiến chương trình bị đổ bể hoặc ít nhất là kém hấp dẫn.
- Làm việc tại hiện trường
Nhiều khi trường quay không đủ khả năng đáp ứng với trí tưởng tượng của đạo diễn, và họ lại lên đường để kiếm tìm nơi mà nhân vật của họ sẽ sống, làm việc, thể hiện mình. Khi rong ruổi trên những thảo nguyên bạt gió, khi thám hiểm nơi thâm sơn cùng cốc, có lúc lại rảo bước trên những vùng sa mạc cháy nắng… Đạo diễn là người sẽ đặt chân lên mọi vùng đất để tìm kiếm những bối cảnh thích hợp trong bộ phim của mình. Đạo diễn xuất hiện ở bất cứ địa danh nào mà bộ phim cần cảnh quay.
Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một trường quay đủ lớn để người đạo diễn dựng toàn bộ bối cảnh phim. Do vậy, phần lớn các cảnh quay được thực hiện tại một địa điểm hoặc địa phương nào đó.
- Làm việc trên sân khấu
Đây là nơi làm việc chính của những đạo diễn sân khấu. Mỗi vở diễn có thể từ mười mấy đến vài chục diễn viên. Người đạo diễn sân khấu tạo ra các vở kịch, múa… phục vụ trực tiếp khán giả trong nhà hát.
Ngoài ra, có những chương trình biểu diễn ngoài trời cũng cần có đạo diễn chỉ đạo nghệ thuật chung. Phạm vi sân khấu của họ khi đó có thể là cả quảng trường rộng lớn, với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn diễn viên. Người đạo diễn khi đó phải có con mắt tổng quát để đảm bảo các màn nghệ thuật đồng đều và đẹp mắt.
- Làm việc với máy tính
Đặc biệt là với các đạo diễn làm phim hoạt hình, phim viễn tưởng, kinh dị… hoặc những phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt. Lúc này, đạo diễn cần làm việc với các kĩ thuật viên máy tính để tạo ra những cảnh bằng đồ hoạ, phục vụ cho nội dung phim. Hiện nay, không chỉ phim giả tưởng, mà nhiều phim hiện thực cũng cần đến sự hỗ trợ của các hiệu ứng hình ảnh, kĩ xảo đặc biệt từ vi tính. Cảnh chiến trận, máy bay rơi đi thăng bằng trên dây… đều nhờ đến yếu tố này. Đạo diễn cần phải am hiểu về khả năng đáp ứng của các loại kĩ xảo này để sử dụng một cách hợp lí, đạt hiệu quả trong phim của mình.
5. Học nghề đạo diễn ở đâu?
- Các trường đào tạo chuyên nghiệp
Bạn muốn lựa chọn nghề đạo diễn làm con đường tương lai của mình? Vậy bạn sẽ tìm học nghề này ở đâu và bạn phải bắt đầu như thế nào? Hàng ghế số 7 sẽ đưa ra một số gợi ý cùng bạn.
* Đào tạo trong nước
Hiện nay, chúng ta có hai cơ sở đào tạo ngành đạo diễn chính trong nước là: Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh
Ngoài ra, đối với những người trong nghềđạo diễn, họ còn có cơ hội tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn của các hãng phim truyện, hãng phim truyền hình. Đôi khi có những đợt tập huấn trong vài tháng ở nước ngoài hoặc tại Việt Nam nhưng do một số chuyên gia nước ngoài giảng dạy.
* Du học nước ngoài
Hiện nay, có rất nhiều cơ hội học nghề đạo diễn tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Vấn đề tài chính có thể được giải quyết bằng việc các bạn tìm kiếm học bổng, tài trợ từ các tổ chức hỗ trợ đào tạo điện ảnh của nước ngoài tại Việt Nam, từ các đại sứ quán v.v… Điều kiện tiên quyết là bạn phải có năng lực ngoại ngữ tốt, kế đến là có năng khiếu về ngành này.
Có nhiều trường đại học đào tạo nghề đạo diễn có uy tín trên thế giới như: Trường Đại học Califonia, Đại học Chicago, Viện Cao học nghệ thuật California, Học viện điện ảnh Bắc Kinh, v.v…
- Và cuộc sống là “trường học” quý nhất
Thực tế trong nghề đạo diễn có rất nhiều đạo diễn tài năng không qua bất cứ một trường đào tạo đạo diễn nào cả. Sự học của họ là tự học, tự tìm hiểu, nghiền ngẫm và cảm thấu nghệ thuật.
Trong nền điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh là một người như vậy. Ông vốn dĩ là một phiên dịch viên tiếng Nga, tình cờ được phân công về dịch phim cho Fafilm Việt Nam. Ông có một quá trình dài làm quen với điện ảnh, rồi dấn thân vào nghề lúc nào không hay. Thực ra Đặng Nhật Minh chưa học một trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào, tất cả những gì ông thể hiện trong phim với vai trò là đạo diễn đều là sự tích lũy và trải nghiệm cá nhân.
Đạo diễn Jonh Ford – “cột cái của ngôi đền Hollywood”, một trong những con người đã vĩnh viễn tạc vào lịch sử của điện ảnh, nhân vật đáng khâm phục tạo nên thời đại vàng son của Hollywood, tác giả của 140 bộ phim và chủ nhân của 6 giải Oscar… đã học nghề đạo diễn từ vai trò là công nhân đóng giày đến người làm đạo cụ.
Không ai dạy họ làm đạo diễn cả, nhưng cũng không ai ngăn được họ học nghề đạo diễn. Lý do lớn nhất để họ trở thành đạo diễn tài năng, có lẽ là do chính bản thân họ đã nỗ lực để làm việc cống hiến hết sức mình.
Những hấp dẫn của nghề đạo diễn đang khiến bạn cảm thấy cực kì thích thú? Nhưng trước khi bước chân vào nghề nghiệp này, bạn phải đối diện với một thực tế: Không phải ai cũng có thể trở thành đạo diễn. Như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, nghề nghiệp này đòi hỏi ở bạn nhiều tài năng mang tính bẩm sinh. Vậy bạn cần những gì?
- Trí tưởng tượng cực kì phong phú
Trước tiên, người muốn bước chân vào nghề đạo diễn phải có trí tưởng tượng vô cùng phong phú để hình dung những câu văn mô tả mà nhà biên kịch, nhà văn viết trong kịch bản của mình thành hình ảnh: những câu nói, hành động, cử chỉ, sự việc cụ thể mà qua đó, khán giả có thể hiểu được thông điệp đó.
Đạo diễn Mỹ Steven Spielberg từ nhỏ đã ám ảnh với việc kể chuyện bằng hình ảnh. Năm 16 tuổi có đầu tay, đến năm 21 tuổi, Spielberg kí hợp đồng đầu tiên 7 năm với hãng Universal. Năm 1975, ông làm bộ phim Jaws (Hàm cá mập). Tác phẩm lập tức gây được tiếng vang về sự kì diệu của kĩ xảo điện ảnh và trí tưởng tượng phong phú của đạo diễn.
Và đỉnh cao của nền công nghiệp giải trí Hoa Kì, của những giấc mơ huyền bí của con người đã được Spielberg thực hiện trong bộ phim Jurassic Park (Công việc kỷ Juras) – sự hồi sinh của những con khủng long từ 54 triệu năm trước. Spielberg đã làm thoả mãn trí tưởng tượng bằng những con vật cao 15m, nặng 30 tấn, gấp 5 lần con voi lớn, biết cử động, với phương pháp quay đặc biệt (từng hình một giống như phim hoạt hình) theo 3 chiều: quay ngang, quay chếch và trực tiếp.
- Khả năng hữu hình hóa trí tưởng tượng
Nhưng trí tưởng tượng thôi chưa đủ. Để trở thành một đạo diễn giỏi, người có trí tưởng tượng phong phú cũng phải là người có khả năng hiện thực hóa trí tưởng tượng bằng các sự kiện, hành động. Để biểu hiện những rung động đầu đời của một cô gái quê trong trắng, trong phim The road home, đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã sử dụng chi tiết chiếc bát ăn cơm – chiếc bát đựng món ăn mà cô dồn hết tâm sức để chế biến cho chàng trai, chiếc bát vỡ khi người yêu phải đi xa, rồi chiếc bát được gắn lành, cùng cô chờ đợi mỏi mòn người yêu trở về.
Thế giới nội tâm của con người cực kì phức tạp, và người đạo diễn phải là người đủ nhạy cảm để khám phá, cảm nhận hết những biến thái tinh vi đó trong tâm hồn con người. Sau đó, họ phải thể hiện nó bằng chi tiết cụ thế. Để diễn tả nỗi nhớ da diết, một nhà văn có thể dùng hàng chục trang viết để mô tả. Nhưng đối với một đạo diễn, phải có một hình ảnh, một chi tiết nào đó để thể hiện, chứ hiếm khi có thể dùng lời mà biểu hiện được thành công.
- Có vốn kiến thức tổng hợp
Đạo diễn làm việc với các bộ phim, mà mỗi bộ phim lại có những vấn đề, lĩnh vực tri thức riêng. Do đó, người đạo diễn phải là người có kiến thức tổng hợp. Đạo diễn phải là người thông hiểu vấn đề được đề cập trong phim một cách kĩ lưỡng nhất, mới mong làm được bộ phim hay. Vốn kiến thức của đạo diễn phải phủ rộng vấn đề mà họ muốn nói tới trong phim: từ khoa học công nghệ, môi trường, võ thuật đến luật pháp, tôn giáo, chính trị v.v…
Làm phim về một vùng đất là phải hiểu cả phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, tâm lí, luật pháp, lịch sử, tâm tính… của vùng đất và con người của vùng đất đó. Mỗi chi tiết nhỏ trong phim đều đòi hỏi người đạo diễn phải hiểu biết tường tận, để chi tiết đưa vào được “đắt” mà không bị “non”. Chẳng hạn, để làm một bộ phim về đề tài chợ tình Khâu Vai, đạo diễn phải thông hiểu không chỉ những vấn đề tâm lý, quan niệm mà phải biết rõ cả về luật hôn nhân gia đình áp dụng cho họ, về nếp sinh hoạt của người dân đồng bào dân tộc…
- Nhạy cảm tâm lý
Đạo diễn phải là người có khả năng hiểu biết về tâm lý. Không gì tệ hơn là một đạo diễn không biết nhân vật lẽ ra đang nghĩ gì trong lúc này.
Kĩ năng này được rèn luyện bằng cách đọc nhiều tác phẩm văn học, gần gũi với văn chương, thiên nhiên và tình cảm con người. Nếu muốn trở thành một đạo diễn giỏi, trước hết bạn hãy cố gắng làm một nhà tâm lý giỏi. Tập quan sát phản ứng và diễn biến tâm lý của những người xung quanh trước một sự kiện nhất định, bạn sẽ rèn luyện cho mình tư duy logic về tâm lý học. Điều này rất quan trọng trong việc xử lý tâm lý nhân vật trong quá trình đạo diễn một bộ phim.
Có những lúc, diễn viên không thể nhập thân vào cuộc đời của nhân vật. Đạo diễn chính là người phân tích cho họ hiểu tâm thế của nhân vật trong thời điểm đó như thế nào, anh/cô ta là ai, anh/cô ta đang cảm thấy thế nào v.v…
- Có óc sắp xếp hợp lý
Mỗi bộ phim truyện nhựa có ít nhất hàng ngàn cảnh. Mỗi cảnh lại quay từ 2 – 10 lần, thậm chí là mấy chục lần. Để tổ chức được những cảnh này, tất nhiên đạo diễn có sự giúp việc của đội ngũ thư kí trường quay, nhưng không có trợ lý nào lại đắc lực hơn chính đầu óc tổ chức của đạo diễn đó.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đạo diễn cùng với người dựng phim ráp các cảnh lại với nhau. Óc sắp xếp hợp lý sẽ đưa tới hiệu quả công việc cao cho đạo diễn, giải thoát họ khỏi tình trạng rối như tơ vò trong hàng ngàn, hàng vạn cảnh phim và hàng trăm đầu việc khác.
Câu chuyện từ nước Nhật
Yasujiro Ozu sinh ra trong một gia đình nhỏ tại Tokyo. Cha mẹ ông đều không có thiên hướng nghệ thuật và chỉ muốn con trai mình trở thành một viên chức nhà nước bình thường.
Nhưng thế giới nội tâm của Ozu lại hướng về một xứ sở khác, nơi ông không bị lệ thuộc vào bất cứ ai, bởi bất cứ thứ gì. Đó sẽ là nơi mà ông được bộc lộ cá tính mạnh mẽ của mình, tìm kiếm con đường riêng, dáng nét độc lập.
Ở trường, Ozu bị coi là cậu học sinh quậy phá, nghịch ngợm và ít thầy cô nào ưa. Chỉ có những bộ phim chiếu ở rạp là thu hút đặc biệt sự chú ý và say mê của Ozu.Trước ngưỡng cửa đại học, Ozu hoàn toàn thất bại vì vốn không thuộc kiểu học sinh chăm chỉ làm theo những điều người khác chỉ dạy. Ông chỉ có một tâm niệm: trở thành đạo diễn.
Sau đó, Ozu may mắn được thận làm công nhân phụ quay phim. Công việc của ông chỉ là khuân hòm đựng máy quay đến điểm quay, rồi vác máy ra cho chuyên viên lắp ráp, đem chân máy tới.
Không ai tưởng tượng nổi một đạo diễn đại tài lại bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình bằng công việc thuần chân tay như thế. Nhưng với Ozu, không có gì là không thể. Ông cảm thấy vui sướng vì được tiếp cận với thế giới điện ảnh diệu kì mà bấy lâu ông khao khát.
Ròng rã hàng năm trời, ý chí sắt đá cũng đưa Ozu đến với cơ hội làm phim. Năm 23 tuổi, ông tung ra tác phẩm Sword of Penitence (Lưỡi gươm sắt đá), và cột chặt mình vào điện ảnh cho đến hết đời. Với 60 năm tuổi đời, Ozu đã làm tới hơn 50 tác phẩm điện ảnh. Trong đó có những tác phẩm thuộc hàng kinh điển như: Tokyo story, Late spring, Early Autumn, Floating Weeds, Early Spring, Tea and Rice…
Lúc còn trẻ, Ozu học ngấu nghiến những bài giảng lý thuyết về điện ảnh. Nhưng cá tính sáng tạo của ông lại đòi hỏi tìm ra một cách làm khác. Ông cho rằng: “Điện ảnh không thể và không phải chỉ được “viết” bởi một loại văn phạm nào đó cho dù nó chuẩn mực đến đâu, mà cần thiết phải tìm lấy cho mình một “cách viết”, một loại văn phạm khác phù hợp với văn hoá mà mình đang sống”.
Những bước đi đầu tiên của hình ảnh động và điện ảnh
Năm 1878, cựu thống đốc bang California yêu cầu nhà nhiếp ảnh Eadweard Muybridge (1830 – 1904) tìm ra cách chụp hình ảnh con ngựa đang chạy để nghiên cứu dáng chạy của chúng. Muybridge đặt một hàng 12 chiếc máy ảnh. Các bức ảnh ghi lại các chuyển động trong khoảng 1,5 giây. Rồi ông làm các đèn chiếu lên các hình ảnh chuyển động của con ngựa, những hình ảnh này của ông đã được sao chép một cách khéo léo vào đĩa tròn. Tuy Muybridge không tiếp tục nghiên cứu hình ảnh động nữa nhưng đã góp phần quan trọng cho ngành khoa học này.
Sau rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, máy chiếu phim ra đời. Anh em nhà Lumière đã phát minh ra hệ thống chiếu phim, đặt nền tảng cho cả nền công nghiệp giải trí, thương mại, nghệ thuật trên phạm vi toàn cầu ngày nay: ngành công nghiệp điện ảnh.
Những đạo diễn đầu tiên của ngành điện ảnh chính là người quay phim. Những thước phim đầu tiên ở dạng phim tài liệu, ghi lại cảnh một đoàn tàu vào ga, một cảnh sinh hoạt đời thường. Những đoạn phim có bàn tay đạo diễn rõ rệt hơn là cảnh mọi người nhảy nhót, bơi lội tung tăng trước ống kính máy quay. Dần dần, thể loại phim truyện mới ra đời mà trong đó vai trò của người đạo diễn là vô cùng quan trọng. Họ phải sắp xếp các vai diễn, nhân vật, sự chuyển động, thái độ, tiết chế tình cảm của diễn viên…
Một ngày làm việc của đạo diễn
Một ngày làm việc của đạo diễn có thể vô cùng bận rộn, nhiều khi bắt đầu từ 5 – 6 giờ sáng và kết thúc khi đã quá nửa đêm. Công việc liên quan đến cả một đoàn làm phim, nên đạo diễn luôn phải tiết kiệm từng giây từng phút. Bất kì sự lãng phí nào của đạo diễn cũng có thể nhân lên gấp nhiều lần do kéo theo sự lãng phí cho những người khác nữa.
* Trong thời gian quay phim
Đạo diễn đã có trong tay kịch bản phân cảnh. Họ phải lên sẵn trong đầu một lịch làm việc đặc kín cho ngày hôm sau: phải quay những cảnh gì, quay ở đâu, như thế nào. Song đạo diễn lại khó có thể chủ động được cảnh đó quay trong bao lâu thì xong, vì nó còn phụ thuộc vào năng lực diễn xuất của diễn viên và yếu tố địa hình, thời tiết. Có thể có những ngày đạo diễn gặt hái được hàng chục cảnh quay, nhưng cũng có những cảnh quay phải thực hiện ròng rã trong nhiều ngày mới xong. Thậm chí, có cả những khi cảnh quay không thực hiện được, đạo diễn phải cho đóng máy để chờ hôm khác.
Đặc biệt ở những nước chưa có ngành công nghiệp điện ảnh tiên tiến như nước ta, hầu như trường quay không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của đoàn làm phim. Muốn có cảnh đêm, ngày, sáng, tối, bão lụt trên sông, dưới biển… phải nhờ vào điều kiện tự nhiên. Do vậy, đạo diễn phải biết sắp xếp linh hoạt để tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho cả đoàn làm phim.
* Tiền kì và hậu kì
Nhưng không phải lúc nào đạo diễn cũng làm việc bên cạnh cả đoàn làm phim. Quá trình lao động trước và sau khi thực hiện quay cảnh (tiền kì và hậu kì) cho bộ phim cũng là một quá trình vất vả, thầm lặng.
Trước khi cầm được kịch bản phân cảnh trong tay, đạo diễn đã phải trải qua khoảng thời gian vất vả để tìm kiếm được ý tưởng, nhà biên kịch hoặc tự triển khai viết kịch bản. Sau đó là việc tuyển diễn viên phù hợp với vai diễn, khảo sát và chọn bối cảnh quay… Có hàng ngàn công việc không tên mà đạo diễn phải tự làm. Dù có một bộ máy giúp việc hỗ trợ, nhưng đạo diễn luôn phải biết cách đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn.
Giai đoạn chuẩn bị trước khi làm phim này chiếm quỹ thời gian lớn của đạo diễn, có khi từ khoảng một đến vài năm, thậm chí lâu hơn.
Giai đoạn sau khi quay phim là lúc đạo diễn phải ngồi cùng kĩ thuật viên dựng hình để dựng lại bộ phim theo trình tự chính xác, tạo các hiệu ứng, kỹ xảo, in tráng phim theo đúng ý đồ nghệ thuật trước đó… Hiện nay tại nước ta chưa có đủ các điều kiện kĩ thuật để làm hậu kì tốt nên sau khi quay phim, nhiều đạo diễn phải mang phim đã quay được ra nước ngoài (Thái Lan, Hongkong, Nhật, Pháp, Mĩ, Hàn Quốc…) làm hậu kì.
Nói chung, cuộc sống của một đạo diễn năng động và có tài hiếm khi được rảnh rỗi. Các dự án làm phim liên miên sẽ kéo cuộc sống của anh ta theo guồng quay bận bịu – vất vả, nhưng hạnh phúc – vinh quang.
Riêng đối với đạo diễn sân khấu và đạo diễn chương trình truyền hình, công việc dẫu tất bật, nhưng không thường xuyên chịu áp lực thời gian căng thẳng như đạo diễn phim.
Đạo diễn sân khấu, cùng với các diễn viên, sử dụng sân khấu cố định trong nhà hát và một số đạo cụ để thực hiện tác phẩm nghệ thuật. Không đòi hỏi di chuyển, họ có quỹ thời gian nhiều hơn, áp lực công việc cũng bớt đè nặng.
Đạo diễn chương trình truyền hình chỉ đạo thực hiện các chương trình theo cấu trúc chương trình có sẵn. Thường trong mỗi đợt ghi hình, họ phải làm từ 3 – 5 chương trình/một ngày. Cường độ làm việc đối với họ lúc đó cũng rất lớn. Bắt đầu ngày làm việc lúc 8 giờ sáng, nhưng kết thúc lúc 2 giờ đêm là chuyện bình thường. Bởi vì chương trình hôm nay không thể bỏ dở để mai quay tiếp. Cùng các nhân vật, người dẫn chương trình gặm bánh mì ngay trên sân khấu để thực hiện nốt các cảnh quay diễn ra rất thường xuyên.
Đạo diễn chương trình truyền hình có những nỗi vất vả riêng. Nhiều khi họ phải tới những địa phương xa để thực hiện các chương trình, phóng sự đặc biệt. Mặt khác, tần số phát sóng dày, khung giờ nghiêm ngặt. Người đạo diễn chương trình truyền hình không có bất kì lý do nào để trì hoãn không hoàn thiện chương trình trước giờ phát sóng. Họ buộc phải có chương trình vào đúng giờ qui định. Điều này khác với đạo diễn phim và đạo diễn sân khấu.