Fixi.vn – Bạn đã bao giờ từng thắc mắc học Đại học Dược xong ra trường sẽ làm gì? Có phải chỉ đứng bán thuốc sau quầy? Công việc của những dược sĩ là gì vậy?
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan nghề dược
Hiểu một cách đơn giản, nghề dược là nghề liên quan đến dược phẩm (thuốc), gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu, sản xuất, lưu thông phân phối, đảm bảo chất lượng, quản lý dược, hướng dẫn sử dụng thuốc cho mọi người. Dược học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau, nhưng chủ yếu và cơ bản nhất là hoá học và sinh học.
Đa phần các công việc trong ngành dược khá nhẹ nhàng, dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm hoặc quầy thuốc, ít phải đi lại. Tuy nhiên, cũng như trong ngành y, công việc trong ngành dược đòi hỏi chính xác cao độ. Sự nhầm lẫn trong bất cứ giai đoạn nào đều rất nguy hiểm cho người sử dụng thuốc. Việc nghiên cứu, sản xuất thuốc đòi hỏi thời gian lâu dài.
Thế kỷ XXI, ngành dược phát triển rất mạnh. Tại Việt Nam, đây cũng là một nghề đầy triển vọng. Tới năm 2010, nước ta phấn đấu tặng gấp khoảng 2 lần dược sĩ so với hiện nay. Do số trường đào tạo nghề dược ở nước ta không nhiều nên bạn sẽ tránh được việc cạnh tranh quá gắt gao. Thu nhập trung bình của dược tương đối cao.
2. Học dược ra trường làm gì?
Không ít người nghĩ rằng làm nghề dược nghĩa là trở thành dược sĩ tại các quầy thuốc… Thực ra, phạm vi hoạt động của nghề dược rộng lớn hơn nhiều. Tùy thuộc vào trình độ, sở thích, năng lực… bạn có thể tham gia các lĩnh vực dược khác nhau.
Ở nước ta, cùng sự phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới, lĩnh vực hoạt động của ngành dược đang ngày càng được mở rộng, tham gia thường xuyên và tích cực hơn vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
- Công nhân dược
Công nhân dược làm việc tại các quy trình sản xuất ra các loại dược phẩm trong nhà máy, xí nghiệp dược phẩm. Đây là lao động kỹ thuật hoặc giản đơn trong dây chuyền sản xuất, cung ứng vật tư. Công nhân dược thường được tổ chức đào tạo tại xí nghiệp theo yêu cầu riêng của các đơn vị sản xuất.
Công nhân dược làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy dược phẩm; lao động kỹ thuật hoặc giản đơn trong dây chuyền sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị…
- Dược tá
Sau khi tốt nghiệp lớp học dược tá do Sở y tế địa phương mở, bạn sẽ được cấp bằng dược tá. Lúc này, bạn có thể làm việc trong các xí nghiệp như công nhân, bán thuốc ở quầy thuốc, giúp việc cho các dược sĩ, cấp thuốc ở khoa dược trong bệnh viện.
Làm việc trong các xí nghiệp như công nhân, bán thuốc ở quầy thuốc, giúp việc cho dược sĩ, cấp thuốc ở khoa dược trong bệnh viện…
- Dược sĩ trung học
Dược sĩ trung học được phép tham gia làm việc ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của ngành dược với vai trò trợ lý của dược sĩ đại học.
Hiện nay, nước ta vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu nhân lực trong ngành dược nên ở một số địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa, dược sĩ trung học được ủy nhiệm vai trò của dược sĩ đại học. Những dược sĩ trung học này thường được giao giữ vị trí chủ nhiệm quầy thuốc huyện, phụ trách khoa dược của trung tâm y tế huyện…
Khởi đầu từ một dược sĩ trung học, bạn hoàn toàn có thể tự học hỏi, rèn luyện kiến thức. Và chẳng có gì ngăn cản bạn nỗ lực vượt qua kì thi tuyển để vào học hệ đại học không chính quy, trở thành dược sĩ đại học.
- Dược sĩ đại học
Được đào tạo về ngành dược tại các trường Đại học chính quy, dược sĩ có kiến thức đầy đủ về dược học như: chuyển hoá thuốc trong cơ thể, những phản ứng bất lợi của thuốc, tương tác qua lại giữa các loại thuốc, công thức phối hợp thuốc để tạo hiệu quả chữa bệnh tối ưu và an toàn nhất cho người dùng…
Họ có thể tham gia vào tất cả các lĩnh vực của ngành dược như: quản lý nhà nước về ngành dược, nghiên cứu dược phẩm, sản xuất, lưu thông phân phối thuốc, giảng dạy tại các trường Đại học, trung học y dược v.v… Bởi vậy, địa chỉ làm việc của những dược sĩ rất rộng với nhiều công tác chuyên môn khác nhau trong phòng nghiên cứu của các nhà máy, xí nghiệp dược phẩm, các bệnh viện, trường Đại học, cao đẳng v.v…
Với tấm bằng dược sĩ đại học, bạn có thể tham gia vào toàn bộ thế giới rộng lớn của ngành dược. Khả năng lựa chọn công việc của bạn rất phong phú. Dưới đây là một số lĩnh vực chủ yếu:
- Quản lý Nhà nước về Dược
Làm việc trong lĩnh vục quản lý Nhà nước về dược, nghĩa là bạn đang chịu trách nhiệm quản lý sự vận hành của cả hệ thống ngành dược của đất nước. Ngoài kiến thức chuyên môn trong ngành dược, bạn còn cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác, tuỳ vào từng vị trí cụ thể
- Nghiên cứu dược phẩm
Bạn còn nhớ câu chuyện về cuộc chiến chống lại bệnh bạch hầu chứ? Nếu bạn say mê hoá học và sinh học, luôn muốn làm nên những điều kỳ diệu và có ích để chăm sóc tốt hơn sức khoẻ cộng đồng, nghiên cứu dược phẩm sẽ là lĩnh vực rất tốt để bạn cống hiến sức lực và trí tuệ.
Chỉ cần điểm qua một vài lĩnh vực nghiên cứu thôi cũng đủ thấy bạn có rất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp:Bào chế: từ nguyên liệu làm thành chế phẩm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng.
-
- Nghiên cứu tác dụng của thuốc mới: tác dụng dược lý, sinh hóa, độc tính…
- Động dược học (nghiên cứu sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc trong cơ thể…).
- Sinh dược học (nghiên cứu ảnh hưởng của những yếu tố trong con người đến tác dụng của thuốc)..
- ĐIều chế thuốc
Và còn rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn khác.
- Sản xuất thuốc (Đông dược, Tân dược)
Muốn đến được với mọi người, thuốc trước hết cần phải được sản xuất ra. Ngày nay, việc nghiên cứu và sản xuất thuốc tại Việt Nam, làm ra những viên thuốc mang nhãn hiệu “made in Việt Nam”, hợp với túi tiền người dân nước ta đang ngày càng được quan tâm đầu tư.
- Phân phối lưu thông thuốc
Phân phối, lưu thông thuốc cũng là “khâu” thiết yếu để đưa thuốc đến với tất cả mọi người trong xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Quy trình phân phối thuốc hiện nay được thực hiện từ Trung ương đến địa phương và tới từng người bệnh. Nếu bạn có một chút “máu kinh doanh”, có lẽ lĩnh vực này sẽ hấp dẫn bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, trong nghề thuốc, là một dược sĩ chân chính, y đức luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, là một dược sĩ đại học, bạn có thể quan tâm đến những công việc cũng đầy tiềm năng khác như:Quản lý, cung cấp thuốc cho khoa lâm sàng ở bệnh viện.
-
- Tham gia cùng bác sĩ kê đơn thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh (còn gọi là dược lâm sàng).
- Pha chế thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Quảng cáo, tiếp thị thuốc.
- Giảng dạy trong các trường đại học, trung học dược, y.
- Làm việc ở một số tổ chức trong nước và quốc tế về dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
- Kiểm nghiệm chất lượng thuốc
3. Nghề dược làm việc ở đâu?
Thuốc gắn chặt với đời sống, vì thế, là dược sĩ, bạn có thể phát triển sự nghiệp ở khắp mọi nơi: trong các phòng quản lý nghiệp vụ, viện nghiên cứu, bệnh viện, công ty, xí nghiệp dược phẩm, các trung tâm, tổ chức chăm sóc sức khỏe… hay chính nhà thuốc tư nhân của mình.
Tốt nghiệp ngành dược, tuỳ vào trình độ và năng lực, bạn có thể làm ở những nơi sau:
- Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Dược:
Tham gia vào lĩnh vực quản lý Nhà nước về dược, ở tuyến Trung ương, bạn có thể làm việc tại Cục Quản lý Dược, Vụ Khoa học và Đào tạo… của Bộ Y tế. Còn ở địa phương, bạn sẽ tìm thấy vị trí của mình tại các phòng nghiệp vụ dược, phòng quản lý ngành nghề y dược tư nhân, các trung tâm y tế huyện…
- Trong lĩnh vực nghiên cứu:
Tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu dược, bạn sẽ làm việc tại các viện nghiên cứu như viện Dược liệu, Viện Kiểm nghiệm, Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Y học Cổ truyền, các trường đại học… Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc ở các phòng nghiên cứu trong công ty, xí nghiệp dược phẩm.
- Trong lĩnh vực sản xuất thuốc:
Lĩnh vực sản xuất thuốc mở ra khả năng lựa chọn tiềm tàng cho bạn.
Sản xuất thuốc chủ yếu nằm ở khu vực Nhà nước, tuy nhiên, cũng có một số công ty tư nhân. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm việc tại các công ty dược phẩm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông thuốc:
Với điều kiện nước ta hiện nay, đây vẫn là lĩnh vực hoạt động mạnh mẽ của các dược sĩ. Bạn có thể tham gia vào bất kì “mắt xích” nào trong hệ thống phân phối thuốc từ trung ương tới địa phương.
Tuyến Trung ương: Tổng Công ty Dược Việt Nam, các công ty dược phẩm, công ty dược liệu.
Ở địa phương: các công ty dược phẩm tỉnh công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân dược, các hiệu thuốc, nhà thuốc tư nhân.
Hoặc bạn có thể làm việc tại chính hiệu thuốc do bạn làm chủ cũng như các công ty dược nước ngoài đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam.
- Trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng thuốc:
Kiểm nghiệm chất lượng thuốc là một mảng rất đáng để bạn quan tâm trong ngành dược. Bạn có thể làm việc tại Viện kiểm nghiệm trung ương, các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, phòng kiểm nghiệm của xí nghiệp, công ty…
- Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực dược:
Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực dược, tuỳ vào khả năng và trình độ, bạn có thể tham gia giảng dạy, công tác tại các trường trực thuộc Bộ Y tế nhưTrường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y – Dược Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y… Hoặc một số trường trung học y, dược ở địa phương: Hà Nội, Sơn La, Hải Dương…
4. Học nghề dược ở đâu?
Ở nước ta, công tác đào tạo y dược đã có lịch sử gần một trăm năm và phát triển tương đối toàn diện.
Bạn có thể học để trở thành dược sĩ tại Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y, Trường Đại học Y (Đại học Huế), Trường Đại học Y – Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y (Đại học Thái Nguyên)…
Tuy nhiên, cánh cửa vào đại học không phải mở ra cho bất kỳ ai, đặc biệt là ngành dược thường vốn có điểm tuyển rất cao. Vì vậy, nếu tự cảm thấy bản thân còn nhiều e ngại, sao bạn không lượng sức và đăng ký vào các trường trung học dược như Trung học Dược Hải Dương (trung ương), trung học y ở một số địa phương (có đào tạo dược sĩ trung học)…
Một điều kiện thuận lợi là sau khi tốt nghiệp trung học dược, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục học lên những trình độ cao hơn.
Từ năm 2004, Trường Đại học Dược Hà Nội mở thêm lớp đào tạo dược sĩ trung học.
Trở thành dược tá tương đối đơn giản. Bạn có thể đăng ký vào khóa đào tạo dược tá do Sở Y tế tại địa phương của mình mở. Các lớp học này không có kế hoạch định kỳ mà tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương.
Ngay cả khi bạn đã trở thành một dược sĩ, việc học tập, không ngừng nâng cao trình độ vẫn rất quan trọng.
Dù bạn làm việc ở mảng nào của ngành dược, bạn luôn phải cập nhật những thông tin mới nhất của dược học thế giới và trong nước. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và nỗ lực không ngừng của nhân loại, mỗi ngày trôi qua lại có những phát hiện, phát minh mới về thuốc trên hành trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Bạn có năng lực, thiên hướng về khoa học tự nhiên, đặc biệt là hóa học và sinh học
Tân dược chủ yếu có nguồn gốc từ hóa chất. Từ sản phẩm hóa dầu, các nhà nghiên cứu tổng hợp thành những sản phẩm trung gian, từ đó chế ra thuốc. Mỗi loại thuốc được sàng lọc từ hàng ngàn chất hóa học nên bạn không thể không có một kiến thức hóa học sâu rộng và phong phú. Ngoài ra, những nghiên cứu này còn đòi hỏi bạn phải có tư duy lôgic để dự đoán và có bàn tay khéo léo, thực nghiệm có độ chính xác cao. Mặt khác, trong hầu hết công việc sản xuất, kiểm nghiệm thuốc… đều cần kiến thức sâu về hoá học.
Bên cạnh đó, thuốc dùng cho con người – một thực thể sinh vật. Khi thuốc vào cơ thể các yếu tố cơ thể làm thay đổi thuốc và sự thay đổi ở các bộ phận khác nhau là khác nhau. Vì thế, với dược sĩ kiến thức về sinh học là rất cần thiết.Không chỉ vậy, sinh vật còn là nguồn cung cấp dược phẩm. Thuốc làm từ cây cỏ, động vật, ngày càng được ứng dụng nhiều trong trị bệnh bởi độ an toàn cao hơn thuốc có nguồn gốc hóa chất.
Cùng với hoá học và sinh học, trong nghề được năng lực trong những khoa học khác cũng rất quan trọng. Vì vậy, khi lựa chọn nghề này, bạn cần tự rèn luyện vốn kiến thức khoa học tổng hợp.
Bạn là người kiên trì, cẩn thận và ngăn nắp
Tính kiên trì, nhẫn nại rất cần với nghề dược vì đây là công việc đòi hỏi tính chính xác cao, thời gian lâu dài. Trong bào chế thuốc, để đảm bảo chế phẩm thuốc có hiệu lực điều trị cao cần nhiều công đoạn nghiên cứu và thực hiện chính xác, tỉ mỉ về nhiều lĩnh vực như động dược học (hấp thu, phân bố, thải trừ), sinh dược học (ảnh hưởng của cơ thể đến thuốc).
Tính gọn gàng, ngăn nắp giúp cho các thao tác hợp lý, nhanh chóng, giảm thiểu nhầm lẫn. Nhầm lẫn là điều cấm kỵ trong nghề dược, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người, dẫn tới hậu quả khó lường.
Bạn ham đọc sách và thích khám phá
Xu hướng chung của ngành dược thế giới là nghiên cứu không ngừng các dược phẩm mới với mục đích cải thiện các đặc điểm như tạo ra hiệu quả điều trị cao, an toàn, tính đặc trị, tiện dụng, hương vị dễ chịu, tuổi thọ cao, gọn nhẹ…. Trong khi đó, vi khuẩn và virus luôn có xu hướng biến đổi linh hoạt, chống lại tác dụng của thuốc nên các căn bệnh nhiễm trùng luôn cần thay đổi thuốc. Bởi vậy, các nhà khoa học thường xuyên phải nghiên cứu, tìm loại thuốc diệt vi khuẩn mới. Nhu cầu và khả năng về thuốc mới là vô hạn, đặt ra yêu cầu ham học hỏi, say mê khám phá ở người dược sĩ chân chính.
Muốn khám phá, trước hết bạn phải có kiến thức. Dược sĩ cần đọc sách đề định hướng nghiên cứu, thực hiện công việc với thời gian ngắn nhưng hiệu quả. Ví dụ năm 1929, Fleming phát hiện tình cờ ra Penicilin – thuốc kháng sinh, tạo nên cuộc cách mạng trong y học. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải cái ngẫu nhiên bình thường mà là cái tình cờ của nhà bác học, là kết quả của một quá trình không ngừng tìm kiếm và phấn đấu.
Ngay cả khi bạn không chọn công việc nghiên cứu mà muốn trở thành một nhà phân phối thuốc, bạn cần biết cách giới thiệu thuốc, cho lời khuyên với người dùng. Ỡ Việt Nam hiện nay có tới mười nghìn biệt dược và liên tục có thuốc mới được nhập vào.
Bạn có đầu óc kinh doanh
Phẩm chất trên đặc biệt thích hợp nếu bạn chọn lĩnh vực sản xuất hoặc kinh doanh phân phối thuốc. Công việc này đòi hỏi bạn phải nhạy cảm, biết nắm thời cơ, năm được nhu cầu thuốc khi bệnh phát sinh, quy luật phát sinh bệnh. Ví dụ như mùa hè dễ bị lỵ, tiêu chảy…; mùa đông dễ viêm phế quản, hen phế quản; mùa xuân dễ bị viêm khớp, sởi…
Bạn giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là vốn từ chuyên ngành phong phú
Trong quá trình học tập, việc bạn phải tiếp xúc với tài liệu nước ngoài chưa qua chuyển dịch là thường xuyên. Chính vì vậy, bạn buộc phải có vốn ngoại ngữ phong phú để nhanh chóng tiếp thu những thành tựu y dược học mới của thế giới. Tiếng Anh và tiếng Pháp là những ngôn ngữ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới, sẽ rất thuận lợi cho bạn trong việc tiếp cận nền y học phương Tây hiện đại. Ngoài ra, học tiếng Trung cũng là một sự lựa chọn rất tốt nếu bạn quan tâm đến y dược học cổ truyền.
Bạn có hoài bão nghề nghiệp
Cũng như những nghề khác, nghề dược có những thách thức và gian nan riêng. Trừ những trường hợp may mắn ngẫu nhiên vốn rất ít xảy ra, bạn sẽ chỉ có thể vượt qua những gian nan ấy để đi đến thành công với niềm đam mê và hoài bão lớn như chủ doanh nghiệp dược, nhà khoa học dược, nhà quản lý dược…
Cuộc chiến với bệnh bạch hầu
Châu Âu thế kỷ XIX, bệnh bạch hầu thường được mô tả dưới dạng thần chết, tay cầm lưỡi hái gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp mọi nơi. Điều nguy hiểm là triệu chứng của bạch hầu ban đầu thường đơn giản như cảm lạnh, rất khó nhận ra. Người bệnh chỉ bị sốt, nhức đầu và viêm họng.
Nhiều nghiên cứu đã thất bại nhưng các thầy thuốc vẫn ngày đêm ráng sức tìm ra thuốc chống lại căn bệnh nan y này. Năm 1894, hiệu lực của kháng độc tố bạch hầu được công bố. Tia hy vọng mới mở ra làm xôn xao ngành dược thế giới. Các dược sĩ ở cả châu Âu và châu Mỹ đều dồn sức theo đuổi việc đưa phát minh mới này vào ứng dụng sản xuất.
Những lí do để bạn chọn ngành dược
- Cơ hội việc làm phong phú và thu nhập cao
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhu cầu về dược sĩ, dược tá, công nhân dược… rất lớn và không ngừng tăng. Hiện nay, nước ta mới có khoảng 0,8 dược sĩ/10.000 dân, tỷ lệ thấp so với thế giới. Chúng ta đang phấn đấu tới năm 2010 đạt 1,5 dược sĩ/10.000 dân, tức là tăng gấp 2 lần số dược sĩ trong vòng 5năm. Đó là chưa kể tới lương dược sĩ cần để bù vào số lượng dược sĩ về hưu tương đối lớn trong những năm tới.
Các hãng thuốc của nhiều quốc gia đang thâm nhập vào thị trường nước ta kèm theo nhu cầu tuyển dụng, tạo ra cơ hội lựa chọn phong phú cho bạn. Làm việc tại đó giúp bạn có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ về dược phẩm và công nghệ trong ngành dược thế giới, đặc biệt là về phương pháp tiếp cận khách hàng (marketing).
Khác với một số ngành như kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin… số trường đào tạo nghề dược ở nước ta không nhiều, chỉ tiêu đào tạo lại ít. Bạn sẽ tránh được việc phải cạnh tranh quá gắt gao. Trên thế giới, các dược sĩ luôn có đồng lương đáng ghen tị còn tại Việt Nam, thu nhập trung bình của dược sĩ cũng có thể khiến bạn hài lòng. Theo quy chế hiện nay, bạn có thể làm ngoài giờ ở các nhà thuốc tư nhân để tăng thu nhập.
Tất nhiên, nghề nào cũng vậy, cơ hội việc làm và mức thu nhập phụ thuộc vào trình độ, năng lực, sự nhạy bén… của bản thân bạn.
- Một nghề rất linh hoạt
Trái với một số quan niệm thông thường về nghề dược, nếu bạn là một người ưa sự mới mẻ, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy nhàm chán trong nghề nghiệp này. Bởi phạm vi hoạt động nghề dược rất rộng và linh hoạt. Nếu cảm thấy đã chán với một lĩnh vực nào đó, bạn có thể tiến sang lĩnh vực khác. Trên thực tế, không ít dược sĩ làm nhiều công việc một lúc. Họ vừa tham gia nghiên cứu thuốc, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo ngành dược, vừa làm việc trong bệnh viện (dược lâm sàng)…
- Bạn có nhiều cơ hội để khẳng định mình
Những căn bệnh nan y, những bệnh mới xuất hiện… vẫn luôn là bài toán khó với ngành dược toàn thế giới, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các dược sĩ và bác sĩ.
Riêng tại Việt Nam, nhu cầu hiện đại hóa ngành dược đang đặt ra cấp thiết, mà khả năng của chúng ta còn nhiều hạn chế. Vì thế, nghề dược luôn là một khoảng trống có thể khai thác tốt, đồng thời cũng là cơ hội tiềm tàng để bạn khẳng định tài năng và tâm huyết của mình. Đặc biệt lĩnh vực dược liệu – đông dược vẫn còn rất “hoang sơ” chờ bạn khai phá.
- Phát triển khả năng kinh doanh
Nếu bạn có đầu óc làm kinh tế, bạn hoàn toàn có thể phát triển khả năng đó trong ngành dược. Bạn được phép mở nhà thuốc tư nhân sau 1 vài năm làm việc. Bạn cũng có thể tham gia công việc kinh doanh ở các công ty, xí nghiệp dược trong và ngoài nước.
Kinh doanh dược phẩm ít đối thủ cạnh tranh hơn nghề khác vì nó đòi hỏi sự am hiểu về thị trường thuốc trong nước và trên thế giới. Ngoài lợi nhuận, chữ “tâm” trong kinh doanh dược phẩm rất quan trọng, bởi công việc bạn đang làm liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người.
Những vị danh y có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng nền y dược học nước ta:
Chu Văn An, dưới thời Trần Dụ Tông (1391) là một danh nho nổi tiếng đồng thời là cũng một danh y. Ông biên soạn cuốn “Y học yếu giải tập chú di biên”, thâu tóm nguyên nhân của bệnh, phân tích cơ chế bệnh lý với phương pháp chẩn đoán và biện chứng luận trị. Ông đã có y thức tổ chức, lập bệnh án và phổ biến kinh nghiệm sau khi tổng kết chữa khỏi trên 700 bệnh nhân. Ông là người đã lưu tâm nghiên cứu để xây dựng cơ bản cho nền y học của nước ta.
Tuệ Tĩnh: Năm 22 tuổi ông thi đậu Thái Học (Tiến sĩ) dưới triều Trần Dụ Tông, không ra làm quan. Ông ở chùa đi tu nhưng có mục đích làm từ thiện và chữa bệnh giúp dân. Năm 55 tuổi (1385) ông bị bắt đi sang sứ nhà Minh, ở Trung Quốc. Tuệ Tĩnh chữa cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong là “Đại y thiền sư”. Tuệ Tĩnh đã để lại 2 tác phẩm có giá trị là “Hồng Nghĩa giác tự y thư” và “Nam Dược thần hiệu”. Tư tưởng chỉ đạo của Tuệ Tĩnh về đường hướng y học là “Nam dược trị Nam nhân” nghĩa là dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Nam Việt.
Hải Thượng Lãn Ông: Sau mấy chục năm đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu sâu rộng kinh điển Trung y kết hợp với y học dân tộc cổ truyền, ông biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Việt Nam “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” 28 tập, 66 quyển. Trước tác của ông chẳng những dùng để giảng dạy y học mà còn phục vụ trị bệnh cho nhân dân đương thời. Đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông đã phát huy chủ trương “Dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam” của Tuệ Tĩnh, sưu tầm nhiều vị thuốc mới, phát hiện và nghiên cứu trên lâm sàng, tổng hợp thêm nhiều phương thuốc gia truyền công hiệu, nghiên cứu và phổ biến cho nhân dân để mọi người tự chữa các bệnh thông thường với cây nhà lá vườn sẵn có. Từ cách mạng tháng 8 đến nay, nhà nước ta rất quan tâm đến việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân dân ta đã tận dụng nguồn dược liệu ở địa phương để bào chế ra thuốc men, tự túc được một phần quan trọng trong nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Nhiều tài liệu về cây thuốc được biên soạn, đặc biệt cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi , hiện nay đã tái bản lần thứ 7. Cuốn sách này không những có giá trị trong nước mà cả nước ngoài. Nhiều cơ sở và tổ chức y dược học cổ truyền được thành lập như Viện nghiên cứu đông y, Viện y dược học dân tộc, Viện dược liệu Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam…