Fixi.vn – Nội trợ là một công việc xứng đáng có vị trí tương đương so với các nghề nghiệp khác. Nhất là ở phương Tây, nghề nội trợ được tôn trọng khá đúng mực. Nếu không có những người làm nghề nội trợ thì gia đình, nhân tố của xã hội sẽ đi đến đâu?
Mục Lục Bài Viết
Nội trợ là gì?
Những người làm nghề nội trợ thường là những người không làm công việc ở ngoài hoặc nghỉ việc để ở nhà chăm sóc, quán xuyến gia đình. Thông thường có ba lý do để một người trở thành nội trợ. Một là để chăm sóc chồng con; hai là ổn định hậu phương, ủng hộ sự phát triển sự nghiệp của chồng; và ba là bị bắt buộc. Phụ nữ có thể về nhà vì tạm thời bị thất nghiệp, nhưng do khả năng kinh tế của người chồng cũng đủ nuôi gia đình, nhiều người không vội tìm việc làm mà ở nhà chăm sóc gia đình, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng.
Ngày nay, công việc nội trợ không chỉ dành riêng cho cho mỗi chị em phái yếu. Trong nhiều gia đình, ở cả nước ngòai và Việt Nam, vai trò người nội trợ trong gia đình được các đấng mày râu đảm nhiệm và họ coi đó là một công việc vô cùng thiêng liêng, giúp đỡ vợ trong cuộc sống hàng ngày.
Một người làm nghề nội trợ không có nghĩa là họ ở nhà nhàn rỗi, không làm việc gì. Nếu đánh giá họ bằng cái nhìn chuyên nghiệp, có thể thấy rằng tuy họ ở nhà, nhưng ít nhất họ phải cùng một lúc đảm nhiệm mười vai trò xã hội như: người giúp việc, cô nuôi dạy trẻ, bác sĩ tâm lý, nhà dinh dưỡng học…
Nghề nội trợ làm gì?
Người làm nghề nội trợ có công việc chính là quản lý gia đình. Bạn chăm sóc và giáo dục con cái, chuẩn bị bữa ăn cho con bạn hàng ngày, đưa con bạn đi học rồi lại đón về vào mỗi buổi chiều. Rồi bạn đi chợ, mua đồ ăn, thực phẩm về chế biến thành những món ăn cho gia đình bạn. Bạn phải lo liệu cất đặt, bảo quản đồ ăn tại những nơi thóang mát, tránh bị hư hỏng, thối rữa. Các vật dụng trong gia đình, từ quần áo, giày dép, bàn ghế… cần thiết cho gia đình cũng một tay bạn mua sắm, dọn dẹp, lau chùi cho sạch sẽ.
Bình thường bạn chỉ dọn dẹp mỗi phòng học, phòng ngủ của bạn thôi đã mất nguyên cả một ngày trời nói gì đến những việc khác. Vậy những người nội trợ, bạn có nghĩ công việc của họ đơn giản?
Nghề nội trợ làm việc ở đâu?
Nói đến nội trợ đương nhiên tất cả chúng ta đều hiểu môi trường “làm việc” chính là ngôi nhà thân yêu của mình. Các công việc mà một người nội trợ cần làm cũng xoay quanh những vật dụng trong nhà như quét tước, rồi việc bếp núc, dọn dẹp, chăm sóc cho chồng và con cái.
Các điểm chợ, trung tâm mua sắm, siêu thị, trường học… cũng là nơi mà các bà nội trợ thường xuyên ghé qua để hoàn thành các đầu việc của mình.
Học nghề nội trợ ở đâu?
Không có một trường hay cơ sở nào đào tạo ngành nội trợ cả. Tuy nhiên với công việc như chuyện bếp núc hay chăm sóc con cái, bạn có thể tham gia vào các khóa học chuyên dạy nấu nướng hay làm thế nào để nuôi dạy con tốt nhất. Bạn cũng có thể tham gia vào các buổi tọa đàm thảo luận về dinh dưỡng, cách dạy con khoa học để chăm sóc gia đình.
Nghề nội trợ cần có những tố chất sau:
- Yêu thích và có trách nhiệm với công việc chăm sóc gia đình.
- Linh hoạt, nhanh nhẹn, khéo léo trong việc sắp xếp làm nội trợ.
- Biết cách cư xử với gia đình, người thân, bạn bè.
- Biết cách tự chăm sóc mình, chú ý đến phong cách riêng của bản thân và tận hưởng cuộc sống.
- Suy nghĩ thực tế, tích cực, và hài lòng.
- Tôn trọng, quan tâm đến công việc và sở thích của bạn đời bằng cách lắng nghe, cùng chia sẻ khó khăn.
- Chăm chỉ, chịu khó làm lụng.
“Ở nhà làm hậu phương vững chắc”
Câu này chắc nhiều cô nhiều chị được các mẹ các bà mình dặn dò, nhắn nhủ không ít lần. Nào gia đình là tổ ấm, đàn bà phải biết vun vén sao cho cơm lành canh ngọt, chăm sóc con cái, để ý “đối Nội đối Ngoại”. Nào phải biết hy sinh, nhẫn nhịn, chồng sang con sướng thì mình nở mày nở mặt chứ ai…
Thành ra, sự nghiệp của người phụ nữ bỗng nhiên trở thành thứ yếu. Rủi thay cho cô nào có chút sự nghiệp, lấy anh chồng giàu thì càng dễ trở thành đối tượng được các dì, các cô khuyên ở nhà cho sướng thân hay ít ra cũng ở nhà chăm con cho tốt. Chúng ta không thành kiến với quan niệm phụ nữ nên là hậu phương vững chắc trong gia đình, dù sao đó cũng là một sự phân công có phần hợp lý. Nhưng làm “hậu phương” thực ra đâu có sướng thân, cũng chưa chắc đã tốt cho con cái!
Tủi phận hậu phương
Cái việc làm mang tên hậu phương đó tính ra cũng cỡ 5 nghề cộng lại: giúp việc, điều dưỡng, cô giáo, kế toán và quan hệ công chúng. Nếu tính thử, thuê một người giúp việc nấu ăn, trông nom và dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con mình đi học… mỗi tháng sẽ tốn khoảng 4 triệu đồng. Lương một cô giáo mầm non hoặc tiểu học để dạy dỗ con mình ít nhất 4 triệu nữa. Mức lương cho một nhân viên điều dưỡng có kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ bị bệnh cũng không dưới 4 triệu.
Chưa kể trả lương cho người làm kế toán để cân đối thu chi trong nhà, lập kế hoạch tiết kiệm… đâu đó cũng tầm 4-5 triệu. Cuối cùng, nhân viên quan hệ công chúng để lo đối Nội đối Ngoại, xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp của chồng lương tệ lắm cũng phải 5-6 triệu. Sơ sơ vậy đã thấy mỗi tháng chi phí tiền lương cho năm nhân viên nói trên không dưới 20 triệu đồng. Vậy mà cái người phụ nữ hậu phương kiêm nhiệm công việc của cả năm người đó thường không được trả lương tương xứng.
Buồn hơn, nhiều khi họ lại mang tiếng ăn bám chồng, hoặc bị các mợ, các cô hàng xóm dè bỉu nếu nuôi con không được bụ bẫm, lanh lợi. (Mà mấy cái tiêu chí bụ bẫm và lanh lợi này thì hết sức cảm tính và lắm khi mang nhiều ác ý).
Dại gì ở nhà!
Phụ nữ được nuôi dạy đàng hoàng, có năng lực làm việc mà phải ở nhà chẳng phải là một sự lãng phí sao? Hơn nữa, gia đình chỉ có một nguồn thu nhập thì thật bấp bênh trong thời buổi thóc cao gạo kém, việc làm không ổn định và nhiều rủi ro hiện nay.
Chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp vợ ở nhà nội trợ, gặp lúc chồng trắc trở đường sự nghiệp, giảm hoặc vì lý do bất khả kháng bị mất thu nhập thì khốn đốn. Nhiều chị em ở nhà lâu ngày, ít tiếp xúc xã hội và chậm cập nhật thông tin thành ra không theo kịp con và khó nuôi dạy con cho tốt. Chưa kể khoảng cách giữa chồng và vợ ngày càng xa, hạnh phúc gia đình càng khó dung hòa khi hai bên không thông hiểu được nhau.
Vậy nên, nếu người chồng không đủ khả năng trả lương tương xứng cho vợ làm việc nhà, hãy để cô ấy cùng bước ra xã hội lao động và tự tin phát triển cùng nhau. Việc nhà chẳng bao giờ hết, cả hai cùng làm việc ngoài xã hội thì cũng cùng san sẻ những trách nhiệm trong gia đình.
Cuộc sống đã khác, vai trò của chồng và vợ trong gia đình cũng nên điều chỉnh cho phù hợp. Ai còn quan niệm đàn bà chỉ để loanh quanh nội trợ, nương bóng tùng quân thì chỉ có thể là những người đàn ông thiếu bản lĩnh mà thôi!
Những hiểu lầm “chết người” về những người phụ nữ nội trợ.
Hiểu lầm thứ nhất: họ là những con người rất truyền thống.
Nhiều người cho rằng, người phụ nữ nội trợ chỉ ở nhà và chăm sóc nhà cửa, con cái. Thế nhưng, trong thực tế hàng trăm năm trước, người phụ nữ ngoài việc chăm sóc gia đình, họ còn tham gia vào chính trị và nhiều công việc khác. Theo ghi chép của Cambridge Journals, vào thế kỷ 18 ở Anh, hàng nghìn gia đình trong đó, người vợ ngoài việc lo lắng việc bếp núc, họ còn đóng vai trò kiếm tiền ngang với chồng. Do vậy, quyết định ở nhà và chăm sóc con cái không phải là “nghĩa vụ truyền thống” mà tất cả phụ nữ phải tuân theo, đó đơn thuần chỉ là sự lựa chọn.
Hiểu lầm thứ hai: người chồng sẽ quyết định số phận cho họ.
Lựa chọn ở nhà nội trợ là quyết định của người phụ nữ và là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng, chứ không phải là sự áp đặt của phái mạnh. Do vậy, nếu bạn đang có ý định để cô ấy chuyên tâm công việc chăm sóc gia đình thì hãy vui vẻ khi một lúc nào đó nàng muốn quay trở lại làm việc. Bởi đơn thuần bạn không có quyền quyết định cuộc sống của họ. Hãy thực hiện các thỏa thuận để cả hai luôn vui vẻ và gia đình hạnh phúc.
Hiểu lầm thứ ba: họ tách rời thế giới thực.
Hiểu nhầm này chính những bà nội trợ cũng mắc phải. Nhiều người ban đầu chấp nhận ở nhà lo chuyện cơm nước, nhưng sau đó chính họ lại than vãn rằng chỉ vì “sứ mệnh” đó mà họ dần xa với thế giới thực, không cập nhật được cuộc sống bên ngoài và có vẻ đang bị “cô lập”. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lệch mà chính nó có thể là nguyên nhân dẫn tới những cuộc cãi vã không đáng có trong gia đình bạn.
Bạn là một thực thể trong thế giới thực và nó vẫn đang vận hành xung quanh bạn. Bạn không hề bị “out” hay loại bỏ khỏi thế giới đó. Khoảnh khắc bạn dọn dẹp nhà cửa, con cái vui đùa hay mua sắm đồ cho gia đình chính là thực tế cuộc sống. Bạn hoàn toàn có thể chủ động để mình trở nên “cập nhật hơn” bằng cách dành thời gian đọc báo, gặp gỡ bạn bè hoặc nhận việc làm thêm ở nhà. Chắc chắn rằng cuộc sống của một bà nội trợ sẽ không hề nhàm chán nữa!
Hiểu lầm thứ tư: nội trợ đơn thuần là nghĩa vụ của người phụ nữ.
Đây là hiểu nhầm tai hại khiến nhiều cặp vợ chồng mới cưới thường xuyên gặp phải. Bạn có thể nghĩ rằng một khi đã trở thành vợ, cô ấy nên nấu cơm cho bạn và luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Tuy nhiên, đừng ép buộc và cho rằng cô ấy PHẢI làm điều đó cho bạn. Trong xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng và người phụ nữ cần được tôn trọng. Họ sẵn sàng trở thành một người vợ ngoan ngoãn, một bà nội trợ đảm đang, nếu đổi lại, chính người chồng phải luôn nhận ra trách nhiệm và vai trò của họ trong gia đình. Đừng bao giờ so sánh thu nhập của bạn với những gì họ đã hy sinh để có một căn nhà thoáng mát và những đứa con khỏe mạnh. Họ cần được “trả lương” một cách công bằng và bằng tình yêu chứ không phải bằng sự “cân, đo, đong, đếm” hay bất kỳ sự áp đặt nào từ bạn.
Hiểu lầm thứ năm: họ không phải là chuyên gia.
Nhiều người cho rằng công việc nội trợ quá đơn giản, đơn thuần chỉ là dọn nhà, nấu nướng, chăm sóc con cái. Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng xuất sắc và tất nhiên, hiếm có người đàn ông nào có thể hoàn thành tốt công việc này cả. Trở thành một người nội trợ cũng đồng nghĩa bạn là một con người đầy nghệ thuật, một chuyên gia về chăm sóc gia đình và giữ gìn mái ấm.
Một người phụ nữ nội trợ là một người quản lý, một nhà tâm lý, một chuyên gia về dinh dưỡng, một chuyên gia về ẩm thực, thậm chí họ còn là một nhà thiết kế tài ba. Bởi lẽ, bất kỳ một chi tiết nào trong ngôi nhà, từ bếp núc tới chuyện con cái đều được họ chăm sóc kỹ càng và đầy nghệ thuật. Họ là những người phụ nữ tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được.