Fixi.vn – Bộ phận cấp cứu là bộ phận bận rộn, cần phải nhanh chóng và đưa ra quyết định hợp lý trong tình trạng căng thẳng, trong những tình huống rất gấp. Là một nhân viên cấp cứu, yêu cầu đầu tiên chính là chăm sóc, cấp cứu cho bệnh nhân bằng mọi giá.
Mục Lục Bài Viết
Nhân viên cấp cứu là ai?
Nhân viên cấp cứu y tế là những người chuyên làm việc trong phòng cấp cứu, cung cấp những đánh giá nhanh chóng và điều trị cho bệnh nhân trong giai đoạn đầu của căn bệnh hay chấn thương trong các tình huống khẩn cấp, đe dọa tới tính mạng. Họ là những chuyên gia can thiệp nhằm ổn định tình hình của bệnh nhân với các biện pháp tức thời. Tùy thuộc vào các điều kiện mà họ có thể tiến hành điều trị hay chăm sóc bệnh nhân sau này. Nhân viên cấp cứu vừa phải có kiến thức y khoa chung lại phải có hiểu biết cụ thể về một số vấn đề bởi bạn vốn không biết trước bệnh nhân của mình sẽ mắc bệnh nào.
Nhân viên cấp cứu cũng có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp cho trẻ em, người già, thanh thiếu niên… trong ngày. Bộ phận cấp cứu là bộ phận bận rộn, cần phải nhanh chóng và đưa ra quyết định hợp lý trong tình trạng căng thẳng, trong những tình huống rất gấp. Bạn sẽ không có nhiều thời gian suy nghĩ mà cần nhanh chóng tiến hành chăm sóc bệnh nhân. Nhân viên cấp cứu thường xuyên phải đứng, đi lại, hiếm khi được ngồi một chỗ. Bạn cũng sẽ phải tiếp xúc với máu, dịch của bệnh nhân và cả các bệnh truyền nhiễm. Tuy vậy, không phải tình huống nào cũng khẩn cấp, ví dụ như những trường hợp chấn thương đơn giản như bong gân…
Nhân viên cấp cứu làm những công việc gì?
Là một nhân viên cấp cứu, bạn cần làm những công việc sau đây:
· Thực hiện các thao tác sơ cứu tạm thời ban đầu để bệnh nhân qua cơn nguy hiểm.
· Chuẩn bị dụng cụ, các trang thiết bị cần thiết để cấp cứu cho bệnh nhân. Trong các trường hợp quá nguy cấp, có thể cấp cứu cho bệnh nhân ngay tại chỗ.
· Tư vấn, phối hợp với các nhân viên khác để đánh giá, thực hiện sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân.
· Theo dõi, ghi lại các triệu chứng hoặc thay đổi trong tình trạng của bệnh nhân.
· Duy trì các báo cáo một cách chính xác và chi tiết về tình trạng của bệnh nhân.
· Thay đổi các biện pháp điều trị tùy theo tình trạng và phản ứng vật lý của bệnh nhân.
· Hướng dẫn người thân, gia đình bệnh nhân trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
· Giám sát các hoạt động chăm sóc bệnh nhân, gồm cả chế độ ăn uống, họat động thể chất…
· Đề xuất các kế hoạch điều trị dài hạn, quản lý việc sử dụng thuốc, lời khuyên cho bệnh nhân và người thân nếu phải nằm viện.
· Hỗ trợ bác sĩ trong quá trình phẫu thuật.
· Thông báo cho bác sĩ về tình trạng của bệnh nhân trong quá trình gây mê trước phẫu thuật.
Nhân viên cấp cứu y tế làm việc ở đâu?
Nhân viên cấp cứu chủ yếu làm việc trong các bệnh viện, khoa cấp cứu. Họ cũng có thể làm việc trong các chuyến tàu du lịch hay nhà tù nhằm cấp cứu các tình huống khẩn cấp xảy ra ở đây. Khi xảy ra các đại dịch tại khu vực nhất định, nhân viên cấp cứu cũng có thể là người trực tiếp xử lý các ca bệnh truyền nhiễm như H5N1, Ebola… Ngoài ra, họ còn phải ngồi theo các xe cấp cứu và thực hiện những thao tác sơ cứu ngay trên đường đi trong những tình trạng nguy kịch.
Là một nhân viên cấp cứu, bạn luôn phải làm việc trong tình trạng khẩn cấp bởi một giây, một phút lãng phí thời gian cũng có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân hoặc có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc. Đôi khi nhịp độ công việc gây cho bạn những căng thẳng, mệt mỏi vì tiếp xúc thường xuyên với những tình huống khẩn cấp, những cảm xúc đau thương của người nhà bệnh nhân… Điều đó là không thể tránh khỏi đối với một công việc có tính chất khẩn cấp như thế này.
Nơi đào tạo nhân viên cấp cứu y tế
Ở nước ta hiện nay chưa có chuyên ngành đào tạo riêng về cấp cứu vì công việc của nhân viên cấp cứu thường đi kèm với công việc điều dưỡng, vì vậy bạn có thể theo học chuyên khoa điều dưỡng tại các trường y như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược – Đại học Huế, Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, Đại học Y Khoa Vinh, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Thái Bình…
Điều đầu tiên mà một nhân viên cấp cứu cần có là khả năng nhanh chóng phân loại mức độ nghiêm trọng của trường hợp dựa trên hiểu biết của mình, đây là phương pháp ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế, tình trạng thực tế của bệnh nhân. Từ đó, đưa ra các đánh giá chính xác về tình trạng của bệnh nhân, cả về điều kiện thể chất cũng như tinh thần.
Bên cạnh đó, nhân viên cấp cứu y tế cũng cần có những kỹ năng như:
- Xử lý tình huống nhanh chóng: Với tính chất công việc là xử lý các tình trạng khẩn cấp, nhân viên cấp cứu phải là người suy nghĩ rất nhanh và mau chóng đưa ra quyết định hợp lý.
- Bình tĩnh, làm việc dưới áp lực: Nhân viên cấp cứu phải làm việc, phải đối mặt với các tình huống nguy kịch giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân. Bên cạnh khả năng làm việc nhanh chóng, họ cũng cần giữ được bình tĩnh để xử lý công việc hiệu quả, không sơ suất.
- Khả năng phân tích: Không những đánh giá nhanh, nhân viên cấp cứu còn cần khả năng phân tích và óc quan sát để đánh giá chính xác tình trạng của bệnh nhân, từ đó đưa ra biện pháp cần thiết.
- Kỹ năng tổ chức: Phải làm việc với nhiều bệnh nhân với nhu cầu khác nhau, nhân viên cấp cứu phải có khả năng tổ chức, sắp xếp trình tự công việc hợp lý.
- Khả năng giao tiếp: khả năng giao tiếp là kỹ năng quan trọng với nhân viên cấp cứu vì họ cần giao tiếp, lắng nghe người bệnh, thấu hiểu được vấn đề, bệnh tình mà người bệnh mắc phải và giữ cho người bệnh bình tĩnh.
Những ám ảnh suốt 30 năm của một bác sĩ cấp cứu
Với các bác sĩ cấp cứu, sự ám ảnh nhất là khoảnh khắc đối diện với nỗi đâu của người nhà bệnh nhân, trong có nhiều nỗi đau vượt ngưỡng chịu đựng…
Đại tá – Bác sĩ Phạm Văn Tiến – Trưởng khoa cấp cứu học viện Quân y 103 tâm sự rằng, ông chọn nghề lính bởi trót yêu bộ quân phục với chiếc thắt lưng to bản của chú bộ đội hàng xóm và thích vị lương khô mà đối với một cậu nhóc hồi đó, là một món cao lương. Đến bây giờ, gần 30 năm gắn bó với công việc cấp cứu bệnh nhân, bác sĩ Tiến chia sẻ: “Tôi thấy yêu nghề lắm và không hổ thẹn với con đường mình đã chọn”.
Với tất cả những trải nghiệm của mình, ông cho rằng cấp cứu là công việc phức tạp và áp lực nhất đối với các bác sĩ. Bởi bên cạnh chuyên môn, năng lực cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ còn phải có một sự tinh tế, khéo léo nhất định trong cách cư xử với người nhà bệnh nhân. Tại đây, các ca cấp cứu đa phần đều trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, người nhà bệnh nhân đều mong bác sĩ điều trị cho thân nhân mình trước. Nhiều trường hợp quát mắng, đe dọa bác sĩ, thậm chí, nhiều băng đảng giang hồ gây hấn sau đó kéo nhau vào bệnh viện. Thế nhưng không bao giờ các bác sĩ cấp cứu như ông được phép làm theo cảm tính. Nếu cùng lúc có nhiều người bệnh, bác sĩ phải nhìn tiên lượng bệnh nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm để cân nhắc cứu ai trước.
Ngoài chuyện bị đánh, chửi, vị Trưởng khoa cấp cứu cho biết, hơn ai hết, những bác sĩ tại khoa luôn là người dễ lây các bệnh truyền nhiễm nhất. Bởi như một bản năng và đòi hỏi đặc trưng của nghề nghiệp, tất cả phải lao ra cứu bệnh nhân khi họ nhập viện, không có thời gian để tính tóan thiệt hơn. Nhiều trường hợp nguy kịch, bác sĩ không kịp đeo găng, mặc áo bảo hộ. Họ sẵn sàng làm các thủ thuật sơ cứu cho bệnh nhân dù biết khả năng lây các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. “Nhưng bù lại, rất nhiều trường hợp nặng được cứu sống, đưa trở về từ cõi chết. Đó là niềm động lực cho những người làm cấp cứu” bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, khác với các khoa bệnh khác, cấp cứu đòi hỏi các y bác sĩ phải có kiến thức đa khoa, sẵn sàng cứu chữa tất cả các loại bệnh với một tác phong nhanh, không cho phép sự chậm chạp, đủng đỉnh. Tác phong ấy càng quan trọng hơn trong các đêm trực. Bởi lúc này, tại khoa chỉ có một bác sĩ và 3 y tá, trong khi bệnh nhân cấp cứu đêm (trung bình 100-120 ca) đa phần đều trong tình trạng bị thương nặng hoặc tai biến nghiêm trọng. Các y bác sĩ phải làm việc trong một áp lực lớn và rất ít thời gian để nghỉ ngơi.
Sau cùng, bác sĩ Phạm Văn Tiến chia sẻ:
“ Đừng nói rằng bác sĩ là người vô tâm bởi nếu vô tâm, không ai bất chấp tất cả để cứu người. Mỗi một bệnh nhân khỏe lại, nếu người nhà vui mười, chúng tôi cũng vui đến 8-9 phần. Ngược lại, trước một cái chết của bệnh nhân luôn là cảm giác nặng nề, ám ảnh. Ám ảnh nhất là khoảnh khắc đối diện với nỗi đau của người nhà bệnh nhân. Nhiều nỗi đau vượt ngưỡng chịu đựng, họ ngã quỵ ngay trước mặt chúng tôi. Điều đó thôi thúc chúng tôi luôn phải cố gắng hơn nữa, giành giật từng giây phút để kéo bệnh nhân trở về.
Vì vậy, xin hãy tin vào các bác sĩ cấp cứu bởi chúng tôi có sứ mệnh và mong muốn cứu bệnh nhân hơn bất kỳ ai. Đó là bản năng nghề nghiệp và cũng chính là lương tâm. Trong cấp cướp, mỗi giây phút đều vô cùng quý giá, có ý nghĩa quyết định đối với mạng sống con người. Nếu người nhà càng cuống, càng làm loạn, giục bác sĩ sẽ càng cản trở điều đó”.
Các thủ thuật dùng trong cấp cứu:
- Thủ thuật đặt nội khí quản
- Lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm
- Mở khí quản cấp cứu