Fixi.vn– Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm. Nhà kinh tế học thường sẽ nghiên cứu về các vấn đề cụ thể hơn: các tổ chức, doanh nghiệp, kinh tế quốc tế, kinh tế vi mô, vĩ mô, kinh tế khu vực công…
Mục Lục Bài Viết
1.Nhà kinh tế học là ai?
Nhà kinh tế học hiểu đơn giản là những người nghiên cứu về nền kinh tế. Nếu như có nhà toán học nghiên cứu lĩnh vực toán lí thuyết và ứng dụng thì nhà kinh tế học cũng có hai dạng là phát triển lý thuyết kinh tế và đưa ra các phương pháp ứng dụng thực tiễn nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển, tránh được những tổn thất, rủi ro và tạo ra sự cân bằng trong nền kinh tế, hay thống kê tác động của thiên tai nhân họa lên nền kinh tế của một quốc gia, ví dụ như công việc đánh giá thiệt hại vụ xả thải của nhà máy formosa…
-
Nhà kinh tế học làm gì?
Hằng ngày xung quanh chúng ta có rất nhiều biến động kinh tế xảy ra. Giá vàng dao động, giá xăng tăng lên xuống… Nhiệm vụ của nhà kinh tế học là thu thập và phân tích tất cả các thông số này và dự đoán xu hướng tăng giảm của chúng trong tương lai cũng như hệ quả của chúng lên nền kinh tế vĩ mô. Họ cũng được chào mời bởi các doanh nghiệp, tập đoàn… để dự đoán biến động hay xu hướng của thị trường nhằm đưa ra đường hướng phát triển phù hợp cho doanh nghiệp, các tổ chức thương mại nhằm tạo ra doanh thu lớn nhất và hạn chế rủi ro. Thậm chí họ còn có thể làm tham vấn cho cả một quốc gia.
Công việc cụ thể của nhà kinh tế học:
– Thực hiện các khảo sát, thu thập thông tin rồi phân tích thông tin bằng các mô hình toán học, thống kê
– Giải thích và dự báo các xu hướng kinh tế
– Phân tích tác động của các chính sách kinh tế cũng như ảnh hưởng của kinh tế thế giới tới nền kinh tế quốc gia và từ đó đưa ra khuyến nghị phù hợp…
-
Nhà kinh tế học làm việc ở đâu?
Nhà kinh tế học thường làm việc cho các tổ chức tư vấn kinh tế trung ương, địa phương, các công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức đầu tư. Họ cũng có thể giảng dạy trong các trường đại học hoặc các bậc học cao hơn hay phân chia thời gian giữa việc giảng dạy và làm công việc tư vấn theo hình thức bán thời gian.
4. Các cơ sở đào tạo nhà kinh tế học?
Để trở thành nhà kinh tế học, bạn hãy theo học ngành Kinh tế, Kinh tế học hoặc theo ngành chuyên sâu mà bạn muốn theo như Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Luật kinh tế… được đào tạo tại các trường như Đại học Quốc gia HN và Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Mở TP.HCM, Đại học An Giang, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Học viện Ngoại giao…
-
Nhà kinh tế học cần các tố chất sau:
– Kỹ năng phân tích: Các nhà kinh tế cần có khả năng đánh giá dữ liệu, xem xét xu hướng và đưa ra các kết luận logic nên kỹ năng phân tích là rất quan trọng.
– Kỹ năng giao tiếp: Với các thông tin có được, nhà kinh tế cần có khả năng trình bày, giải thích một cách rõ ràng để các đối tượng tiếp nhận thông tin có thể nắm được tình hình.
– Khả năng tư duy logic: Với tư duy logic và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, nhà kinh tế học có thể phát hiện các vấn đề đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời.
– Đặc biệt nhà kinh tế học rất cần sự nhạy cảm và nắm bắt thông tin. Đó không phải là những thông tin đơn thuần trên báo chí mà là những thông tin cơ mật của giới tinh hoa học thuật và giới chuyên gia phân tích.
- Để trở thành một nhà kinh tế học ngoài các yếu tố sẵn có bạn phải thực sự có lòng đam mê và kiên trì theo đuổi và dám chịu trách nhiệm cho phỏng đoán của mình. Hơn nữa trong thời đại hiện nay nhà kinh tế học không chỉ dừng lại ở việc phân tích, họ còn phải thành thạo việc sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Nên nếu có ý định theo đuổi nghề nghiệp này, bạn cũng phải nhanh nhẹn, dám tiếp thu cái mới.
Trần Phương tên thật là Vũ Văn Dung, sinh năm 1927, con một nhà nho nghèo ở một làng quê huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được Trung ương cử sang Trung Quốc để đào tạo về lý luận ở Học viện Mác – Lênin. Sau 2 năm, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế. Sự nghiệp của ông bắt đầu từ đó.
Đầu năm 1959, ông được cử về Uỷ ban Khoa học Nhà nước, cùng ông Bùi Công Trừng xây dựng Viện Kinh tế học. Từ năm 1965 trở đi, ông bắt đầu được Tổng Bí thư chú ý vì những ý kiến và những bài nghiên cứu của ông. Sau đó, ông trở thành một trong những trợ lý gần gũi nhất của Tổng Bí thư. Trên cương vị đó, ông đã có những ảnh hưởng đáng kể đến những suy nghĩ và quyết định của Tổng Bí thư trong lĩnh vực kinh tế.
Trong số nhiều đóng góp của Trần Phương đối với tư tưởng kinh tế Việt Nam, có thể kể đến một số “công lao” không phải là vạch đường chỉ lối, mà là can ngăn và điều chỉnh. Ông cho rằng phải bắt đầu công nghiệp hoá từ nông nghiệp, mà muốn đưa năng suất của nông nghiệp lên thì không thể và không nên bắt đầu bằng cơ giới hoá, mà phải từ giống và phân bón. Tư tưởng này cuối cùng đã được chấp nhận.
Bên cạnh đó, ông cũng nảy ra ý tưởng: Phải đào tạo những nhà kinh tế. Ông đã từng mở một lớp bồi dưỡng cho các cán bộ đầu đàn, do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Ông chính là người sáng lập và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập vào tháng 11-1974.
Đến năm 1977, Trần Phương được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội thương. Trong “việc đời” này, ông có nhiều đóng góp cho kinh tế. Một trong những đóng góp lớn đó là giải toả cho nông dân khỏi cái “ách” của chế độ thu mua nông sản. Sau đó ông được cử làm Phó thủ tướng phụ trách 6 bộ, trong đó có cả Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Vào năm 1979, ông chuyển sang làm Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Ở đây, ông đã làm một việc tày đình nữa là dám cắt bỏ hàng mấy chục dự án đầu tư của các ngành và các địa phương, vì ông thấy đầu tư không có hiệu quả.
Đến năm 1981, ông được tái cử làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ở đây ông đã thực thi nhiều tư tưởng kinh tế mà ông nung nấu từ thời ở Viện Kinh tế học. Trong đó có một việc “tày đình” nữa là dẹp bỏ các cửa hàng cung cấp đặc biệt ở Nhà thờ, Tôn Đản, Vân Hồ, Đặng Dung, điều mà cũng phải dũng cảm lắm mới dám làm.
Nhậm chức Bộ trưởng chưa đầy một tháng, ông đã trình Bộ Chính trị một bản kiến nghị nổi tiếng: “Kiến nghị về cải tiến quản lý thương nghiệp”. Trong đó ông kiến nghị: bãi bỏ chế độ tem phiếu, bãi bỏ hệ thống giá cung cấp và hệ thống giá thu mua, cho phép ngành thương nghiệp mua theo giá thỏa thuận, bán theo giá tự do. Phải 5 năm sau, khi ông giữ chức Phó thủ tướng phụ trách phân phối lưu thông thì bản kiến nghị của ông mới giành được sự đồng tình ủng hộ của các bộ có liên quan, dẫn tới cuộc cải cách giá và lương năm 1985. Có thể nói trong thời gian ông cầm quyền, từ Viện trưởng Viện Kinh tế học cho tới Phó thủ tướng, ông đã để lại những dấu ấn và những cảm tình không phai mờ nơi những người cộng sự, giúp đất nước có những bước đi đúng đắn trong sự nghiệp phát triển kinh tế toàn diện.
Adam Smith (1723 – 1790)
Ông là một nhà triết học và là một nhà kinh tế chính trị học người Scotlen. Ông nổi tiếng bởi cuốn sách The wealth of nations (Tạm dịch: “Nguồn gốc của cải của các quốc gia”) (1776). Đây là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất và nổi tiếng nhất về thương mại và công nghiệp, được công nhận là có đóng góp to lớn cho các nguyên lý kinh tế học hiện đại.
Adam Smith kịch liệt phản đối chủ nghĩa trọng thương và ủng hộ cho tự do thương mại, và chính điều này là một thách thức đối với những hàng rào thuế quan bảo hộ đương thời. Adam Smith đôi khi còn được coi là cha đẻ của thương mại hiện đại trong nền kinh tế toàn cầu. Hãy thử tưởng tượng xem cuộc sống này sẽ tẻ nhạt và nhịp sống này sẽ chậm rãi biết bao nhiêu nếu hoạt động ngoại thương bị ngăn cấm.
David Ricardo (1772 – 1823)
Ông là người con thứ 3 trong một gia đình Bồ Đào Nha gốc Do Thái có 17 người con. Có lẽ chính gia đình là nguồn động lực rất mạnh mẽ thúc đẩy ông trên con đường sự nghiệp. Ngay từ năm 14 tuổi, Ricardo đã theo cha lên làm việc trên sàn chứng khoán London (London Stock Exchange), và nhanh chóng trở thành một bậc thầy trong đầu cơ chứng khoán và bất động sản.
Năm 1819, Ricardo trở thành thành viên của nghị viện Anh, đại biểu cho một thành phố của Ireland. Một thiệt thòi đối với Ricardo cũng như cả thế giới đó là ông đã sống một cuộc đời quá ngắn ngủi. Tác phẩm vĩ đại của ông mang tên Essay on the Influence of a Low Price of Corn on the Profits of Stock (Tạm dịch: “Bàn luận về ảnh hưởng của giá cả thấp tới lợi nhuận chứng khoán”) ra đời năm 1815 là tiếng nói đấu tranh yêu cầu Chính phủ Anh bãi bỏ các điều luật hạn chế sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia.
Alfred Marshall (1842 – 1924)
Marshall là nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh, sinh ra tại London. Mặc dù ước muốn ban đầu của ông là trở thành một thầy tu, nhưng những thành công của ông tại trường Đại học Cambridge đã đưa ông đến với con đường nghiên cứu và học thuật. Marshall có thể là một trong những nhà kinh tế ít được biết tới nhất trong số các nhà kinh tế học vĩ đại bởi ông không phải là tác giả của bất cứ một lý thuyết kinh tế kinh điển nào. Tuy nhiên, ông rất đáng được vinh danh bởi những nỗ lực nhằm áp dụng phương pháp toán học vào kinh tế, biến kinh tế học thành một môn khoa học thực sự chứ không chỉ mang tính triết học đơn thuần.
Cuốn sách có tựa đề Economics of Industry xuất bản năm 1879 sau đó đã được giảng dạy nhiều tại các trường đại học của Anh và trở thành một trong các môn học chính thống. Sau đó Marshall đã phải mất gần 10 năm để hoàn tất tác phẩm Principles of Economics (Tạm dịch: “Những nguyên lý cơ bản của Kinh tế học”) vào năm 1890. Cuốn sách này được công nhận là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông, là một trong những cuốn sách giáo khoa kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất ở Anh trong nhiều năm. Trong cuốn sách này, những mô hình đường cung, đường cầu, chi phí biên, lợi nhuận biên,… đã được tập hợp và biểu diễn một cách hệ thống và logic, làm nền tảng cho các mô hình kinh tế sau này.
John Maynard Keynes (1883 -1946)
Mọi người đôi khi gọi ông là gã khổng lồ không chỉ bởi thân hình cao lớn của ông mà còn bởi những đóng góp lớn lao của ông cho lịch sử kinh tế tài chính. Keynes đã nhận chức vụ giảng viên tại trường Đại học Cambridge mà vị trí này lại được chính Alfred Marshall tài trợ. Ông còn được biết tới vì đã ủng hộ chính phủ can thiệp vào chính sách tiền tệ để giảm thiểu những tác động tiêu cực của suy thoái, khủng hoảng cũng như bùng nổ kinh tế. Năm 1936 ông cho xuất bản cuốn sách General Theory of Employment, Interest and Money (Tam dịch: “Lý thuyết căn bản về lao động, lãi suất và tiền tệ”) như một lời đáp trả đối với cuộc đại suy thoái, khuyến khích Chính phủ chi tiêu nhiều hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Đây cũng được coi là bước khởi đầu của lý thuyết kinh tế vĩ mô hiện đại.
Milton Friedman (1912 – 2006)
Milton Friedman là người con thứ 4 trong gia đình Do Thái nhập cư từ Áo-Hungary. Có lẽ, điều làm cho người ta nhớ đến ông nhiều nhất đó là những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy việc hình thành một thị trường tự do và thị trường tiền tệ hiện đại. Năm 1976, Friedman đã đoạt giải Nobel về khoa học kinh tế, năm 1988 ông có bài phát biểu trước các sinh viên và học giả Trung Quốc tại San Francisco và đây được coi là một phần trong quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Milton Friedman đã đóng ba vai trò trong đời sống tri thức thế kỷ 20. Một Friedman-nhà kinh tế của các nhà kinh tế, người đã viết những phân tích mang tính kỹ thuật và ít nhiều không mang tính chính trị về hành vi của người tiêu dùng và lạm phát. Một Friedman-người rao bán chính sách, người đã tham gia vận động cho chính sách trọng tiền trong nhiều thập kỷ – cuối cùng cũng chứng kiến Cục dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Anh đã làm theo học thuyết của ông vào cuối thập niên 70, rồi từ bỏ một vài năm sau đó vì nó không thể vận hành trơn tru. Cuối cùng, là một Friedman-nhà tư tưởng, người truyền bá vĩ đại học thuyết về thị trường tự do.