Fixi.vn – Bạn đam mê âm nhạc cổ điển? Bạn từng ao ước được đứng lên bục chỉ huy một dàn nhạc ? Nếu đã có hoặc chỉ thoáng qua nghĩ đến nó thì hãy tiếp tục giữ niềm đam mê đó vì điều đó thật tuyệt vời !
-
Mục Lục Bài Viết
Nhạc trưởng – họ là ai?
Chỉ huy dàn hợp xướng (hay còn gọi là nhạc trưởng) là người chỉ đạo, hướng dẫn và kết nối một nhóm ca sĩ hoặc dàn hợp xướng với nhau, để họ phát huy tốt nhất khả năng của mình khi chơi các bản giao hưởng, opera hay các vở ballet, trong các ban nhạc trường học hoặc các studio, nhà thờ hoặc các câu lạc bộ âm nhạc. Nhạc trưởng là người có kỹ năng giao tiếp và thấu hiểu rất tốt các thành viên trong dàn nhạc để dẫn dắt dàn nhạc biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật, cũng là người đảm bảo rằng các nghệ sĩ tham gia hiểu chính xác bản nhạc và hướng dẫn, hỗ trợ họ trong việc này.
Nhạc trưởng lựa chọn, nghiên cứu bản nhạc và có những điều chỉnh nhất định nhằm truyền tải ý tưởng của mình tới người nghe. Nhạc trưởng có thể tạo dựng phong cách biểu diễn của riêng mình. Đó cũng là người lên kế hoạch tập luyện và giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan trong dàn nhạc của mình.
Người nhạc trưởng ngoài việc chỉ huy dàn nhạc tại các buổi diễn tập hay biểu diễn, họ còn có thể tham gia vào các công việc quản trị tại đơn vị của mình như ban giám đốc hoặc nhân viên, nhằm đảm bảo hoạt động của đơn vị với các vấn đề ngân sách, tổ chức, vận hành…
Tùy theo từng nơi làm việc mà yêu cầu về bằng cấp với nghề này là khác nhau. Ở những dàn hợp xướng trong trường học thì chỉ cần một tấm bằng cử nhân, nhưng để trở thành chỉ huy dàn nhạc trong các đơn vị lớn thì bên cạnh nhiều năm kinh nghiệm có thể còn cần tấm bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ.
2. Công việc cụ thể của nghềnhạc trưởng?
– Lựa chọn bản nhạc để biểu diễn, có sự đồng thuận với giám đốc dàn nhạc.
– Lên kế hoạch tập luyện định kì, thực hiện tập luyện và có thể gia tăng cường độ tập luyện khi cần thiết, đảm bảo địa điểm tập luyện vào thời gian cần thiết.
– Tuyển chọn ca sĩ, nhạc công… đào tạo, hướng dẫn về kỹ thuật cho ca sĩ, nhạc công đảm bảo tính thống nhất của nhóm.
– Lựa chọn địa điểm biểu diễn, tính toán các khoản chi phí liên quan như trang phục biểu diễn, chi phí tập luyện.
– Đảm bảo đầy đủ bản nhạc, lưu trữ tại thư viện của dàn nhạc
– Duy trì lịch trình các sự kiện biểu diễn.
3. Người nhạc trưởng làm việc ở đâu?
Nhạc trưởng có thể làm việc trong nhà hát, sân khấu kịch, dàn hợp xướng chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư. Cụ thể, sau khi học xong ngành này, bạn có thể đảm nhận những công việc như: Giảng viên dạy chỉ huy hợp xướng bậc trung học 4 năm, giảng viên dạy nhạc tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các trường phổ thông, biên tập viên cho các báo, đài truyền hình và phát thanh, phóng viên chuyên mục văn hóa – nghệ thuật, người chuyên dàn dựng các chương trình và tiết mục cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên…
Ngoài ra sinh viên ngành này còn có thể công tác tại các sở, phòng văn hóa… Đặc biệt, tại các trường CĐ sư phạm hiện nay đang rất thiếu giảng viên có chuyên ngành chỉ huy. Thực tế, ngành này trên cả nước không có nhiều cơ sở đào tạo, người học rất ít nên nhiều nơi rất cần người chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng.
4. Học nghề nhạc trưởng ở đâu?
Để trở thành nhạc trưởng, bạn cần có tấm bằng đại hoặc, cao đẳng hoặc trung cấp về ngành học liên quan tại các trường về âm nhạc như Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội… hoặc tại các trường nước ngoài như Nhạc viện Tchaikovsky, Royal Academic of Music, Yale School of Music, Boston University…
Sinh viên theo học 2 chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng và Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, ngoài những môn kiến thức chung bắt buộc phải học còn phải nắm vững các môn kiến thức chuyên ngành như: Đọc tổng phổ hợp xướng, Đọc tổng phổ dàn nhạc, Tính năng nhạc cụ và phối khí, Tính năng giọng và Phối âm cho hợp xướng, Phương pháp sư phạm âm nhạc… Đặc biệt, chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc chỉ có ở bậc đại học và cao học; còn Chỉ huy hợp xướng thì có cả bậc trung học, đại học và cao học.
Trong quá trình theo học 2 chuyên ngành này, đối với sinh viên theo học Chỉ huy hợp xướng sẽ phải thực tập làm việc với hợp xướng thiếu nhi hệ 7 và 9 năm, hợp xướng thanh nhạc hệ 4 năm; đối với sinh viên theo học Chỉ huy dàn nhạc thì phải thực tập với các dàn nhạc hòa tấu khác nhau như: Hòa tấu Organ điện tử, Hòa tấu dàn nhạc thính phòng của sinh viên Nhạc Viện, Hòa tấu kèn – gõ, Hòa tấu Dàn nhạc Dân tộc…
– Am hiểu âm nhạc: Nhạc trưởng cần có kiến thức toàn diện về dàn nhạc, các thể loại nhạc chơi trong dàn nhạc như nhạc thính phòng, opera, ballet, hợp xướng… có kiến thức chuyên sâu về bản nhạc, hiểu biết rõ ràng về các yếu tố tác động tới buổi biểu diễn như thời gian, địa điểm, đặc điểm kỹ thuật của nhà hát…
– Khả năng lãnh đạo: Là người lãnh đạo dàn nhạc, nhạc trưởng cần có khả năng lãnh đạo, tạo động lực cho các thành viên trong nhóm, giải quyết các vấn đề phát sinh về mối quan hệ giữa các thành viên cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan tới âm nhạc.
– Khả năng kết nối: Nhạc trưởng cần có khả năng kết nối các thành viên trong dàn nhạc, tạo nên một buổi biểu diễn mượt mà, truyền cảm hứng cho các thành viên và khả năng giao tiếp với các thành viên bằng các cử chỉ bằng tay hoặc tín hiệu ngầm trong quá trình biểu diễn.
– Kỹ năng trình diễn: Nhạc trưởng thành công ngoài việc kết nối các thành viên còn biết tạo nên một phong cách biểu diễn độc đáo, mang dấu ấn cá nhân của mình.
Claudio Abbado: Một đời cho âm nhạc
Nhà soạn nhạc Nga Sergei Rachmaninov từng nói: “Âm nhạc đủ cho một đời nhưng một đời không đủ cho âm nhạc.” Câu nói đó như thể tổng kết cả cuộc đời của nhạc trưởng Claudio Abbado. Bạn bè ông kể lại, vài ngày trước khi qua đời, ông vẫn còn nghiên cứu giao hưởng của Schumann, như thể mới 18 tuổi.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, không phải cất công tìm kiếm hay vận động, Abbado lần lượt được mời dẫn dắt những dàn nhạc và nhà hát danh tiếng nhất trên thế giới, trong đó có La Scala, Dàn nhạc Giao hưởng London, Nhà hát opera Vienna, và Dàn nhạc Giao hưởng Berlin (việc ông trở thành nhạc trưởng chính của Dàn nhạc Giao hưởng Berlin năm 1989 đã khiến giới phê bình âm nhạc kính cẩn gọi ông là “nhạc trưởng quyền lực nhất thế giới”). Ông được coi là người đã nâng tiêu chuẩn biểu diễn của các dàn nhạc đương đại lên một tầm cao mới.
Phong cách chỉ huy của Abbado có một vẻ ung dung tự tại đáng ngạc nhiên. Ông hiếm khi đánh nhịp – phương tiện giao tiếp chủ yếu của ông với dàn nhạc là đôi mắt. Abbado không điều khiển âm nhạc mà coi mình chỉ là người phục vụ cho âm nhạc. Không la hét như Toscanini, không dữ dội và uy nghiêm như Karajan, bằng sự dịu dàng như chính cái tĩnh lặng mà ông hằng trân trọng, Abbado vẫn có được những gì ông mong muốn. Dưới sự dẫn dắt của ông, các thành viên trong dàn nhạc học cách lắng nghe lẫn nhau – Abbado nổi tiếng là người có mối quan hệ tốt với các nhạc công; ông còn trao cho họ sự độc lập và tự do cần thiết, nên mỗi buổi biểu diễn là sự thăng hoa của cả dàn nhạc về cả mặt kỹ thuật và cảm xúc.
Những nỗ lực cống hiến của Abbado cho sự phát triển của nền âm nhạc cũng thật đáng nể, đặc biệt là sự phát triển của thế hệ nghệ sĩ kế cận. Ông đã thành lập ít nhất sáu dàn nhạc, phần lớn dành cho các nghệ sĩ trẻ. Với tình yêu và niềm tin kiên định vào sự kỳ diệu của âm nhạc, Abbado không ngừng nỗ lực phổ cập âm nhạc tới mọi tầng lớp, mọi đối tượng trong xã hội. Khi còn là vị nhạc trưởng trẻ tuổi của La Scala, vốn là nơi ra vào của tầng lớp quý tộc xưa nay, ông không ngần ngại tổ chức các buổi hòa nhạc cho giới công nhân. Ông còn năn nỉ ban lãnh đạo giảm giá vào cửa cho thính giả trẻ tuổi, thậm chí nhiều lần mở cửa tự do cho công chúng bình dân vào xem các bộ phim opera trong nhà hát lộng lẫy này.
Abbado còn dùng âm nhạc làm phương tiện an ủi vỗ về những số phận bất hạnh. Năm 2009, ông chỉ huy Giao hưởng “Tragic” (Bi thương) của Schubert tại L’Aquila khi thành phố mới trải qua một trận động đất lớn. Năm 2012, cũng sau một trận động đất nghiêm trọng tại vùng Emilia-Romagna, Abbado đã cùng dàn nhạc của mình tới đó biểu diễn để quyên tiền nhằm xây dựng lại nhà hát Comunale lâu đời ở đây. Năm 2013, ông tham gia chương trình biểu diễn lưu động tại vùng đông bắc Nhật Bản, nơi xảy ra trận sóng thần khủng khiếp năm 2011; trong khi đó, dàn nhạc Mozart mà ông làm giám đốc nghệ thuật đang biểu diễn cho các bệnh nhân nhỏ tuổi và tù nhân ở Bologna. Những dàn nhạc khác của ông cũng không ngừng nỗ lực đẩy mạnh giáo dục âm nhạc cho trẻ em và thanh niên tại những khu vực bị coi là kém phát triển về văn hóa.
Nhạc trưởng, NSƯT Hoàng Điệp: Nữ nhạc trưởng thành danh hiếm hoi của Việt Nam
Ngay từ thời sinh viên(1980) theo học ở Trường Sư phạm âm nhạc Gnhesyn (Moscow), NSƯT Hoàng Điệp đã định hướng tương lai cho mình, đó là: Khi còn trẻ, sức khỏe tốt thì phải phát huy mặt biểu diễn, phải năng động trong việc dàn dựng nhiều chương trình với nhiều phong cách khác nhau; mặt khác phải chuẩn bị cho mình khi tuổi đã lớn không thể xuất hiện nhiều trước công chúng nữa thì nên là người giảng viên âm nhạc giàu kinh nghiệm, có thể truyền cho thế hệ mai sau những bài học từ “người thật, việc thật” sẽ hiệu quả hơn…
Trước hết, phải hiểu “Nhạc trưởng là 1 nghề” gắn liền với sự tồn tại và phát triển của tác phẩm Âm nhạc. Người nhạc trưởng cần có những “tố chất” và những điều kiện sau đây: Có trình độ chuyên môn (được đào tạo chính quy, có kiến thức nghề nghiệp và kiến thức âm nhạc tổng hợp, biết đàn ít nhất một nhạc cụ và bắt buộc phải biết chơi piano và biết hát đúng giọng), tính độc lập, sáng tạo, uy tín, bản lĩnh, đam mê, có sức khỏe, có cái tâm và cái tầm với nghề.
Một yếu tố quan trọng khác đó là có phương pháp sư phạm và kỹ năng truyền đạt: Cách ứng xử giao tiếp, giọng nói rõ ràng, mạch lạc, tai nghe nhạy và chính xác, mắt nhìn cởi mở và tự tin, tư duy nhạy bén,…
Hiện nay, số nhạc trưởng trẻ của Việt Nam được đào tạo chính qui trong và ngoài nước còn rất ít. Lực lượng này chưa thật đủ để có thể dàn dựng những chương trình mang qui mô lớn và thật sự chuyên nghiệp. Phải chăng cũng do “đặc thù” của nghề nghiệp và điều kiện phát triển nhạc hàn lâm ở Việt Nam còn nhiều chuyện đáng bàn khiến cho những nhạc trưởng trẻ ở nước ngoài như Lê Phi Phi, Bội Cơ thì chưa thể về nước sống và làm việc? Còn những nhạc trưởng khác trong nước như Châu Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Nhật Minh, Nguyễn Anh Sơn thì chưa thật đủ lực để có điều kiện “dụng võ” theo đúng nghĩa.
Thế mới thấy, đầu tư chất xám về âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam là một việc không dễ chút nào!
Nghệ thuật chỉ huy và người nhạc trưởng
Trước thế kỷ 19, ngôn ngữ âm nhạc và tiết tấu chưa phức tạp nên vai trò của người nhạc trưởng trong hòa tấu âm nhạc không quan trọng và chưa được chú ý. Họ thường là những người đánh organ hoặc clavicin hay violon thứ nhất của dàn nhạc (lúc đó dàn nhạc còn ít nhạc công). Vì vậy mà nghệ thuật chỉ huy cũng chưa hình thành rõ ràng. Đến thế kỷ 19, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ và tiết tấu của âm nhạc cũng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phải có một người nhạc trưởng chuyên trách điều khiển dàn nhạc. Vai trò của người nhạc trưởng không thể thiếu và trở nên quan trọng trong dàn dựng, hòa tấu và biểu diễn âm nhạc.
Nghệ thuật chỉ huy bắt đầu phát triển và đóng vai trò quan trọng. Ở những nước có nền nghệ thuật và âm nhạc chưa cao như nước ta, phần lớn còn chưa biết và chưa hiểu về nghệ thuật chỉ huy, nghệ thuật điều khiển, dàn dựng và biểu diễn với dàn nhạc và hợp xướng. Phần lớn công chúng ngoại đạo, kể cả trong đạo đều cho rằng nhạc trưởng đứng trước dàn nhạc cho oai, cho đẹp và “bơi” theo dàn nhạc. Chính vì vậy nhiều nhạc sĩ rất thích, điếc không sợ súng, liều lĩnh xông ra chỉ huy.
Tại Nhạc viện Tchaikovsky và các nhạc viện trên thế giới, những thí sinh thi vào học chỉ huy thường đã tốt nghiệp một chuyên ngành như piano, violon, chỉ huy hợp xướng, sáng tác hay kèn hoặc các nhạc công đã chơi trong dàn nhạc lâu năm. Nhạc viện Tchaikovsky mỗi năm chỉ tuyển 2 hoặc tối đa là 3 sinh viên chỉ huy vì dàn nhạc ở Nga cũng không nhiều. Các sinh viên mỗi năm được làm việc với dàn nhạc 1 tuần, ngoài ra họ có thể tham dự và theo dõi các buổi tập của các chỉ huy nổi tiếng. Vì vậy họ có điều kiện thuận lợi giao tiếp, chà xát và thu lượm kinh nghiệm nghề nghiệp.
Ở Việt Nam chúng ta, mơ ước khi nào mới có được điều kiện này? Thực trạng việc đào tạo âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, đầu ra và đời sống của nó thật sự là câu chuyện buồn. Sân khấu ca nhạc chỉ có nhạc thị trường, tuyển sinh đầu vào tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp phải “vơ bèo, vặt tép”, không còn ai muốn học nhạc cụ dây, kèn và gõ (đây là nền tảng của âm nhạc chuyên nghiệp mà Liên Xô cũ và các nước Đông âu đã đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nay đã già và mất dần), phải lấy cả những thí sinh không có năng khiếu âm nhạc mà đã thi trượt các trường khác và hậu quả là khi vào học thì đau khổ cả trò lẫn thày. Tốt nghiệp xong hầu như không tìm được việc làm, phải làm những việc không đúng chuyên môn và không đủ nuôi thân. Một số học sinh con nhà nòi, khá giỏi, tìm cách đi du học và khi học xong cũng tìm cách ở lại làm việc vì về nhà sẽ khó hoặc không tìm được việc. Chỉ những học sinh kém, không tìm được việc thì trở về. Đó là bức tranh chảy máu chất xám nói chung, không chỉ trong âm nhạc.