Fixi.vn – Những năm gần đây, số sinh viên lao vào các tập đoàn kiểm toán khổng lồ (Big4) ngày càng nhiều, đưa kiểm toán trở thành một trong những công việc hot nhất tại Việt Nam hiện tại. Vậy, công việc này có gì mà thu hút đến thế?
Mục Lục Bài Viết
1. Kiểm toán là gì
Kiểm toán bắt nguồn từ thuật ngữ “Audit” trong tiếng Latin. Nhưng điều thú vị là từ “Audit” của tiếng Latin lại có nghĩa là người nghe (one who hears). Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, chính quyền La Mã đã tuyển dụng các quan chức để kiểm tra độc lập về tình hình tài chính và nghe thuyết trình của họ về kết quả kiểm tra này.
Từ đó cho đến nay, “Audit” đã trở thành một từ phổ biến để chỉ công việc kiểm tra và bày tỏ ý kiến đối với các báo cáo tài chính.
Có vô vàn định nghĩa về kiểm toán. Mỗi quốc gia, mỗi hiệp hội, mỗi nhóm chuyên gia nghiên cứu lại có những phát biểu khác nhau về kiểm toán.
Các chuyên gia giáo dục và đào tạo kiểm toán ở Cộng hoà Pháp định nghĩa rằng:
“Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản hàng năm của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che giấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định”.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và bản thân kiểm toán, theo quan điểm hiện đại, phạm vi của kiểm toán rất rộng, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như:
- Kiểm toán về thông tin
- Kiểm toán hiệu quả
- Kiểm toán tính quy tắc
- Kiểm toán hiệu năng
Chẳng hạn, khi kiểm toán về thông tin, nhân viên kiểm toán sẽ hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu để tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho những người quan tâm đến tài liệu kế toán.
Kiểm toán hiệu quả là kiểm tra, đánh giá các yếu tố, các nguồn lực trong từng loại nghiệp vụ kinh doanh như mua bán, sản xuất hay dịch vụ để giúp các công ty hoạch định lại chính sách cho việc hoàn thiện hoạt động kinh doanh của công ty mình.
Trải qua một quá trình phát triển lâu dài của nghề kiểm toán, cho đến nay chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng:
Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, bằng hệ thống phương pháp kĩ thuật riêng của kiểm toán, do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực.
Kiểm toán hướng tới ai?
Có thể nói, đối tượng của kiểm toán trước hết là các tài liệu kế toán. Nhưng công việc xác minh tính trung thực, đúng đắn của các báo cáo tài chính là để hướng tới tất cả các đơn vị, cá nhân quan tâm đến tình hình tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.
Chẳng hạn, các cơ quan Nhà nước cần thông tin trung thực để hoạch định chính sách kinh tế phù hợp, các nhà đầu tư cần tài liệu tin cậy để sử dụng đồng tiền của mình đúng mục đích. Người lao động, khách hàng, nhà cung cấp cần hiểu thực chất về kinh doanh và tài chính, chế độ tiền lương của công ty mình để làm việc. Những người quan tâm này lại không có nghiệp vụ về tài chính, kế toán. Và chỉ nhân viên kiểm toán mới có thể giúp được họ.
2. Kiểm toán làm gì?
Kiểm toán dùng các phương pháp đối chiếu, logic, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê, thử nghiệm để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.
Kiểm toán gồm 3 chức năng chính:
- Xác minh tính trung thực và tính pháp lý của các báo cáo tài chính.
- Bày tỏ ý kiến về tính trung thực và mức độ hợp lý của các thông tin tài chính, kế toán.
- Tư vấn cho các nhà quản lý. Bằng việc chỉ ra sai sót, yếu kém, kiểm toán viên gợi mở, đề xuất các biện pháp khắc phục để các công ty, tổ chức làm ăn hiệu quả hơn.
Kiểm toán không phải là kế toán
– Kế toán cung cấp các thông tin về tài chính cho công chúng quan tâm. Kiểm toán là công việc kiểm tra, xác minh tính trung thực và hộ lý của các báo cáo tài chính đó. Kiểm toán giúp công chúng quan tâm có thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của một công ty.
– Kế toán là một công việc mang tính chất ổn định. Nhân viên kế toán luôn gắn bó với những số liệu kinh doanh của công ty mình. Kiểm toán là một nghề nhiều mới mẻ và thách thức. Nhân viên kiểm toán sau khi hoàn thành công việc của mình ở một doanh nghiệp này, ngay lập tức lại phải đối phó với những bản báo cáo tài chính ở những “địa chỉ” mới.
Công việc của kiểm toán
- Lập kế hoạch kiểm toán
Trên cơ sở phân tích mục tiêu, giới hạn và nguồn tài liệu đã thu thập được, nhân viên kiểm toán lên kế hoạch các công việc phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ.
Lập kế hoạch kiểm toán là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong công việc của kiểm toán viên, vì nó có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động sau này. Cũng giống như khi bạn chuẩn bị cho một hoạt động nào đó của lớp vậy, nếu có kế hoạch tốt, mọi việc sẽ diễn ra thật suôn sẻ và bạn luôn ứng phó được với các tình huống phát sinh.
- Xây dựng chương trình kiểm toán
Kỹ năng xây dựng chương trình kiểm toán cũng không thể thiếu với bất cứ kiểm toán viên nào. Nó giúp công việc của kiểm toán viên được chính xác và chặt chẽ.
Trong chương trình kiểm toán, kiểm toán viên xác định số lượng và thứ tự các bước kể từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc công việc kiểm toán.
- Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán
Đây là phần trọng tâm của kiểm toán. Công việc này thú vị như một cảnh sát đi điều tra vụ án vậy, bao gồm:
* Kiểm toán cân đối: là phương pháp dựa trên các phương trình kế toán để kiểm toán.
* Đối chiếu trực tiếp: là đối chiếu một chỉ tiêu trên các nguồn tài liệu khác nhau.
* Đối chiếu lôgic: nghiên cứu các mối liên hệ giữa các chỉ tiêu có quan hệ với nhau.
* Kiểm kê: là kiểm tra tại chỗ các đối tượng kiểm toán.
* Điều tra: là dùng các cách khác nhau để tiếp cận và đánh giá các đối tượng kiểm toán.
* Trắc nghiệm: là việc tái diễn các hoạt động nghiệp vụ để xác minh lại kết quả của một quá trình, một sự việc đã qua.
- Ghi chép
Nếu muốn trở thành một kiểm toán viên thực thụ, bạn hãy chú ý tập kỹ năng ghi chép ngay từ bây giờ.
Ghi chép là một thao tác nghiệp vụ thiết yếu của kiểm toán viên. Các phát giác, những nhận đinh về các nghiệp vụ, các con số, các sự kiện phải được kiểm toán viên ghi lại một cách đầy đủ. Công việc này nhằm tích lũy bằng chứng khách quan cho những kết luận kiểm toán.
- Lập báo cáo
Lập báo cáo là khâu cuối cùng trong công việc của kiểm toán viên. Thao tác nghiệp vụ này đòi hỏi bạn phải có khả năng diễn đạt gãy gọn, khúc chiết.
Sau quá trình điều tra, phân tích thì có thể đưa ra những kết luận khái quát về báo cáo tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp nào đó.
3. Kiểm toán làm việc tại đâu?
Kiểm toán viên làm việc ở các công ty, tổ chức, văn phòng kiểm toán… Rộng hơn, bất kì một doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nào cần kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của đơn vị mình đều tạo ra việc làm cho kiểm toán viên.
Nhìn chung, bạn có thể làm việc ở:
– Bộ phận kiểm toán nội bộ của một công ty nào đó (Internal Auditing Department).
– Các công ty dịch vụ, tư vấn kiểm toán (Consultancy Auditing).
– Hoặc trong các cơ quan kiểm toán nhà nước (Goverment Auditing).
- Kiểm toán nội bộ
Kiểm toán nội bộ là bộ phận kiểm toán trực thuộc một công ty, tổ chức, cơ quan… nào đó. Là kiểm toán viên nội bộ, bạn chỉ có một “khách hàng” duy nhất là chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… của mình. Mọi hoạt động kiểm toán hàng ngày trong đơn vị sẽ do bạn đảm nhận. Tùy vào quy mô và sự cần thiết mà mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có một hoặc nhiều kiểm toán viên nội bộ.
Khi bạn là một kiểm toán viên nội bộ, công việc của bạn thuận lợi hơn các kiểm toán viên bên ngoài ở chỗ bạn am hiểu về công ty mình. Ngoài ra, bạn đã có một quá trình theo dõi hoạt động tài chính lâu năm.
Nếu bạn muốn trở thành kiểm toán viên nội bộ, bạn có thể tìm thấy vị trí của mình trong các phòng kiểm toán nội bộ thuộc các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hoặc các công ty đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
- Kiểm toán độc lập
Kiểm toán độc lập là các công ty, văn phòng làm các dịch vụ, tư vấn về kiểm toán cho các công ty, doanh nghiệp cần đến hoạt động kiểm toán. Các công ty, văn phòng này hoàn toàn độc lập với khách hàng nên kết quả kiểm toán thường mang tính chính xác và hiệu qua cao.
Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều công ty kiểm toán được thành lập với gần 100 trụ sở văn phòng hoạt động trên toàn quốc, 4 công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài, 1 công ty liên doanh và nhiều công ty khác của Việt Nam. Trong 10 năm tới, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu tăng số lượng công ty kiểm toán lên 100 công ty với 20.000 kiểm toán viên. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty kiểm toán nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. Thật là những cơ hội làm việc tuyệt vời phải không bạn?
- Kiểm toán nhà nước
Cơ quan kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn tương đương ủy ban của Quốc hội và có quyền kiểm tra tài chính các Bộ, các ngành khác trong Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch–Đầu tư v.v…
Trong cơ quan kiểm toán nhà nước, nhiệm vụ của bạn là kiểm tra, giám sát ngân sách nhà nước, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án vay nợ viện trợ chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các chương trình an ninh, quốc phòng… Như vậy, làm việc trong cơ quan kiểm toán nhà nước, công việc của bạn có liên quan đến cả những chính sách kinh tế của cả quốc gia. Thật quan trọng phải không?
4. Kiểm toán học ở đâu ?
Kiểm toán được xem xét như một nghề nghiệp trong xã hội, đồng thời là một môn khoa học được nghiên cứu trong khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. Theo đó, đào tạo kiểm toán được phân chia theo hai hướng cơ bản: đào tạo nghề nghiệp và đào tạo hàn lâm. Bên cạnh đó, một xu hướng đang phát triển là đào tạo hỗn hợp thể hiện sự hội tụ cao giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề nghiệp.
- Đào tạo hàn lâm
Do các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện với các cấp học: cử nhân, thạc sĩ (nghiên cứu hoặc thực hành) và tiến sĩ. Hai thập niên trở lại đây, nhiều trường đại học trên thế giới thực hiện đào tạo kiểm toán theo mô hình này.
Ở Việt Nam, chuyên ngành kiểm toán được mở lần đầu tiên cho sinh viên chính qui dài hạn tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 1995.
Sau đó, nhiều trường đại học khác đã bắt đầu tuyển sinh hệ chính qui chuyên ngành kiểm toán. Giờ đây, bạn có thể học ngành kiểm toán tại nhiều cơ sở đào tạo như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại….
- Đào tạo nghề nghiệp
Thường do các công ty kiểm toán hay hiệp hội nghề nghiệp thực hiện với các cấp độ đào tạo khác nhau, như: đào tạo trên công việc, bồi dưỡng các khóa ngắn hạn theo các chuyên đề do bộ phận chuyên trách của các công ty kiểm toán thực hiện, đào tạo nâng cao kết hợp với luân chuyển kiểm toán viên giữa các quốc gia trong các công ty kiểm toán lớn (big Four), đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp…
Loại hình quan trọng nhất trong các hình thức đào tạo nghề nghiệp kiểm toán là đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp. Hình thức đào tạo này thường do hiệp hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức được uỷ quyền thực hiện, như đào tạo lấy chứng chỉ hội viên của Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA, chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập của Hoa Kỳ CPA, chứng chỉ CA và CPA của Australia …
Việc đào tạo hướng tới các kỳ thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia do Bộ Tài chính cấp đã được Trung ương hội Kế toán Việt Nam thực hiện từ năm 1995 theo uỷ nhiệm của Bộ Tài chính.
Hiện nay, có một số tổ chức hoạt động tại Việt Nam được các hiệp hội nghề nghiệp nước ngoài ủy quyền cung cấp dịch vụ đào tạo, tiến tới thi tuyển lấy chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế. Các công ty Bourne Griffiths (Australia), FTMS (Singapore), Raffles (Singapore) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA công nhận là nhà cung cấp dịch vụ đào tạo cho các kỳ thi tuyển của ACCA trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường Đại học Swinburne tại Việt Nam cũng thực hiện chương trình đào tạo lấy chứng chỉ CPA Australia (theo chương trình đào tạo Thạc sĩ Kế toán quốc tế – Minta hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Các cơ sở đào tạo này đã đóng góp tích cực vào quá trình quốc tế hoá đội ngũ kiểm toán viên Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức kiểm toán Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
- Đào tạo theo hình thức hỗn hợp
Dạng đào tạo này thường thấy ở các nước mà các trường đại học và các hiệp hội nghề nghiệp công nhận chương trình đào tạo lẫn nhau. Trên thế giới, xu hướng đào tạo hỗn hợp đang phát triển theo hai phương án: tích hợp và liên thông.
Theo hướng đào tạo tích hợp, trường đại học và hội nghề nghiệp cùng thiết kế chương trình đào tạo tích hợp để khi kết thúc khoá học, sinh viên đại học hoặc học viên cao học ra trường được nhận bằng đại học (hoặc bằng thạc sĩ) cùng với chứng chỉ nghề nghiệp. Xu hướng này đang rất phổ biến ở Australia.
Theo hướng đào tạo liên thông, người có bằng đại học có thể học trong thời gian ngắn để lấy chứng chỉ nghề nghiệp và ngược lại. Tại châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Newzeland…, người có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ chuyên ngành kế toán được miễn trừ khá nhiều môn khi thi lấy chứng chỉ nghề nghiệp kiểm toán. Tương tự, ở Anh, người có chứng chỉ ACCA có thể học thêm l năm và viết khóa luận để lấy bằng cử nhân của Trường Đại học Oxford Brooks.
Tại Việt Nam, chương trình đào tạo bậc cử nhân cho sinh viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội được Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA công nhận và theo đó sinh viên được miễn thi 5 môn khi học chương trình ACCA tại Trường để thi lấy chứng chỉ ACCA.
- Tự học kiểm toán từ ngày hôm nay
Tất nhiên, cũng như nhiều ngành nghề khác, nếu bạn đã thực sự lựa chọn kiểm toán, hãy tự chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho mình từ ngày hôm nay.
Trước hết, bạn hãy cố gắng học giỏi các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn toán. Rèn luyện khả năng tính toán những con số lớn sẽ rất thuận lợi cho nghề nghiệp của bạn sau này, bởi công việc của kiểm toán viên luôn gắn liền với các báo cáo tài chính và những phép tính dài dằng dặc.
Kiểm toán là nghề hấp dẫn nhưng cũng có những yêu cầu đặc trưng. Muốn biết mình có hợp với nghề này không, bạn hãy thử xem mình có những phẩm chất sau không nhé!
- Tính độc lập
Khi bạn làm công việc kiểm toán, bạn không được phụ thuộc vào bất cứ khách hàng hay một số liệu tài chính này. Vì có thể những giấy tờ, chứng cứ rành rành trước mặt bạn chỉ là một “trò lừa ngoạn mục” mà thôi.
Chỉ có như vậy, bạn mới có thể tìm ra được những sơ hở trong công việc kinh doanh để đưa ra những lời tư vấn xác đáng nhất.
- Tính thận trọng trong công việc
Nên nhớ, mỗi nhận xét, kết luận của bạn trong báo cáo kiểm toán có khả năng quyết định đến số phận của cả một công ty với hàng trăm con người đang làm việc ở đó. Bởi vậy, bạn phải thận trọng trong việc kiểm tra sổ sách, tìm đủ bằng chứng thích hợp mới đưa ra những quyết định cuối cùng. Đây còn là việc thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của bạn.
- Khả năng diễn đạt gãy gọn, khúc chiết
Ngoài công việc xác minh, kiểm toán viên còn phải bày tỏ ý kiến về những gì mà mình đã phát hiện được trong suốt thời gian làm việc vừa qua. Để mọi người tiếp nhận những lời tư vấn của mình, bạn phải biết cách thuyết phục họ bằng những lập luận chặt chẽ nhất.
Khả năng diễn đạt tốt của kiểm toán không phải là bạn biết cách ăn nói hoa mĩ, chiếm được cảm tình của người nghe… Diễn đạt tốt trong kiểm toán là khi bạn biết cách lập luận hợp lý, với những luận chứng và luận cứ thuyết phục. Ngôn từ của bạn trong sáng, gãy gọn, khúc chiết, luôn nêu bật nội dung chủ chốt. Ngôn ngữ vốn là “cái vỏ của tư duy”, nên khả năng này liên quan chặt chẽ tới tư duy logic của bạn.
- Óc quan sát và tư duy phân tích cao
Bạn thử nghĩ mà xem, nếu không có óc quan sát và tư duy phân tích thì làm sao kiểm toán viên có thể tìm ra được những bất hợp lý trong câu chuyện thuê xe tải mà chúng tôi đã nhắc đến ở đầu cuốn sách. Khi bạn quan sát tốt và biết nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý nhất, bạn sẽ tiết kiệm được những khoản tiền khổng lồ đấy.
- Chăm chỉ học hỏi
Muốn trở thành một kiểm toán viên giỏi, bạn không thể tự bằng lòng với những kiến thức mình đã có. Cần phải luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới về kế toán, kiểm toán và luật kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.
- Giỏi tính toán, yêu thích những con số
Nghĩa là bạn phải có một niềm say mê khám phá những con số tưởng chừng rất khô khan trong các bản báo cáo. Tự bản thân bạn luôn thấy rằng những phép tính, những phương pháp đối chiếu, cân đối… trong kiểm toán cũng thú vị không kém những câu thơ bay bổng.
Bạn rất khá về tính toán và hầu như chẳng bao giờ nhầm lẫn cả. Những đêm khó ngủ, thay vì chỉ đếm từ 1 đến 1000 và ngược lại, bạn thử nhẩm bình phương của 999 là bao nhiêu, rồi 217 nhân với 135 bằng bao nhiêu… Các phép tính luôn là niềm đam mê vô hạn của bạn.
- Khả năng chịu đựng áp lực của công việc
Kiểm toán là một nghề nhiều khó khăn và thử thách. Niềm tin của khách hàng đối với mỗi quyết định của bạn sẽ là áp lực lớn nhất. Lúc nào, bạn cũng phải suy nghĩ xem mình đã tìm được cách giải quyết đúng đắn nhất chưa, liệu những chứng cứ mình tìm được có xác đáng không? Và nhất là khi bạn chưa tìm ra được lời giải đáp, bạn sẽ hơi mệt đấy.
Phóng sự vui
Quay cuồng trong những con số, những bản báo cáo khô khan, nhưng nhữ người là kiểm toán vẫ rất yêu đời đấy nhé. Cảm nhận cuộc sống hài hước của một anh chàng kiểm toán viên qua video sau đây thôi.
[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20170503204652if_/https://www.youtube.com/embed/Q881RSxjnV0?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Máy móc hiện đại bao giờ cũng sinh lợi?
Để lắp đặt và sửa chữa 20.000 máy bán hàng tự động, công ty VSA đã phải thuê 25 chiếc xe vận tải hạng nặng được trang bị các ván trượt bằng hơi rất hiện đại. Với những ván trượt tiện lợi này, nhân viên của công ty có thể dễ dàng vận chuyển các máy bán hàng hỏng đi nơi khác. Tất nhiên, giá thuê mỗi chiếc xe tải trang bị hiện đại như thế chiếm một khoản chi phí không hề nhỏ.
Có lẽ VSA sẽ mãi mãi phải tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi năm cho vụ thuê xe này. Nhưng rồi một ngày, ban giám đốc VSA quyết định nhờ tới kiểm toán.
Sau một loạt điều tra và phân tích tình hình, kiểm toán viên nhận thấy rằng, trên thực tế, số máy bán hàng tự động bị hỏng nặng đến nỗi phải dùng ván trượt của xe tải là rất ít. Phần lớn, các nhân viên của VSA chỉ phải dùng những thao tác đơn giản để sửa chữa hoặc điều chỉnh.
Nhờ vậy ban giám đốc công ty VSA đã thay đổi, cho nhân viên đi sửa chữa máy bán hàng tự động bằng các xe tải nhẹ thông thường, chỉ giữ lại ba chiếc xe tải có ván trượt mà thôi.
Vậy là với sự quan sát và nhận xét thông minh của kiểm toán viên, công ty VSA đã tiết kiệm được 50.000 USD mỗi năm.
- Lược sử kiểm toán
Những hoạt động đầu tiên của kiểm toán đã xuất hiện từ rất lâu. Thế kỷ thứ III trước công nguyên, các nhà cầm quyền La Mã đã tuyển dụng các quan chức để kiểm tra độc lập tình hình tài chính và thuyết trình về các kết quả kiểm tra này. Từ “Audit” theo tiếng Latin có nghĩa là người nghe. Do đó, “Audit” đã mang trong mình một ý nghĩa lịch sử vô cùng thú vị.
Suốt thời cổ đại, trung đại và cho đến trước khi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời, hoạt động kiểm toán chỉ giới hạn ở việc xác định xem liệu cá nhân giữ trọng trách trong chính phủ có thực hiện đúng trách nhiệm và báo cáo đúng sự thật hay không.
Giữa thế kỷ XX này, từ “Audit” mới thực sự du nhập vào các nước phát triển với ý nghĩa là kiểm tra độc lập và bày tỏ ý kiến.
Thời kì cách mạng công nghiệp, số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tăng mạnh về quy mô, người chủ sở hữu vốn tài sản bắt đầu phải đi thuê các nhà quản lý. Sự tách biệt về vốn chủ sở hữu và việc quản lý khiến người chủ tài sản phải tăng cường kiểm tra để bảo vệ vốn đầu tư của mình. Các chủ ngân hàng với tư cách là người bên ngoài sử dụng các báo cáo tài chính khi cho vay tiền cũng quan tâm đến việc xem xét các báo cáo tài chính này có thực sự trung thực hay không.
Ở Mỹ, sau cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề vào năm 1929, bắt đầu từ năm 1934, Uỷ ban Bảo vệ và Trao đổi tiền tệ (SEC) được thành lập Quy chế về kiểm toán viên bên ngoài bắt đầu có hiệu lực.
Từ những năm 1950 xuất hiện nhiều tổ chức kiểm toán của Chính phủ trong các lĩnh vực quân đội, hành chính. Một tổ chức quan trọng là Văn phòng Tổng Kiểm toán trưởng (General Accounting office), viết tắt là GAO, đóng vai trò quyết định trong việc mở rộng địa bàn kiểm toán. Việc công bố các chuẩn mực của GAO vào năm 1972, một mặt đã cho thấy lợi ích kiểm toán trong khu vực phi thương mại, mặt khác cũng khẳng định quan điểm chuẩn mực và phương pháp mới để đánh giá hiệu quả của các nghiệp vụ phi thương mại.
Ở Pháp, năm 1960, kiểm toán nội bộ đã xuất hiện chính thức trong các công ty chi nhánh của các tập đoàn ngoại quốc và các tổ chức ngân hàng. Năm 1965, Hội Kiểm soát viên nội bộ của Pháp đã được thành lập, sau trở thành Viện nghiên cứu của kiểm toán viên và kiểm soát viên nội bộ của Pháp (IFACI).
Ngày nay, kiểm toán phát triển mạnh mẽ và có mặt ở tất cả các nước trên thế giới. Các hiệp hội kiểm toán được thành lập với nhiều hoạt động chuyên môn phong phú, giúp nền kinh tế, tài chính thế giới vững vàng hơn.
Song song sự phát triển trên là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp đối với kiểm toán. Có thể nói, hiện nay, bất kì một công ty, tổ chức nào muốn giữ vững và mở rộng khả năng tài chính của mình đều cần đến hoạt động kiểm toán.
- Kiểm toán tại Việt Nam
Ở Việt Nam, kiểm toán còn rất mới mẻ. Khái niệm kiểm toán mới chỉ được tìm hiểu, sử dụng từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế, kiểm toán Nhà nước được thành lập. Lúc này, ngành kiểm toán độc lập cũng đã hình thành tại nước ta.
Từ năm 1988 đến năm 1990, Bộ Tài chính kết hợp với một số ngành hữu quan lần lượt cải tiến và ban hành hệ thống các chế độ và văn bản pháp quy về kế toán mới, theo tinh thần kế thừa thành tựu của các chế độ kế toán trước đây, khắc phục những hạn chế lịch sử của chúng cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời kì chuyển đổi.
Tháng 12-1995, khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính ban hành Hệ thống kế toán tài chính doanh nghiệp và Hệ thống kế toán ngân hàng, thì như một điều hiển nhiên, kiểm toán mới có điều kiện giành được vị trí xứng đáng của nó.
Hiện nay, ở nước ta đã có khá nhiều công ty kiểm toán được thành lập. Có 4 công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài là Ernst & Young, KPMG Peat Marwick, Price Waterhouse and Coopers, Grant Thornton; 2 công ty liên doanh là công ty VACO – DTTI (Deloitte Touche Tomatsu International) và công ty Coopers & Lybrand-AISC. Cùng đó là các công ty của Việt Nam như Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO), Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính kế toán (AASC), Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính kế toán Sài Gòn (AFC)… Đây chính là mảnh đất màu mỡ để những kiểm toán viên tương lai có điều kiện hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Quá trình trở thành kiểm toán viên
* Tốt nghiệp đại học về tài chính, kế toán, kiểm toán
* 4 năm làm thư kí hoặc trợ lý kiểm toán
* Dự tuyển lấy chứng chỉ kiểm toán viên (CPA- Certified Public Accountant)…
– Kiểm toán viên chính
* Là người đã từng có 3 – 5 năm kinh nghiệm làm kiểm toán viên
* Có khả năng tổ chức một nhóm kiểm toán viên tiến hành những công việc kiểm toán có quy mô lớn