Fixi.vn – Thật khó hình dung cuộc sống của những người khuyết tật, những người bị tai nạn… sẽ ra sao nếu không có sự hỗ trợ, chăm sóc của những nhà vật lý trị liệu. Không chỉ là những nhân viên y tế giúp người bệnh phục hồi thể trạng, những nhà vật lý trị liệu còn là nguồn động viên lớn nhất với bệnh nhân, giúp họ vượt qua những đau đớn, khó khăn, chiến thắng nỗi sợ tinh thần.
Mục Lục Bài Viết
Nhà vật lý trị liệu là ai?
Theo GS. Đỗ Đình Hồ, Nguyên trưởng khoa Điều dưỡng Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh, vật lý trị liệu là chuyên khoa về kỹ thuật y học thuộc khoa học sức khỏe hỗ trợ, chuyên thực hiện những kỹ thuật vật lý tác động lên người khuyết tật như nước, không khí, nhiệt độ, độ cao, điện, tia X, tia cực tím, tia hồng ngoại, siêu âm, các chất đồng vị phóng xạ, xoa bóp, thể dục – thể thao, đi bộ, dưỡng sinh. Người thực hiện các kỹ thuật này là điều trị viên vật lý hay kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Nhà vật lý trị liệu hay còn gọi là PT, cần bằng bác sĩ, bằng vật lý trị trị liệu (DPT).
Vật lý trị liệu có mục tiêu là phục hồi hình thể và chức năng nhằm khôi phục khả năng hoạt động vốn có của người khuyết tật mắc phải (do chấn thương hoặc tai nạn) và giúp người khuyết tật bẩm sinh có những hoạt động gần như người bình thường. Những nhà vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi và điều trị của bệnh nhân.
Nhà vật lý trị liệu làm gì?
Nhà vật lý trị liệu chủ yếu hoạt động tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, trò chuyện, trao đổi, theo dõi quá trình hồi phục và đưa ra các biện pháp trị liệu phù hợp. Trong thời gian điều trị cho người bệnh, nhà vật lý trị liệu cùng người bệnh xây dựng một mối quan hệ vừa là bác sĩ – bệnh nhân, vừa như những người bạn. Đó là cách vừa giúp quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi, vừa có thể giúp duy trì mối quan hệ thân thiết sau khi người bệnh đã hồi phục.
Để giúp bệnh nhân hồi phục, nhà vật lý trị liệu cần kết hợp sử dụng các tác nhân vật lý như quang trị liệu, nhiệt trị liệu, điện trị liệu, v.v với các bài tập vận động như bài tập tay không, tập với dụng cụ, tập với nước, v.v.
Nhà Vật lý trị liệu chiếm vị trí rất quan trọng trong y học
Công việc cụ thể của nhà vật lý trị liệu bao gồm:
- Xem xét bệnh án của bệnh nhân hoặc lấy thông tin từ bác sĩ, thầy thuốc.
- Quan sát bệnh nhân hoạt động (đứng, đi lại, v.v) để chẩn đoán khả năng hồi phục.
- Lên kế hoạch, đưa ra mục đích chữa bệnh và kết quả mong đợi khi chăm sóc người bệnh.
- Sử dụng các bài tâp, diễn tập kéo dài, thực hành điều trị và sử dụng các thiết bị để giảm đau, tăng khả năng đi lại của bệnh nhân, ngăn cơn đau và tạo điều kiện giữ gìn sức khỏe, các thiết bị trợ giúp như nạng, xe lăn, chân giả, các điện cực dính áp dụng kích thích điện để điều trị chấn thương và cơn đau.
- Đánh giá tiến trình bệnh, thay đổi kế hoạch chăm sóc và thử các liệu pháp chữa trị khác nếu cần thiết.
- Hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân làm thế nào để có được kết quả mong đợi và cách tốt nhất để phục hồi.
Nhà vật lý trị liệu làm việc ở đâu?
Hầu hết nhà vật lý trị liệu làm việc toàn thời gian, mặc dù nhà vật lý trị liệu làm việc trong giờ hành chính nhưng có một số người phải làm cả buổi tối và cuối tuần.
Sau khi hoàn thành khóa học về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhà vật lý trị liệu có thể làm việc trong:
- Nhóm chăm sóc sức khỏe, giám sát công việc của người phụ tá, cố vấn cho bác sĩ phẫu thuật;
- Các phòng khám tư, bệnh viện tư, bênh viện thành phố, trung ương hoặc các trung tâm chỉnh hình – phục hồi chức năng;
- Nhà riêng của bệnh nhân đối với những bệnh nhân có yêu cầu, khả năng tài chính hay điều kiện sức khỏe không cho phép.
Làm thế nào để trở thành nhà vật lý trị liệu?
Các cơ sở đào tạo nhà vật lý trị liệu tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường trung cấp Y khoa Pasteur Hà Nội;
- Tại miền Trung: Trường ĐH kĩ thuật y dược Đà Nẵng;
- Tại miền Nam: Trường Đại học Y Dược TP.HCM (Trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, điểm chuẩn Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng của trường cho thí sinh thi khối B là 21 điểm), Trường trung cấp kĩ thuật và công nghệ Cửu Long, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, Trung cấp y dược Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Huế.
Ngoài ra, có một số trường trong khu vực và quốc tế cũng đào tạo ngành vật lý trị liệu như La Trobe University – Úc, Kilroy Norway – New Zealand, Manchester College – Vương quốc Anh, v.v.
Trở thành một nhà vật lý trị liệu giỏi không phải là chuyện ngày một ngày hai mà cần quá trình tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm gian khổ. Không những vậy, người làm nghề vật lý trị liệu còn cần những phẩm chất khác để giúp người bệnh chiến thắng nỗi đau tinh thần để vượt qua nỗi đau thể xác.
Tố chất
- Lòng thương người: Với vai trò trợ giúp người bệnh giảm đi nỗi đau và mau chóng phục hồi, nhà vật lý trị liệu cần phải có sự đồng cảm với bệnh nhân nhằm thấu hiểu được suy nghĩ, khó khăn của họ trong quá trình điều trị, từ đó nói chuyện, chia sẻ giúp người bệnh vượt qua.
- Sự nhẫn nại: Tố chất này của người làm nghề vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân vượt qua rào cản tâm lý để chiến thắng bệnh tật.
Kỹ năng/Kiến thức
- Sử dụng thành thạo và nắm được phương pháp bảo quản các trang thiết bị trong khoa Vật lý trị liệu, thích ứng được với các trang thiết bị hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
- Kỹ năng điều trị: Nhà vật lý trị liệu sử dụng đôi tay để cung cấp các liệu pháp điều trị bằng tay và các bài tập điều trị như mát xa,…
- Kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, nguyên lý kỹ thuật- công nghệ và kiến thức chuyên môn ngành học để giải quyết độc lập, sáng tạo các vấn đề thuộc ngành Vật lý trị liệu.
Hiểu biết về pháp luật và các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Không ồn ào, khẩn trương như những khoa khám, chữa bệnh khác, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc – An Giang) lặng lẽ tiếp nhận bệnh nhân, giúp họ cải thiện sức khỏe bản thân. Nhưng đằng sau sự lặng lẽ đó, là những câu chuyện dài.
Mỗi bệnh nhân nhận viện đều có những khó khăn và mặc cảm sống khác nhau. Bé Đào con chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (41 tuổi, TP. Châu Đốc) sau căn bệnh bại não chỉ biết trườn, bò. Chú Trần Phú Hòa (47 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) hơn 1 năm trước đây là một người liệt nửa người sau cơn tai biến mạch máu não. Từ một lao động chính trong gia đình, chú phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào người khác. Ngoài nỗi đau về thể xác, chú mang thêm nỗi đau về tinh thần, khi bản thân trở thành gánh nặng cho người nhà.
Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh, một khó khăn khác nhau, nhưng những y bác sĩ trong Khoa Vật lý trị liệu không nản lòng giúp họ luyện tập phục hồi. Không chỉ phục hồi chức năng, các y bác sĩ ở đây còn xoa lành vết thương trong tâm hồn họ để tiếp thêm nghị lực người bệnh.
Điều dưỡng trưởng Lý Huệ Thanh chia sẻ: “Mục đích cuối cùng của Vật lý trị liệu là giúp người khuyết tật trở lại hoạt động bình thường hoặc gần như bình thường và hòa nhập cộng đồng. Nếu như người bệnh cần kiên trì và giữ vững tâm lý thì chúng tôi lại càng cần kiên trì hơn, luôn động viên họ tập luyện lâu dài để đạt kết quả cao nhất. Phải thật sự yêu nghề mới có thể làm tốt công việc”.
Kỹ thuật viên Trần Lan Phương nói thêm: “Qua thời gian công tác, tôi thấy yêu nghề hơn. Có dịp tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày, thời gian điều trị cho họ được tính bằng tháng, tôi được nghe họ trò chuyện rất nhiều. Dần dần, họ trở thành bạn với tôi, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống, từ những cơn đau nhức suốt đêm, áp lực của gia đình, tâm lý trở thành “người vô dụng” Tôi tự đặt mình vào vị trí của họ để hiểu họ hơn, biết cách chia sẻ, động viên và tránh làm họ tổn thương thêm”.
Chính sự nỗ lực và tình cảm của những người làm Vật lý trị liệu đã là nguồn cổ vũ để người bệnh có những tiến triển tốt đẹp. Đào khi đứng dậy đã không còn đau như trước còn chú Hòa đã có thể đứng đi lại và vận động được dù còn yếu.
Có thể thấy với những người làm nghề vật lý trị liệu không chỉ ở bệnh viên Đa khoa Tỉnh An Giang mà ở bất kì nơi đâu, kiến thức kĩ năng chỉ là một phần để họ giúp đỡ bệnh nhân phục hồi. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm, tình cảm, sự nhẫn nãi và trách nhiệm của những người làm nghề này.
Theo tài liệu dầu tiên được ghi chép, vật lý trị liệu bắt nguồn từ một nhóm các chuyên gia trong đó bao gồm Per Henrik Ling – cha đẻ của Thể dục dụng cụ Thụy Điển, người đã sáng lập ra Học viên Thể dục dụng cụ Hoàng gia vào năm 1813 chuyên và mát-xa và tập luyện. Vật lý trị liệu là từ bắt nguồn từ Thụy Điển “sjukgymnast” = “sick-gymnast” (bị bệnh – thể dục). Năm 1887, vật lý trị liệu được công nhân bởi Hội đồng Quốc gia về Y tế và Phúc lợi Thụy Điển.
Các nước khác cũng bắt đầu đưa vật lý trị liệu vào điều trị. Vào năm 1894, bốn y tá ở Vương quốc Anh thành lập Hiệp hội Chartered Vật lý trị liệu tiếp theo là Trường Vật lý trị liệu tại Đại học Otago ở New Zealand vào năm 1913, và tại Hoa Kỳ vào năm 1914 Reed College ở Portland, Oregon.
Vật lý trị liệu hiện đại được thành lập tại Anh vào cuối thế kỷ thứ 19. Không lâu sau, các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ bắt đầu điều trị cho trẻ em khuyết tật và các nữ vật lý trị liệu bắt đầu được đào tạo về lĩnh vực này. Những phương pháp điều trị này sau đó đã được áp dụng và phát huy hơn nữa trong dịch bệnh bại liệt của năm 1916.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, vật lý trị liệu trở nên nở rộ và cần thiết với những binh lính bị thương. Sau Thế chiến thứ nhất, ngôi trường Vật lý trị liệu đầu tiên được thành lập tại Bệnh viện Quân đội Walter Reed ở Washtington DC . Năm 1924, vật lý trị liệu được sử dụng để chữa trị bại liệt.
Năm 1921, những người làm vật lý trị liệu ở Hoa Kỳ thành lập American Women’s Physical Therapeutic Association mà ngày nay là Physical Therapy Association Mỹ (APTA), và hiện đang có khoảng 76.000 thành viên trên khắp nước Mỹ.
Hiệp hội Vật lý trị liệu Mỹ định nghĩa vật lý trị liệu như: “Ứng dụng lâm sàng trong việc khôi phục, bảo trì, và phát huy chức năng thể chất tối ưu”.
Ngày nay, vật lý trị liệu ngày càng phát triển và lan rộng ra nhiều nước, khẳng định được vai trò lớn mạnh của mình trong Y học.
Nguồn tham khảo:
http://www.chiropractorswarwick.co.uk/index.php/about-chiropractors-warwick/a-history-of-neuromusculoskeletal-healthcare/a-history-of-physiotherapy-physical-therapy/
http://www.thongtintuyensinh.vn/Nganh-Vat-ly-tri-lieu_C182_D8149.htm#.VimJw5D0FqU