Fixi.vn – Không chỉ là một ngành nghề, ngoại giao còn là khoa học và nghệ thuật. Vì thế không dễ đưa ra một cách hiểu thật đơn giản và chính xác về lĩnh vực này. Nhà ngoại giao – người làm ngoại giao cũng vô cùng toàn năng: vừa am hiểu chính trị, vừa thông thạo ngoại ngữ, lập luận phải luôn rõ ràng, mặt khác vẫn vô cùng lịch thiệp, phong cách.
-
Mục Lục Bài Viết
Nhà ngoại giao là ai?
Trước tiên, sao bạn không thử nghe những nhà ngoại giao nổi tiếng định nghĩa về ngoại giao nhỉ?
“Ngoại giao, đó là việc tiến hành những quan hệ quốc tế bằng cách đàm phán, đó là cách mà các đại sứ, công sứ… dùng để điều chỉnh và tiến hành những quan hệ này. Đó là công tác hoặc là nghệ thuật của nhà ngoại giao?
(Nhà ngoại giao nổi tiếng người Anh Harold Nicolson)
“Ngoại giao là sự áp dụng trí tuệ và lịch thiệp vào việc tiến hành những quan hệ chính thức giữa các chính phủ các nước độc lập và đôi khi cả giữa những nước ấy với các nước chư hầu của họ”.
(Nhà ngoại giao E. Stow, tác giả cuốn Ngoại giao thực hành)
Cả hai định nghĩa trên tuy có khác nhau ít nhiều nhưng đều giống nhau ở một số điểm: đều đề cập đến các mối quan hệ quốc tế, coi đàm phán là một phương pháp điều chỉnh những quan hệ đối ngoại v.v…
Nói một cách giản dị hơn, bạn có thể hiểu ngoại giao là một trong những cách các nước phấn đấu để sinh tồn trên thế giới. Theo đó, các nước tìm cách bảo đảm sự có mặt đại diện của mình (nhà ngoại giao) tại những địa bàn cần thiết. Sau đó, thông qua quan sát, tìm hiểu, các nhà ngoại giao sẽ báo cáo về những tình hình liên quan đến quyền lợi nước mình; dùng đàm phán và các hình thức đấu tranh khác để phát triển quan hệ, bảo vệ an ninh đối ngoại của đất nước, xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nước mình, phát huy ảnh hưởng trên thế giới.
Hiện nay, hầu hết các nước đều đã độc lập, xu thế phát triển và toàn cầu hóa chiếm ưu thế, nên ngày càng nhiều nước chủ trương thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và ngoại giao đa phương (có quan hệ với nhiều nước).
Để đạt được mục đích ngoại giao, cáo nước sử dụng rất nhiều hình thức khác nhau. Bạn đã nghe tới những cụm từ “kỳ quặc” sau chưa: “Ngoại giao bóng bàn”, “Ngoại giao sân gôn”, “Ngoại giao nhà nghỉ”, “Ngoại giao xe buýt”…? Đó đều là những bước khởi đầu để làm tan băng quan hệ giữa các nước với nhau.
- Bản chất của ngoại giao Việt Nam là gì?
Kế thừa, phát huy truyền thống ông cha, bản chất nền ngoại giao nước ta là hòa bình, chính nghĩa, thuỷ chung và khoan dung, đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu bởi tư tưởng và phong cách ngoại giao của Hồ Chí Minh. Ngoại giao Việt Nam mang tính nhân văn cao cả, tinh tế, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén, thấu hiểu sâu sắc về mình và người.
2. Nhà ngoại giao làm gì?
Nhìn chung, tuỳ vào từng chức năng, vị trí cụ thể, các nhà ngoại giao sẽ thực hiện những công việc chính dưới đây:
– Tham gia tiếp xúc và đàm phán ngoại giao.
– Soạn thảo các công văn và văn kiện ngoại giao.
– Tìm hiểu, nghiên cứu tình hình các nước và tình hình thế giới, đề xuất ý kiến, đóng góp vào chiến lược ngoại giao chung của đất nước.
– Tiến hành công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.
– Thực hiện công tác lãnh sự, bảo vệ quyền lợi kiều dân ở nước ngoài.
– Làm công tác lễ tân: sắp xếp và tiến hành việc thăm hỏi, chúc mừng, chia buồn, tổ chức tham quan, tổ chức chiêu đãi (địa điểm, thực đơn, bố trí bàn ăn, sắp xếp chỗ ngồi cho đúng ngôi thứ, v.v…).
- Trong đại sứ quán
Cán bộ ngoại giao làm việc ở các đại sứ quán gồm các chức danh:
* Đại sứ: Là đại diện cao nhất của Nhà nước và Chính phủ, có trách nhiệm chỉ huy mọi bộ phận trong đại sứ quán. Đại sứ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển quan hệ với nước sở tại.
* Công sứ: Ởcác đại sứ quán lớn thường có thêm công sứ giúp việc cho đại sứ. Công sứ là người đứng thứ hai sau đại sứ.
* Tham tán: Là người giúp việc cho đại sứ. Ở những nước không có công sứ, tham tán trở thành nhân vật thứ hai sau đại sứ.
* Bí thư thứ nhất: Là cán bộ phụ trách một phần công việc của đại sứ quán như phòng hành chính quản trị, lễ tân, lãnh sự v.v…
* Bí thư thứ hai: Giúp việc cho bí thư thứ nhất và tham tán. Tuy nhiên, ở một số đại sứ quán, cũng có trường hợp bí thư thứ hai được phụ trách một phòng hoặc bộ phận (lãnh sự, lễ tân, quản trị, văn phòng v.v…).
* Bí thư thứ ba: Giúp việc cho tham tán, bí thư thứ nhất hoặc bí thư thứ hai.
* Tuỳ viên: Thường là những cán bộ ngoại giao mới ra trường, làm trợ lý trong các bộ phận chính trị, báo chí, văn hóa, lãnh sự hoặc phụ trách lễ tân v.v…
Tuỳ viên cũng có thân phận, đặc quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao như mọi cán bộ ngoại giao khác, gồm: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, trụ sở, nhà ở, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, hồ sơ tư liệu; quyền miễn trừ bắt bớ, xét xử, thuế, hải quan, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự v.v…
- Trong lãnh sự quán
Cán bộ lãnh sự quán gồm có tổng lãnh sự, lãnh sự, phó lãnh sự. Nhiệm vụ cơ bản của cán bộ lãnh sự là bảo vệ quyền lợi kiều dân, thúc đẩy quan hệ thương mại và giải quyết các tranh chấp liên quan về thương mại, thương thuyền, kiều dân. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lãnh sự cũng tham gia vào công tác nghiên cứu tình hình nước sở tại.
Ngoài ra, bạn còn có thể nghe nói tới các chức danh như: đại biện, đại biện lâm thời. Ở những nước chưa có đại sứ, đại biện được bổ nhiệm, phụ trách quan hệ ngoại giao với nước sở tại. Đại biện lâm thời là người thay đại sứ khi đại sứ đi vắng. Vị trí đại biện lâm thời thường được giao cho người có vị trí thứ hai trong đại sứ quán sau đại sứ.
3. Nhà ngoại giao làm việc ở đâu?
Ngày nay, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, theo bất cứ chế độ chính trị nào đều có các cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại, bao gồm:
– Các cơ quan đối ngoại ở cấp trung ương.
– Các cơ quan đối ngoại ở một số địa phương trong nước. Chẳng hạn Việt Nam có Sở Ngoại vụ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh.
– Các cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Các cơ quan ngoại giao của mỗi nước thường có ba nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Bảo vệ an ninh đối ngoại của đất nước: Tăng bạn, bớt thù.
- Xây dựng một môi trường quốc tế thuận lợi để nước mình có thể phát triển về các mặt, và đó chủ yếu là môi trường hòa bình, thiện chí, hữu nghị.
- Phát huy ảnh hưởng của nước mình trên thế giới.
Nhiệm vụ của đại diện ngoại giao là: Đại diện cho nước mình (bằng sự có mặt và tham gia của mình); quan sát, báo cáo (cho chính phủ mình) và đàm phán, ký kết.
- Cơ quan đối ngoại cấp trung ương: Các cơ quan quan hệ đối ngoại trung ương ở tất cả các nước được chia làm hai loại: Cơ quan chính trị do hiến pháp quy định và cơ quan chuyên môn.
*Cơ quan chính trị do hiến pháp quy định thông thường bao gồm nguyên thủ quốc gia (cá nhân hoặc tập thể), Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Nguyên thủ quốc gia là Vua ở các nước theo chế độ quân chủ và Chủ tịch hoặc Tổng thống ở các nước theo chế độ cộng hòa.
Nguyên thủ quốc gia có thể trực tiếp quan hệ với nước khác, tiếp xúc trực tiếp với các nguyên thủ quốc gia khác, chính thức hoá các thỏa thuận về chính sách đối ngoại, ký kết các điều ước, văn bản, tuyên bố quan trọng thuộc chính sách đối ngoại của đất nước.
Chính phủ là cơ quan chính trị do hiến pháp quy định, có chức năng lãnh đạo chính trị chung trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.
Bộ Ngoại giao là cơ quan thực thi đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước, Chính phủ. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng có nhiệm vụ đề xuất với Nhà nước, Chính phủ về các công việc đối ngoại.
* Cơ quan chuyên môn có tính chất công ước
Trong hệ thống tổ chức bộ máy đối ngoại của Nhà nước, có những cơ quan được tổ chức và hoạt động trên cơ sở những hiệp ước, hiệp định quốc tế, hoặc trên cơ sở tập quán, truyền thống được hình thành và thừa nhận trong quan hệ quốc tế. Những cơ quan đó được gọi là các cơ quan chuyên môn có tính chất công ước và tổ chức theo ngành dọc, trực thuộc các Bộ, ngành chuyên môn.
Ngoài ra, còn có một số viện chuyên nghiên cứu cơ bản về tình hình thế giới và xây dựng các chiến lược ngoại giao dài hạn. Chẳng hạn Việt Nam có Viện Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á v.v…
- Cơ quan đại diện đại nước ngoài
Các cơ quan ngoại giao hoạt động ở nước ngoài gồm hai loại: Cơ quan đại diện thường trú và cơ quan đại diện lâm thời
* Cơ quan đại diện thường trú
Đây là các cơ quan hàng ngày làm công tác ở nước ngoài, đại diện cho quyền lợi quốc gia, quyền lợi của dân tộc, công dân mình trên đất nước sở tại.
Các nhà ngoại giao hoạt động tại các cơ quan này thường làm việc ở các đại sứ quán, công sứ quán, cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế, đại biện quán, tổng lãnh sự quán, lãnh sự quán.
Đại sứ quán phụ trách toàn bộ quan hệ của nước mình với nước sở tại, được phép hoạt động trong toàn bộ nước sở tại (trừ các vùng cấm) và đặt trụ sở tại thủ đô.
Các tổng lãnh sự quán, lãnh sự quán chỉ hoạt động ở từng khu vực của nước đó, một thành phố hoặc một cảng nhất định.
Chẳng hạn Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sydney chỉ hoạt động trong phạm vi thành phố Sydney và bang New South Wales của Ôxtrâylia.
Ngoài ra, còn có cơ quan đại diện thường trú tại Liên Hợp Quốc và đại diện thường trú tại các tổ chức quốc tế khác.
* Cơ quan đại diện lâm thời
Đúng như tên gọi của mình, cơ quan đại diện lâm thời là các đoàn đại biểu, các đại diện, đặc phái viên được cử ra nước ngoài hoạt động trong một thời gian nhất định. Đó cũng có thể là các quan sát viên ở những hội nghị quốc tế, ủy ban quốc tế, các đại diện cá biệt được cử đi dự các ngày lễ nhà nước, đăng quang, quốc tang v.v…
4. Làm thế nào để trở thành nhà ngoại giao?
Trên thế giới, ngành ngoại giao thường tuyển mộ những người đã được đào tạo về các khoa chính trị, kinh tế, xã hội học, luật, chính phủ hoặc đã học ở các trường chuyên đào tạo về ngoại giao. Các bạn có thể dễ dàng truy cập trang web dưới đây để có thêm thông tin chi tiết:
Ở Việt Nam, hiện nay chỉ có một trường chuyên đào tạo về ngoại giao là Học viện Ngoại Giao (địa chỉ: số 69 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Ngoài ra, cũng có các khoa đào tạo về ngoại giao tại các trường như Trường Đại học dân lập Đông Đô, Trường Đại học dân lập Phương Đông…
Tại Học viện Quan hệ quốc tế, bạn có thể chọn học một trong ba khoa: Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao Việt Nam, Khoa Kinh tế quốc tế và Khoa Luật quốc tế. Hãy tự đánh giá chính mình xem bạn hợp và có khả năng với khoa nào hơn nhé.
Nếu ngay từ bây giờ bạn đã thích nghề ngoại giao rồi, thì bạn nên tự bồi dưỡng một số kiến thức cho mình ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Đó là:
- Học ngoại ngữ thật tốt
Trước hết học tốt một ngoại ngữ rồi tiến tới học thêm những ngoại ngữ khác. Ngày nay, ngôn ngữ phổ biến và quan trọng nhất là tiếng Anh. Chẳng hạn nếu bạn chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, ngoài việc học Trung văn, bạn vẫn phải giỏi tiếng Anh. Giới học giả ở Mỹ, Anh, Ôxtrâylia, Ấn Độ v.v… thường nghiên cứu, hội thảo và xuất bản nhiều tài liệu về Trung Quốc (tất nhiên bằng tiếng Anh rồi). Thông thạo tiếng Anh sẽ giúp bạn học hỏi, trao đổi ý kiến rộng rãi với bạn bè quốc tế.
Giỏi một ngoại ngữ có nghĩa là đọc thông, viết thạo, hiểu được tiếng lóng, biệt ngữ, hiểu đúng được ý, kể cả những ý tế nhị hoặc không nói ra của đối tác. Có như vậy, bạn mới nắm được các ngụ ý sâu sắc của họ, và làm tốt công tác nghiên cứu, đối ngoại.
Ngoài ra, tất nhiên bạn phải có phát âm tốt, trình bày được rõ, lưu loát ý kiến của mình.
Bình luận về Đại sứ Pháp F. Seydoux ở Đức, một người Đức nói: “Ông hiểu biết nhiều về nước Đức, có tầm nhìn sáng tỏ về tương lai, phân tích rõ các khó khăn đang xảy ra, và có niềm lạc quan dũng cảm. Chúng tôi sung sướng khi được nghe ông nói tiếng Đức một cách trôi chảy, rất hiếm khi phải do dự trong việc dùng từ ngữ”.
- Nên tìm hiểu về kinh tế học, chủ yếu là kinh tế thế giới; hoặc chính trị học; xã hội học và luật…
Đây là những công cụ quan trọng để nghiên cứu tình hình thế giới cũng như từng nước và xử lý công tác ngoại giao.
- Hãy đọc nhiều về lịch sử thế giới và quan hệ quốc tế từ cổ đại, trung đại đến đương đại
Nhà ngoại giao phải có kiến thức sử học uyên thâm, hiểu rõ quy luật phát triển của thế giới, mối quan hệ giữa các quốc gia xưa và nay. Bạn hãy tạo lập thói quen theo dõi tin tức, bình luận về tình hình trong nước và thế giới. Hãy thử suy ngẫm và đưa ra ý kiến, nhận xét chủ quan của mình nữa.
- Các kiến thức chung rộng rãi, đặc biệt là địa lý, cũng rất cần
Điều quan trọng bậc nhất là bạn phải bồi đắp lòng ham đọc sách, đặc biệt các sách có nội dung khó. Nhà ngoại giao cần có trí nhớ tốt, phải đọc rất nhanh những tài liệu khó và nắm vững được các ý chính. Các tài liệu mật, quan trọng của các nước cũng nằm trong phạm trù đó.
- Hãy tập giao tiếp, phát biểu (bằng tiếng Việt và cả ngoại ngữ nhé)
Cảm thấy khó khăn khi phải nói trước đám đông hầu như là nhược điểm của tất cả chúng ta. Nếu muốn trở thành một nhà ngoại giao thực thụ, bạn phải xóa bỏ dần sự ngượng nghịu, mặc cảm ấy và tập dượt để có khả năng tiến tới làm thuyết khách.
Để thực hiện được trọng trách nặng nề của mình, ngoài việc được đào tạo tốt, một nhà ngoại giao tài ba còn cần có những phẩm chất không thể thiếu dưới đây:
- Lòng yêu nước nhiệt thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp v.v… Không chỉ thông thạo ngoại ngữ, người còn rất am tường về lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán của các dân tộc.
Nhà ngoại giao chân chính trước hết phải có lòng yêu nước, phẩm chất chính trị vững vàng, hết lòng phục vụ đất nước, luôn luôn đặt quyền lợi của đất nước lên trên.
Cán bộ ngoại giao luôn gánh trên vai mình trọng trách với đất nước. Họ phải hiểu biết tình hình nước mình và nhất là các chính sách lớn của nhà nước, của ngành ngoại giao và quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả.
Vì vậy, nếu một người làm ngoại giao mà chỉ chăm lo đến quyền lợi cá nhân và hưởng thụ vật chất cho bản thân mình sẽ không thể trở thành nhà ngoại giao thực thụ.
- Trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ
Nhà ngoại giao còn phải cố gắng đạt tới trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ các nước mà mình phụ trách để có thể kết hợp hiệu quả quyền lợi của nước mình với quyền lợi của họ.
Để đạt yêu cầu trên, người làm ngoại giao cần đọc nhiều, giao thiệp rộng, có bạn bè thuộc nhiều giới, nhiều tầng lớp khác nhau ở nước sở tại…
- Trình độ diễn đạt chính xác, thuyết phục và có duyên
Cách tốt nhất để thuyết phục mọi người là dùng đôi tai của bạn – bằng cách lắng nghe họ.
Dean Rush – Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ
Đây là phẩm chất thiết yếu với những nhà ngoại giao tài năng. Bởi trở thành nhà ngoại giao, bạn thường phải thay mặt nước mình trình bày rõ quan điểm về một vấn đề nhất định, cảnh cáo đối phương hoặc tranh thủ sự đồng tình của nước bạn. Trong trường hợp khác, nhà ngoại giao lại phải biết dùng lời nói che giấu những bí mật quốc gia, những sách lược cần được giữ kín của nước mình, mà vẫn làm cho đối phương tin.
Nhà ngoại giao cũng luôn phải là người lịch thiệp, nhã nhặn nhất. Dù bực bội đến mấy, họ vẫn luôn cố gắng giữ được bình tĩnh, che giấu được bí mật quốc gia và ý nghĩ của mình.
Nếu người đối thoại với bạn có cử chỉ hoặc phát biểu khiến cho bạn muốn nổi khùng, bạn sẽ làm gì? Cho hắn một cái tát? Hay hầm hầm bỏ đi?
Nhà ngoại giao thường xuyên gặp phải những trường hợp như thế. Họ sẽ đáp lại rằng:
“Ông rất sắc sảo!”
Hoặc
“Ý kiến đó của ông rất đáng lưu ý”.
Sau đó mới nhẹ nhàng nêu những sai trái của đối phương.
- Nhạy bén, tinh tế, chủ động linh hoạt
Cán bộ ngoại giao đòi hỏi phải có đầu óc nhạy bén, quan tâm tìm hiểu diễn biến tình hình, chủ động đối phó với tình huống bất ngờ.
Khi đọc các văn bản ngoại giao, họ chú ý để hiểu được các ý mới, chi tiết mới, ngụ ý của đối phương. Khi trao đổi ý kiến, họ nắm được nội dung ý kiến của đối phương, nhanh chóng làm sáng tỏ ý thật hay những điều trình bày còn thiếu rõ ràng. Nhà ngoại giao cũng có ý thức đọc rộng và rèn luyện để có trí nhớ tốt, khả năng đọc nhanh, hiểu nhanh các văn kiện khó.
- Dũng cảm
Phẩm chất này thực sự cần trong nghề ngoại giao. Trên hết, cán bộ ngoại giao phải trung thực với đất nước mình, vì quyền lợi của đất nước mà luôn nói thật quan điểm, nhận xét, kiến giải của mình trước các vấn đề quốc tế và trong nước, dù việc nói thật đó có thể bất lợi cho bản thân. Không ít người thấy ngành ngoại giao rất hấp dẫn do lễ nghi hào nhoáng và quyền lợi vật chất như: hàng rào danh dự và đội nhạc chào mừng, các buổi chiêu đãi sang trọng, đặc quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao, được đi “mây về gió” đến nhiều nước, được tuyên truyền đề cao. Nhưng đó chỉ là những nhân tố bề ngoài. Thực chất của ngoại giao là đấu tranh để bảo vệ và xúc tiến quyền lợi dân tộc, bảo vệ hoà bình thế giới.
“Đừng tìm kiếm cái chết, cái chết sẽ tự tìm đến bạn. Nhưng hãy tìm kiếm con đường để có thể chết một cách ý nghĩa nhất.”
Chúng ta sẽ bắt đầu cuộc hành trình qua Toa tàu số 12 với một vài câu chuyện về ngoại giao: Những chính sách ngoại giao kịp thời, sáng suốt để giữ vững nền hòa bình, độc lập của đất nước hay một sáng kiến nhanh trí của người làm ngoại giao.
Nhân nhượng nhưng không khuất phục
Sau Cách mạng tháng Tám, nước ta giành được độc lập nhưng ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Ở miền Nam, quân Pháp lăm le quay trở lại, đế quốc Anh và Mỹ cũng tỏ rõ dã tâm xâm lược. Bộ máy nhà nước ta còn mong manh, quân đội chưa lớn mạnh, tài chính không có. Nhân dân ta lại vừa phải chịu nạn đói thảm khốc.
Trong hoàn cảnh ấy, ở miền Bắc, hơn hai mươi vạn quân Tưởng do tướng Lư Hán dẫn đầu kéo vào nước ta với âm mưu tiêu diệt chính quyền cách mạng, đưa Quốc dân đảng lên nắm quyền.
Trước tình hình trên, với tầm nhìn sáng suốt của một vị lãnh tụ vĩ đại, cũng là nhà ngoại giao tài ba, Bác Hồ đã dặn mọi người:
– Bọn ấy sang chẳng tử tế gì đâu. Chúng sẽ ăn bám, báo hại, đưa bọn phản động về phá ta, làm nhiều điều chướng tai gai mắt. Phải khôn khéo và luôn luôn tỉnh táo. Phải biết nhân nhượng, cái gì cho, cái gì không cho, phải có đối sách thích hợp.
Bác lại nhắc:
– Nhưng nhân nhượng không phải là khuất phục.
Với phương châm ấy, chúng ta đã cố hết sức mềm dẻo, tránh khiêu khích và xung đột. Tuy nhiên, đúng như Bác đã nói, nhân nhượng không phải là khuất phục.
Có lần quân Tưởng đòi thêm gạo, Bác trả lời không có. Một tướng của Lư Hán dọa dùng vũ lực. Bác bình tĩnh đáp lại: “Ông muốn làm gì cũng được. Nhưng tôi không thể cho ông nhiều gạo hơn nữa để dân tộc tôi chết đói”. Trước thái độ kiên quyết của Bác, Lư Hán đành phải làm hòa.
Bài học rút ra:
Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước mà phải có chính sách ngoại giao thích hợp. Nhà ngoại giao phải biết mềm dẻo nhưng cũng cần kiên quyết ở những điểm mấu chốt.
Ngoại giao là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nền độc lập và sự phát triển của đất nước
Thế kỷ 19, khi hầu hết các nước Đông Nam Châu Á bị phương Tây xâm chiếm, vua Rama IV của Thái Lan đã căn dặn các sứ thần của mình:
– Nếu chúng ta có một mỏ vàng chất lượng cực tốt, và nếu ta dùng toàn bộ số vàng đó để mua súng đạn thì người phương Tây chỉ bán cho ta những thứ súng đạn xoàng thôi, không bán cho ta súng tốt nhất đâu.Như vậy ta không thể dùng vàng để mua vũ khí nhằm bảo vệ đất nước. Cho nên chúng ta cần phải bảo vệ đất nước bằng con tim và cái lưỡi của mình.
Theo đường lối đó, Thái Lan đã chủ động ký sớm một hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1855 (mà sau này sẽ làm mẫu cho những ký kết tương tự với các nước phương Tây khác). Trong bản hiệp ước hữu nghị và thương mại ấy, Thái Lan có một số nhân nhượng về trị ngoại pháp quyền, thuế nhập khẩu và một số thuế khác để đánh đổi lấy việc Anh tôn trọng nền độc lập của Thái Lan và ngăn chặn tham vọng xâm lược của các nước khác. Một phần không nhỏ nhờ vào chính sách ngoại giao khéo léo ấy mà Thái Lan đã bảo vệ được hiệu quả và lâu dài nền độc lập của mình.
Bài học rút ra:
Cần đánh giá đúng tầm quan trọng của ngoại giao trong từng giai đoạn: có lúc ngoại giao có vai trò thấp hơn quân sự nhưng không thể thiếu có lúc ngoại giao có vai trò ngang với quân sự, có lúc ngoại giao có vai trò quan trọng hơn quân sự. Mặt khác, cần biết vận dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn theo hướng có lợi cho mình.
Dùng tiếng Anh hay tiếng Pháp?
Từ sau Thế chiến thứ II, tiếng Anh đã có vị trí hàng đầu trên thế giới và được dùng phổ biến tại các hội nghị quốc tế. Nhưng cuộc họp của Hội đồng đối tác châu Âu – Đại Tây Dương (EAPC) ngày 22-11-2002 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại là một ngoại lệ. Lý do chính là sự tham gia của ông Leonid Kuchma, tổng thống Ucraina.
Ông Leonid Kuchma không được Anh và Mỹ chấp nhận. Hai nước này tố cáo rằng hai năm trước đây, ông Kuchma đã đồng ý bán cho Irắc thiết bị rada phát hiện máy bay. Làm ngơ trước những lời cáo buộc trên, ông Kuchma vẫn quyết định tham gia cuộc họp. Thậm chí, ông còn đòi có một ghế đàm phán cho Ucraina tại cuộc họp EAPC vào ngày hôm sau.
Một vấn đề nan giải đã nảy sinh: nếu sắp xếp thứ tự các nước theo bảng chữ cái tiếng Anh thì ông Kuchma sẽ ngồi vào khu vực ghế dành cho các nước có chữ cái “U” đứng đầu, và như vậy thì chắc chắn rằng ông sẽ ngồi bên tay phải của ông Tony Blair, Thủ tướng Anh (UK), và ngồi cách ông Bush, Tổng thống Mỹ (USA) không xa lắm. Điều này chắc chắn sẽ khiến hai ông Bush và Tony Blair không hài lòng.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng, những cán bộ ngoại giao làm công tác tổ chức cuộc họp cũng tìm được một giải pháp rất hiệu quả: Vị trí trong cuộc họp sẽ được sắp xếp theo bảng chữ cái của tiếng Pháp.
Với sáng kiến này, ông Bush – Tổng thống Mỹ (États-Unis) sẽ ngồi gần đại diện các nước bắt đầu bằng chữ cái “E” như Estonia, Ethiopia… Thủ tướng Anh Tony Blair (Royaume-Uni) sẽ ngồi gần đại diện các nước mới gia nhập NATO là Rumani và Slovenia. Còn ông Kuchma (Ukraine) ngồi cạnh đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie).
Đây là một sáng kiến ngoại giao khôn khéo. Việc sắp xếp chỗ ngồi theo bảng chữ cái tiếng Pháp thay cho bảng chữ cái tiếng Anh đã khiến hai nước Anh và Mỹ không có lý do để mất lòng và cũng không làm cho ông Kuchma bị khó xử tại một hội nghị quan trọng.
Trong Hội nghị này, ông Kuchma đã đọc một bài diễn văn thân thiện, tránh đề cập tới việc bán hệ thống rada cho Irắc và tỏ ý mong muốn gia nhập NATO.
Bài học rút ra:
Cán bộ ngoại giao phải giàu sáng kiến và nhanh trí để giải quyết các bất đồng và tránh những căng thẳng không đáng có, theo phương châm giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược và biện pháp.
Lược sử ngành ngoại giao
Từ buổi bình minh của lịch sử loài người đã xuất hiện những hình thức phôi thai đầu tiên của quan hệ ngoại giao. Đó là các hình thức giao tiếp đơn giản, thô sơ giữa các cộng đồng, bộ lạc thị tộc… Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, những hình thức ấy chỉ được coi là tiền thân của ngoại giao chứ chưa phải là ngoại giao. Việc xuất hiện của ngoại giao gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước, tức là khi xã hội có giai cấp.
Thời kỳ cổ đại, tuy nhà nước chưa có cơ quan ngoại giao, nhưng ngoại giao thời kỳ đó cũng đã tập trung vào một số vấn đề như: phục vụ nhiệm vụ tác chiến, cầu phong, cống sính, hiếu hỉ, đi sứ, tiếp sứ, trao đổi điệp văn…
Thời kỳ trung cổ, hệ thống kinh tế tự nhiên cùng với kỹ thuật sản xuất thấp kém đã cản trở việc hình thành mối quan hệ kinh tế bền vững và thúc đẩy quá trình chia rẽ chính trị giữa các quốc gia. Ngoại giao thời kỳ này mang nặng dấu ấn của chế độ phong kiến. Nhà thờ mà đại diện là các Giáo hội cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngoại giao. Giáo hoàng La Mã đã phái các đại diện của mình sang nước khác đảm trách công tác ngoại giao với tư cách là người đứng đầu đoàn ngoại giao. Tuy nhiên, các đại diện này chỉ là đại diện lâm thời, nghĩa là chỉ được cử đi một thời gian để thực hiện một công việc nào đó.
Từ thế kỷ 15 trở đi, sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật cùng những phát kiến địa lý vĩ đại đã ngày càng mở rộng quan hệ giao lưu giữa các quốc gia.
Vào cuối thế kỷ 16, quy chế cơ quan đại diện ngoại giao thường trực được hình thành một cách ổn định và có quy định ngôi thứ ngoại giao hoàn chỉnh. Hình thức thư tín ngoại giao ra đời, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử ngoại giao. Nghi thức lễ tân ngoại giao cũng được điều chỉnh chính xác hơn. Các nước dần dần bổ nhiệm đại diện thường trực tại các nước khác.
Cho đến thế kỷ 18, cơ quan đại diện thường trực mới bắt đầu hình thành. Đến thế kỷ 20, các cơ quan này đã trở nên khá mạnh, mang tính chuyên nghiệp cao và là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống lãnh đạo của Nhà nước. Hoạt động ngoại giao trong thế kỷ 20 đã phát triển nhanh mạnh, với rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Chúng ta phải đối diện với thực tế rằng hoặc chúng ta sẽ cùng bị huỷ diệt, hoặc phải học cách chung sống hòa bình, và nếu muốn chung sống hòa bình, ta phải đối thoại.
Eleanor Roosevelt – Nhà ngoại giao nổi tiếng, phu nhân của cựu tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt
Lược sử ngành ngoại giao Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Với ý nghĩa trọng đại của sự kiện này, ngày 28-8-1945 trở thành ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách ngoại giao đến ngày 2-3-1946. Khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, theo chính sách Liên hiệp của chính quyền mới, chức vụ này được giao cho ông Nguyễn Tường Tam, người của Đảng Việt Quốc. Nhưng ngày 30-5-1946, Nguyễn Tường Tam trốn theo quân đội Tưởng Giới Thạch sang Trung Quốc. Một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao cho đến khi chuyển giao chức vụ này cho ông Hoàng Minh Giám vào tháng 3-1947.
Trụ sở Bộ Ngoại giao ban đầu được đặt ngay trong Phủ Chủ tịch, sau đó chuyển đến số nhà 43 Lý Thái Tổ. Năm 1946, trụ sở Bộ Ngoại giao chuyển đến số nhà 23 phố Hàng Tre, sau đó cùng Chính phủ chuyển về ngoại thành, gần Vân Đình – Hà Đông rồi rút lên An toàn khu tại xóm Dốn, xã Minh Khai (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Trong chín năm kháng chiến, Bộ Ngoại giao đóng trụ sở lâu nhất tại đây, cho đến tháng 7 – 1954, chuyển sang Đại Từ, Thái Nguyên. Từ tháng 10 – 1954 đến nay, trụ sở Bộ Ngoại giao đặt tại số 1 Tôn Thất Đàm, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.
Một số điều ước quốc tế về quan hệ ngoại giao
* Hiệp ước 1520 giữa Anh và đế quốc La Mã thần thánh đã có ý nghĩa nhất định: lần đầu tiên các quốc gia cam kết lập các đại sứ quán.
* Hiệp ước Westphalie (1648) đã xác định hình thức các đại sứ quán và quy định những nguyên tắc về mối quan hệ thường xuyên giữa các quốc gia.
* Hiệp ước Tilzitt (1807) giữa Pháp và Nga hoàng về vấn đề đại sứ, công sứ và các phái viên của chính phủ được xây dựng trên nguyên tắc tương hỗ, bình đẳng.
* Hiệp ước Viên (1815) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các đại diện ngoại giao. Đây là quy tắc công pháp quốc tế và thực tiễn ngoại giao được các nước công nhận, là quy tắc đầu tiên quy định rõ ràng vị trí đứng đầu đoàn ngoại giao và chế độ công tác của các đại diện ngoại giao.
* Nghị định thư Aix – La Chapelle (1818) chi tiết hóa quyền hạn và chức năng của các đại diện ngoại giao.
* Công ước Viên (1961) về quan hệ ngoại giao là công ước tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.