Fixi.vn – Lịch sử, trái với suy nghĩ của nhiều người, thực sự là một môn khoa học thú vị. Thậm chí có người còn từng ví “Lịch sử là môn học có tính suy luận và đòi hỏi mạch tư duy đến lạ kì”. Các nhà sử học, những người chuyên nghiên cứu về lịch sử không chỉ nổi bật bởi học vấn uyên bác mà còn được biết đến như những người có óc suy luận chặt chẽ, cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học bất tận.
Mục Lục Bài Viết
Nhà sử học là ai?
Nhà sử học nghiên cứu các sự kiện, hoạt động của con người đã diễn ra trong quá khứ, để từ đó rút ra kết luận cho từng thời kỳ hay cả quá trình lịch sử. Họ tiến hành nghiên cứu lịch sử quốc gia, khu vực hay lịch sử thế giới, nghiên cứu từng giai đoạn hay cả quá trình phát triển lịch sử, cũng có khi đi sâu vào từng sự kiện, từng con người cụ thể.
Mỗi nhà sử học thường nghiên cứu sâu về một lĩnh vực, hay một giai đoạn lịch sử nhất định như lịch sử văn hóa, lịch sử Nhà nước pháp luật, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lịch sử Việt Nam cận đại v.v…
Nhà sử học làm gì?
Công việc chính của các nhà sử học thường bao gồm:
- Xem xét, đánh giá và làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ bằng cách khai thác thông tin qua các nguồn sử liệu như di tích lịch sử, hiện vật trong bảo tàng, thư tịch cổ, các sáng tác dân gian (truyền thuyết, ca dao, hò, vè), phong tục tập quán, hồi ký, nhật ký, thư từ, báo chí, các cuộc phỏng vấn, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học khác;
- Tìm và đọc các nguồn sử liệu để lấy thông tin, sau đó sắp xếp lại và kiểm tra tính chính xác của thông tin, từ đó đưa ra các kết luận;
- Giới thiệu kết quả nghiên cứu qua các tạp chí chuyên ngành, các công trình nghiên cứu, các bài giảng;
- Nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, cố vấn cho các kế hoạch, chương trình có liên quan đến lịch sử, giảng dạy lịch sử tại các trường học.
Nhà sử học làm việc ở đâu?
Công việc của nhà sử học diễn ra ở rất nhiều nơi. Ở mỗi địa điểm làm việc, công việc của nhà sử học lại có những đặc thù riêng:
Trong phòng nghiên cứu, nhà sử học phân tích, tổng hợp và đối chiếu, so sánh các nguồn sử liệu với nhau, nhằm tìm ra câu trả lời chính xác cho các sự kiện.
Tham gia các cuộc khai quật khảo cổ học, nhà sử học tìm kiếm các hiện vật khảo cổ để phân tích, làm sáng tỏ những sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan.
Nhà sử học còn tham gia các cuộc điền dã dân tộc học (*) để tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của một tộc người.
Họ còn tham gia các hội thảo, các chương trình hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước. Cũng có khi họ tham gia thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình để làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử đang được quan tâm.
(*) một chuyến đi thực tế tới các vùng sinh sống của các dân tộc khác nhau
Nhà sử học có thể là nhà nghiên cứu lịch sử tại các viện nghiên cứu, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên tại các trường phổ thông.
Để phổ biến các kiến thức lịch sử, nhà sử học cũng có thể làm việc trong các bảo tàng, các nhà xuất bản, các toà soạn báo, các cơ quan hành chính Trung ương và địa phương. Họ làm cố vấn cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Các chương trình truyền hình, các tour du lịch… cũng thường sử dụng các nhà sử học với vai trò cố vấn.
Nhà sử học thường làm việc toàn thời gian. Phần lớn thời gian làm việc, các nhà sử học thường nghiên cứu trong các viện, phòng nghiên cứu. Ngoài ra, các nhà sử học cũng dành thời gian nghiên cứu tại các cuộc khai quật, các cuộc điền dã ngoài trời.
Làm thế nào để trở thành một nhà sử học?
Để trở thành một nhà sử học bạn có thể lựa chọn theo học tại một số cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Đại học Huế, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, v.v
Để trở thành nhà sử học, bạn cần có ít nhất bằng thạc sĩ về chuyên ngành lịch sử văn hóa, xã hội học, một số vị trí yêu cầu bằng tiến sĩ và giáo sư. Ngoài ra, nhà sử học cũng nên có những phẩm chất sau:
- Kỹ năng phân tích:Các nhà sử học phải có khả năng kiểm tra các thông tin và dữ liệu trong các nguồn lịch sử và rút ra kết luận hợp lý;
- Kỹ năng giao tiếp:Kỹ năng giao tiếp là quan trọng đối với các nhà sử học vì họ có nhiều buổi thuyết trình về chuyên ngành lịch sử cho công chúng. Các nhà sử học cũng cần kỹ năng giao tiếp khi phỏng vấn những người thu thập lịch sử truyền miệng, tham vấn ý kiến với các chuyên gia khác, hoặc hợp tác với các đồng nghiệp tại nơi làm việc;
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Các nhà sử học phải trả lời những câu hỏi khó về lịch sử. Họ có thể điều tra một cái gì đó chưa biết từ một ý tưởng, sự kiện để giải mã thông tin lịch sử; hoặc xác định sự ảnh hưởng của lịch sử đến hiện tại;
- Kỹ năng nghiên cứu:Các nhà sử học phải có khả năng kiểm tra và xử lý thông tin từ một số lượng lớn các tài liệu lịch sử, văn bản, và các nguồn khác;
- Kỹ năng viết: Kỹ năng viết rất cần thiết cho các nhà sử học để viết báo cáo hay sách về các sự kiện và trình bày phát hiện lịch sử.
Lê Văn Lan (sinh năm 1936, người Hà Nội) là giáo sư sử học chuyên ngành cổ sử (tuy nhiên có một số nguồn ghi ông có học hàm phó giáo sư), phó chủ tịch Hội đồng khoa học Khu di tích lịch sử đền Hùng, một trong những người sáng lập Viện sử học Việt Nam, nhiều năm làm cố vấn lịch sử chương trình Đường lên đỉnh Olympia và SV 96 trên Đài truyền hình Việt Nam.
Thời học phổ thông lúc đầu Lê Văn Lan không để lại ấn tượng gì với thầy cô và bạn bè cùng lớp, thậm chí còn bị phê bình vì học kém, nhưng sau đó ông vươn lên đứng đầu lớp về các môn: Lịch sử, Sinh ngữ, Địa dư, Âm nhạc. Ở nhà Lê Văn Lan có hẳn một kho sách sử kinh điển mà bất cứ thầy dạy sử và người yêu sử nào cũng phải mơ ước.
Những năm năm mươi, trong các trường học chưa dạy môn Triết, nhưng Lê Văn Lan lại yêu thích môn học có tính suy luận và đòi hỏi mạch tư duy này đến lạ kì. Ông tìm đọc rất nhiều bản gốc của các triết gia Lão Tử, Khổng Tử, Đề-các, Hê-ghen… rồi so sánh, thắc mắc và đánh giá. Chính những điều này đã dần hình thành nên “ông cố vấn” Lê Văn Lan của rất nhiều chương trình liên quan đến Lịch sử ngày hôm nay.
Năm 1959, Lê Văn Lan tốt nghiệp cử nhân, năm 1960 ông công tác tại Ban cổ sử Viện Sử học Việt Nam; chuyên nghiên cứu về cổ sử, đặc biệt về thời đại Hùng Vương. Hơn nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, tính đến năm 2009, giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có một tài sản đáng kể với 20 đầu sách được in, 150 luận văn khoa học, huy chương, và khoảng 500 bài viết về lịch sử cho trẻ em. Ông quan niệm “Lịch sử là khoa học, không phải là công cụ giáo dục tư tưởng”.
Nhiều người đã nhạn xét Giáo sư Lê Văn Lan là một học giả uyên bác, nhiệt tình, cởi mở, có nhiều ý kiến sắc sảo, phong thái giản dị, trí tuệ tuyệt vời, vốn hiểu biết vô cùng rộng lớn và được điểm thêm bởi một cách ăn nói dí dỏm…
Bí ẩn trong tượng gỗ nhiều tuổi gấp đôi Kim tự tháp
Tượng gỗ Shigir là một bức tượng được phát hiện năm 1890 ở Sverdlovsk, rìa phía tây Siberia, Nga, bên dưới lớp than bùn đầm lầy ở mỏ vàng. Nó có niên đại gần 10 000 năm tuổi và là bức tượng gỗ lâu đời nhất trên thế giới, gấp đôi tuổi Kim tự tháp Ai Cập.
Bức tượng gỗ Shirgir được chạm khắc bằng những công cụ đá thô sơ trên gỗ thông rụng lá với phần thân hình chữ nhật, phẳng, chứa nhiều đường kẻ ngang ở phần giữa đại diện cho xương sườn. Theo các nhà nghiên cứu, có bảy gương mặt đại diện trong bức tượng này và nhiều biểu tượng hình học cũng như các biểu tượng trừu tượng khác.
Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất về ý nghĩa của tượng đá này. Một số người cho rằng khuôn mặt của bức tượng mang thông tin mã hóa của con người thuộc thời đại đồ đá giữa, là cách người xưa truyền lại nhận thức sơ khai về nguồn gốc con người và thế giới. Số khác lại tin rằng bức tượng là một bản đồ thời cổ đại, và lý giải những biểu tượng đường thẳng, lượn sóng và mũi tên chỉ con đường và lý trình đi tới một địa điểm nhất định.
Nguồn tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_Lan
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bi-an-trong-tuong-go-nhieu-tuoi-gap-doi-kim-tu-thap-3240996.html