Fixi.vn – Nghe có vẻ xa lạ nhưng nhân viên trắc địa là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai thích đo đạc, có thừa tính cẩn thận và sự tỉ mỉ, chuẩn xác.
Mục Lục Bài Viết
Nhân viên trắc địa là ai?
Trắc địa là ngành học liên quan đến sự đo đạc, biểu diễn, phân tích quy luật, cập nhật và hiển thị các thông tin không gian được thu thập từ những thiết bị đặt trên mặt đất cũng như trên tàu thuyền đến các bộ cảm biến đặt trên máy bay hay các vệ tinh chuyển động trên trái đất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau liên quan đến đặc điểm vật lý của trái đất và môi trường xây dựng.
Những thông tin này sẽ được xử lý, phân tích bởi các công nghệ tiên tiến nhất và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế xã hội như: quy hoạch thành phố và nông thôn, quản lý đô thị, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quản lý đất đai và quy hoạch sử dụng đất, thi công
Nhân viên trắc địa – một nghề nghiệp nghe có vẻ khá xa lạ nhưng nó là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai thích đo đạc, có thừa tính cẩn thận và sự tỉ mỉ, chuẩn xác. Bởi trắc địa là đo đạc và xử lý số liệu địa hình, địa vật trên bề mặt trái đất nhằm phác họa và quản lý được trên bản đồ. Nhân viên trắc địa là người trực tiếp tiến hành đo vị trí, tọa độ, độ cao, hình dạng, kích thước, phương hướng của địa hình.
Kết quả trắc địa là dữ liệu quan trọng trong mọi lĩnh vực từ Lập bản đồ, nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, thi công các công trình, giám sát giao thông, điện lực, viễn thông, thủy lợi cho tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý rừng, quản lý biến đổi khí hậu,…
Người kiến trúc sư vẽ nên một bản thiết kế hoàn hảo, còn chính nhân viên trắc địa sẽ quyết định đặt công trình đó ở đâu, quan sát quá trình hiện thực hóa nó với sự chi li, chăm chút và cẩn trọng nhất.
Nhân viên trắc địa làm gì?
Các nhân viên trắc địa đo đạc chính xác để quyết định giới hạn của các công trình. Họ cung cấp thông tin liên quan đến hình dạng và các đường viền phân cách của bề mặt Trái Đất để thực hiện được các dự án công trình, lập bản đồ và xây dựng.
Các nhà trắc địa học cung cấp tài liệu về các ranh giới hợp pháp của các công trình và giúp xác định vị trí chính xác của các bất động sản hay các công trình xây dựng. Ví dụ, khi một ngôi nhà hay một trung tâm thương mại được bán hay được mua, nó cần được khảo sát đo đạc để tránh những xung đột về ranh giới về sau. Trong quá trình xây dựng, các nhân viên trắc địa xác định vị trí chính xác của các tòa nhà, con đường, độ sâu nền móng của các tòa nhà và chỉ ra ranh giới tiềm năng sẽ thay đổi đối với từng loại công trình.
Trong công việc, các nhân viên trắc địa sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS)- một hệ thống vệ tinh xác định các điểm liên quan với độ chính xác cao. Họ chứng thực kết quả của hệ thống này và đọc ra kết luận.
Các nhân viên trắc địa cũng sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS)- một công nghệ cho phép các nhân viên trắc địa trình bày dữ liệu thu thập được một cách trực quan bằng hình ảnh thông qua bản đồ, báo cáo, biểu đồ…
Các công việc cụ thể của nhân viên trắc địa thông thường gồm có:
· Đi thực tế khảo sát địa hình, tiến hành đo đạc trắc địa, sử dụng các máy trắc đạc, xử lý số liệu thu được; hoặc lập bản đồ địa hình qua các thông tin thu được từ ảnh, vệ tinh, phục vụ cho công tác địa chính hoặc mục đích quân sự.
· Đo các khoảng cách và các góc giữa các điểm, trên và dưới bề mặt Trái Đất.
· Di chuyển tới các điểm khảo sát và dựa vào vị trí của những điểm liên quan đã biết để tìm ra vị trí của những đặc điểm quan trọng.
· Giám sát công trình, đánh dấu và kiểm tra mốc trong suốt quá trình thi công, đảm bảo thực hiện đúng với bản vẽ
· Quan trắc chuyển dịch và biến đổi của công trình
· Vạch ra các vùng nguy hiểm và các ranh giới chính thức của đất đai, vùng nước.
· Nghiên cứu các thông tin về đất đai, các số liệu đã đo đạc.
· Tìm các bằng chứng về các ranh giới trước đó để xác định đường ranh giới ở đâu.
· Ghi lại kết quả của việc đo đạc và chứng minh tính xác thực của các dữ liệu đó.
· Chuẩn bị các kế hoạch khảo sát, lập bản đồ, các bản báo cáo.
· Trình bày kết quả đo đạc và nghiên cứu đến khách hàng, chính phủ, đối tác, kĩ sư xây dựng, nhà quy hoạch và các bên liên quan khác.
· Cung cấp các xác minh chuyên gia trong các vụ án pháp luật liên quan đến đo đạc phân chia đất đai.
· Lên kế hoạch và thực hiện các nghiên cứu, khảo sát địa chất học, địa vật lý học, địa hóa học, thu thập mẫu, tiến hành các chương trình đào, khoan, kiểm tra để lấy dữ liệu cho nghiên cứu hoặc ứng dụng.
· Điều tra thành phần, kết cấu, lịch sử của các lớp đất qua thu thập, khám xét, đo đạc, phân loại đất, chất khoáng, đá và các mảnh hóa thạch.
· Dựa trên kết quả từ công trường hay nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, lập các bản đồ địa chất, các biểu đồ liên vùng liên quan đến khai thác khoáng sản, sử dụng đất, quản lí tài nguyên.
· Xác định và ước tính các mỏ khoáng sản, mỏ dầu, các nguồn nước ngầm, sử dụng các bức ảnh chụp từ trên không và các kết quả nghiên cứu, khảo sát.
· Tư vấn cho các công ty xây dựng và các bộ ngành trong chính phủ về việc xây dựng cầu cống, đường xá, thiết kế móng, sử dụng đất và quản lí tài nguyên.
· Lưu trữ, quản lý các dữ liệu trắc địa
Nhân viên trắc địa làm việc ở đâu?
Là một nhân viên trắc địa, bạn có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực trắc địa bản đồ hoặc liên quan tới trắc địa bản đồ như Cục Viễn thám quốc gia, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện,… hoặc làm việc trực tiếp với các công ty tư nhân về lĩnh vực Xây dựng, các công ty kỹ thuật khai thác mỏ,…
Ngoài thời gian trong phòng làm việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích số liệu thu thập được, lập bản đồ, bản vẽ, lập kế hoạch, báo cáo, các nhân viên trắc địa dành phần lớn thời gian ở ngoài công trường. Họ thường xuyên phải đi lại thường xuyên để tiến hành khảo sát, đo đạc, thậm chí nhiều khi phải đi xa đến các tỉnh khác, làm việc tại những nơi có địa hình khó khăn, gồ ghề hoặc làm việc trên độ cao để thu được con số chính xác. Công việc chính của họ là hàng ngày kiểm tra theo dõi những biến chuyển trong thi công công trình. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp họ trên đường với những dụng cụ như chiếc compa đại, ngắm nghía, để có thể đặt chính xác đến từng milimet tòa nhà hay những con đường theo quy hoạch.
Mỗi khi thi công một con đường lớn, một tòa nhà lớn, một công trình lớn đều phải có sự có mặt của nhân viên trắc địa.Một chiếc cột bê tông, một bức tường mới xây cần phải có sự tính toán xem có bị sự cố gì không, có đảm bảo đúng quy cách hay không, đã chính xác so với bản vẽ thiết kế hay chưa.
Bên cạnh những công trình lớn thì các mỏ than cũng rất cần sự có mặt của nhân viên trắc địa bởi hầm mỏ luôn có những biến động khôn lường vì sự chuyển rời, biến thiên của lòng đất, đòi hỏi sự tìm hiểu phân tích để sự an toàn lúc nào cũng được đặt lên cao nhất.
Làm thế nào để trở thành nhân viên trắc địa?
Hiện nay ở Việt Nam có các trường đại học đào tạo nhân viên trắc địa như:
- Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
- Đại học Mỏ địa chất Hà Nội
- Đại học Giao thông vận tải Hà Nội
- Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (chuyên ngành bản đồ viễn thám & GIS tại khoa Địa lý)
- Học viện Kỹ thuật Quân sự
- Đại học Xây dựng (chuyên ngành Kĩ thuật Trắc địa).
Ngành Trắc địa bao gồm các chuyên ngành như Đo ảnh – Viễn thám, Trắc địa công trình, Trắc địa phổ thông và sai số, Trắc địa cao cấp… Các chuyên ngành này sẽ đào tạo các kĩ năng, kiến thức cần thiết đối với một nhân viên trắc địa như kĩ năng đo đạc, tính toán, thiết kế lưới trắc địa, kĩ năng xử lí ảnh hàng không và ảnh vệ tinh, kĩ năng ứng dụng các phần mềm xử lí số liệu trong trắc địa, kĩ năng lập trình các bài toán trong trắc địa…
Các Trường Đại học, Học viên đào tạo ngành trắc địa sẽ cung cấp những kiến thức và kĩ thuật nền tảng và cần thiết nhất để các sinh viên có đủ năng lực, kĩ năng hành nghề nhân viên trắc địa. Tuy nhiên, muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này, khả năng tự học, tự rút kinh nghiệm từ thực nghiệm và cập nhật, tìm tòi các công nghệ trắc địa mới là rất cần thiết.
Tố chất và kĩ năng cần có để trở thành nhân viên trắc địa
- Kĩ năng giao tiếp: Các nhân viên trắc địa không làm việc một mình mà thường làm việc theo nhóm, là thành viên của một nhóm khảo sát hoặc một nhóm xây dựng, phải trao đổi thông tin, hợp tác với nhiều người, từ các nhân viên trắc địa khác đến các nhà thầu, chủ đầu tư, kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng, người ở hữu đất… nên kĩ năng giao tiếp, tương tác tốt là rất cần thiết để đảm bảo chất lượng công việc. Nhân viên trắc địa cần cung cấp các chỉ dẫn rõ ràng cho các đồng đội. Họ cũng phải nhận chỉ dẫn, yêu cầu từ các kiến trúc sư, người quản lí xây dựng, giải thích tiến độ công việc cho các nhà quy hoạch, lí giải các vấn đề phân chi đất, các thay đổi ranh giới đất cho các luật sư trong các vụ kiện về đất đai,… Nếu không có kĩ năng giao tiếp tốt thì các nhân viên trắc địa không thể truyền tải thông tin rõ ràng để đảm bảo những người tham gia dự án đều hiểu thông tin và thực hiện kế hoạch, giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Chú ý đến tiểu tiết: Các nhân viên trắc địa phải làm việc với độ chuẩn xác cao bởi bản chất liên quan tới pháp luật của các thông tin họ cung cấp. Việc đo đạc, khảo sát, phân tích phải chính xác đến từng milimet, không thể qua loa đại khái, nếu không chú ý đến tiểu tiết, tỉ mỉ, cẩn thận thì dễ dẫn đến sai sót, gây hậu quả về sau như sự không bền vững của công trình khi những biến đổi địa chất làm công trình dịch chuyển, sự tranh chấp đất đai, vi phạm lãnh thổ…
- Thể lực tốt: Các nhân viên trắc địa thường xuyên phải làm việc ngoài trời, nhất là những nơi có địa hình gồ ghề, trên độ cao, đối mặt với mưa nắng, thậm chí phải đi bộ nhiều, di chuyển nhiều, có những khi phải đi đến các tỉnh xa. Yêu cầu công việc không chỉ cần đến suy nghĩ trí lực mà còn phải dùng nhiều năng lượng thể lực như vậy đòi hỏi các nhân viên trắc địa phải có sức khỏe tốt, sức bền, dẻo dai, nhanh nhẹn.
- Kĩ năng giải quyết vấn đề: Các nhân viên trắc địa thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề bất ngờ do địa hình, địa chất thay đổi liên tục bởi sự chuyển động của Trái Đất và các mảng kiến tạo. Ví dụ, nhân viên trắc địa phải chỉ ra sự khác biệt giữa ranh giới đất đai trong các tài liệu và tình trạng hiện tại. Nếu có sự khác biệt so với các năm trước, các nhân viên trắc địa phải lí giải được tại sao các ranh giới đó đã được thiết lập lại. Vì vậy, các nhân viên trắc địa cần khả năng tư duy phản biện, kĩ năng phân tích đánh giá nhạy bén, linh hoạt để giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Khả năng kĩ thuật: Trắc địa là một ngành luôn phát triển không ngừng, liên tục có những đổi mới trong công nghệ, máy móc, phương pháp thu thập và phân tích số liệu giúp công việc của các nhân viên trắc địa dễ dàng hơn. Các nhân viên trắc địa phải sử dụng các công nghệ phức tạp, các phần mềm, chương trình máy tính nâng cao để phân tích số liệu, các máy móc như máy thủy bình, máy kinh vĩ, máy toàn đạc…, các thiết bị GPS để thu thập các dữ liệu, số liệu đo đạc. Vì vậy, nhân viên trắc địa cần có kiến thức chuyên môn kĩ thuật vững và học hỏi không ngừng để sử dụng thành thao, hiệu quả các phương tiện này trong công việc và cải tiến, sáng tạo ra các công nghệ tiên tiến hơn.
Một vài vị Tổng thống Mĩ được xếp hạng là một trong những nhân viên trắc địa nổi tiếng nhất trong lịch sử.
George Washington: Vào năm 1749, tin rằng việc định cư chiếm đóng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đất đai, các thuộc địa của Anh ở Virginia đã khuyến khích mở rộng thuộc địa về phía Tây bằng cách trao cho nhà đầu cơ 1000 acre đất cho mỗi gia đình họ chiếm được cho đất. Năm đó, ở độ tuổi 17, George Washington được bổ nhiệm làm Chỉ huy trắc địa cho Virginia. Washington trở thành nhân viên trắc địa có chứng nhận của liên bang đầu tiên ở Mỹ. Sau 3 năm, Washington đã biết đến miền Tây Virginia và nhận thức rõ tầm quan trọng của nó. Trong vài thập kỉ tiếp theo, ông vừa theo đuổi nghệ thuật quân sự vừa quan tâm đến việc bành trướng đất đai.
Thomas Jefferson: Một nhân viên trắc địa nổi tiếng khác là Thomas Jefferson, về sau cũng là một Tổng thống Mĩ. Ông được đề cử là nhà trắc địa của bang Albermarle, Virginia năm 1773. Được bổ nhiệm là một nhân viên trắc địa, ông đã dẫn dắt quốc gia trẻ theo hướng mở rộng lãnh thổ và phạm vi chiếm đóng. Một trong những thành tựu nổi tiếng của ông khi là chủ tịch là tổ chức chuyến đi Lewis & Clark để khám phá và khảo sát miền Tây. Meriwether Lewis và William Clark, những người đã khám phá ra khu vực Louisiana Purchase từ năm 1804 đến năm 1806, đã đóng góp môt phần lớn vào lịch sử trắc địa của Mĩ. Họ đã lập nên bản đồ khu vực với độ chính xác cao trong thời gian đó, tạo điều kiện cho việc bành trướng về phía Tây của nước Mĩ.
Cách đây khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập thường phải “phân chia đất đai” giữa các bộ tộc sau các trận lũ của sông Nil. Thuật ngữ “trắc địa” tức “phân chia đất đai” được ra đời từ đấy.
Sau Ai Cập, Cổ Hi Lạp có nền văn hoá phát triển mạnh. Khoảng 300 năm trước Công nguyên, nhà thiên văn học Eratosten đã cho rằng quả đất có dạng hình cầu, và đo được độ dài cung kinh tuyến.
Thế kỷ thứ 13, Trung quốc đã tìm ra la bàn và ứng dụng la bàn vào việc thành lập bản đồ hàng hải bằng phương pháp sao hoả tâm.
Thế kỷ thứ 16, nhà bản đồ học Mecartor đã tìm ra phép chiếu phương vị ngang đồng góc để vẽ bản đồ.
Thế kỷ thứ 17, nhà bác học Vecnie đã phát minh ra du xích.
Thế kỷ thứ 18, nhà bác học Lambert đo được độ dài kinh tuyến qua Pari và đặt ra đơn vị độ dài đo là mét.
Thế kỷ 19, nhà toán học Gauss tìm ra phương pháp chiếu đồ mới.
Trải qua nhiều thời đại, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và nền sản xuất xã hội, khoa học trắc địa ngày càng phát triển. Những phát minh kính viễn vọng, logarit, tam giác lượng mặt cầu… đã tạo điều kiện vững chắc cho sự phát triển của khoa học trắc địa.
Trong những thập kỉ gần đây, những thành tựu mới về khoa học kĩ thuật đã làm cho khoa học trắc địa có bước phát triển mạnh: kỹ thuật thăm dò từ xa (viễn thám) đã cho phép thành lập bản đồ từ ảnh máy bay, ảnh vệ tinh. Nhiều nước công nghiệp phát triển đã chế tạo ra nhiều máy trắc địa có kích cỡ nhỏ, nhiều tính năng, có độ chính xác cao, sử dụng máy tính điện tử vào việc giải các bài toán trắc địa có khối lượng lớn v.v… là những thành tựu mới nhất của khoa học áp dụng trong trắc địa.
Ở Việt Nam nói riêng, ngành trắc địa đã phát triển từ lâu. Nhân dân ta từ thuở xưa đã áp dụng kiến thức trắc địa vào sản xuất, quốc phòng. Việc xây dựng các thành luỹ cổ như thành Cổ Loa, kinh đô Hoa Lư, việc mở mang đường sá, sông ngòi qua các thời đại đã chứng minh vể hiểu biết trắc địa của nhân dân ta. Đặc biệt dưới thời nhà Lê, năm 1467, vua Lê Thánh Tôn đã cho người đi khảo sát núi sông để lập bản đồ nước Đại Việt thời Hồng Đức.
Đầu thế kỷ 20, sau khi thôn tính và lập nền đô hộ, Pháp đã tiến hành công tác đo vẽ cho toàn bộ Đông Dương nhằm mục đích khai thác tối đa vùng đất này. Việc đo đạc được tiến hành có tổ chức, áp dụng các phương pháp đo khoa học và các máy móc có chất lượng cao. Những bản đồ, hồ sơ còn lưu trữ nói lên điều đó. Hiện nay những bản đồ, những số liệu đo đạc từ trước năm 1945 vẫn còn được dùng trong một số ngành.
Trong thời kháng chiến chống Pháp (1646-1954) công tác trắc địa chủ yếu phục vụ cho quân sự: như trắc địa pháo binh, công binh, trinh sát … Sau cuộc kháng chiến thành công, nhà nước Việt Nam ra đời năm 1959 đánh dấu một bước trưởng thành của ngành trắc địa Việt Nam.