Fixi.vn – Bạn có tin được không, “cãi giỏi” cũng là một nghề đấy. Không những vậy, lại còn là nghề đức cao vọng trọng hẳn hoi. Không tin à? Thử tìm hiểu nghề luật sư mà xem.
Mục Lục Bài Viết
1. Luật sư là gì?
Được mệnh danh là những “thầy cãi”, luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia.
Thực chất, luật sư là người thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Họ cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.
Luật sư vừa là người biện hộ vừa là người cố vấn, người đại diện cho cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan về các vấn đề liên quan tới pháp lý.
Với tư cách là người biện hộ, họ đại diện cho một trong hai bên (nguyên cáo hoặc bị cáo) trong các phiên tòa hình sự hoặc dân sự bằng cách trình bày các dẫn chứng và lập luận để ủng hộ cho thân chủ của họ.
Với tư cách là người cố vấn, họ tư vấn cho khách hàng của họ về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, gợi ý các khóa học ứng xử trong kinh doanh cũng như giải quyết các vấn đề cá nhân. Hầu hết các luật sư nghiên cứu mục đích sử dụng của luật, quyết định tư pháp và cách thức áp dụng luật với những trường hợp mà khách hàng của họ đối mặt phải.
2. Nghề luật sư làm gì?
Luật sư làm những công việc chính như:
- Tư vấn và đại diện về luật pháp cho khách hàng, trước các cơ quan chính phủ, và các vấn đề cá nhân
- Giao tiếp với khách hàng và những người khác
- Nghiên cứu cách cư xử và phân tích các vấn đề về luật pháp
- Làm sáng tỏ luật, chỉ đạo và điều chỉnh cho cá nhân cũng như doanh nghiệp hành xử cho đúng luật
- Đưa ra sự thật bằng cách viết hoặc thuyết minh với khách hàng hay những đơn vị được đại diện
- Chuẩn bị và nộp văn bản pháp luật ví dụ như vụ kiện, khiếu nại, hợp đồng, công việc…
Luật sư thường giám sát nhân viên hỗ trợ, ví dụ như trợ lý giám đốc. Tùy vào nơi làm việc mà luật sư có những công việc khác nhau.
- Luật sư hình sự còn được gọi là công tố viên hay luật sư bào chữa
- Công tố viên làm việc cho chính phủ để nộp đơn kiện hoặc phụ trách, chống lại cá nhân hay công ty bị cho là vi phạm pháp luật
- Luật sư bào chữa: làm việc cho những cá nhân hoặc chính phủ để bảo vệ các vị cáo
- Người tham mưu của chính phủ: thường làm việc trong các cơ quan chính phủ. Công việc chính là viết và giải thích luật, quy định, thiết lập các thủ tục để thực thi chúng cũng như đánh giá luật dựa trên quyết định của các cơ quan
- Cố vấn của công ty là luật sư làm việc cho một tập đoàn, tư vấn cho giám đốc điều hành của công ty về các vấn đề pháp lý có liên quan tới việc kinh doanh như bằng sáng chế, quy định của chính phủ, hợp đồng với các công ty khác, thuế…
Tùy theo từng lĩnh vực cụ thể, người ta chia luật sư thành các nhóm sau:
- Luật sư môi trường: đối phó với các vấn đề phát sinh liên quan tới môi trường. Họ có thể đại diện cho các nhóm, các cơ quan xử lý rác thải và các cơ quan chính phủ để đảm bảo những đơn vị đó tuân thủ đúng luật.
- Luật sư thuế: xử lý hàng loạt công việc liên quan đến thuế của doanh nghiệp hay cá nhân. Họ giúp khách hàng hướng về những quy định thuế phức tạp như thuế cho các hạng mục như thu nhập, lợi nhuận, tài sản…
- Luật sư sở hữu trí tuệ: bảo vệ trước pháp luật về những vấn đề liên quan đến sáng chế, bằng sáng chế, nhãn hiệu và các công trình trí tuệ như âm nhạc, sách, phim…
- Luật sư gia đình xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan đến gia đình như ly hôn, nuôi con…
- Luật sư chứng khoán: làm việc với các vấn đề liên quan đến việc mua bán chứng khoán.
- Luật sư tranh tụng xử lý các vụ kiện và tranh chấp giữa các cá nhân, cơ quan như tranh tụng hợp đồng, tài sản, thương tích cá nhân… Họ có thể chuyên về một lĩnh vực hoặc kiêm tất cả các lĩnh vực.
3. Luật sư làm việc ở đâu?
Hầu hết luật sư làm việc trong văn phòng. Tuy nhiên, đôi khi họ phải di chuyển để gặp gỡ, bàn bạc, tư vấn cho khách hàng tại nhiều địa điểm khác nhau như khách sạn, bệnh viện hay cả nhà lao.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty tư vấn luật, phòng tổ chức hành chính, phòng pháp chế tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từ cấp trung ương đến địa phương; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu…
4. Học nghề luật sư ở đâu?
Ở một số nước, luật sư được đào tạo ở khoa Luật của một số trường đại học. Sinh viên sẽ phải hoàn thành đến cấp bậc tương đương cử nhân của Việt Nam hoặc cao hơn là thạc sỹ. Để trở thành luật sư, những người này cũng có thể phải trải qua một số kỳ thi nâng cao, chương trình đánh giá và học việc tại những cở quan được chỉ định của nhà nước.
Tại một số nước khác, đặc biệt là tại Anh và Mỹ, luật sư được đào tạo tại các trường luật. Tại Mỹ và Canada, đều có cơ quan quyết định trường luật nào được phê duyệt việc một người trở thành luật sư. Rất nhiều chương trình đào tạo tại những trường Luật này cho phép học viên đọc lên những cấp bậc cao hơn như Thạc sỹ Luật, Tiến sỹ Luật.
Tại Việt Nam, theo luật Luật sư năm 2006, người tốt nghiệp đại học luật muốn trở thành luật sư sẽ phải tham dự khóa đào tạo nghề luật sư trong thời gian 06 tháng. Hiện tại, Học viện Tư pháp (trực thuộc Bộ Tư pháp) là nơi duy nhất đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam.
Những người đã có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư, nếu muốn hành nghề phải tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư dưới sự hướng dẫn của một luật sư, và phải đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư tỉnh/thành phố nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự. Thời gian tập sự là 18 tháng.
Kết thúc thời gian tập sự, người tập sự hành nghề luật sư phải tham dự và vượt qua cuộc kiểm tra kết quả tập sự để được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Người được miễn tập sự hành nghề luật sư phải nộp hồ sơ lên Bộ Tư pháp để xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư để được cấp thẻ luật sư. Thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp; trước luật Luật sư năm 2006, thẻ luật sư do Đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên cấp. Một người chỉ được chính thức coi là luật sư khi có thẻ luật sư.
Một số cơ sở đào tạo nghề luật sư như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh…
Đối với Việt Nam do điều kiện kinh tế và xã hội, do sự hình thành muộn màng của nghề luật sư và các quy định về hành nghề luật sư nên hệ thống pháp luật về nghề luật sư và hành nghề luật sư chưa được hoàn chỉnh cần bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ. Luật sư ở nước ta hiện nay còn đang thiếu và mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của xã hội. Chính vì gặp nhiều khó khăn người theo nghề luật sư phải tích cực trau dồi và hoàn thiện các kĩ năng của mình.
Ngoài việc phải nắm chắc các kiến thức, quy định về luật, có lương tâm với nghề, người làm nghề luật sư cũng cần rất nhiều những kĩ năng mềm khác để hoàn thiện và nâng cao trình độ của mình.
- Kỹ năng tranh luận: Người luật sư phải biện hộ tranh cãi để bảo vệ thân chủ của mình. Chính vì vậy người có kỹ năng tranh luận tốt sẽ đưa ra được những lý luận sắc sảo, thuyết phục hội đồng thẩm phán.
- Kĩ năng thuyết minh: Người luật sư phải nói to, rõ và thuyết minh về bằng chứng một cách chi tiết, chính xác và dễ hiểu.
- Kĩ năng phân tích: Phân tích một số lượng lớn thông tin, xác nhận xem đâu là sự thật và đưa ra cách giải quyết.
- Kĩ năng tạo dựng quan hệ: Luật sư phải dành chiến thắng trong sự tôn trọng và tin tưởng của khách hàng bằng cách xây dựng mối quan hệ trung thực, tin tưởng lẫn nhau để khách hàng thoải mái chia sẻ những thông tin cá nhân của họ.
- Kĩ năng giải quyết vấn đề: Kĩ năng này vô cùng quan trọng đối với người luật sư để chuẩn bị sự tư vấn và phòng thủ tốt nhất.
- Kĩ năng nghiên cứu: Người luật sư phải tìm kiếm những ứng dụng của luật và áp dụng luật đó vào trường hợp như thế nào.
- Kĩ năng viết: Luật sư phải chuẩn bị, soạn thảo tài liệu như di chúc, sự thật một cách chính xác và súc tích.
Ngoài ra, rèn luyện khả năng ngoại ngữ đối với luật sư Việt Nam là khá thiết yếu. Ở Việt Nam, số lượng luật sư có khả năng ngoại ngữ tốt không nhiều. Trong khi đó, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập với thế giới. Khách hàng và những vụ việc có yếu tố nước ngoài là những “mảnh đất” màu mỡ tạo ra thu nhập lớn cho luật sư. Chính vì vậy, việc các luật sư có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có lợi thế hơn so với những luật sư không có trình độ ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ kém.
Lĩnh vực luật
Đến với luật, chúng ta không chỉ bị giới hạn trong vai trò một luật sư. Thực tế, lĩnh vực luật đa dạng hơn nhiều chúng ta thường nghĩ. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20161023113004if_/https://www.youtube.com/embed/qnS1Z8Xj8Bw?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Tấm gương
Tháng 10-1927, sau khi tốt nghiệp tú tài triết học loại ưu ở trường Albert Sarraut, Nguyễn Mạnh Tường được cấp học bổng sang học tại ban Văn – Trường Đại học Montpellier, một trong những trường có truyền thống lâu đời của nước Pháp. Tại đây, bằng sức học phi thường của mình, chỉ trong vòng ba năm ông đã liên tiếp đỗ các bằng: Cao đẳng Văn chương, cử nhân Văn khoa, cử nhân Luật khoa, Cao đẳng Ngôn ngữ và văn tự cổ điển.
Thành tích của Nguyễn Mạnh Tường đã khiến thầy trò người Pháp phải vô cùng kinh ngạc. Đặc biệt, lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của ông đã thu hút nhiều người và được đánh giá là một sự kiện làm rạng danh Trường Đại học Montpellier. Bài luận văn của ông vừa là một kiệt tác về luật học, vừa về văn học.
Tuy nhiên, song song với lời khen ngợi vô tư, trên báo chí Pháp cũng đã xuất hiện lời ‘cảnh báo’ của nhà bình luận Clement Vautel: “Người Pháp nên cẩn thận, để người Việt Nam được học, và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”
Quả nhiên là không. Ông đã trở về nước, đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
Năm 1946, Hồ Chủ tịch cho mời luật sư Nguyễn Mạnh Tường tới, đề nghị ông tham gia vào phái đoàn Chính phủ chuẩn bị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt. Ai từng đọc hồi ký “Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hẳn sẽ nhận thấy vai trò các hoạt động của đồng chí Võ Nguyên Giáp và luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Bấy giờ Pháp đang cậy thế mạnh quân sự muốn ép ta trên bàn hội nghị. Nhưng, với thái độ găng mà không gãy, cộng với trí nhớ phi thường và khả năng lập luận sắc sảo, vị luật sư của nước Việt Nam mới đã khiến không ít đối thủ người Pháp phải rơi vào tình thế lúng túng, kinh ngạc bởi những viện dẫn chính xác của ông về những điều khoản đã được ghi trong luật quốc tế.
Với tài lập luận của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã gỡ tội cho nhiều người, đem lại sự công bằng và làm người dân thêm tin yêu chế độ. Trong đó có một câu chuyện đến nay vẫn được truyền tụng, như thể giai thoại.
Năm ấy, ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình xảy ra một vụ giết người. Thủ phạm là một nông dân. Anh này trong một lần đi làm đồng về, bất thần chứng kiến cảnh một gã đàn ông đang ôm ấp vợ mình. Quá uất hận, sẵn có cái cuốc trên tay, anh thẳng cánh giáng cho kẻ tình địch một nhát, khiến y chết ngay tại chỗ. Tòa mở phiên xét xử. Anh nông dân bị khép án tử hình. Nhưng thật bất ngờ, khi nói lời cuối cùng, anh này đã xin phép cho anh ta được hôn vợ ông chánh tòa trước khi chết. Mới chỉ nghe vậy, ông chánh tòa đã đập bàn quát mắng ầm ĩ, nói anh nông dân kia hỗn láo, chết là đáng.
Trên cương vị luật sư bào chữa, Nguyễn Mạnh Tường bấy giờ mới cất lời: “Thưa ông chánh tòa, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế, nói chi anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”. Vậy là người nông dân kia được giảm án.
Nếu Việt Nam sử dụng hệ thống luật xã hội chủ nghĩa với các văn bản pháp luật là chủ yếu thì hệ thống luật án lệ (Common Law) và hệ thống luật châu Âu lục địa (Civil Law) có tầm ảnh hưởng trên thế giới và được nhiều nước sử dụng. Dưới đây là ví dụ về một số nước trên thế giới sử dụng hai loại hình luật này.
Ở Anh và Mỹ:
Nước Anh theo hệ thống luật án lệ (Common Law) nên ở đây chỉ tồn tại hai hình thức hành nghề luật sư: Luật sư tư vấn và luật sư biện hộ. Luật sư tư vấn có quan hệ trực tiếp với khách hàng, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của khách hàng. Còn luật sư biện hộ không được liên hệ trực tiếp với khách hàng mà chỉ biện hộ tại Toà án. Các luật sư biện hộ có độc quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự.
Các luật sư Anh có chung một cơ quan để sinh hoạt đó là Đoàn Luật sư Luân Đôn. Về số lượng luật sư tư vấn đông hơn rất nhiều so với luật sư biện hộ và hành nghề trên toàn lãnh thổ nước Anh. Các luật sư tư vấn cũng đóng một vai trò nhất định trong các vụ kiện nhưng hoạt động chủ yếu của họ là thuộc lĩnh vực tư vấn pháp luật. Ngoài ra họ còn độc quyền trong một số lĩnh vực.
Tại Mỹ, không có sự phân biệt giữa hai nghề luật sư như ở Anh. Ở đây tồn tại mô hình “một nghề luật duy nhất” theo đó luật sư có phạm vi hoạt động rất rộng và có hiệu quả. Chính vì vậy vai trò của các luật sư tại Mỹ là rất lớn. Luật sư tại Mỹ hành nghề tương đối tự do, được phép quảng cáo, chào hàng, có thể can thiệp vào mọi lĩnh vực pháp luật, đây cũng là độc quyền của các luật sư.
Các luật sư không có đối thủ cạnh tranh nào khác ngoài các đồng nghiệp của mình. Các chuyên viên kế toán hầu như không được tham gia vào các hoạt động thuộc lĩnh vực pháp luật. Nhưng cũng tại nước này đang có biểu hiện của một nền công lý mất cân đối: công lý của những người có tiền và công lý của những người nghèo.
Ở Pháp, Đức:
Hệ thống pháp luật của Pháp và Đức là hai điển hình cho mô hình đa ngành nghề tư pháp của các nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa (Civil Law). Hoạt động của luật sư ở Pháp và Đức rất giống nhau và các điều kiện trở thành luật sư về cơ bản cũng giống nhau. Tuy nhiên, chương trình đào tạo luật sư tại Đức dài hơn vì ngoài những kiến thức, kỹ năng của luật sư thì luật sư còn phải nghiên cứu cả kỹ năng tiến hành tố tụng của Thẩm phán. Mục đích của việc nghiên cứu nghiệp vụ của thẩm phán nhằm tạo ra một đội ngũ luật sư có khả năng phục vụ với tư cách một thẩm phán. Đây cũng chính là một điều kiện để được kết nạp vào đoàn luật sư.
Trước khi kết nạp cũng phải trải qua một thời gian luật sư tập sự trong khoảng thời là 03 năm tại tổ chức Luật sư Châu Âu tại quốc gia đó. Ở Đức, muốn ghi tên vào một Đoàn luật sư, luật sư phải có giấy phép của cơ quan tư pháp địa phương nơi mình muốn đăng ký. Các luật sư trẻ mới vào nghề ở Đức có thể tự do lựa chọn Đoàn luật sư mà mình thích để ghi tên, không bắt buộc rằng Đoàn luật sư đó phải là nơi họ nhận bằng. Mặc dù các quy chế hành nghề không giống nhau nhưng nói chung các luật sư ở Pháp và Đức có thể hành nghề một cách độc lập hay theo nhiều hình thức nhóm, hội khác nhau. Ngoài ra, luật sư có thể ký hợp đồng lao động với các Văn phòng luật sư, công ty luật, công ty luật hợp danh với tư cách là luật sư làm thuê.