Fixi.vn – Thợ sơn là những người quét vôi – sơn nước, một khâu quan trọng trong việc hoàn thiện các công trình xây dựng, nhà ở, cầu…
Mục Lục Bài Viết
Thợ sơn là ai?
Thợ sơn là những người quét vôi – sơn nước, một khâu trong công việc hoàn thiện công trình xây dựng, nhà ở, cầu… Ngoài ra, vào các dịp lễ tết hay khi có nhu cầu thay đổi màu sơn các công trình xây dựng, nhà ở, thợ sơn cũng nhận các dự án quét lại màu sơn.
Các tòa nhà, căn phòng, ô tô, bàn ghế… cái gì có thể sơn được thì thợ sơn đều có thể sơn. Họ dùng nhiều loại chổi sơn, lăn sơn, súng phun sơn điện để tạo nên lớp sơn phủ đẹp và các kĩ thuật để có những lớp sơn chất lượng cao. Thông thường, các thợ sơn che phủ hoặc gỡ bỏ những thứ không cần sơn, chuẩn bị các bề mặt sơn bằng dao cạo hay máy đánh bóng, phủ lớp sơn lót, mua và trộn các loại sơn, quyết định loại dụng cụ sơn, màu sắc và lớp phủ cho sản phẩm cuối cùng. Một vài thợ sử dụng các thiết bị an toàn chuyên dụng để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.
Trong khi làm việc, nghề thợ sơn yêu cầu người thực hiện phải mang theo mình rất nhiều đồ nghề như thùng sơn, chổi, giấy chà nhám, cọ sơn, bình sơn phun,…
Các loại thợ sơn khác nhau bao gồm các thợ sơn xây dựng sơn các tòa nhà mới, cá thợ sơn bảo dưỡng cải thiện và duy trì lớp sơn, các thợ sơn nghệ thuật áp dụng các kĩ thuật trang trí vào các bề mặt đã sơn, các công nhân sơn thủ công sơn đồ chơi, ô tô, các vật dụng gia đình và các thiết bị khác.
Thợ sơn làm gì?
· Tính toán số lượng nguyên vật liệu cần thiết dựa vào các số liệu đo đạc bề mặt sơn và yêu cầu sơn.
· Ước tính tổng chi phí của công việc bằng cách ước tính chi phí của nguyên vật liệu và thời gian cần thiết để hoàn thành công việc.
· Lựa chọn và mua các vật liệu, công cụ, chất liệu sơn, loại sơn và màu sơn phù hợp cho bề mặt cần sơn, phụ thuộc vào độ bền, dễ xử lí, phương thức sử dụng và mong muốn của khách hàng.
· Gỡ bỏ các vật dụng như ổ điện, đèn ngủ, tay nắm cửa và tranh ảnh trước khi sơn.
· Dựng giàn giáo hay chuẩn bị thang để làm việc trên cao.
· Xử lí các bề mặt trước khi sơn với dầu, nhựa thông làm loãng sơn, chất loại bỏ nấm mốc để đảm bảo sơn bám, khi sơn lên sẽ đẹp.
· Pha trộn các màu sơn, chất nhuộm, vecni với dầu và các chất phụ gia làm loãng sơn hay làm khô để có được hỗn hợp sơn như mong muốn.
· Bảo vệ các bề mặt trong khi sơn bằng cách dùng băng dính hoặc vải để che phần không muốn bị sơn dính vào.
· Sử dụng sơn, chất nhuộm, vecni, tráng men để hoàn thành lớp sơn phủ các thiết bị, tòa nhà, cầu… hay lớp sơn lót để chuẩn bị sơn các bề mặt mới.
· Làm mịn các bề mặt sau khi sơn bằng cách sử dụng giấy nhám, xẻng cạo, bùi nhùi thép hay máy đánh bóng.
· Sử dụng vữa, mát tít để trét kính cửa sổ… để lấp các vết nứt và lỗ thủng.
· Cắt các khuôn tô rồi quét hay phun các hình trang trí lên bề mặt.
· Dọn sạch khu vực sau khi sơn.
Nghề thợ sơn làm việc ở đâu?
Thợ sơn có thể làm việc độc lập hoặc theo các nhóm thợ xây dựng, các công ty xây dựng chuyên cung cấp các dịch vụ sơn nhà, sơn văn phòng… như DTHouse, IBG Vietnam,…
Môi trường làm việc của nghề thợ sơn thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào loại hình công việc sơn mà họ làm. Ví dụ, các thợ sơn chuyên sơn nội thất dành nhiều thời gian làm việc trong nhà, trong khi các thợ sơn công nghiệp dành hầu hết thời gian làm việc ngoài trời.
Các thợ sơn làm việc ngoài trời thì phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết để hoàn thành công việc. Thời tiết ấm áp và khô ráo thì thuận lợi cho việc sơn, và các thợ sơn tận dụng các điều kiện này khi có thể. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải làm việc ngoài giờ khi thời tiết đẹp và sau đó không thể làm gì vào các giai đoạn mưa nhiều.
Môi trường làm việc của họ đôi lúc rất nguy hiểm. Một vài thợ sơn sơn cầu, bề ngoài các tòa nhà cao tầng và các kiến trúc khác mà đòi hỏi làm việc trên cao. Trong khi sơn trên cao thợ sơn vẫn phải thường xuyên cúi người, thay đổi tư thế hay mang vác, điều này có thể gây ra chấn thương.
Có những thợ sơn làm việc toàn thời gian, và hơn nửa số thợ sơn làm việc tự do, nhưng suy cho cùng, lịch trình, thời gian làm việc của các thợ sơn phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Học nghề thợ sơn ở đâu?
Để hành nghề, bạn có thể theo học nghề thợ sơn tại các trung tâm đào tạo như Trung tâm đào tạo Giáo dục Việt, Viện nghiên cứu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Hà Nội hoặc các khóa đào tạo của các trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Cao đẳng Mĩ thuật hoặc các trường trung cấp, sơ cấp nghề như Trung cấp nghề Phương Đông, Cao đẳng nghề Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội… Các trường tiến hành xét tuyển đối với người tốt nghiệp THCS hoặc THPT.
Ngoài ra, nghề thợ sơn cũng có thể dễ dàng được tích lũy qua quá trình làm việc thực tế. Kinh nghiệm làm việc cũng là một lợi thế để được tuyển dụng. Nếu bạn có những tố chất phù phù hợp như đã nêu trên, bạn có thể không cần học đúng chuyên ngành thợ sơn mà chỉ cần tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại các công ty xây dựng chuyên cung cấp dịch vụ sơn, làm việc cùng và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia sơn nhà, các nhóm thợ hay thợ sơn nhà lâu năm để nắm được những nguyên tắc cơ bản trong việc sơn nhà, các loại sơn và dụng cụ sơn, các kĩ thuật sơn, dần dần sau một thời gian làm việc bạn sẽ tự rút ra kinh nghiệm và tay nghề ngày càng lên cao.
Tố chất cho những người làm nghề thợ sơn
- Có cái nhìn chuẩn xác về màu sắc và óc thẩm mĩ tốt: Các thợ sơn cần có thể nhìn được các màu khác nhau, giữa một số màu có sự khác biệt rất nhỏ và thợ sơn cần có sự nhận biết tinh tế để phân biệt được và đảm bảo chắc chắn chúng thống nhất trong suốt quá trình sơn. Ngoài con mắt tinh tế để phân biệt các màu sắc, các thợ sơn cũng cần đến con mắt thẩm mĩ tốt để tư vấn cho khách hàng cách chọn màu sơn, cách phối màu đẹp và phù hợp với từng loại không gian. Ngoài ra, thợ sơn phải sáng tạo không ngừng để nghĩ ra và tư vấn cho khách hàng các kiểu sơn, mẫu sơn mới lạ, độc đáo bằng sự kết hợp các màu sơn và loại sơn khác nhau, óc thẩm mĩ tốt lúc này là rất cần thiết.
- Chăm sóc khách hàng: Một vài thợ sơn cần làm việc với khách hàng, và phải tỏ ra thân thiện, lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ và có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các thợ sơn cần lắng nghe để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, sử dụng các kiến thức chuyên môn về các loại sơn, màu sơn, dụng cụ sơn (ưu nhược điểm và cách sử dụng, trường hợp áp dụng của từng loại) để tư vấn cho khách hàng loại sơn, hãng sơn, dụng cụ sơn phù hợp mà thợ sơn sẽ dùng. Mọi tư vấn và đàm phán cần được thợ sơn trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để tạo sự tin tưởng và thuyết phục với khách hàng.
- Chú ý đến tiểu tiết: Các thợ sơn phải đảm bảo chắc chắn đã làm sạch các phần sơn chờm ra ngoài, các vết ố, vết lem bẩn. Sơn là một công việc nghệ thuật yêu cầu sự chính xác và tinh tế, một sơ suất nhỏ như một vết sơn chờm, sơn lỗi, vết nứt, vón sơn, vết lem ố cũng có thể dễ dàng bị phát hiện và ảnh hưởng đến kết quả thẩm mĩ của cả thành phẩm sơn nên việc chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong và sau quá trình sơn là rất quan trọng. Ngoài ra, trước khi sơn, các thợ sơn cũng cần chú ý đến tiểu tiết để tính toán đúng số lượng sơn cần thiết để việc sơn hiệu quả, tiết kiệm.
- Thể chất tốt và khéo léo: Công việc của thợ sơn phải sử dụng nhiều đến thể lực và đôi tay, phải hoạt động, thay đổi tư thế liên tục, luôn phải vươn tay lên cao chứ không ngồi yên một chỗ chỉ dùng trí lực như những công việc văn phòng nên yêu cầu người có sức khỏe tốt, dẻo dai, có sức bền, chân tay linh hoạt, nhanh nhẹn, những người chậm chạp, béo phì, nhanh mệt chắc chắn không thể làm đượcloại công việc này. Bên cạnh sự dẻo dai và tháo vát, thợ sơn còn cần một đôi tay khéo léo vì công việc sơn chủ yếu dựa vào đôi tay, phải khéo léo mới tránh được những sai sót và có những tác phẩm sơn đẹp, tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Hơn nữa, thợ sơn liên tục phải làm việc ở những môi trường khắc nghiệt, đầy khó khăn như đối mặt trực tiếp với sự thất thường của thời tiết, có hôm phải làm việc giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, có hôm lại làm việc giữa trời lạnh buốt hoặc phải làm việc ở trên cao nên cần sự khỏe mạnh, bền bỉ, dẻo dai.
- Khả năng tổ chức: Sau khi hiểu rõ các nhu cầu của khách hàng, trao đổi với khách hàng để quyết định các loại sơn, mẫu sơn, các thợ sơn cần có khả năng tổ chức, quản lí thời gian tốt để sắp xếp, lên lịch trình làm việc phù hợp, đảm bảo công việc diễn ra đúng tiến độ và đạt được kết quả như mong muốn, hoàn thành công việc đúng thời gian yêu cầu.
Thợ sơn dùng lăn sơn
Nguyễn Sơn Hà – Ông tổ nghề Sơn Việt Nam
Làm thuê và tự học rồi lao vào thương trường, ông sớm trở thành chủ một hãng sơn dầu lớn, dám cạnh tranh cả với người Pháp ở Đông Dương.
Đó là Nguyễn Sơn Hà, ông tổ nghề sơn dầu Việt Nam với các thương hiệu sơn dầu nổi tiếng một thời vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Nguyễn Sơn Hà quê Quốc Oai, Sơn Tây, nhưng sinh ở Hà Nội năm 1894. Năm 15 tuổi đã mồ côi cha nên sớm phải gánh vác gia đình cùng mẹ nuôi 5 em nhỏ.
Làm thư ký cho hãng sơn dầu nổi tiếng Sauvage Cottu, Nguyễn Sơn Hà lẳng lặng học nghề làm sơn dầu với quyết tâm sẽ gây dựng cuộc đời bằng nghề này. Ông để tâm học hỏi mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật chế tạo sơn đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm… Mỗi khi có thời gian rỗi, lúc chủ nhà đi vắng, ông lục lọi trong tủ sách kỹ thuật của nhà chủ, đọc những kỹ thuật về nghề sơn. Hồi nhỏ, Nguyễn Sơn Hà đã được học vài năm chữ nho và chữ Quốc ngữ, cũng đủ để đọc sách. Lúc này, muốn đọc sách kỹ thuật, Nguyễn Sơn Hà phải đêm đêm cặm cụi học thêm Pháp ngữ, và cũng có đủ vốn liếng để học các sách về kỹ thuật sơn dầu.
Khi đã nắm được những bí quyết cơ bản của nghề sản xuất và kinh doanh sơn dầu, ông xin thôi việc. Ông bán chiếc xe đạp, lấy tiền làm vốn, mở một cửa hàng nhỏ nhận việc quét vôi, quét sơn, kẻ biển. Bề ngoài là vậy, nhưng trong nội bộ là lẳng lặng chế thử sơn dầu! Nhiều lần sản xuất thử, thất bại, Sơn Hà cùng các em của mình kiên trì rút kinh nghiệm, và ông đào sâu nghiên cứu cách dùng nguyên liệu trong nước như dầu trẩu, nhựa thông, cây thầu dầu… Cuối cùng, Nguyễn Sơn Hà đã thành công!
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam, bắt đầu từ Hải Phòng, hiệu sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã xuất hiện và dám cạnh tranh với các hàng sơn của người Pháp và người Hoa. Với giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô và bóng đẹp, sơn của Nguyễn Sơn Hà ngày càng được khách hàng ngoài Bắc, trong Nam tín nhiệm. Với những mặt hàng phong phú như sơn Résistanco A – B dùng cho sơn xe đạp, sơn Durolac để sơn ôtô, sơn Ideal dùng sơn các vật dụng thông thường…, sau một thời gian ngắn, sơn của Nguyễn Sơn Hà đã cạnh tranh được với cả sơn của hãng Sauvage Cottu, sơn Ripholin nhập từ Pháp sang.
Nguyễn Sơn Hà trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, từ tay trắng làm nên sự nghiệp, khẳng định tài trí của người Việt.
Lịch sử ngành sơn
Sơn được xem là một trong các loại vật liệu không thể thiếu trong xây dựng và trang trí. Lịch sử ngành sơn khởi nguồn từ rất lâu, trải qua thời gian các sản phẩm và công nghệ sơn ngày càng được cải tiến không ngừng.
Lịch sử lâu đời và phát triển của ngành sơn thế giới
Có thể nói, công nghệ sản xuất sơn là một trong các công nghệ lâu đời nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Ngay từ thời cổ xưa, cách đây khoảng hơn 25.000 năm trước, nhiều cộng đồng người cổ xưa trên thế giới đã biết cách sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên để tạo thành loại sơn trang trí đầu tiên trong lịch sử loài người. Các loại sơn từ thuở sơ khai này chủ yếu được sử dụng để tạo nên các bức tranh phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày trong các hang động hoặc phiến đá, nhiều bức tranh trong số đó còn tồn tại đến ngày nay.
Sau đó đến thời kỳ các nền văn minh cổ đại như Ai Cập trong khoảng thời gian từ năm 3000 đến năm 600 trước công nguyên bắt đầu chế tạo được sơn mỹ thuật rồi người Hy Lạp và La Mã tạo ra sơn dầu béo trong thời kỳ từ năm 600 trước công nguyến đến năm 400 sau công nguyên. Loại sơn này vừa có tác dụng vừa trang trí, vừa có khả năng bảo vệ các bề mặt cần sơn tuy nhiên màu sắc còn khá đơn điệu. Mặc dù vậy cho đến tận thế kỷ 13, nhiều nước châu Âu khác mới biết đến công nghệ sản xuất sơn này. Bước ngoặt trong lịch sử ngành sơn bắt đầu vào thế kỷ 18 cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất sơn chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu sơn ngày càng tăng cao. Tuy nhiên các sản phẩm sơn thời đó chất lượng chưa cao cùng với khả năng trang trí, bảo vệ thấp.
Trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển, lịch sử ngành sơn ngày càng phát triển trong giai đoạn thế kỷ 20 đến nay với nhiều loại sơn khác nhau được sản xuất đi cùng với đó là các công nghệ sản xuất sơn được cải tiến giúp tăng hiệu quả bảo vệ, trang trí đồng thời giảm giá thành và an toàn hơn cho sức khỏe con người. Trong đó hơn 75% sơn hiện nay là sơn gốc nước thay thế cho sơn gốc dầu với nhiều tính năng và chất lượng vượt trội hơn. Các công nghệ sơn hiện nay có thể kể đến như công nghệ đan chéo, công nghệ hybrid hay công nghệ sơn nano đang được ứng dụng và phát triển.
Lịch sử phát triển của ngành sơn tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cách đây 400 năm trước, cha ông ta đã biết cách chế tạo sơn trang trí bảo vệ cho các pho tượng thờ hay hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng với việc sử dụng cây sơn mọc trong tự nhiên. Các loại sơn này khá bền màu theo thời gian và còn duy trì đến ngày nay trong việc tạo ra các sản phẩm tranh sơn mài hay đồ sơn son thếp vàng. Bên cạnh đó, còn một số loại dầu béo đươc làm từ nhựa thông của cây thông ba lá hoăc dầu lai, dầu bóng được sử dụng để trang trí và bảo vệ cho chiếc nón lá hoặc các đồ vật nội ngoại thất. Tuy nhiên đây đa phần đây là các loại sơn tự nhiên trong dân gian và phục vụ cho nhu cầu trang trí nội thất là chủ yếu.
Phải đến giai đoạn năm 1913 – 1914 tại Việt Nam mới có một xưởng sơn dầu của người Pháp xây dựng tại Hải Phòng mang tên Testudo, sau đó công ty sơn đầu tiên của Việt Nam mang tên Gecko của ông Nguyễn Sơn Hà được thành lập sau đó vài năm. Loại sơn Resistanco của công ty Gecko rất được ưa chuộng trong và ngoài nước và để lại dấu ấn đến tận ngày nay. Có thể coi Nguyễn Sơn Hà chính là người đầu tiên đặt nền móng trong lịch sử ngành sơn tại Việt Nam. Sau Gecko là một số nhà máy sản xuất sơn khác được xây dựng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như sơn Thăng Long tại Hà Nội.
Kể từ đó đến nay có rất nhiều công ty sản xuất sơn của Việt Nam được thành lập nhanh chóng bắt kịp với nền công nghiệp sơn thế giới như sơn Đồng Tâm, Kova, Alphanam, Hòa Bình hay Tison. Đồng thời, trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp sơn lớn của nước ngoài bắt đầu vào đầu tư vào Việt Nam như Jotun, Nippon, Akzo Nobel, TOA hay 4 Oranges chiếm được thị phần khá lớn. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 600 doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất sơn với tổng lượng sơn hàng năm đạt gần 250 triệu lít, trong đó sơn trang trí chiếm đa số với khoảng 180 triệu lít/năm.
Trang trí nhà với sơn tường tơ lụa- Một xu thế mới trong ngành sơn
Sơn tường tơ lụa là sản phẩm sơn sinh thái cao cấp với nhiều tính năng đặc biệt, với đặc điểm làm từ tơ lụa có màu sắc tự nhiên, kết hợp với sợi tổng hợp, đá, phụ gia tự nhiên và keo dính thấm trong từng sợi tơ, tạo nên 1 sản phẩm khó phai màu, có độ bền và độ bám dính cao. Đặc biệt do kết cấu từ tơ sợi nên sơn tường tơ lụa có khả năng cách âm, cách nhiệt hiệu quả.
Ưu điểm của loại vật liệu này là có thể thi công ngắt quãng, hoặc sửa chữa từng phần mà không để lại vết ghép nối. Ngay cả từ vật liệu gỡ xuống trên tường, ta vẫn có thể tái sử dụng mà công dụng của sản phẩm không hề bị thay đổi, lớp vật liệu sẽ khô lại như cũ nếu như không bị tác động vào. Trong quá trình thi công, bạn có thể tạo ra hoa văn, họa tiết theo sở thích để tránh nhàm chán và tạo cho không gian nhà bạn thêm phong phú và bắt mắt.
Sơn tường tơ lụa có thể sử dụng trên nhiều chất liệu khác nhau như: Tường, gỗ, nhôm, kính. Hiện nay sơn tường tơ lụa có khoảng 200 màu, từ những màu cơ bản cho đến các màu đã được pha trộn để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn cho bức tường nhà mình.