Fixi.vn – Nhà địa lý học là nhà khoa học về địa lý, chuyên làm công tác nghiên cứu tổng thể các điều kiện tự nhiên của các vùng, miền trên bề mặt Trái Đất… Một số người cho rằng, học địa lý chỉ đơn thuần là xem bản đồ, đồi núi, sông ngòi,… Nhưng thực tế, địa lý học là một ngành học vô cùng thú vị và hấp dẫn, bạn có muốn khám phá ngay không?
-
Mục Lục Bài Viết
Nhà địa lý học – Họ là ai?
Danh hài nổi tiếng Michael Palin cho rằng: “Sinh viên ngành địa lý là những người nắm giữ chìa khóa về mọi vấn đề trên thế giới”.
Địa lý học là khoa học nghiên cứu các hợp phần tự nhiên, các quy luật và hiện tượng tự nhiên diễn ra trên bề mặt Trái Đất, mối tương tác giữa xã hội loài người và môi trường tự nhiên… Nói một cách đơn giản, học về địa lý chính là học về thế giới chúng ta đang sinh sống.
Địa lý học gồm hai nhóm ngành khoa học chính là Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế – xã hội.
Nhà địa lý là nhà khoa học về địa lý, chuyên làm công tác nghiên cứu tổng thể các điều kiện tự nhiên của các vùng, miền trên bề mặt Trái Đất; mối tương tác giữa hoạt động sống của con người với điều kiện tự nhiên; đặc điểm văn hóa và đời sống của các dân tộc, các tổ chức dân cư trên các vùng, miền khác nhau…
2. Nhà địa lý học làm gì?
– Quan trắc, đo đạc, thu thập các số liệu về khí tượng, thủy văn, hải văn, quan sát thực địa, bản đồ, hình ảnh vệ tinh, tổng điều tra. . . Từ đó, họ làm bảng thống kê, phân tích số liệu, tìm ra quy luật để phục vụ cho công tác dự báo các quá trình và hiện tượng khí tượng – khí hậu, thủy văn, hải văn…
– Sử dụng các phương pháp định lượng, chẳng hạn như phân tích thống kê, trong các nghiên cứu.
– Tạo và chỉnh sửa bản đồ, biểu đồ, sơ đồ hoặc các trình bày trực quan khác của dữ liệu địa lý.
– Đo đạc, phân tích các chỉ số cơ – lý – hóa học của một số thành phần tự nhiên, đặc biệt là thổ nhưỡng (đất) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và quy hoạch nông nghiệp.
– Phân tích sự phân bố địa lý của các đặc tính vật lý và văn hóa của các sự cố.
– Nghiên cứu các hợp phần tự nhiên, địa hình, đất đá, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, thực vật, động vật… trong những vùng, lãnh thổ cụ thể để phục vụ việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên: đất, nước, biển, rừng… trong chiến lược bảo vệ tốt môi trường.
– Nghiên cứu tập tục, văn hóa và điều kiện sản xuất của các dân tộc phân bố ở các vùng, miền khác nhau, dưới ảnh hưởng khác biệt của điều kiện tự nhiên.
– Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả và định hướng các mô hình sản xuất nông lâm – ngư nghiệp phù hợp với từng vùng, miền với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau, tiến tới đạt hiệu quả kinh tế cao mà vẫn đảm bảo không xâm hại đến môi trường.
– Nghiên cứu hoạt động du lịch, tiềm năng phát triển du lịch và định hướng tổ chức lãnh thổ du lịch cho các vùng, miền khác nhau dựa trên tìm hiểu các nguồn tài nguyên tự nhiên và phong tục, tập quán, đời sống của cư dân địa phương.
– Viết báo cáo và kết quả nghiên cứu hiện tại.
– Tư vấn về các vấn đề, yếu tố, hiện tượng… địa lý trong mối liên quan với hoạt động thương mại, sản xuất, quản lý môi trường,…
– Tư vấn cho Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức về việc lập quy hoạch xây dựng các khu đô thị, nông thôn, thương mại quốc tế, tình báo quân sự, du lịch, giao thông vận tải, phân chia địa giới hành chính, kiểm soát ô nhiễm, sử dụng đất, vị trí đặt các công trình xây dựng công cộng, xây dựng nhà cửa, các xu hướng phát triển của dân số, chỉnh trang và xây dựng mới đô thị v.v…
3. Nhà địa lý học làm việc ở đâu?
Nhà địa lý tuỳ theo từng ngành chuyên sâu mà họ theo đuổi sẽ có điều kiện làm việc khác nhau. Nhiều nhà địa lý làm việc toàn thời gian trong công việc của họ. Tuy nhiên, phần lớn công việc của các nhà địa lý thường được đi xa, tới nhiều vùng đất khác nhau, gọi là công tác thực địa.
Ngay cả những người làm bản đồ cũng phải đi khảo sát thực tế thì mới vẽ bản đồ chính xác được. Nhưng cũng có một số ít những nhà địa lý không phải di chuyển hay xa nhà nhiều, đó là những người làm trong các trạm thủy văn, khí tượng, hải văn, trạm nghiên cứu xói mòn v.v…
Nhà địa lý thường xuyên được làm việc với các loại máy chuyên dụng để nghiên cứu thực trạng và biến động của các thành phần tự nhiên, các máy đo đạc để đo vẽ bản đồ; cũng có khi đi sâu tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều tầng lớp dân cư, nhiều dân tộc khác nhau trên các vùng, miền khác nhau,… như những nhà báo, nhà xã hội học thực thụ.
4. Học ngành địa lý học ở đâu?
Ngành địa lý được đào tạo khá phổ biến trong các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc. Bởi vậy việc tìm địa chỉ đào tạo ngành này khá dễ dàng, dù bạn đang ở miền nào của tổ quốc.
Bạn có thể theo học khoa Địa lý của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội), Trường Đại học Quy Nhơn v.v…
Tố chất và kỹ năng cần có của nhà địa lý học
- Sự chủ động sáng tạo, tự tin vào bản thân.
- Có khả năng về các môn khoa học tự nhiên và xã hội.
- Khả năng về phân tích và thống kê.
- Kỹ năng làm việc nhóm.
- Kỹ năng viết báo cáo.
- Tư duy logic và khả năng diễn đạt rành mạch.
- Không ngại khó khăn, vất vả trong những chuyến đi thực địa.
Vốn là nghề nghiệp gắn bó nhiều với thiên nhiên, trải qua biết bao vui buồn cùng nắng, mưa, gió trời, nhà địa lý học luôn phải trang bị cho mình một tinh thần thép, không bị khuất phục trước thiên nhiên. Câu chuyện nghề nghiệp lần này xin gửi đến bạn những mẩu chuyện nho nhỏ về việc đo mưa, đếm gió của các cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ở Trường Sa, quần đảo xa xôi phía nam Tổ quốc.
Có lẽ sẽ rất nhiều người trong số chúng ta tưởng tượng rằng, lực lượng quan trắc viên bám trụ nơi đây, kiên trì nơi đầu song ngọn gió sẽ phải là những người lớn tuổi, nghiêm nghị và khô khan bởi họ luôn làm việc với những con số, biểu đồ vô tri, vô giác. Nhưng kỳ thực, anh em ở trạm đều trẻ, vui tươi, yêu đời và mến khách.
Một trong những người có thâm niên lâu nhất, với 6 năm trong nghề, là Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước. Trước khi ra Trường Sa được hơn 1 năm nay, Phước công tác ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. “Công việc của tụi tôi cũng đơn giản thôi, hằng ngày đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ… rồi gửi về Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ để đất liền tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa” – anh kể.
Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước thu thập số liệu quan trắc gửi về đất liền phục vụ công tác dự báo thời tiết ở quần đảo Trường Sa
“Ngày nào cũng như ngày nào, cán bộ, nhân viên của trạm phải thực hiện 8 lần đo các thông số để báo cáo về đất liền. Cứ 3 giờ/lần, anh em lại tiến hành đo và truyền số liệu, bắt đầu từ 1 giờ cho đến tận 22 giờ. Do điều kiện hạn chế, nhiều thông số phải ghi chép bằng tay” – anh Phước mô tả.
Nói thì nghe đơn giản vậy nhưng công việc của những cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa hết sức vất vả. Bất chấp trời nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước, bất kể sóng vùi hay bão dập, việc đo mưa, đếm gió vẫn không thể chậm, dù chỉ vài phút. Anh Phước khẳng định: “Cứ đúng giờ là phải đo đếm, dù thời tiết có như thế nào đi nữa, để kịp thời chuyển các thông số về trung tâm ở đất liền phân tích, xuất bản những bản tin dự báo thời tiết phục vụ ngư dân đi lại trên biển được an toàn”.
Máy móc đặt ở khu vực Trường Sa thường xuyên bị nước biển và muối bào mòn nên chất lượng bị xuống cấp liên tục. Đây là điều khiến các cán bộ, nhân viên ở trạm lo lắng nhất. Số liệu để dự báo thời tiết ảnh hưởng đến sinh mệnh của rất nhiều người, nhất là những ngư dân trên biển, nên đòi hỏi phải đo đếm chính xác. Vì vậy, anh em phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng, khi cảm thấy máy đo không bảo đảm thì phải lấy máy dự phòng ra thay thế, chứ không để số liệu sai lệch.
“Đó là lương tâm nghề nghiệp. Nếu mình đo đếm không đạt, dự báo thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có sinh mạng của hàng vạn đồng bào đang đánh bắt trên biển” – Phước tâm sự.
Một nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa kể rằng nhiều lần gặp bão lớn, gió giật ầm ầm, cứ mở cửa đi ra thì người như chực ngã nhưng anh em vẫn phải thức trực suốt đêm. Cứ 30 phút đến 1 giờ, họ lại phải lao ra ngoài vườn để đo đếm số liệu và làm báo cáo gửi về đất liền.
“Ở đây, anh em báo cáo số liệu qua điện thoại di động chứ không phải bằng internet. Nếu điện thoại mất sóng thì phải gọi bằng Icom vào đất liền. Trang thiết bị còn thiếu nên anh em phải linh hoạt trong việc cập nhật số liệu. Chẳng hạn, trời có giông, sấm chớp hay mưa, anh em phải quan sát bằng mắt thường. Giông giờ nào, sấm chớp giờ nào phải ghi ngay vô sổ. Vì thế, mùa mưa bão là gian nan và nguy hiểm nhất” – anh giải thích.
Một nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa kể rằng nhiều lần gặp bão lớn, gió giật ầm ầm, cứ mở cửa đi ra thì người như chực ngã nhưng anh em vẫn phải thức trực suốt đêm. Cứ 30 phút đến 1 giờ, họ lại phải lao ra ngoài vườn để đo đếm số liệu và làm báo cáo gửi về đất liền.
Do điều kiện khắc nghiệt nên cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng đều vững tin và quyết tâm vượt qua gian khó, hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng của mình.
Bạn đã biết tấm bản đồ đầu tiên trên thế giới được xuất hiện như thế nào chưa?
Cho dù có một vài dấu tích của các bản đồ cổ xưa với kích cỡ bé hơn còn sót lại cho tới bây giờ, tấm bản đồ thế giới được vẽ trên đất sét từ thời Babylon cổ đại (Iraq hiện tại) khoảng 1000 năm trước Công Nguyên được coi là tấm bản đồ cổ nhất của thế giới. Tấm bản đồ này vẽ thế giới hình tròn, được bao quanh bởi nước và Babylon được đặt ở chính giữa giống như bản đồ có niên đại khoảng 700-500 trước Công Nguyên dưới đây:
Các nhà khoa học thuộc Hy Lạp cổ đại cũng đã bắt đầu nghiên cứu địa lý vào khoảng năm 500 trước Công Nguyên và đã tự vẽ tấm bản đồ của mình vào sau đó. Trong số các tấm bản đồ này, tấm bản đồ của Ptolemy là tấm bản đồ nổi tiếng nhất và đã được vẽ trong cuốn sách của ông, cuốn Guide to Geography vào năm 140 sau Công Nguyên.
Những nhà bản đồ học Arab sau đó cũng đã nghiên cứu và bổ sung thêm vào bản đồ của Ptolemy các kiến thức của họ.Tấm bản đồ nổi tiếng nhất trong thời này là tấm bản đồ của al-Idrisi được vẽ vào năm 1154 được bổ sung thêm Bắc Phi, lục địa Âu-Á và cả vùng Viễn Đông.
Năm 1569, một người Flemish (vùng thuộc Hà Lan bây giờ) có tên là Gerardus Mercator đã vẽ nên tấm bản đồ được coi là tấm bản đồ hiện đại đầu tiên trên thế giới (mặc dù vẫn còn thiếu châu Úc và châu Đại Đương). Tấm bản đồ này được coi là hiện đại bởi nó đã vẽ cả đường kinh tuyến và vĩ tuyến chính xác. Tuy bản đồ của Mercator tương đối chính xác nhưng do vẽ theo hình chữ nhật nên tỷ lệ có hơi bị méo một chút nếu so với bản đồ hình cầu. Dần dần vào các thế kỷ tiếp theo, nhờ công của các nhà thám hiểm và khoa học công nghệ, bản đồ dần dần được hoàn thiện và làm rõ thêm.