Fixi.vn – Nhà báo- người nắm trong tay một quyền lực khủng khiếp – dư luận. Nếu bạn còn băn khoăn hay chưa rõ về họ làm gì? họ là ai? thì hãy nên đọc bài này nhé!
-
Mục Lục Bài Viết
Nhà báo là ai?
Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây.
Qua các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet), nhà báo phát đi những thông tin mới nhất liên tục trong ngày.
Ngày nay, từ góc nhìn hiện đại, báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng (Mass Commumcation), bên cạnh sách, điện ảnh, mạng toàn cầu Internet…
Các kênh thông tin của báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo chí Internet…) còn được gọi là các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện thông tin đại chúng (Mass Media).
Báo chí là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của đời sống xã hội. Nó đóng vai trò chính trị – xã hội to lớn ở mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, báo chí mang tính khuynh hướng rất rõ. Dù được tuyên bố hay không, mỗi tờ báo, đài phát thanh, truyền hình trong quá trình hoạt động đều đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của một tầng lớp, tổ chức nào đó trong xã hội.
Báo chí ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (…), là diễn đàn của nhân dân.
Một số công việc trong nghề báo
- Phóng viên
Phóng viên có chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan báo chí, thực hiện viết, chụp ảnh, quay phim… làm nên các tác phẩm báo chí trong các cơ quan báo chí khác nhau.
Phóng viên xây dựng đề cương, thực hiện viết tin bài theo sự phân công và hướng dẫn của trưởng ban biên tập, chịu trách nhiệm về bài viết của mình cũng như tổ chức đội ngũ cộng tác viên chuyên viết bài cho báo.
Phóng viên làm việc tại các phòng ban chuyên môn nhất định tại toà soạn: Ban Kinh tế, Ban Văn xã, Ban Khoa học, Ban Pháp luật v.v… tuỳ thuộc vào nội dung, đường lối của riêng mỗi tờ báo. Họ phải có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực mà mình gắn bó để tìm hiểu và viết bài.
- Phóng viên thường trú
Đây là đại diện có thẩm quyền trong thời gian nhất định của toà soạn báo, đài phát thanh, hãng truyền hình, hãng thông tấn tại một địa bàn trong hay ngoài nước để theo dõi, phản ánh kịp thời những thông tin, sự kiện, vấn đề xảy ra tại địa bàn đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nơi mình tới thường trú, phóng viên thường trú còn phải đặc biệt am hiểu địa phương đó (nếu là phóng viên thường trú trong nước) hoặc am hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ, truyền thống văn hoá, lịch sử, pháp luật quốc tế, pháp luật nhà nước của nước đó (nếu là phóng viên thường trú nước ngoài).
- Phóng viên ảnh
Phụ trách vấn đề ảnh minh hoạ trong các cơ quan báo chí. Phóng viên ảnh được đào tạo về nghiệp vụ báo chí và có chuyên môn kỹ thuật ảnh để có thể chụp được những bức ảnh đẹp và giàu thông tin báo chí.
Phóng viên báo ảnh tác nghiệp
- Biên tập viên
Biên tập viên là những nhà báo làm nhiệm vụ biên tập, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, nghệ thuật, khoa học của các bản thảo, tin, bài của phóng viên và cộng tác viên.
Biên tập viên khai thác, tổ chức các nguồn tư liệu, tài liệu, tin, bài, đề tài…theo định hướng, kế hoạch của đơn vị; nhận xét, biên tập nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về nội dung bản thảo; thuyết minh về chủ đề tư tưởng, chỉ dẫn các yêu cầu trình bày kỹ thuật, mỹ thuật, theo dõi quá trình dàn dựng, sản xuất; tham gia tổng kết chuyên môn nghiệp vụ.
Công việc của biên tập viên thường tĩnh hơn phóng viên. Họ dành nhiều thời gian ở tòa soạn hơn. Tuy nhiên, xu hướng khá phổ biến hiện nay là biên tập viên cũng trực tiếp đi viết bài, lấy tin. Ở một số tờ báo, không có sự phân biệt rõ ràng giữa công việc của biên tập viên và phóng viên.
- Thư ký tòa soạn
Được coi là cánh tay phải của tổng biên tập, chỉ đứng sau tổng biên tập và phó tổng biên tập. Đó là nguời có nghiệp vụ báo chí giỏi, dày dạn kinh nghiệm, nhạy cảm chính trị, có khả năng thẩm định thông tin, đánh giá tin bài, ảnh về mặt thời sự, chính trị, hiệu quả… Bên cạnh đó, họ đồng thời phải nắm rõ quy trình ra báo, thông hiểu cả lỗi kỹ thuật in, làm ma két, sửa chữa và đính chính các lỗi trên mặt báo.
Thư ký tòa soạn dành chủ yếu thời gian tại tòa soạn, nhận tin bài từ các phòng, ban trong tòa soạn và hệ thống cộng tác viên của mình gửi về. Công việc của thư ký tòa soạn thường rất bận rộn, áp lực nặng nề, đặc biệt với những báo ra hàng ngày.
- Tổng biên tập
Đây là người đứng đầu cơ quan báo chí, trực tiếp lãnh đạo tổ chức và giáo dục tập thể toà soạn, củng cố khối đoàn kết nội bộ, xây dựng mối quan hệ tốt với độc giả.
Tổng biên tập chịu trách nhiệm chính về nội dung tư tưởng, hình thức thể hiện của tờ báo. Tổng biên tập do cơ quan chủ quản trực tiếp bổ nhiệm bằng văn bản pháp lý.
2. Nhà báo làm việc ở đâu?
- Toà soạn báo, đài phát thanh, truyền hình
Phụ thuộc vào mục đích, tôn chỉ, đối tượng và nội dung tờ báo, loại hình báo chí mà nhà báo được phân định cụ thể về các ban, tiểu ban như ban Nội chính, Ban Khoa học – Giáo dục, Ban Văn hoá- Xã hội, Ban Kinh tế, Ban Quốc tế… với các chức danh phóng viên, biên tập viên…
Trước đây, một nhà báo thường bắt đầu nghề nghiệp với công việc của phóng viên (trực tiếp đi săn tin), sau khi có kinh nghiệm một số năm nhất định thì trở thành biên tập viên (chức năng chủ yếu là ngồi tại toà soạn biên tập tin bài từ các nguồn khác nhau như phóng viên, thông tin viên). Tuy nhiên, hiện nay tại các cơ quan báo chí, sự phân biệt về công việc giữa phóng viên và biên tập viên không còn quá rạch ròi.
Nhiều báo sử dụng phóng viên ảnh là những người chuyên chụp ảnh theo yêu cầu của lãnh đạo báo, các biên tập viên, phóng viên khác, hoặc theo nguồn tin tự tìm.
Trên thực tế, ngày nay, theo xu hướng báo chí hiện đại, ngoài những trường hợp đặc biệt đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nhà báo khi lo nội dung tin tức thường tự chụp ảnh.
- Chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí
Trong lĩnh vực này, tuỳ vào khả năng, điều kiện và kinh nghiệm công tác, bạn có thể làm việc tại:
* Vụ báo chí (Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương).
* Các ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ.
* Cục báo chí (Bộ Văn hoá- Thông tin)
* Các sở văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố.
* Các phòng văn hoá – Thông tin quận, huyện.
- Các phòng thông tin – báo chí của các cơ quan, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị- xã hội, các công ty truyền thống, các doanh nghiệp…
Công việc trong các phòng thông tin – báo chí là một hướng tiếp cận không hoàn toàn mới mẻ nhưng lại ít được sinh viên báo chí quan tâm trong khi các toà soạn báo đang có nguy cơ đầy ứ.
Hiện nay, công việc PR (Quan hệ công chúng) cũng được coi là một con đường phát triển sự nghiệp mới mẻ và hấp dẫn với những người tốt nghiệp ngành báo chí.
- Nghiên cứu và đào tạo báo chí ở các trường đại học, viện nghiên cứu có ngành báo chí.
- Các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí các Đại sự quán trong và ngoài nước.
- Nhà báo tự do
Tức là bạn không hoàn toàn thuộc về một cơ quan, tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn. Mô hình nhà báo tự do đã rất phát triển ở các nước phương Tây. Họ là cộng tác viên thường xuyên hoặc không thường xuyên của một số cơ quan báo chí (có người từng cộng tác với hàng chục nơi).
Nhà báo tự do hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp và tiếng tăm cho bản thân mà không cần phải phụ thuộc vào uy tín của một cơ quan báo chí nào đó.
Thực tế, bạn có thể cùng lúc hoạt động tại “hơn một” nơi đã kể trên.
Ví dụ như bạn vùa làm việc chính thức tại toà soạn, vừa tham gia giảng dạy báo chí. Nhiều nhà báo giỏi, có kinh nghiệm vẫn thường được mời về thỉnh giảng tại các khoa, trường đào tạo ngành báo chí. Hoặc ngược lại, bạn có thể vừa giảng dạy ở trường vừa tham gia cộng tác với các tòa soạn.
3. Nhà báo đào tạo ở đâu?
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): 336 đường Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
- Học viện Báo chí tuyên truyền (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): 36 đường Xuân Thuỷ, P. Quan Hoa, Q Cầu Giấy, Hà Nội
- Đại học Khoa học (Đại học Huế): 77 Nguyễn Huệ, Tp. Huế
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh): 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Q. 1, Tp. Hồ Chí Minh
- Cao đẳng Phát thanh truyền hình I: 136 đường Quy Lưu, P. Minh Khai, thị xã Phủ Lý, Hà Nam.
- Cao đẳng Truyền hình: Thường Tín, Hà Tây
Tuy nhiên, bạn có thể bước vào nghề báo từ bất cứ ngành đào tạo nào, đặc biệt các ngành vốn gần gũi với báo chí như: Luật, Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Xã hội học… Thậm chí, nhiều người học các ngành khoa học tự nhiên cũng chọn báo chí làm con đường phát triển sự nghiệp và không ít người đã thành công.
Muốn học lý thuyết và kỹ năng báo chí chuyên nghiệp, bạn nên đăng ký thi tuyển vào một số cơ sở đào tạo báo chí tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh… Trong đó, quy mô lớn nhất là Học viện Báo chí – Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tại Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), bạn sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản, rèn luyện những kỹ năng tổng hợp về báo chí, đào tạo chung cho cả báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet, PR… không chuyên sâu theo một lĩnh vực nào.
Còn ở Học viện Báo chí – Tuyên truyền, bạn sẽ học theo những lĩnh vực riêng biệt của báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử (báo chí Internet), PR…
Tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), ngành báo chí được đặt đào tạo chung trong khoa Ngữ văn.
Trong thực tế, nhiều tòa soạn đã tổ chức thi tuyển, và không hiếm trường hợp, người vượt qua được cuộc tuyển chọn lại không phải là sinh viên báo chí mà lại là sinh viên của các ngành khác, nhất là những ngành có liên quan mật thiết đến đặc thù riêng, giọng điệu riêng của từng tờ báo, hoặc từng loại báo viết, phát thanh, truyền hình, báo Internet.
Nếu bạn có điều kiện, du học nước ngoài cũng là một sự lựa chọn tốt trong hoàn cảnh đào tạo báo chí ở nước ta còn nhiều bất cập. Bạn có thể đăng ký học tại những trường báo chí danh tiếng thế giới tại Mỹ, Pháp, Nga… Nếu bạn thích đi “gần nhà” hơn, các học viện truyền thông của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… đều là sự lựa chọn tốt.
Nếu bạn biết sử dụng Internet, bạn có thể tìm kiếm vô vàn thông tin về quang cảnh báo chí thế giới và trong nước, những kỹ năng, nghiệp vụ báo chí. Sao bạn không thử tham khảo một số trang web sau:
http://www.hocbao.com
http://www.journalismnet.com/
http://www.journalism.org/
http://www.cjr.org/
http://www:jrn.columbia.edu/
http://www.journalism.co.uk/
http://www.ejc.nl/
http://www.jea.org/
http://www.aejmc.org/
http://www.journalism.sfsu.edu/
- Năng khiếu phát hiện thông tin
Năng khiếu này thể hiện ở việc bạn quan tâm tới các sự kiện và cuộc sống luôn mới mẻ dù ở những góc quen thuộc nhất. Bạn nhanh nhạy và tháo vát hơn mọi người trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin.
Nhà báo phải có khả năng nhìn thấy thông tin ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Anh ta nhận ra “vấn đề” ngay trong những cái bình thường mà mọi người dễ bỏ qua. Sự nhìn thấy ấy lại phụ thuộc không ít vào vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhà báo tích luỹ được về mọi mặt của cuộc sống. Nhà báo là người nằm trong dòng chảy thông tin vận động không ngừng, nên buộc phải thông hiểu mọi lĩnh vực đời sống để có thể phát hiện cái mới và thông tin tới công chúng.
Các nhà báo ảnh tác nghiệp
- Năng khiếu truyền tin
Phát hiện thông tin chưa đủ, bạn còn phải quyết định thông tin đó có nên đưa tới công chúng không, và đưa tới ở mức độ nào. Phẩm chất này rất quan trọng trong nghề báo.
Năng khiếu truyền tin không phải bạn là trung tâm “buôn dưa lê” mà là bạn biết cách chọn lọc thông tin, chi tiết, biết cách khiến nó trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và thực sự cần thiết với công chúng.
Thường thì nếu bạn có ý định chọn nghề báo, ngay từ khi còn học trung học, bạn nên gắng học giỏi đều các môn học, nhất là những môn học Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa lý…). Những môn học này không chỉ rèn kỹ năng viết lách, diễn đạt mà còn tạo dựng cho bạn một “phông” văn hoá nền phong phú. Ngoài ra, hãy cố gắng tập cho mình thói quen đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình… Bạn sẽ tích luỹ được rất nhiều cách truyền đạt. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tác nghiệp báo chí của bạn sau này.
- Đam mê nghề thông tin
Dòng chảy bất tận của thông tin đầy ma lực nhưng cũng dễ vắt kiệt sức lực của bạn. Làm nghề báo, bạn rất dễ bị căng thẳng về thần kinh trước áp lực của công việc và sự kiện. Chính vì vậy, hãy tự xem bạn có đam mê nghề thông tin không?
Nhiều bạn trẻ đã lầm lẫn về bản thân khi chọn nghề báo vì đây là một nghề thời thượng trong xã hội hiện đại. Thích được nổi tiếng, thích được mọi người nể trọng, săn đón, nên nhiều người đã chọn nghề báo một cách cảm tính đầy sai lệch như thế mà không biết rằng nghề báo là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm, phải có năng khiếu riêng, và phải thật đam mê thông tin. Đây nhất thiết phải là một đam mê có sự soi xét, can thiệp của lý tính, để có thể gìn giữ suốt đời.
- Lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng
Báo chí là nghề hoạt động chính trị – xã hội nên lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng giữ vai trò tiên quyết với người làm báo.
Trái với nghề sư phạm thường khuôn trong một môi trưởng mẫu mực, nghề báo luôn phải đối mặt với vô vàn cám dỗ và những hiểm nguy. Làm sao giữ được ngòi bút trung thực, thẳng thắn, bình tĩnh để đưa đến công chúng những thông tin đúng đắn?
Điều đó không dễ chút nào. Và đôi khi, dù hoàn toàn vô tình, bạn cũng có khả năng phạm phải sai lầm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Một nhà báo lão thành nước ta từng tổng kết: Nhà báo phải có “đôi mắt sáng, lòng trong và cây bút sắc”. Tố chất này đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc.
- Vốn văn hoá, vốn sống phong phú
Với nghề báo, bạn phải tiếp cận với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì thế, bạn cần có một vốn văn hoá vững chắc, luôn luôn được bồi dưỡng, cập nhật với vốn sống thực tế, phong phú.
Nếu không, ngay từ buổi phỏng vấn đầu tiên với một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bạn sẽ dễ có cảm giác “lơ ngơ như bò đội nón”, không biết phải hỏi gì. Và cũng thật tệ khi bạn, người đưa tin chuyên nghiệp, người trả lời câu hỏi CÁI GÌ MỚI lại lạc hậu so với thời đại.
Ngoài “phông” kiến thức tổng hợp ấy, bạn cũng nên có một lĩnh vực chuyên sâu. Bạn sẽ có những bài viết thật sự sắc sảo và tỉ mỉ hơn, chuyên về một mảng nào đó của đời sống. Và muốn vậy, bạn – nhà báo, phải là người trước hết am tường về nó.
- Trình độ ngoại ngữ và tin học
Trong môi trường giao lưu quốc tế rộng rãi hiện nay, ngoại ngữ và tin học cần cho tất cả các ngành nghề trong xã hội. Với nghề báo, yếu tố này đặc biệt quan trọng. Trong các cuộc gặp gỡ trao đổi với sinh viên báo chí, các nhà báo đã trưởng thành và có kinh nghiệm trong nghề thường khuyên thế hệ sau ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có thời gian và điều kiện, hãy cố gắng trau dồi vốn ngoại ngữ và tin học.
Cùng với xu thế khu vực hoá mạnh mẽ, ngoài những ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, các thứ tiếng khác trong khu vực cũng sẽ là một lợi thế rất lớn cho bạn khi tác nghiệp.
- Ưa vận động
Ba lô trên vai, bạn luôn sẵn sàng cho những chuyến đi.
Với nghề báo, bạn thường phải bôn ba nhiều nơi. Chẳng ai có thể ngồi một chỗ để làm báo. Bởi vậy, thích đi và biết cách đi là một trong những yếu tố quan trọng của nhà báo. Nhưng hãy nhớ rằng những cuộc đi này rất khác với đi chơi, thường đầu óc bạn luôn phải căng thẳng với nhiệm vụ đã được vạch sẵn.
Tờ bưu điện Washington và câu chuyện Wafergate
Hàng thập kỷ sau khi tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức, Watergate vẫn là một trong những vụ bê bối chính trị nổi tiếng nhất, gắn liền với tên tuổi của tờ báo lớn Bưu điện Washington (The Washington Post) và hai nhà báo Woodward, Bernstein.
Với Watergate, Woodward và Bernstein đã ghi tên mình vào danh sách những nhà báo nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Sáng sớm ngày 17-6-1972, cảnh sát phát hiện năm kẻ đột nhập vào tổng hành dinh Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ (đặt tại toà nhà Watergate ở Washington D.C). Những người này đang cố gắng chụp tài liệu và điều chỉnh máy nghe trộm.
Hầu hết báo chí lúc đó coi cuộc đột nhập này là một “trò dại dột”, nhưng Woodward và Bernstein, hai phóng viên giỏi của tờ Bưu điện Washington không nghĩ vậy.
Hai nhà báo Woodward và Bernstein
Sau một loạt điều tra, bài báo đầu tiên (8/1972) đã đi sâu phân tích mối quan hệ giữa những kẻ đột nhập với Uỷ ban Tái đắc cử của Tổng thống Nixon.
Cùng loạt bài tiếp theo, Bưu điện Washington đã làm sáng tỏ rằng cuộc đột nhập này được sắp đặt bởi những quan chức cấp cao trong chính quyền của tổng thống và Uỷ ban Tái đắc cử.
Theo tiến trình phản ánh của các bài báo, bức tranh lớn về những trò bịp bợm chính trị của Nhà Trắng được phơi bày, trong đó có cả việc đặt máy nghe trộm và phá hoại hoạt động của Đảng Dân chủ.
Dư luận xôn xao khiến Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng không thể làm ngơ. Hai năm, tám ngày sau bài báo đầu tiên, tổng thống Nixon xuất hiện trên truyền hình đọc diễn văn xin từ chức. Ngoài ra, còn có tới 40 quan chức chính phủ bị truy tố.
Với Watergate, Woodward và Bernstein đã giành nhiều giải thưởng báo chí lớn, trong đó có giải Pulitzer – một trong những giải thưởng báo chí danh giá nhất. Quan trọng hơn, mối quan hệ tay ba giữa giới chính trị, báo chí và công chúng đã được biến đổi mãi mãi.
Bài học Watergate: Công chúng cần được biết và biết chân thực về tất cả. Từ đây, nắm trong tay sức mạnh của dư luận, báo chí được mệnh danh là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Lịch sử nghề báo
Ngay từ khi con người xuất hiện, nhu cầu thông tin đã là một trong những nhu cầu cơ bản của nhân loại. Nhưng báo chí ra đời tương đối muộn, khi điều kiện kinh tế – xã hội và kỹ thuật đã đến độ chín muồi.
Khoảng những năm 1450, Gutenberg (Đức) phát minh ra máy in. Đây được coi là tiền đề kỹ thuật quan trọng cho sự ra đời của báo in. Tuy còn nhiều tranh cãi về tờ báo đầu tiên, nhưng được chấp nhận nhiều nhất là giả thuyết cho rằng tờ báo xa xưa nhất là tờ Gazette ở Italia, chuyên thông tin về tin tức thương mại (khoảng thế kỷ 15).Chiếc máy in đầu tiên trên thế giới
Năm 1665, tờ Oxford Gazette là tờ báo tiếng Anh đầu tiên ra đời, đánh dấu một bước phát triển của báo chí thế giới. Từ châu Âu, báo chí nhanh chóng lan rộng sang khắp châu Mỹ và cả châu Á, châu Phi.
Cùng với sự phát triển của báo in, các hãng thông tấn ra đời. Năm 1884, hãng AP – hãng thông tấn lớn nhất nước Mỹ và đồng thời, lớn nhất thế giới được thành lập. Hiện nay, AP cung cấp thông tin định kỳ cho các hãng tin, đài phát thanh, truyền hình, báo in của 115 nước.
Năm 1887, Heinrich Hertz tìm ra sóng radio. Tiếp đó là một loạt những đóng góp của các nhà khoa học Oliver Lodge (Anh), Alexander Popov (Nga), Edward Brauley (Pháp), Guglielmo Marconi (Ý)… dẫn đến sự ra đời của phát thanh vào đầu thế kỷ XX. Phát thanh nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).
Sau một loạt những nghiên cứu được bắt đầu từ thế kỷ 19, khoảng những năm cuối thập kỷ 20, đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20 cùng những nỗ lực của các nhà khoa học và sản xuất, truyền hình xuất hiện.
Kết hợp cả hai kênh hình và tiếng, truyền hình đã bắt đầu một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Kể từ đó đến nay, báo in, phát thanh và truyền hình vẫn song song tồn tại và phát triển, trong đó truyền hình có phần ngày càng lấn át.
Báo truyền hình
Đến thập kỷ cuối thế kỷ 20 cùng với mạng toàn cầu Internet, một loại hình báo chí mới xuất hiện và nhanh chóng khẳng định tính ưu việt của truyền thông đa phương tiện (multi-media): báo chí Internet.
Nhiều cơ quan báo chí trên toàn thế giới, trong đó có cả các hãng thông tấn, báo in, phát thanh, truyền hình, đang sử dụng những lợi thế của báo chí Internet như một kênh thông tin nhanh chóng và hữu hiệu.
Các loại hình báo chí cơ bản
- Báo in (gồm báo và tạp chí)
Báo in là người “nhiều tuổi nhất” trong đại gia đình báo chí, ra đời khoảng thế kỷ 16, và không ngừng phát triển cho tới tận ngày nay. Suốt ba thế kỷ, cho đến khi những phát minh khoa học – kỹ thuật mới dẫn đến sự ra đời của phát thanh rồi truyền hình và sau này là báo chí Internet, báo in vẫn giữ vai trò như phương tiện truyền thông đại chúng độc tôn.
Những thập niên cuối thế kỷ 20, khi văn hoá nghe nhìn phát triển mạnh mẽ, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu phát thanh và truyền hình có lấn át báo in? Nhưng thực tế khẳng định báo in vẫn luôn tồn tại và không ngừng phát triển, đổi mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của độc giả.
- Phát thanh (báo nói)
Cung cấp thông tin nhanh và rẻ nhất cho công chúng là phát thanh (hay còn gọi là báo nói). Ngày nay, trước sức ép của truyền hình và Internet, công chúng của phát thanh có phần giảm sút. Tuy nhiên, phát thanh vẫn là kênh thông tin ưu việt không thể thiếu của báo chí.
- Truyền hình (báo hình)
Kết hợp cả hai kênh nghe nhìn, hiện nay, truyền hình thực sự là “người khổng lồ” trong các phương tiện truyền thông đại chúng.
Truyền hình xâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống, thu hút mọi đối tượng công chúng, cung cấp những kiến thức tổng hợp, cần thiết trong cuộc sống, các chương trình thông tin quảng cáo và giải trí hấp dẫn.
Sự phát triển của truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số ở nước ta hiện nay đang mở ra những cơ hội mới cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình, thu hút công chúng nhiều hơn.
- Báo chí Internet (báo mạng điện tử)
Là thành viên “trẻ” nhất so với báo in, phát thanh, truyền hình, nhưng báo chí Internet đã khẳng định sức mạnh to lớn với khả năng cập nhật thông tin nhanh nhất và “lan toả” lớn nhất. Một trong những lợi thế của báo chí Internet là khả năng truyền thông đa phương tiện (multi-media).
Hiện nay, ở nước ta, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, nhiều cơ quan báo chí Internet cũng đang dần trở nên quen thuộc và có uy tín như Vietnamnet, VnExpress…
- Báo ảnh
Báo ảnh khai thác sức mạnh của ảnh báo chí. Ảnh báo chí có sức mạnh riêng bởi tính chân thực, tin cậy, thuyết phục và hấp dẫn, được dùng phổ biến trên báo in, báo Internet, truyền hình (ảnh tĩnh)…
- Hãng thông tấn (hãng tin tức)
Hãng thông tấn là những “phát ngôn viên” của thế giới, hàng ngày thu về và phát đi hàng triệu từ tin tức. Trong số những “đại gia” truyền thông của thế giới, phải kể đến Reuter (Anh); AP, UPI (Mỹ); AFP (Pháp); Itar-TASS (Nga); Tân Hoa Xã (Trung Quốc); Kyodo (Nhật)…
Hãng thông tấn là một tổ chức, tổ hợp báo chí có chức năng thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Ngoài ra, hãng thông tấn còn tiến hành các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, trao đổi và hợp tác về thông tin và các lĩnh vực khác. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong những tổ hợp báo chí như vậy.
- Lược sử báo chí Việt Nam
Giữa thế kỷ 19, báo chí theo thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam. Năm 1865, Gia Định báo – tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ra đời tại Sài Gòn, đánh dấu mốc quan trọng trong sự ra đời của báo chí Việt Nam. Từ miền Nam, báo chí nhanh chóng phát triển ra miền Bắc. Đầu thế kỷ 20, báo chí nước ta đã được định hình về cơ bản với sự phong phú về chủng loại: báo chính trị – xã hội, báo văn nghệ, báo kinh tế, báo chuyên ngành, báo cho từng giới…
Gia Định báo
Ngày 21-6-1925, số 1 của tờ Thanh Niên do Hồ Chí Minh sáng lập và làm chủ bút ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Sau này, ngày 21-6 đã được chọn làm ngày Báo chí Việt Nam.
Trong gần hai năm hoạt động, từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927, tờ Thanh Niên ra 88 số, nội dung chủ yếu là tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, kêu gọi tinh thần yêu nước, là một bước chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tờ Thanh Niên ngừng xuất bản, nhưng nối tiếp nó là một loạt những tờ báo cách mạng khác như Tranh đấu, Tiến lên, Cờ đỏ, Thợ thuyền, Cờ giải phóng… tiếp tục vai trò người tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể cho Cách mạng tháng Tám.
Ngày 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát sóng lần đầu tiên với bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng 25 năm sau, ngày 7-9-1970, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ra đời, đánh dấu bước phát triển mới trong hệ thống báo chí nước ta.
Một ngày của nhà báo
Không có lịch trình chính xác cho việc bắt đầu và kết thúc một ngày của nhà báo, nhất là với những loại hình báo chí khác nhau như báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet… Nó phụ thuộc vào công việc bạn đang làm và tin tức bạn đang theo đuổi. Có những khi ngày thực sự bắt đầu từ hôm qua, bởi bạn đã thức trắng đêm để theo dõi hoặc trình bày một sự kiện nào đó.
Nhưng hãy coi như không có những việc đặc biệt như vậy, ở toà soạn báo in, buổi sáng của bạn sẽ bắt đầu vào khoảng tám giờ với ấm trà nóng ở cơ quan. Các nhà báo thường bắt đầu ngày làm việc theo cách này, tức là ngồi lại chuyện trò về đủ thứ trên đời, chủ yếu là những tin tức chính trị xã hội nóng hổi.
Đọc báo cũng là một khâu thiết yếu để bắt đầu buổi sáng. Nhà báo luôn phải là người đọc báo nhiều nhất, báo của mình và các báo khác mới ra sáng nay. Đảo một vòng qua các báo, bạn đã có một lượng thông tin khái quát. Bạn xem lại bài viết của mình trên báo mới ra và tự đánh giá. Bài viết hơi dài, ảnh lại không rõ lắm chẳng hạn. Nếu đó là một vấn đề được nhiều báo cùng phản ánh, bạn lập tức phải mở một số báo khác mà bạn lựa chọn, xem họ viết về chuyện này thế nào, có gì khác với bạn không. Bạn có thể đọc báo tại nhà hoặc ở cơ quan. Nhà báo đọc báo ở mọi lúc, mọi nơi có điều kiện. Đọc – đi – nghĩ – viết là công việc của nghề này.
Các nhà báo tại buổi họp báo
Tuy nhiên, bạn chẳng có nhiều thời gian, bởi sáng nay bạn có một cuộc họp báo vào lúc 9 giờ. Đây là một cuộc họp báo quan trọng và bạn không thể đến muộn. Vì thế, bạn phải trừ hao những sự cố như tắc đường chẳng hạn. Nhà báo phải đưa tin về sự kiện nhưng bạn lại không thể bắt sự kiện đó diễn lại, vì vậy bạn phải luôn là người “đi trước, đón đầu”.
Tối hôm qua, bạn đã thức khá muộn để đọc thêm một số thông tin có liên quan tới cuộc họp báo này, như vậy bạn sẽ bỏ qua được việc phải hỏi những thông tin vô ích. Giờ đây, bạn chăm chú theo dõi để đặt những câu hỏi xác đáng và kịp thời ghi chép thông tin. Trong lúc đó, bạn đã quyết định dành cho sự kiện này một cái tin đơn giản hay là một bài phản ánh, bình luận…
Hai tiếng sau, rời khỏi khách sạn sang trọng đắt tiền, không kịp dự bữa tiệc chiêu đãi, bạn xắn gấu quần dò dẫm đi trên con hẻm tối dẫn vào một khu vực dân cư phức tạp trong một vụ việc tranh chấp đầy nghi vấn mà bạn mới phát hiện.
Dò la, phỏng vấn, chụp ảnh, bạn quay lại toà soạn khi đã quá trưa, vừa nhai vội ổ bánh mì vừa viết bài. Bạn nhìn lên đồng hồ, không có nhiều thời gian. Lúc 3 giờ chiều bạn phải đi dự một lễ ký kết hợp tác nước ngoài. Chuyển xong tin bài qua “sếp”, bạn vội vàng phi vào phòng tắm, chỉ có 10 phút để tân trang lại sạch sẽ, chỉnh chu.
Hai mươi phút sau, bạn đã lại có mặt tại một toà cao ốc sang trọng với dáng vẻ khả kính nhất. Cứ như chưa hề có chuyện lặn lội trong con hẻm đầy rác bẩn và vừa nhai vội ổ bánh mì nguội ngắt vừa viết bài buổi trưa.
Ngày làm việc kết thúc vào lúc 7 giờ tối, cũng có thể là 10 giờ hay muộn hơn. Một giờ đêm, bạn đang ngủ mê mệt sau một ngày làm việc vất vả, tiếng điện thoại reo inh ỏi.
Bạn bật dậy cầm ống nghe và ra khỏi nhà năm phút sau với đầy đủ “phụ tùng” tối thiểu như máy ảnh, máy ghi âm, sổ, bút. Có một sự kiện nghiêm trọng vừa xảy ra. Không biết mấy giờ bạn về nhà, cũng có thể bạn sẽ về ngay toà soạn.
Tóm lại, chẳng có mẫu số chung nào cho một ngày của nhà báo cả. Bạn luôn là người nắm bắt nhanh nhất, chạy theo dòng sự kiện nóng hổi để truyền tải tới công chúng đang đón chờ.
Một ngày của bạn bắt đầu từ chính những sự kiện. Và như vậy, cuộc sống của nhà báo là dòng sự kiện trôi chảy không ngừng.