Fixi.vn – Trong điện ảnh, Bao Thanh Thiên là một hình tượng quan xử án vô cùng nổi tiếng. Những người phân xử như vị quan họ Bao phải vừa có uy tín, có trí tuệ cũng như khả năng lập luận sắc bén. Trong xã hội ngày nay, những người như vậy được gọi là thẩm phán.
Mục Lục Bài Viết
Thẩm phán là ai ?
Thẩm phán cũng còn gọi là quan tòa hay chánh án là người thực hiện quyền xét xử chính tại một phiên tòa, có thể là chủ tọa một mình hoặc là một thành phần trong hội đồng xét xử gồm nhiều thẩm phán.
Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.
Tại Việt Nam, thẩm phán của toà án quân sự mặc lễ phục quân đội; thẩm phán của toà án nhân dân mặc trang phục công sở, gồm quần âu, áo vest màu đen, áo sơ mi màu trắng.
Thẩm phán cùng với các hội thẩm nhân dân được xưng hô chung là “Quý Toà”, (ví dụ: khi thẩm phán hỏi một đương sự trong vụ án thì đương sự đó có thể trả lời bằng mở đầu câu là: Thưa Quý Toà). Khi được nhắc đến với tư cách là ngôi thứ ba trong câu nói thì thẩm phán được gọi đơn giản là “(Ông/Bà) Thẩm phán”
Nghề thẩm phán làm gì?
Các quốc gia khác nhau thì cũng có các quy định khác nhau về quyền hạn, chức năng, cách thức bổ nhiệm, kỷ luật, và đào tạo thẩm phán. Thẩm phán nghe những người làm chứng và các bên có liên quan trong vụ án trình bày chứng cứ, đánh giá mức độ xác thực của các bên, và sau đó đưa ra phán quyết về vấn đề được trình bày dựa trên việc giải thích pháp luật và đánh giá chủ quan của mình.
Tại một số quốc gia, quyền hạn của thẩm phán được chia sẻ với bồi thẩm đoàn hoặc hội thẩm, trong khi đó một số quốc gia khác lại giảm dần việc chia sẻ quyền hạn này. Trong hệ thống tố tụng hình sự thẩm vấn, thẩm phán đã tham gia vào việc điều tra sẽ không được là thẩm phán xét xử vụ án đó.
Cụ thể, công việc của nghề thẩm phán bao gồm:
– Chủ trì điều trần, lắng nghe và đọc hiểu lý lẽ giữa các bên đối lập: thẩm phán chủ trì buổi xét xử và buổi điều trần liên quan đến hầu hết các khía cạnh của xã hội từ vi phạm giao thông cá nhân đến quyền lợi của các tập đoàn lớn.
– Nghiên cứu vấn đề theo luật pháp.
– Đọc và đánh giá thông tin từ tài liệu, báo cáo.
– Xác định xem thông tin trình bày hỗ trợ sự buộc tội, khiếu nại hoặc tranh chấp: thẩm phám lắng nghe, xem xét các lập luận cũng như xác định các bằng chứng đưa ra đã đủ và xác đáng hay chưa.
– Quyết định quy trình thực hiện theo luật pháp và quy tắc: trong các buổi xét xử hình sự, thẩm phán có quyền quyết định giam giữ người bị tình nghi đến khi xét xử, đồng thời là người phê duyệt lệnh bắt giữ.
– Áp dụng luật hoặc thực hiện luật để đưa ra phán quyết và giải quyết tranh chấp giữa các bên.
– Viết ý kiến, quyết định và hướng dẫn về các trường hợp, khiếu nại và tranh chấp.
Thẩm phán làm việc ở đâu?
Tất cả thẩm phán đều làm việc cho quốc gia, chính quyền địa phương. Nghề thẩm phán làm việc trong văn phòng và tòa án. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn vì thẩm phán và cán bộ điều trần phải ngồi tại một vị trí trong tòa án hoặc phòng điều trần và phải chú ý vào toàn bộ quá trình xét xử hoặc điều trần.
Hầu hết thẩm phán làm việc toàn thời gian nhưng thỉnh thoảng họ phải làm việc trong một thời gian dài để chuẩn bị cho buổi điều trần. Một số người làm việc bán thời gian và để thời gian còn lại làm công việc khác. Nghề thẩm phán có thể bị gọi giữa đêm hoặc cả cuối tuần trong các trường hợp khẩn cấp để cấp lệnh khám xét hay lệnh bắt giữ.
Nghề thẩm phán học ở đâu?
Nghề thẩm phán được đào tạo pháp luật cơ bản tại một số trường như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Khoa Luật Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Khoa Luật (Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế), Trường Đại học Cần Thơ…
Tốt nghiệp, bạn có thể trở thành chuyên gia pháp lý, làm việc ở tất cả những nơi có nhu cầu. Để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh đặc thù như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, bạn còn phải trải qua khoá đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp.
Để trở thành thẩm phán bạn cần có những tố chất và kỹ năng phù hợp với công việc đòi hỏi cao này:
– Kĩ năng tư duy phê phán: tòa án không thể để giả định cá nhân làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử điều tra mà phải áp dụng luật.
– Kĩ năng đưa ra quyết định: thẩm phán phải cân nhắc sự thật để áp dụng luật và quy tắc để đưa ra quyết định nhanh gọn, chính xác.
– Kĩ năng lắng nghe: thẩm phán phải chú ý chi tiết vào những gì được nói ra để đánh giá thông tin.
Ngoài ra, để trở thành thẩm phán bạn cần có những tiêu chuẩn sau: Theo Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-TANDTC-BQP-BNV:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- “Có trình độ cử nhân luật” là phải có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên ngành luật.
- “Đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử” là phải có chứng chỉ về đào tạo nghiệp vụ xét xử.
- “Thời gian làm công tác pháp luật” là thời gian công tác liên tục kể từ khi được xếp vào một ngạch công chức theo quy định của pháp luật.
- “Có năng lực làm công tác xét xử” là phải nắm bắt và áp dụng được các quy định của pháp luật trong công tác xét xử.
- “Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao” là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, ngoài thể lực cần thiết, còn bao gồm yếu tố ngoại hình đó là không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế, tác phong hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán.
- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật.
Ở Painesville, bang Ohio, nước Mỹ có một vị thẩm phán đặc biệt tên là Michael Cicconetti. Vị thẩm phán ở này nổi tiếng bởi những hình phạt không giống ai. Nhiều bản án lạ lùng nghe như truyện ngụ ngôn nhưng lại khá hiệu quả trong việc tạo nên một bài học đạo đức.
Cô gái trẻ Victoria Bascom, 18 tuổi ở Fairport Harbor bị tố cáo “quỵt” 100 USD tiền taxi từ Cleveland tới Painesville được thẩm phán Cicconetti đưa ra 2 lựa chọn: một là ngồi tù 60 ngày và bồi thường 100 USD, hai là đi bộ trong vòng 48 tiếng hết 30 dặm, đúng bằng quãng đường cô ta không chịu trả tiền. Bị cáo sau đó đã chọn đi bộ với màn hình GPS giám sát.
Ông Cicconetti cũng khiến cô Diamond Gaston 19 tuổi phải lựa chọn khó khăn sau khi Gaston hành hung một người đàn ông với bình xịt hơi cay. Gaston có thể cân nhắc thời gian ngồi tù hoặc cho phép nạn nhân phun bình xịt hơi cay vào mặt xem cô ta cảm thấy như thế nào. Gaston chọn bình xịt hơi cay, rất may trong bình chỉ là một dung dịch muối vô hại.
Giáo sư Jonathan Witmer-Rich, chuyên gia về luật hình sự ở Đại học Luật Cleveland-Marshall lại cho rằng, vị thẩm phán đã tạo ra hiệu quả khi xử lý vụ việc.
Ngoài tiết kiệm được chi phí để đưa người phạm tội vào tù, hình phạt độc đáo sẽ khiến cho người phạm tội cư xử tốt hơn với cộng đồng sau khi họ đã có hành vi gây tổn hại.
“Thẩm phán có quyền sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt kẻ phạm tội nhưng miễn là đừng lạm dụng hoặc đi quá xa, nhưng tôi nghĩ đó là những hình thức trừng phạt sáng tạo mà hiệu quả”.
Trong hệ thống luật pháp ngày nay, Civil Law và Common Law là hai hệ thống được sử dụng rộng rãi và có tầm quan trọng tại nhiều nước trên thế giới. Nếu như trong cấu trúc nguồn luật của dòng họ Civil Law luật thành văn luôn giữ thứ bậc hàng đầu, án lệ chỉ là thứ yếu thì trong cấu trúc nguồn luật thuộc dòng họ Common Law thì án lệ được xem là nguồn cơ bản nhất và quan trọng nhất.
Với Civil Law, thẩm phán có quyền điều tra xét hỏi, đặc biệt trong các vụ án hình sự và quyết định những nhân chứng, bằng chứng được đưa ra trước tòa. Tức là ở đây các thẩm phán dựa nhiều vào sự thật trên thực tế hơn là sự thật từ các luật sư. Điều này đảm bảo được tính công bằng hơn.
Khi xét xử, các nước theo hệ thống Common Law rất coi trọng nguyên tắc Due process. Đây là nguyên tắc được nhắc đến trong tu chính án thứ 5 và 14 của Hoa Kỳ. Nội dung chính của nguyên tắc này nói đến ba yêu cầu chính: yêu cầu bình đẳng của các đương sự trong việc đưa ra chứng cứ trước Toà, yêu cầu qui trình xét xử phải được tiến hành bởi một Thẩm phán độc lập có chuyên môn, cùng một bồi thẩm đoàn vô tư, khách quan, yêu cầu luật pháp phải được qui định sao cho một người dân bình thường có thể hiểu được hành vi phạm tộị. Hệ thống Civil Law dựa trên qui trình tố tụng thẩm vấn nên trong các vụ án hình sự, thẩm phán căn cứ chủ yếu vào Luật thành văn, kết quả của cơ quan điều tra, và quá trình xét xử tại Toà để ra phán quyết.
Toà án ở các nước theo truyền thống Common Law được coi là cơ quan làm luật lần thứ hai, hay cơ quan sáng tạo ra án lệ. Ngược lại ở các nước theo truyền thống Civil Law, chỉ có Nghị viện mới có quyền làm luật, còn Toà án chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật.
Ở các nước Civil law có nghề thẩm phán riêng, có trường đào tạo thẩm phán riêng một cách quy củ chứ không phải là lựa chọn thẩm phán từ các luật sư giàu kinh nghiệm như các nước Common law.
Ví dụ như trình tự đào tạo thẩm phán ở Pháp như sau : sau khi học 4 năm đại học luật, phải dự tuyển vào trường Thẩm phán Bordeaux (Ecole national de la magistrature). Nếu được phải học trong 31 tháng, trong khi học được hưởng lương.
Sau khi tốt nghiệp, trải qua một giai đoạn thực tập quan trọng sẽ được bổ nhiệm vào vị trí xét xử hoặc công tố.