Fixi.vn – Nhà dịch tễ học là những người chuyên điều tra nguyên nhân, bản chất, cách lan truyền của bệnh dịch để tìm cách ngăn chặn và phòng ngừa chúng. Có thể nói lịch sử nhân loại được bảo vệ nhờ những nhà dịch tễ, bởi họ là những vệ sĩ xuất sắc trong việc tiêu diệt những mầm mống bệnh tật nguy hiểm.
-
Mục Lục Bài Viết
Nhà dịch tễ học – Họ là ai?
Dịch tễ học là khoa học nghiên cứu về tình trạng sức khỏe và các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe đó. Tìm kiếm mối quan hệ giữa tình trạng sức khỏe và yếu tố liên quan từ đó xây dựng giải pháp để nâng cao tình trạng sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống bệnh tất. Khoa học này là mấu chốt nghiên cứu của ý tế công cộng và y học dự phòng, dựa trên khái niệm “y học dựa trên bằng chứng”.
Nhìn chung, nhà dịch tễ học là người làm y tế cộng đồng mà điều tra nguyên nhân, bản chất, cách lan truyền của bệnh để tìm cách giảm thiểu rủi ro và sự bùng phát của bệnh qua giáo dục cộng đồng và các chính sách sức khỏe.
Các nhà dịch tễ học nghiên cứu các hình mẫu, nguyên nhân và tác động của các loại bệnh đồi với một nhóm người; các nhà dịch tễ học thú y thì nghiên cứu các loại bệnh đối với một nhóm động vật. Họ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc khám bệnh. Các nhà dịch tễ học làm nghiên cứu thì tập trung vào các loại hình mẫu và nguyên nhân của các bệnh bằng cách sử dụng số liệu thống kê và xây dựng mẫu. Các nhà dịch tễ học nghiên cứu các mẫu của cả các cá nhân khỏe mạnh và không khỏe mạnh rồi thông báo các chính sách sức khỏe cộng đồng và các chiến thuật toàn cầu để ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Các nhà dịch tễ học khám bệnh nghiên cứu bệnh tật của những bệnh nhân là cá nhân và tập trung vào việc bệnh phát triển thế nào.
Các nhà dịch tễ học cố gắng duy trì sức khỏe cộng đồng khỏi sự bùng phát của dịch bệnh và vi khuẩn. Họ không chỉ xác định xem bệnh bắt nguồn từ đâu mà còn lập nên một kế hoạch về cách điều trị và ngăn ngừa nó không lan truyền trong tương lai.
Công việc của một nhà dịch tễ học bao gồm làm việc với công chúng, truyền đạt các kết quả nghiên cứu của họ và thu thập dữ liệu qua phỏng vấn, khảo sát và phân tích mẫu từ các đối tượng khác nhau; rồi thảo luận kết quả với các chuyên gia sức khỏe và nhà hoạch định chính sách. Các nhà dịch tễ học còn phải lên kế hoạch và quản lí các chương trình sức khỏe cộng đồng. Họ thường theo dõi tiến độ, phân tích các dữ liệu thu thập được trong các chương trình và phát triển các cách để cải thiện chúng.
2. Nhà dịch tễ học làm gì?
Các nhà dịch tễ học thu thập và phân tích dữ liệu để diều tra về các vấn đề sức khỏe. Ví dụ, qua việc thu thập và phân tích các dữ liệu nhân khẩu học (thông tin về con người như độ tuổi, nơi ở, công việc…), các nhà dịch tễ học tìm ra nhóm người nào có nguy cơ mắc một căn bệnh nào đó cao nhất. Họ cũng điều tra đặc điểm của những người vượt qua được căn bệnh đó để tìm cách điều trị và có những chương trình phòng bệnh, chữa bệnh hiệu quả. Công việc của một nhà dịch tễ học nhìn chung gồm có:
- Giám sát các chương trình sức khỏe cộng đồng, bao gồm phân tích các thống kê, lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các hệ thống kiểm soát và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
- Điều tra các dịch bệnh và kí sinh trùng để xác định nguyên nhân và các yếu tố rủi ro, tiến trình, vòng đời và cách truyền bệnh.
- Lên kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các nghiên cứu để điều tra các bệnh ở con người và động vật, các phương pháp phòng chống và các cách điều trị bệnh.
- Lên kế hoạch, quản lí và đánh giá các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe và các chương trình để cải thiện sức khỏe cộng đồng, trao đổi ý kiến với các phòng ban, bác sĩ sức khỏe và những người khác.
- Cung cấp các kiến thức chuyên môn trong thiết kế, quản lí và đánh giá các hình thức nghiên cứu và điều tra tình trạng sức khỏe, lựa chọn mẫu và phân tích.
- Thực hiện các nghiên cứu để phát triển các phương pháp chữa bệnh, các thiết bị đo lường và thủ tục ứng dụng ý học, phân tích dữ liệu và trình bày kết quả.
- Hướng dẫn các nguyên tắc phòng chống bệnh, các kiến thức y học đến các bác sĩ, người dân, học sinh và các thợ kĩ thuật.
- Đặt ra các tiêu chuẩn cho các liều thuốc, các cách tiêm phòng, các thủ tục sản xuất thuốc và các sản phẩm y khoa.
- Chuẩn bị và phân tích các mẫu để nghiên cứu tác dụng của thuốc và các yếu tố môi trường đến cấu trúc tế bào và mô của cơ thể.
Vì mục tiêu chung là đề xuất được những biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất để phòng ngừa, khống chế và tiêu diệt những vấn đề sức khỏe của con người, các nhà dịch tễ học có các nhiệm vụ hướng đến các mục tiêu riêng biệt như:
- Xác định căn nguyên hay các yếu tố nguy cơ của bệnh: Mục đích có ý nghiã nhất của dịch tễ học là tiến hành những can thiệp nhằm làm giảm thiểu tỷ lệ mắc và /tỷ lệ chết đối với một bệnh. Để làm được như vậy, các nhà dịch tễ họcđiều tra, nghiên cứu để biết bệnh đã lan truyền từ cơ thể này sang cơ thể kia như thế nào, các yếu tố căn nguyên hoặc những yếu tố nguy cơ của bệnh và có thể làm giảm thiểu việc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ đó để chương trình phòng chống bệnh có hiệu quả.
- Xác định tỷ lệ, phân bố và chiều hướng bệnh trong cộng đồng: Các nhà dịch tễ học thực hiện thu thập dữ liệu, nghiên cứu, phân tích để xác định tỷ lệ mắc bệnh đó trong cộng đồng, phân bố của nó như thế nào, mức độ phổ biến hay lan tràn trong cộng đồng ra sao. Điều này rất quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch cung cấp các dịch vụ đối với sức khỏe cộng đồng cũng như cho các kế hoạch đào tạo cán bộ cho tương lai cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
- Nghiên cứu quá trình diễn biến tự nhiên và tiên lượng của bệnh: Có những bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn các bệnh khác, một số bệnh gây tử vong nhanh chóng, một số bệnh khác lại có thời kỳ sống sót hoặc dài hoặc ngắn… Các nhà dịch tễ học phải xác định được quá trình diễn biến tự nhiên của bệnh, từ đó mới có thể xây dựng những chương trình can thiệp hoặc điều trị hoặc trong việc phòng ngừa những diễn biến phức tạp.
- Đánh giá các hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh và chữa bệnh: Nhà dịch tễ học có nhiệm vụ quan trọng là cung cấp những thiết kế nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của những biện pháp phòng bệnh và chữa bệnh một cách khách quan và đáng tin cậy.
- Cung cấp cơ sở phát triển các chính sách liên quan đến vấn đề sức khỏe: Mọi quyết định về đường lối và chính sách đều phải dựa trên những thông tin hay bằng chứng khoa học và đáng tin cậy. Nhà dịch tễ học sẽ cung cấp những phương pháp nhằm đưa ra những thông tin về tình hình, phân bố, các yếu tố nguy cơ và hiệu quả của các biện pháp can thiệp và dự phòng, làm cơ sở cho việc đề xuất những chính sách phù hợp, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ y tế nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng.
- Cung cấp thông tin cho việc lập các mô hình dự báo bệnh: Dựa trên những hiểu biết về căn nguyên hay các yếu tố nguy cơ của bệnh, tỷ lệ, phân bố và chiều hướng bệnh trong cộng đồng, quá trình diễn biến tự nhiên và tiên lượng, hiệu quả của các biện pháp phòng và điều trị, nhà dịch tễ học có thể xây dựng các mô hình phát triển bệnh và từ đó có thể dự báo được diễn biến bệnh trong tương lai thông qua các thiết kế phần mềm trên máy vi tính.
3. Các nhà dịch tễ làm việc ở đâu?
Hầu hết các nhà dịch tễ học dành nhiều thời gian nghiên cứu các dữ liệu và báo cáo trong môi trường văn phòng. Các nhà khoa học chuyên môn hay các nhân viên kĩ thuật thì có thể phải làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc môi trường thực tế. Trong các phòng ban y tế công cộng nhà nước hoặc địa phương, các nhà dịch tễ học phải tiếp xúc với cộng đồng tích cực hơn và có thể phải đi xa nhiều để giảng dạy về sức khỏe và quản lí các nghiên cứu, khảo sát.
Khoa học hiện đại đã làm giảm bớt rất nhiều những căn bệnh truyền nhiễm ở những nước phát triển. Các nhà dịch tễ học làm về lĩnh vực bệnh truyền nhiễm thường phải đi đến những vùng sâu vùng xa hoặc các nước đang phát triển để tiến hành nghiên cứu.
Hơn một nửa các nhà dịch tễ học làm việc cho các cơ quan chính phủ nhà nước và địa phương. Số còn lại làm việc trong các bệnh viện, cao đẳng và đại học, các phòng phát triển và nghiên cứu khoa học, các công ty dược phẩm, các dịch vụ tư vấn y tế và khoa học.
Ở Việt Nam, các nhà dịch tễ học có thể làm việc tại các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, ví dụ: Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Cục Phòng chống HIV/AIDS,…); các viện và trung tâm như Viện Dinh dưỡng, đặc biệt là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Khoa Dịch tễ học tại Viện Pasteur Nha Trang..; các bệnh viện, các cơ quan y tế, trạm y tế và các cơ sở y tế trong cả nước; giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành y; các tổ chức nước ngoài như: Tổ chức y tế thế giới (WHO), UNICEF, ChildFund,…
4. Học nghề dịch tễ học ở đâu?
Những học sinh muốn trở thành nhà dịch tễ học trong tương lai có thể tham gia học đại học tại các trường có bộ môn Dịch tễ học như Đại học Y tế công cộng, Khoa Y tế Công cộng Đại học Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Dược Thái Bình…
Khi học bộ môn Dịch tễ học, các sinh viên sẽ được nghiên cứu về dịch tễ học di truyền, dịch tễ học phân tử; nghiên cứu dịch tễ học ứng dụng và dịch vụ y tế, dịch tễ học lâm sàng, nguyên nhân gây bệnh, các đo lường sức khỏe, hoạch định chương trình và chính sách ý tế…
- Kĩ năng giao tiếp tốt: Các nhà dịch tễ học phải có kĩ năng nói và viết tốt để báo cáo các kết quả nghiên cứu, giáo dục cộng đồng và các nhà lãnh đạo về các vấn đề sức khỏe. Khả năng giao tiếp rõ ràng, dễ hiểu cũng cần thiết để trao đổi và làm việc hiệu quả với các chuyên gia y tế trong việc hoạch định chính sách và các chương trình y tế cộng đồng. Vì các nhà dịch tễ học không chỉ làm việc độc lập mà còn phải trao đổi, báo cáo kết quả, thực hiện khảo sát, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục nhiều đối tượng khác, từ người dân đễn các chuyên gia y tế, lãnh đạo các cấp, các nhà hoạch định chính sách nên kĩ năng giao tiếp cả nói và viết là rất quan trọng. Họ cần trình bày thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để tăng tính hiệu quả trong hợp tác, vì y tế, sức khỏe là vấn đề không của riêng ai.
- Kĩ năng tư duy phản biện: Các nhà dịch tễ học phân tích dữ liệu để quyết định cách tốt nhất để đối phó với các vấn đề y tế cộng đồng nên cần có khả năng phân tích, đánh giá tốt. Từ các khảo sát, số liệu, dữ liệu thu thập được, họ phải có tư duy phân tích sắc bén, dựa trên cơ sở khoa học, các kiến thức thống kê và sự linh hoạt để đưa ra những kết luận chính xác. Từ những kết luận rút ra, họ phải có cách phân tích, đánh giá sâu sắc, đa chiều để tìm ra các giải pháp phù hợp để ngăn chặn, phòng ngừa và diệt trừ các loại bệnh; có tư duy logic, tổng thể để đưa ra các chính sách và chương trình y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng.
- Chú ý tới chi tiết: Các nhà dịch tễ học phải thật cẩn trọng và chính xác trong việc chuyển các dữ liệu đã thu thập được qua quan sát, phỏng vấn, điều tra… thành các kết luận. Nếu không chú ý tới tiểu tiết thì sẽ dễ mắc sai lầm, ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Sự chính xác trong ngành y học, ngành nghiên cứu là rất cần thiết.
- Kiến thức toán học và xác suất thống kê: Các nhà dịch tễ học cần sử dụng các kĩ năng xác suất thống kê nâng cao để thiết kế và quản lí các nghiên cứu, khảo sát. Kĩ năng sử dụng cơ sở dữ liệu lớn và các phần mềm thống kê trên máy tính cũng rất quan trọng.
- Kĩ năng giảng dạy: Một trong những công việc của nhà dịch tễ học là truyền đạt kiến thức, giáo dục cộng đồng các rủi ro về sức khỏe, cách sống khỏe mạnh và cách ngăn ngừa bệnh, vì vậy khả năng giảng giải, đào tạo hiệu quả là cần thiết để nâng cao nhận thức và hành động tích cực của dân chúng trong việc chống lại bệnh tật.
Những ai từng theo học môn dịch tễ học trong các trường y chắc phải biết đến cái tên John Snow. Ngày nay, John Snow được xem là ông tổ của bộ môn dịch tễ học hiện đại và gây mê, nhưng lúc sinh thời ông được biết đến như một bác sĩ giải phẫu.
Ông có lẽ là người đầu tiên thu thập số liệu, vẽ bản đồ, phân tích số liệu và chứng minh rằng nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn chính là nguồn gốc của sự bộc phát bệnh tả ở London. Dịch tả lần thứ 3 ở London xảy ra vào năm 1853-1854. Lúc bấy giờ, các quan chức y tế tin rằng “ám khí” (khí độc) là thủ phạm của dịch tả, nên Sở Y tế London bổ nhiệm một số thanh tra y tế để tìm hiểu điều kiện không khí trong các vùng dịch bộc phát. Họ cũng kiểm tra tình trạng vệ sinh của từng hộ.
Đáng chú ý là vào lúc đó, một giả thuyết được đề ra trên tờ Times of London rằng bệnh tả phát sinh từ những cống rãnh mới xây: “Các cống rãnh mới xây chắc chắn làm nhiễu loạn đất thấm đẫm xác chết của những nạn nhân trong nạn dịch trước đây… một độc khí nguy hiểm bộc phát… làm ô nhiễm bầu không khí chung quanh.”Với giả thuyết này, các thanh tra y tế nghĩ là họ sẽ tìm được ám khi là thủ phạm gây bệnh tả. Thế nhưng khi xem xét tất cả các hộ, họ ngạc nhiên thấy nhà nào cũng sạch sẽ!
Trái với giả thuyết của các quan chức y tế, John Snow – sau nhiều suy nghiệm đi đến kết luận rằng bệnh có thể phát sinh từ các kí sinh vật vô hình (mà ngày nay, người ta đã biết đó là vi khuẩn). Snow cảm thấy “giả thuyết khí độc” không thể giải thích được tại sao một số bệnh, kể cả bệnh tả, có thể lan truyền. Trong nạn dịch năm 1831, ông để ý đến các công nhân mỏ mắc bệnh tả trong khi làm việc dưới lòng đất, nơi không có cống rãnh hay đầm lầy. Do đó, ông càng thấy giả thuyết kí sinh trùng của mình mang tính thuyết phục hơn giả thuyết ám khí. John Snow quyết tâm tự mình làm nghiên cứu. Sau khi đi một vòng tìm hiểu quán xá, các hộ chung quanh những bệnh nhân tả đã chết, ông phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy, những cái chết đều xoay quanh một cây nước trên đường (phố) Broad.
Ngày 25-9-1853, các thanh tra y tế kiểm tra gạch xây giếng phía dưới cây nước trên đường Broad. Thế nhưng họ không phát hiện được nước bị ô nhiễm do chất bẩn thẩm thấu vào. Cống rãnh thì cách xa đó cả chục thước và sâu hơn giếng nước. Tất cả sự thật này có vẻ bác bỏ giả thuyết của Snow. Hài lòng với giếng nước và cây nước không bị nhiễm, và nạn dịch cũng đã qua, Sở Y tế cho phép cây nước hoạt động trở lại. Người dân bỏ nhà nay cũng quay về sinh sống.
Trước bằng chứng này, Snow đành phải thú nhận trong sách của ông là không có bằng chứng trực tiếp về cây nước trên đường Broad bị ô nhiễm. Theo đó, tại số 40 đường Broad, vào ngày 2-9-1854, một trẻ gái 5 tháng tuổi chết vì tiêu chảy sau khi mắc bệnh 4 ngày. Whitehead nhớ ca này, nhưng không tìm hiểu thêm ngày mà bé bị bệnh. Bây giờ thì ông nhận ra, đây có thể là trường hợp tả đầu tiên trong khu láng giềng. Ông cũng nhận ra rằng cây nước trên đường Broad nằm ngay tại trước nhà số 40 (nhà đứa trẻ).
Ngày 23-4-1855, các thanh tra y tế đến khai quật hầm phân, rút hết nước, và xem xét phần nền của giếng nước. Thanh tra y tế khám phá rằng gạch xây của giếng có dấu hiệu nước giếng bị thẩm thấu bởi một hầm phân chỉ cách đó 0,8 m.
Ngày mà xô nước được đổ vào hầm phân đúng và ngày đầu tiên dịch bộc phát, khi phần lớn nạn nhân mắc bệnh. Sau khi đứa bé chết, không có xô nước nào đổ vào phần hâm, và dịch tả chấm dứt. Thế là Whitehead và Snow đã tìm ra “thủ phạm” của dịch tả: Nguồn nước. Ủy ban giáo hội báo cáo cho Sở Y tế, nhưng giám đốc Sở Y tế bác bỏ kết luận của Whitehead và Snow!
Cho đến ngày ông chết, giả thuyết của ông vẫn chưa được giới y khoa chấp nhận. Các quan chức y tế vẫn tin rằng “ám khí” là nguyên nhân của dịch tả.
Giả thuyết vi khuẩn gây bệnh tả chưa được chấp nhận cho đến thập niên 1860, khi Louis Pasteur chứng minh bằng thí nghiệm rằng các vi sinh vật có thể gây bệnh.
Trong một bài diễn văn đọc ở Geneva vào năm 1998, Bác sĩ Gro Harlem Brundtland, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói về sự nghiệp của Snow như sau: “Thời xưa, bệnh và dịch bệnh được xem là sự trừng phạt của thánh thần hay tác động xấu của một thế lực nào trên trời … Chúng ta ghi ơn các nhà dịch tễ học, vi trùng học và dược học như Louis Pasteur, Robert Koch, John Snow, Alexander Fleming và Paul Erlich – và các khám phá của họ đă uốn nắn y học hiện đại cũng như chính sách y tế ngày nay. Họ cứu vớt nền văn minh của chúng ta ra khỏi thời tăm tối, thời của những biến cố không tên thành những sự việc có tên như bệnh dịch, bệnh tả hay giang mai”.
Lịch sử phát triển dịch tễ học
Dịch tễ học là một khoa học y học rất cổ. Từ thời xưa, Hipocrate, là người đầu tiên đặt nền móng cho khoa học này, ông đã đưa ra quan niệm rằng, sự phát triển bệnh tật ở người có thể liên quan đến những yếu tố của môi trường bên ngoài của một cá thể, nhưng vào thời đó và một thời gian dài tiếp theo dịch tễ học đã phát triển rất chậm. Dịch tễ học, được dịch từ một từ tiếng Anh là epidemiology. Theo từ nguyên, epidemiology bắt nguồn từ 3 từ La tinh, epi có nghĩa là về, demos có nghĩa là dân, và logos là môn học.
Như vậy, dịch tễ học là một môn học khảo sát về những hiện tượng xảy ra ở người dân. Vào lúc khởi thủy trong lịch sử phát triển của dịch tễ học, những hiện tượng đó là những hiện tượng xảy ra hàng loạt, và lây lan từ người này sang người khác trong một tập thể vào một thời điểm nào đó, thí dụ như một trận dịch hạch, dịch tả… Nói một cách khác, lúc ban đầu, dịch tễ học chỉ nghiên cứu những bệnh lây thành dịch. Chính vì thế, cho đến nay, còn không ít người vẫn hiểu lầm rằng dịch tễ học chỉ quan tâm đến những bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của y khoa, những nhà khoa học đã nhận ra rằng có những bệnh vẫn xảy ra hàng loạt ở con người, nhưng không lây từ người này sang người khác, thí dụ, ung thư phổi, xơ vữa động mạch, tai nạn giao thông, bướu cổ… Bằng cách áp dụng những phương pháp nghiên cứu của dịch tễ học, các chuyên gia trong ngành y đã xác định được những nguyên nhân, hay những yếu tố đã tạo điều kiện khiến cho con người mắc những bệnh không lây nói trên, và từ đó, đề ra những biện pháp phòng chống rất hiệu quả.
Khi mô tả về bệnh, hoặc nói chung là những hiện tượng sức khỏe, nhà dịch tễ học không chỉ diễn tả một cách chung chung rằng bệnh đã xảy ra nhiều hay ít trong một tập thể người, mà cụ thể hơn, họ sẽ cho thấy những tần số và tỷ lệ bệnh ở những nhóm người có những thuộc tính đặc biệt, cư ngụ tại một khu vực riêng biệt, và vào một thời điểm nào đó trong năm.
Tuy nhiên, y khoa không chỉ nghiên cứu bệnh tật mà còn quan tâm đến những hiện tượng liên quan đến bệnh tật. Ung thư phổi là một bệnh có tử vong rất cao, thường xảy ra ở những người hút thuốc lá. HIV/AIDS thường gặp ở gái mại dâm, những người mua dâm, những người nghiện ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm. Tiêu chảy thường gặp ở những trẻ em không có thói quen rửa tay trước khi ăn, và sau khi đi cầu. Hút thuốc lá không phải là bệnh tật mà là một hiện tượng có liên quan đến bệnh ung thư phổi, cũng như mại dâm, ma túy đối với HIV/AIDS, và hành vi không rửa tay đối với bệnh tiêu chảy. Hút thuốc lá, mại dâm, ma túy, và những hành vi kém vệ sinh là những hiện tượng liên quan đến sức khỏe. Cũng có những nguyên nhân để những hiện tượng này xảy ra hàng loạt ở một tập thể người vào một thời điểm nào đó, và dịch tễ học cũng nghiên cứu những nguyên nhân gây những ra hiện tượng này.
Để đi tới được quan niệm dịch tễ học hiện đại như hiện nay, lịch sử phát triển của dịch tễ học trải qua nhiều thời kỳ, nổi bật nhất là ba cột mốc đánh dấu những giai đoạn phát triển đặc biệt góp phần hình thành cơ sở phát triển của dịch tễ học hiện đại.
John Graunt là người đầu tiên đã định lượng các hiện tượng sức khỏe và bắt đầu chú ý rằng tần số mắc bệnh khác nhau ở các lứa tuổi khác nhau, giới tính khác nhau.
Năm 1893 William Farr đã thiết lập một hệ thống đếm số chết và nguyên nhân chết. Ông đã đóng góp rất nhiều cho việc hình thành về phương pháp nghiên cứu dịch tễ học hiện đại như định nghĩa quần thể có nguy cơ, phương pháp so sánh giữa các đối tượng khác nhau, chọn nhóm so sánh thích hợp và rất coi trọng đến các yếu tố có thể liên quan đến tình trạng sức khoẻ như tuổi, thời gian phơi nhiễm.
Sau Farr, có John Snow là người đầu tiên đưa ra giả thuyết về một yếu tố bên ngoài có liên quan chặt chẽ với một bệnh. J. Snow là người đầu tiên đã nêu đầy đủ các thành phần của định nghĩa dịch tễ học, và đã quan niệm đúng đắn về một đề cập dịch tễ học, mà dịch tễ học hiện đại đang sử dụng ngày nay để không những hình thành một giả thuyết mà còn kiểm định giả thuyết đó nữa. Từ đó đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các khoa học cơ bản và y học cơ sở, dịch tễ học đã có thể cung cấp những phương pháp tin cậy trong việc nghiên cứu của tất cả các lĩnh vực y học. Thành tựu đáng chú ý nhất là các phương pháp thiết kế nghiên cứu dịch tễ học, và các kỹ thuật thu thập và phân tích các dữ kiện dịch tễ, đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc đánh giá vai trò của các yếu tố nguy cơ đối với các bệnh mạn tính và hiệu quả của các biện pháp can thiệp điều trị và dự phòng.