[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20180411023847if_/https://www.youtube.com/embed/1Ulb8CgJ2-c?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Fixi.vn – Kế toán đang là một nghề hot được nhiều người săn đón, vì càng có nhiều doanh nghiệp mở ra, nhu cầu kế toán càng tăng cao. Vậy họ là ai và công việc của họ là gì?
Mục Lục Bài Viết
1. Nghề kế toán là gì?
Kế toán là một nghề đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi nhỏ (ở từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp) cho tới quản lý ở phạm vi lớn hơn (toàn bộ nền kinh tế quốc dân) đều cần đến kế toán.
“Kế” ở đây có nghĩa là việc liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức. “Toán” có nghĩa tính toán, tức là tính ra các kết quả lao động mà con người đã đạt được.
Vậy kế toán có thể được hiểu một cách đơn giản là: công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức: một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cửa hàng tư nhân…
Có thể chia kế toán thành hai loại:
– Kế toán công: được tiến hành ở những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy doanh lợi làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước…
– kế toán doanh nghiệp: được tiến hành ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.
2. Nghề kế toán làm gì?
Công việc của nhân viên kế toán là ghi chép, hệ thống hoá, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị, giúp nhà quản lý điều hành và quản lý hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị cũng như đề ra các quyết định quản lý kinh tế.
Hàng ngày ở các doanh nghiệp hay bất kỳ một tổ chức, cơ quan nào cũng có biết bao nhiêu hoạt động được thực hiện. Trong đó, các hoạt động kinh tế, tài chính chiếm một phần quan trọng, chẳng hạn như: thu tiền bán hàng, nhập kho số nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, trả tiền mua số nguyên vật liệu đã mua đó; ngày cuối tháng thì phải trả lương cho công nhân viên, xác định số tiền lãi hay lỗ của tháng này…
Các nhân viên kế toán ghi chép lại tất cả những hoạt động kinh tế, tài chính đó để báo cáo cho nhà quản lý (giám đốc, chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị…).
Tựu trung lại, là một nhân viên kế toán, công việc hàng ngày của bạn là Thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh ở đơn vị vào chứng từ kế toán bao gồm:
Thống kê chứng từ kế toán
Ở mỗi đơn vị, ví dụ trong một doanh nghiệp có nhiều bộ phận khác nhau như: Phòng kinh doanh, bộ phận bán hàng, bộ phận vật tư… Các bộ phận này luôn thực hiện các hoạt động kinh tế, tài chính theo chức năng đã quy định. Mỗi hoạt động đó sẽ được ghi chép lại trong các giấy tờ mà kế toán gọi là chứng từ như phiếu thu, phiếu chi tiền mặt, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hoá đơn bán hàng… Các chứng từ này sẽ được chuyển cho nhân viên kế toán xử lý.
Ghi sổ kế toán
Sổ kế toán của đơn vị dùng để ghi chép tổng hợp các thông tin về tất cả các hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị. Ở mỗi đơn vị có nhiều sổ kế toán, mỗi sổ kế toán được sử dụng để ghi chép khác nhau.
Trên cơ sở các chứng từ thu thập được, nhân viên kế toán tiến hành phân loại, tổng hợp để ghi vào các sổ kế toán một cách chính xác.
Tổng hợp làm báo cáo
Như bạn đã biết, công việc của nhân viên kế toán nhằm mục đích cuối cùng là cung cấp thông tin cho lãnh đạo đơn vị, trên cơ sở đó lãnh đạo đơn vị có thể đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp nhằm thúc đẩy đơn vị ngày càng lớn mạnh.
Để thực hiện mục đích này, hàng tháng, hàng quý, năm, nhân viên kế toán phải tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán đã ghi chép, lập thành các báo cáo gửi tới lãnh đạo đơn vị.
Thậm chí ở những đơn vị yêu cầu thông tin phải cập nhật thường xuyên thì kế toán phải làm báo cáo hàng ngày.
3. Nghề kế toán làm việc ở đâu?
Bạn sẽ làm việc tại bộ phận kế toán của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, công ty… thường được gọi là Phòng Tài vụ hay Phòng Tài chính kế toán, Ban Tài chính kế toán…
Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp ở bất kì lĩnh vực nào trong xã hội đều phải tiến hành công tác kế toán. (Điều này đã được quy định rõ trong Luật Kế toán nước ta).
4. Học nghề kế toán ở đâu?
Hầu hết các trường thuộc khối kinh tế đều đào tạo nghề kế toán.
Bạn có thể học ở Học Viện Tài Chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học Viện Ngân Hàng, Trường Đại học Thương mại, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Quốc Gia TP. HCM…
Tại đây, bạn sẽ học khoảng 2 năm để được trang bị những kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính, pháp luật. Sau đó, bạn sẽ được học các môn học của chuyên ngành kế toán. Bên cạnh đó, nếu không có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể đăng ký học tại các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế…
Nếu bạn có tham vọng đi du học kế toán ở nước ngoài hoặc muốn tìm hiểu xem ngành này trên thế giới như thế nào, bạn có thể và ghé qua các trang web về nghề kế toán như:
http://www.webketoan.com
http://www.ifac.org
http://www.webcpa.com
http://www.cpafinder.com
http://www.newaccountantusa.com
http://www.saleswìgwam.co.uk
http://www.hvtc.edu.vn/bmkt
- Kiến thức chuyên môn
Kế toán là một nghề chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp, song công việc chủ yếu là làm việc với các con số.
Muốn trở thành một nhân viên kế toán giỏi giang, ngay từ bây giờ, khi bạn đang còn học trong trường phổ thông, bạn nên cố gắng học tốt các môn tự nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng môn toán (công việc chủ yếu của bạn là tính toán mà). Nếu có thể, bạn nên tập tính nhẩm thật tốt mà không cần phải dùng tới máy tính.
Công việc kế toán gắn liền với các hoạt động kinh tế, tài chính, mà các hoạt động này diễn ra ngày càng đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ. Vì vậy, ngay từ lúc này, bạn hãy tập quan sát chúng trong cuộc sống hàng ngày. Có thể bạn sẽ không hiểu nhiều, nhưng bạn đừng lo, những điều bạn chưa hiểu sẽ được giải đáp khi bạn tham gia đào tạo để trở thành nhân viên kế toán.
- Khả năng ngoại ngữ
Hòa cùng sự phát triển của nền kinh tế hội nhập thế giới mạnh mẽ, cũng như bao nghề khác, nghề kế toán đòi hỏi người làm phải biết ngoại ngữ, nhất là những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh.
Điều này là yêu cầu bắt buộc nếu bạn làm việc ở các công ty liên doanh hoặc những công ty có quan hệ làm ăn với nước ngoài. Nghề kế toán liên quan chặt chẽ tới những điều luật về kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Khi đó, bạn sẽ phải tìm hiểu thật tỉ mỉ về pháp luật, hệ thống chuẩn mực của nước đối tác cũng như tự nâng cao vốn ngoại ngữ của mình.
- Kiến thức về tin học
Trong xã hội hiện đại, khi mà công nghệ thông tin đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống thì các nhân viên kế toán sử dụng công cụ máy tính với các phần mềm trợ giúp để công việc kế toán bớt vất vả hơn và quan trọng là nâng cao hiệu quả.
Để trở thành một nhân viên kế toán hiện đại và năng động, sao bạn không tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tin học ngay từ bây giờ?
- Trung thực
Đã có người ví công việc của nhân viên kế toán giống như công việc của một “người chép sử”. So sánh ấy quả kỳ lạ nhưng không hẳn không có lý. Bạn là nhân viên kế toán – người tạo niềm tin, và để tạo được niềm tin đó thì những thông tin mà bạn đem lại phải trung thực, đáng tin cậy.
Trung thực ở đây có nghĩa là những thông tin phải phản ánh đúng nội dung của hoạt động kinh tế phát sinh. Chỉ những thông tin như vậy mới giúp ích cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, khách hàng cũng như chính doanh nghiệp.
- Khách quan
Nếu bạn là “quan chép sử”, tất nhiên bạn phải thật khách quan rồi. Vì “người chép sử không làm ra lịch sử nhưng quyết không cho lịch sử bước qua đầu”. Bạn không thể vì yêu quý vị vua này mà thiên vị, không viết ra những việc không tốt mà ông ta đã làm.
Nhân viên kế toán cũng vậy, luôn phải tuyệt đối khách quan trước những hoạt động kinh tế trong đơn vị mình. Một nhân viên kế toán thực thụ luôn hiểu rằng sự thiếu khách quan của mình sẽ làm hại chính cơ quan, tổ chức và cuối cùng là hại chính mình.
- Chính xác
Đây là một trong những phẩm chất cần thiết hàng đầu, quan trọng của người làm kế toán. Là nhân viên kế toán, hàng ngày, bạn phải đối mặt với vô vàn con số. Mỗi con số gắn với một nghiệp vụ khác nhau. Công việc lại đòi hỏi bạn phải chính xác trong từng ghi chép, trong từng phép tính.
Nhân dân ta vẫn có câu “sai một li, đi một dặm”. Đúc kết ấy rất đúng với công việc kế toán. Chỉ cần bạn mắc phải một lỗi ở đâu đó thì sẽ kéo theo sai hệ thống, và công việc tìm kiếm lỗi sai sẽ tiêu tốn không biết bao thời gian, có khi còn làm bạn lỡ đi những cơ hội kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn.
- Chăm chỉ, cẩn thận
Đức tính này nghề nào cũng cần có nhưng khi bạn là một nhân viên kế toán thì dường như yêu cầu trên được đòi hỏi nhiều hơn. Bạn làm việc chỉ với 10 con số (từ 0 đến 9), nhưng đấy lại là 10 con số “biến hoá” nên “cẩn tắc vô áy náy” còn là cách mà bạn tôn trọng công việc của chính mình.
Thiếu tố chất này, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được giấc mơ của nhân viên kế toán tin cậy trong lòng mọi người.
- Năng động, sáng tạo
Bạn đừng nghĩ rằng nhân viên kế toán ngồi một chỗ làm việc thì sẽ “không phải năng động” nhé!
Những công việc bạn làm hàng ngày có thể giống nhau nhưng những nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì không vậy. Là một nhân viên kế toán chuyên nghiệp, bạn sẽ không chỉ quan tâm đến các sự kiện kinh tế, tài chính xảy ra với doanh nghiệp mình mà còn cả thông tin về đối thủ, những thay đổi của nền kinh tế, xu hướng diễn biến tương lai.
Sự nhạy bén của bạn trước dòng chảy thông tin kinh tế, tài chính đầy biến động sẽ giúp bạn không phải lúng túng trước những biến động. Đồng thời, nó cũng có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp của bạn “đi trước một bước” trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng gay gắt.
- Khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp
Như bạn đã biết, công việc mà kế toán phải làm khá nhiều: thu thập chứng từ, ghi sổ và lên báo cáo… Những công việc này đòi hỏi khả năng quan sát để phản ứng kịp thời với những sự việc phát sinh, từ đó phân tích, tổng hợp chúng một cách hợp lý.
- Có tính độc lập cao trong công việc, đồng thời phải có tin thần tập thể
Thông thường khi làm một nhân viên kế toán, bạn sẽ chuyên vào một lĩnh vực nhất định: kế toán tiền mặt, kế toán vật tư, kế toán chi phí giá thành… Và như vậy bạn sẽ phải làm việc một mình trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Bạn sẽ là người tự giải quyết các vấn đề có liên quan đến phần việc của mình.
Song điều đó không có nghĩa là bạn dửng dưng và không liên quan gì với công việc của người khác. Bạn là một cá thể trong tập thể, là một nhân viên kế toán trong hệ thống kế toán của đơn vị, vậy nên “tinh thần đồng đội” cũng rất được đề cao ở đây đấy.
- Khả năng diễn đạt
Ngoài việc tính toán ghi chép các số liệu, bạn sẽ là người thuyết trình trước các nhà lãnh đạo, trước những nhân viên nơi mình làm việc về “sức khoẻ”- tình hình tài chính của đơn vị, là người sẽ đưa ra những tư vấn cho các nhà quản trị. Để lời nói của bạn là những “lời nói vàng” thì khả năng diễn đạt là không thể thiếu.
Diễn đạt tốt trong kế toán là ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, mạch lạc và chính xác. Vì thế, bạn đừng nhầm khả năng này với kiểu nói “hoa hoè hoa sói”, hay ví von nhé.
- Khả năng chịu đựng áp lực công việc
Ngày ngày nhân viên kế toán đối mặt với lượng lớn các thông tin kinh tế, tài chính, phải tập trung xử lý hàng loạt các nghiệp vụ sao cho chính xác và hợp lý. Nên cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong những ngày đầu làm việc, những con số ám ảnh bạn đến mức ngay khi ngủ bạn cũng mơ thấy chúng.
- Yêu thích những con số
Là nhân viên kế toán, bạn làm việc với các con số ngày này qua ngày khác. Bạn cảm thấy hạnh phúc khi “sắp xếp” chúng vào đúng nơi, làm cho chúng có giá trị, và biến chúng trở thành những con số “biết nói” với những người quan tâm.
Sự cố gắng không thể thay thế được niềm đam mê. Vì vậy, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn đến với nghề kế toán mà không đam mê những con số.
Chiếc máy tính của Pascal
Blaise Pascal là nhà khoa học, triết gia đầy tài năng của nước Pháp và thế giới. Ông chính là tác giả của chiếc máy tính cơ học đầu tiên, đồng thời là người đưa ra nhiều học thuyết khoa học nổi tiếng, trong đó có định luật Pascal và lý thuyết xác suất.
Do cha là một người say mê toán học nên Pascal thường xuyên được tiếp xúc với giới trí thức cao cấp của Paris lúc bấy giờ. Cũng như cha, ngay từ nhỏ, cậu bé Pascal sớm nảy sinh tình yêu đối với toán học.
Mặc dù ham mê toán, nhưng vì muốn con chuyên tâm vào tiếng Latinh và Hy Lạp, nên ông Etienne đã sưu tầm sách về khoa học và toán học, vì vậy, cậu bé Pascal phải tiếp cận toán học theo cách riêng của mình.
Cha của Pascal là một nhân viên kế toán. Với mong muốn giúp cha bớt cực nhọc trong việc tính toán các con số, Pascal đã nảy ra ý tưởng phát minh một công cụ giúp cho việc tính toán nhanh hơn, chính xác hơn. Đó chính là ý tưởng đầu tiên về máy tính điện tử giờ đây đã trở nên vô cùng thân quen và tiện ích.
Lược sử kế toán
Nghề kế toán có lịch sử lâu dài gắn liền với lịch sử của nền văn minh nhân loại và là một trong những nghề có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của xã hội loài người.
Thời xa xưa, con người chỉ biết sống dựa vào thiên nhiên bằng cách hái quả trên cây hay săn bắt thú rừng. Nhưng càng ngày, những thứ có sẵn trong thiên nhiên ấy càng khan hiếm, trong khi loài người thì cứ sinh sôi nảy nở nhiều lên.
Để có thể duy trì được cuộc sống, con người đã biết trồng các loại cây lương thực, thuần hoá và nuôi thú rừng để làm thức ăn dự trữ khi cần. Trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi ấy, con người quan sát, ghi chép lại những hao phí lao động đã bỏ ra và kết quả lao động đạt được để so sánh, đánh giá xem trồng cây gì, nuôi con gì và vào khi nào là mang lại nhiều lợi ích nhất.
Việc thường xuyên phải quan sát, tính toán, đo lường và ghi chép của con người đối với các hoạt động trong quá trình sản xuất đã trở nên không thể thiếu. Công việc đó chính là dạng thức sơ khai của kế toán.
Khi sản xuất phát triển, của cải làm ra nhiều hơn, làm xuất hiện nhu cầu trao đổi các vật phẩm của những người sản xuất với nhau. Lúc đó, tiền tệ ra đời để thực hiện chức năng môi giới trao đổi.
Sự xuất hiện của tiền tệ cung cấp cho con người một thước đo mới để đo lường tất cả các của cải vật chất và từ đó có thể tổng hợp được chúng. Các bạn hãy tưởng tượng 10 kg thóc không thể cộng với 1 con bò, nhưng nếu quy ra 10 kg thóc và l con bò đó ra tiền, thì có thể cộng với nhau.
Từ đây, kế toán xuất hiện với những dấu hiệu như bảng chữ nêm bằng đất sét về tiền, vay nợ…
Tuy nhiên, người ta chỉ coi kế toán là một khoa học khi một người Italia có tên là Luca Pacioli trình bày cách ghi kép (bút toán kép) trong kế toán vào năm 1494. Đây là một phát minh vĩ đại trong quá trình phát triển của kế toán. Nhiều nhà bác học cùng thời đã coi phát minh này ngang hàng với việc phát kiến ra chân lý “trái đất quay xung quanh mặt trời” của Galilê.
Với cách ghi kép, kế toán đã được sử dụng rộng rãi trong các nhà thờ, trang trại, đồn điền, công xưởng… ở khắp các nước châu Âu.
Kế toán cũng đã đóng góp tích cực vào sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở châu Âu.
Cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào những nhà phát minh, các chủ hãng kinh doanh, không phải là kế toán. Nhưng những công ty của họ có thể tồn tại và phát triển nếu không có kế toán – một nghề mang tính chuyên nghiệp? Những hãng lớn, đặc biệt là đường sắt đòi hỏi những thông tin mang tính chính xác và hữu ích từ thị trường vốn. Điều này chỉ có những nhân viên kế toán chuyên nghiệp mới đáp ứng được.
Sang thế kỷ XIX, XX, sự phát triển của nền sản xuất đã thúc đẩy sự phát triển của kế toán. Ngược lại, kế toán đã trở thành một công cụ quản lý hữu hiệu không thể thiếu của nhà quản lý. Ở Mỹ, sự phát triển của kế toán chi phí đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của những tập đoàn khổng lồ.
Máy vi tính xuất hiện tạo nên nhiều biến chuyển tích cực. Từ năm 1950, những nỗ lực lớn nhằm tự động hoá thực hành kế toán đã tiếp tục thúc đẩy kế toán phát triển.
Hiện nay, toàn cầu hoá đang xâm nhập vào mọi hệ thống, người ta bắt đầu cho rằng sẽ có một hệ kế toán khác thay thế cho bút toán kép. Và tất nhiên vai trò của kế toán cũng sẽ được nâng lên cùng với những thành tựu công nghệ thông tin.
Nghề kế toán tại Việt Nam
Lịch sử phát triển nghề kế toán Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Nghề kế toán không chỉ là một nghề nghiệp độc lập mà còn là một loại dịch vụ kinh doanh đang hội nhập với quốc tế và khu vực trong thời kỳ đổi mới.
* Giai đoạn khởi đầu của kế toán Việt Nam
Trong những năm chống thực dân Pháp, các cơ sở kinh tế nhà nước là những công xưởng và tổ chức kinh tế nhỏ bé ở hậu phương, do đó kế toán chủ yếu là ghi chép thu chi ngân sách sơ khai.
Đến năm 1948 lần đầu tiên, Bộ Tài chính ban hành Thể lệ thu chi và kế toán đại cương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo Nghị định số 1535 do Bộ trưởng Lê Văn Hiến ký. Hòa bình lập lại, hoạt động kinh tế và yêu cầu quản lý mới đặt ra trước mắt những đòi hỏi phải có hệ thống chế độ kế toán đầy đủ và đồng bộ.
Ngày 11 – 10 – 1956, Vụ Chế độ Kế toán được thành lập. Ngay sau đó, hai chế độ kế toán cơ bản là Chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp và Chế độ kế toán kiến thiết cơ bản đã được ban hành vào năm 1957.
Bộ máy kế toán và quản lý kế toán ở các ngành, các cấp, các cơ sở kinh tế lần lượt được hình thành và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế, tài chính doanh nghiệp.
* Giai đoạn 1961 – 1965
Năm 1961, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với mục tiêu đề ra là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Trong đó, công tác hạch toán kế toán được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Vụ Chế độ Kế toán đã soạn thảo trình Nhà nước ban hành Điều lệ tổ chức kế toán nhà nước. Đây là cơ sở cho xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và chế độ kế toán từ Trung ương đến địa phương.
* Giai đoạn cải tiến thống nhất kế toán – thống kê 1966 – 1970
Giai đoạn này chúng ta vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô, miền Bắc đã thực hiện cải tiến hệ thống kế toán theo hướng thống nhất kế toán, thống kê, thông tin theo nguyên tắc hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên nền tảng hệ thống của kế toán Liên Xô.
Những năm 1970, Bộ Tài chính tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kế toán trưởng cao cấp. Hệ thống kế toán Việt Nam và đội ngũ cán bộ kế toán Việt Nam trong giai đoạn này đã được nâng cao trình độ và chất lượng hoạt động một cách đáng kể.
* Giai đoạn thống nhất kế toán trong cả nước 1971 – 1980
Đây là giai đoạn chế độ kế toán ổn định nhất. Sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta tiến hành triển khai áp dụng chế độ kế toán thống nhất cho các tỉnh phía Nam. Những năm 1978 – 1980, công cuộc cải tiến quản lý kinh tế, kế toán ở cơ sở được tiếp tục.
* Giai đoạn đầu đổi mới kế toán Việt Nam theo cơ chế thị trường 1981 – 1990
Trong bối cảnh những điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, năm 1984, Hội nghị Kế toán trưởng toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công. Hội nghị đã xác định chiến lược đổi mới và phát triển công tác kế toán ở Việt Nam trong giai đoạn mới.
Từ năm 1988-1990, Nhà nước đã ban hành những quy định cơ bản về kế toán trong trong thời kỳ tiền đổi mới mà một số văn bản còn hiệu lực đến ngày nay như: Pháp lệnh kế toán và Thống kê, Điều lệ Tổ chức Kế toán Nhà nước….
Ngày l-6-1989, Câu lạc bộ Kế toán trưởng Xí nghiệp Quốc doanh được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hiện nay.
* Giai đoạn cải cách kế toán theo kinh tế thị trường và xu thế hội nhập từ 1991 đến nay
Từ sau khi chuyển đổi cơ chế quản lý từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế việt Nam đã không ngừng phát triển và tạo nên một diện mạo mới cho đất nước.
Hàng nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó chủ yếu là những công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân… Đây là một cơ hội rất tốt cho sự phát triển của kế toán. Công việc của nhân viên kế toán cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn, hòa nhập nhiều hơn với kế toán thế giới.
Trong khung cảnh mới đó, đội ngũ những người làm kế toán trở nên đông đảo hơn bao giờ hết. Công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán và kiểm toán hiện đang được tiến hành khẩn trương. Kế toán Việt Nam đã và đang thật sự bắt tay, tiến tới hòa nhập với bè bạn trên thế giới.